Các nhà làm phim ngại chạm đến nghề báo?

Các nhà làm phim ngại chạm đến nghề báo?
TPCN - Trong khi bộ phim "Đèn vàng" của VFC đang trình chiếu trên Văn nghệ chủ nhật – VTV3 thì "Nghề báo" do TFS sản xuất cũng bắt đầu lên sóng trên HTV9 từ ngày 10/6/2006.
Các nhà làm phim ngại chạm đến nghề báo? ảnh 1
Lê Vi và Phạm Cường trong phim "Đèn vàng"

Đây là những bộ phim đầu tiên làm về nghề báo. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Thùy Linh – tác giả kịch bản, biên tập phim Đèn vàng và NSƯT Phi Tiến Sơn - đạo diễn phim Nghề báo.

Là những người đã từng làm phim về nghề báo, theo ông bà làm phim về đề tài này khó hay dễ?

NSƯT Phi Tiến Sơn (PTS): Dễ vì đây là một nghề nóng, va đập với mọi mặt của cuộc sống. Nghề báo là một nghề hấp dẫn và mạo hiểm, vừa vất vả lại vừa cám dỗ, có sang trọng và không thiếu nhọc nhằn…

Nhưng làm phim về đề tài nghề báo lại cũng rất khó vì không dễ nắm bắt và thể hiện đúng mạch các nhà báo. Mà khán giả thì luôn tò mò muốn hiểu những con người lâu nay vẫn ẩn sau những con chữ.

Nhà văn Thùy Linh (TL): Làm phim về đề tài nào cũng khó như nhau cả thôi. Nghề báo vốn sôi động, phản ánh nhiều mặt của xã hội nên đất cho người làm phim cũng khá rộng. Cái khó nhất, theo tôi không phải là kể lại câu chuyện hoạt động báo chí mà làm sao để qua những tình huống của phim có thể toát lên được những dằn vặt, trăn trở vốn rất phức tạp của nhà báo.

Nói vậy nghĩa là đề tài nghề báo cũng hấp dẫn đấy chứ? Thế mà trong khi nghề công an có sêri phim Cảnh sát hình sự, nghề giáo viên có cả những bộ phim nhựa hàng tỉ đồng… thì mãi cho đến nay , Đèn vàng, Nghề báo mới chỉ là hai bộ phim đầu tiên thực sự làm về đề tài này?

PTS: Cũng dễ hiểu thôi, hơn chục năm trở lại đây, báo chí nước ta là một kênh thông tin quan trọng đang phát huy và khẳng định vai trò của mình trong tiến trình đổi mới và dân chủ hóa xã hội. Vì thế, không chỉ mỗi giới làm phim ngại “dính líu, va chạm” đến nghề báo đâu…

- …Nghĩa là khi làm phim về nghề báo, các nhà làm phim ngại rằng sẽ “bị” các nhà báo “quan tâm đặc biệt”? Họ lại là những người “ẩn sau những con chữ”, có diễn đàn?

TL: Tôi không sợ bị chê, cũng không ngại bị (hay được) các nhà báo để ý nhiều đến những bộ phim của mình. Thực sự khi tham gia làm bộ phim Đèn vàng tôi thấy sướng vì mình được nói nhiều điều mà khi làm những bộ phim khác tôi không thể có được cơ hội ấy.

PTS: Còn tôi lại tin rằng với những nhân vật nhà báo thông minh, sắc sảo, đa chiều, phức tạp và sinh động, phim Nghề báo sẽ lôi cuốn được người xem. Xem xong phim độc giả sẽ yêu và cảm thông với các nhà báo hơn. Còn các nhà báo sẽ tự hào và yêu nghề của mình hơn.

Trong nhiều phim của chúng ta, nhân vật nhà báo thường được dựng lên như một đại diện công lý (có thể do hình ảnh công an, toà án đã trở nên quen thuộc).

Mà phàm đã là sứ giả của công lý thì luôn đúng nên những nhân vật này dễ bị áp đặt, khô cứng. Với Nghề báo tôi muốn xây dựng hình ảnh những người tạo ra dư luận, nói lên tiếng nói của công luận. Đây là một cách đặt vấn đề theo tôi khác hẳn với những người đi trước.

Cho đến nay vẫn chưa có lấy một nhân vật nhà báo nào trên phim ảnh được xem là nhân vật điển hình của nghề báo, nhà báo. Lấy nhà báo làm nhân vật trung tâm và có tới hàng chục nhà báo cùng xuất hiện, nhân vật nào được các ông bà kỳ vọng nhất trong phim của mình?

TL: Tất nhiên trong bộ phim Đèn vàng, tâm điểm của bộ phim chính là toà soạn báo Tiếng dân và nhân vật chính vẫn là Vĩnh như trong tiểu thuyết của nhà văn, nhà báo Trần Chiến.

Nhưng nhân vật yêu thích nhất của tôi lại là Sắc. Trong hoạt động nghề nghiệp, anh ta băm bổ, xông xáo vào từng sự kiện nhưng cũng không thiếu sự sắc sảo, tinh tế trong những bài viết, câu chữ.

Trong tính cách Sắc vừa có cái gì đó rất đểu lại rất tử tế, vừa công bằng, sòng phẳng lại vừa lọc lõi… Với Sắc đôi khi không thể nói rõ trắng đen, không thể xếp anh ta vào loại nhân vật chính diện, cũng không thể là phản diện. Anh ta như người đi trên dây. Sắc chính là nhân vật hội tụ nhiều sắc thái của các nhà báo nhất.

PTS: Họ là một nhóm nhà báo, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một tính cách. Nhân vật nào cũng đẹp và có lẽ vì thế nên họ dễ bị tổn thương.

 Phúc Nghệ (thực hiện)

MỚI - NÓNG