Ca nương kể chuyện hát ca trù ở Hàn Quốc

Ca nương kể chuyện hát ca trù ở Hàn Quốc
TP - Ca nương Phạm Thị Huệ vừa cùng giáo phường Ca trù Thăng Long tham dự Lễ hội Di sản Văn hóa Phi Vật thể Châu Á - Thái Bình Dương Jeonju 2011. Về Hà Nội, đào Huệ vẫn bồi hồi nhớ mùi cá khô nơi khách sạn xứ Hàn…

> Đờn ca tài tử rồi cũng phai nhạt, nếu…

Ca trù Thăng Long trình diễn tại Hàn Quốc Ảnh: Hoa Hựu
Ca trù Thăng Long trình diễn tại Hàn Quốc. Ảnh: Hoa Hựu.
 

Ban tổ chức Lễ hội Di sản Văn hóa Phi Vật thể Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai diễn ra tại cố đô Jeonju của Hàn Quốc (10 đến 13-6) đã tìm ra Ca trù Thăng Long qua mạng và mời đích danh chỉ 1 tháng trước khi lễ hội diễn ra.

Đoàn Ca trù Thăng Long dự lễ hội gồm 6 nghệ sĩ. Điều đặc biệt là nghệ sĩ biểu diễn cao tuổi và thấp tuổi nhất lễ hội đều ở đoàn Việt Nam. Đó là lão nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và đào nhí Nguyễn Huệ Phương - con gái đào nương Phạm Thị Huệ.

BTC đánh giá cao sự tiếp nối thế hệ này và yêu cầu cả 3 thế hệ của đoàn Việt Nam (thêm đào nương Phạm Thị Huệ) có mặt tại buổi họp báo, trong khi mỗi đoàn khác chỉ yêu cầu 1 đại diện. Ca trù Thăng Long cũng có chương trình biểu diễn riêng ngay sau lễ khai mạc.

Dự lễ hội quốc tế về, Huệ Phương (12 tuổi) chăm học hát ca trù hẳn lên. Trước đây Phương từng “dọa” mẹ: “Có khi con không theo nghề đâu. Con nghĩ nghề này không nuôi được con”. Chị Huệ phải an ủi: “Rồi giai đoạn khó khăn sẽ qua. Ca trù đang được thế giới quan tâm, con đừng lo…”.

Lần đầu đưa Ca trù Thăng Long xuất ngoại để lại cho Phạm Thị Huệ (còn là giảng viên đàn tỳ bà, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) nhiều ấn tượng về ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của nước bạn. Trên đường phố Jeonju, trong thời gian diễn ra lễ hội, Huệ bắt gặp những đoàn thiếu nhi tầm 8-13 tuổi, hát, trình diễn nhạc cụ truyền thống hào hứng, say sưa. Khán giả vây quanh hò reo vỗ tay, nói đế (giống như trong chèo).

“Các em trình diễn với phong thái chuyên nghiệp. Qua cung bậc, lối rung nhấn, tôi biết đó là âm nhạc truyền thống thực sự”. Chị Huệ cũng cho biết những nghệ sĩ nhỏ tuổi này mới chỉ được đào luyện bậc trung cấp tại các nhà văn hóa hoặc cơ sở đào tạo địa phương. Những nghệ sĩ chơi nhạc cải biên không mặc trang phục truyền thống và chơi ở sân khấu riêng. Điều thú vị là khán giả đến với nhạc truyền thống thường đông hơn nhạc cải biên.

Phạm Thị Huệ cũng được gặp Biểu tượng Di sản Văn hóa Truyền thống của Hàn Quốc - tham gia biểu diễn trong lễ hội. Đó là một nghệ nhân hát nhạc truyền thống tuổi ngoài 70.

“Một mình ông hát và diễn với chiếc quạt trong 40 phút cùng một nhạc công đánh trống mà không một tích tắc nào tôi cảm thấy nhàm chán dù không hiểu ngôn ngữ”, Huệ nhận xét. Nghệ nhân Hàn Quốc có phong thái tự tin, nói tiếng Anh vèo vèo, thậm chí nói được cả tiếng Việt. Ông từng có nhiều dịp sang Việt Nam biểu diễn. Gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, ông nói ngay: “Chào cụ, tôi là nam ca sĩ Hàn Quốc…”

Ca nương kể chuyện hát ca trù ở Hàn Quốc ảnh 2
 

“Chính sách đối đãi với nghệ nhân thể hiện sự trân trọng của nhà nước với di sản, là cách để xây dựng một nền văn hóa quốc gia vững mạnh, có tầm ảnh hưởng quốc tế”, Huệ nhận xét.

Theo Phạm Thị Huệ, Hàn Quốc có chính sách rõ ràng về văn hóa đối ngoại và đối nội. Các sản phẩm đưa ra ngoài như ca nhạc, phim ảnh, thời trang… có giá trị cao về thương mại, tiếp thị. Còn về đối nội, nước bạn vẫn coi trọng giáo dục văn hóa truyền thống. Tinh hoa truyền thống thường tập trung ở những trung tâm văn hóa du lịch như Jeonju. Đâm ra có câu: Đến Hàn Quốc, mà chưa đến Jeonju thì coi như chưa đến Hàn Quốc.

Lễ hội Di sản Văn hóa Phi Vật thể châu Á - Thái Bình Dương Jeonju 2011 diễn ra tại làng Hanok, thành phố Jeonju. Đây là dịp tôn vinh tinh hoa văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Thái Lan, Đài Loan…) và giới thiệu văn hóa truyền thống Hàn Quốc.

 

Đoàn Việt Nam lưu trú ở một khách sạn gia đình. Hầu hết các khách sạn khác trong vùng đều theo mô hình đó. Không gian khách sạn đầy chất truyền thống. Ở một góc sân treo bó củi nhỏ tượng trưng cho rừng, góc đối diện treo mấy con cá khô tượng trưng cho biển. “Đầu tiên, mình thấy hơi khó chịu. Nhưng quen rồi lại thấy thân thương. Giờ ngửi mùi cá khô sẽ lại nhớ đến những ngày ở Hàn”, Huệ kể.

Bà chủ nhà muối rất nhiều loại kim chi và trình diễn cách chế biến món bibimbap (bạn kể, món này ngày xưa dành để bồi dưỡng cho vua khi ngài bị ốm) cho các thực khách Việt Nam. Các thành phần thức ăn nhiều màu sắc tượng trưng cho âm dương và 4 hướng Đông Tây Nam Bắc cuối cùng được cho vào một chiếc chậu lớn, mọi người cùng cầm thìa trộn đều. Khi ăn mỗi người xúc ra bát riêng…

Cũng thử đi ăn ở những chỗ khác, nhưng Huệ nhận ra về khách sạn ăn vẫn là ngon nhất. Phạm Thị Huệ: “Từ cách chào hỏi, đối đãi của chủ nhà toát lên bản sắc Hàn Quốc một cách tự nhiên. Mỗi khi quay về khách sạn tôi cảm giác như về nhà”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG