Cần minh bạch thu phí tham quan

Phí tham quan nhiều di tích, danh thắng tăng cao khiến người dân lo ngại. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Phí tham quan nhiều di tích, danh thắng tăng cao khiến người dân lo ngại. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
TP - Câu chuyện tăng phí tham quan một số thắng cảnh, di tích gần đây khiến không ít người dân, doanh nghiệp băn khoăn.

Bất cập

Người dân phản ánh mới đây BQL Khu di tích chùa Bà Đanh - Núi Ngọc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) dựng quầy thu phí vào chùa 30 ngàn đồng/người lớn, trẻ em 10 ngàn đồng, người già và người khuyết tật 15 ngàn đồng. Việc thu phí không do BQL quyết định mà do Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Kim Bảng trực tiếp phụ trách. Theo lí giải của đơn vị, việc thu phí này đúng quy định, thực hiện theo chủ trương của UBND tỉnh Hà Nam về thu phí thắng cảnh trên địa bàn. Sự việc gây không ít bức xúc, bởi nhiều người dân chỉ đến vãn cảnh và lễ chùa cũng phải mua vé là bất hợp lý.

Trở lại khu danh thắng Tràng An đầu năm 2019, gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh (Hà Đông) ngỡ ngàng với mức phí tham quan tăng lên 200 ngàn đồng/người lớn. Năm ngoái gia đình anh cũng du lịch Tràng An, nhưng mức phí chỉ 150 ngàn đồng/người lớn. Anh Tuấn Anh ngạc nhiên hơn nữa khi Nghị quyết HĐND tỉnh Ninh Bình chỉ quy định mức 150 ngàn đồng/người lớn. Đem thắc mắc hỏi công ty du lịch được giải thích do doanh nghiệp tăng giá tùy tình hình thực tế.

Đại diện một số doanh nghiệp tổ chức tour đi Tràng An cho hay, việc thông báo tăng phí khá gấp nên đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Khách quốc tế thường đặt tour sớm cả nửa năm trước. Khách Việt Nam đi theo đoàn cũng có thể đặt sớm 2-3 tháng nên doanh nghiệp chốt hợp đồng sớm. “Tăng giá vé dẫn đến đầu vào tăng, chúng tôi không thể báo lại cho khách nên đành nhận phần thua thiệt về mình. Khách lẻ tới nơi thấy tăng giá đương nhiên không hài lòng rồi”, đại diện một doanh nghiệp nói.

“Câu chuyện không nằm ở mức trả cao hay thấp, điều quan trọng là mức phí đó phải công khai minh bạch. Du khách trả phí nghĩa là đóng góp vào bảo tồn di sản, họ cần biết sự đóng góp đó được sử dụng thế nào, cơ chế giám sát ra sao. Thực hiện được điều đó du khách mới yên tâm”.   

PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch

Câu chuyện tăng phí tham quan thắng cảnh, di tích không phải mới bởi trước đó du khách và doanh nghiệp từng bức xúc: Trong vòng hơn một năm BQL vịnh Hạ Long hai lần tăng phí tham quan ở mức cao. Theo đó, mức phí tham quan dự kiến áp dụng trong năm 2019 tăng lên 50 ngàn đồng/người. Phí lưu trú trên vịnh một đêm tăng từ 550 ngàn đồng lên 950 ngàn đồng/người với tuyến 2 (Hang Trống, Trinh Nữ, Hồ Động Tiên, Hòn Lát, Ti Tốp). Khách tham quan lưu trú hai đêm cũng phải trả thêm 600 ngàn đồng/người so với giá cũ. Những người tổ chức tour Hạ Long còn băn khoăn bởi mức tăng phí như ở Hạ Long chưa có dấu hiệu dừng lại, có thể tiếp tục được điều chỉnh trong thời gian tới.

Giám sát thế nào

Đối với khu du lịch tư nhân việc thu phí, tăng giá có thể chấp nhận được do tư nhân bỏ tiền đầu tư. Du khách Nguyễn Tuấn Anh cho rằng di sản thiên nhiên như Tràng An không thể coi là của riêng, không thể tăng phí tùy tiện. Tương tự một số du khách bày tỏ sự thất vọng với BQL vịnh Hạ Long vì liên tục tăng phí tham quan. “Trước đây cả nước chung tay nhắn tin bình chọn để Hạ Long thêm danh hiệu kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Nay họ quay lưng lại chặt chém chính người dân là điều không chấp nhận được”, du khách Nguyễn Minh Ngọc vừa du lịch Hạ Long bức xúc.

Có thể mức thu phí tham quan ở một số danh thắng thế giới so với khu vực và quốc tế chưa cao, tuy nhiên những người làm du lịch lưu ý rằng mức thu phí dựa trên thu nhập trung bình ở Việt Nam. Một số nước thậm chí còn miễn phí tham quan di sản thế giới, đổi lại là các dịch vụ và sản phẩm du lịch để thu lợi từ du khách. “Tôi nghĩ rằng việc tăng phí cần có sự tham gia của Tổng cục Du lịch, bởi nó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Bộ Tài chính nên xem mức phí hợp lí hay chưa, dựa trên căn cứ nào và chi bao nhiêu để tái đầu tư, bảo tồn di sản”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc cty TransViet phân tích.

Ông Nguyễn Thái Bình, Người phát ngôn Bộ VHTTDL giải thích, việc thu phí và lệ phí đều có quy định rõ ràng. Cụ thể danh thắng, di tích thuộc trung ương do Bộ Tài chính quy định, còn lại do Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết. Tuy nhiên ông nêu quan điểm thu phí cần minh bạch, số tiền thu được cần tái đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích mới mong được đồng thuận. Hội An là một trong những địa phương minh bạch trong việc thu phí, tái đầu tư trở lại di tích khoảng 50% doanh thu vé tham quan. 

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.