'Cánh diều Vàng' gây tranh luận

Lan Ngọc và Đình Toàn trong lễ trao giải Cánh diều Vàng Ảnh: Trọng Thịnh
Lan Ngọc và Đình Toàn trong lễ trao giải Cánh diều Vàng Ảnh: Trọng Thịnh
TP - Ban giám khảo phim truyện nhựa năm nay đông kỷ lục - 13 người, vinh danh tới 7/10 phim dự thi. Như để ghi nhận một năm đại thắng của điện ảnh nước nhà? Giải Vàng và giải Bạc cũng không hẳn nằm trong dự đoán của nhiều người trong nghề. 'Cánh đồng bất tận' nhận giải báo chí.

> Tối nay, trao giải Cánh diều: Vàng lỡ hẹn?

Lan Ngọc và Đình Toàn trong lễ trao giải Cánh diều Vàng Ảnh: Trọng Thịnh
Lan Ngọc và Đình Toàn trong lễ trao giải Cánh diều Vàng - Ảnh: Trọng Thịnh.

Giải Bạc cũng xôn xao

Trong 15 lá phiếu bầu phim hay nhất giải Báo chí phê bình điện ảnh, Cánh đồng bất tận thắng nhờ hơn Khát vọng Thăng Long một phiếu (8 so với 7). Giải này đã sang năm thứ 5 nhưng kể từ nay mới đưa vào hệ thống chính thức của Cánh Diều.

Tiêu chí của giải báo chí là: Nghệ thuật+ Hướng đến khán giả. Còn tiêu chí giải Cánh Diều là tính sáng tạo, tính chuyên nghiệp và hiệu quả xã hội tích cực. Theo một ủy viên BCH Hội Điện ảnh VN, tiêu chí khán giả không được đề cao lắm.

Nếu phải xem những phim như Hoa đào, Nhìn ra biển cả, Thiên sứ 99, Cô dâu đại chiến, Tây Sơn hào kiệt…vv, sẽ thấy Long thành cầm giả ca đáng trân trọng. Bao nhiêu tâm huyết trong đề tài, phục trang, hình ảnh. Nhưng sao phim xem mãi không hết? Là bởi quá thiếu cao trào, thiếu tình tiết, nhân vật chính nhợt nhạt. Nguyễn Du có thể không như khán giả hình dung nhưng cách kể chuyện phải hấp dẫn và nhân vật chính phải ra nhân vật chính.

Long thành cầm giả ca là tên bài thơ của Tố Như, tạm dịch: Bài ca về người gảy đàn đất Thăng Long. Kịch bản của Văn Lê phóng tác dựa trên ý thơ, kể câu chuyện thời tao loạn đất Thăng Long, và mối tình không ra mờ không ra tỏ của Tố Như với cô đào tên Cầm.

Nhớ lại khi phim mới ra rạp, nhà phê bình điện ảnh Đoàn Minh Tuấn nhận xét vẻ hài hước: “Có hai phim trong bộ phim này: Phần đầu Long thành, phần sau là Cầm giả ca”- ám chỉ sự rời rạc, chắp nối.

Một chi tiết như vụ tự tử của Thoại Trung Hầu do Bùi Bài Bình đóng, cũng bị anh quy kết là bằng chứng căn bệnh phi lý của điện ảnh nội: “Nhân vật này không hề liên quan gì đến Nguyễn Du và Cầm, chưa hề được mô tả số phận, tính cách thì việc ông ta chết có nghĩa lý gì.

Ban giám khảo phim truyện nhựa: Trần Luân Kim (trưởng ban), Nguyễn Vinh Sơn (phó ban), Nguyễn Thanh Vân, Phạm Quang Vĩnh, Đỗ Kim Cuông, Chu Lai, Phó Đức Phương, Trần Thanh Hiệp, Đinh Thiên Phúc, Trần Quốc Dũng, Bùi Tuấn Dũng, Hồng Ánh, Hoàng Anh.

Chỉ một lần thấy ngồi trong xe ngựa, thế rồi trên đường về quê lại đùng đùng rút gươm tự vẫn ở nơi đồng không mông quạnh vì “thời thế đảo điên quá”. Khi nhân vật chọn cái chết, cũng phải để các nhân vật khác chứng kiến và thể hiện thái độ. Bằng không thì ông ta sống hay chết cũng chẳng ảnh hưởng tới ai”.

Có giả thiết Long thành cầm giả ca được tôn vinh là vì những nguyên nhân sau: Đề tài lịch sử; phim về Thăng Long làm dịp đại lễ; phim nhà nước; không nhiều phốt như một số phim quá tệ khác. Người thích thì khen đây là bộ phim “vị nghệ thuật”, người chê chê hết lời “Khúc hát nhạt Long thành cầm giả ca”.

Phim đã có cơ hội ra mắt dịp trọng đại kỉ niệm nghìn năm Thăng Long và và dự thi Liên hoan phim quốc tế Việt Nam, đều không thành công. Nay với việc khoác thêm danh hiệu mới, có thể khán giả sẽ kiên nhẫn hơn chăng?

Việc Vũ điệu đam mê đoạt giải Bạc ngang với Khát vọng Thăng Long, Cánh đồng bất tận là một sự lạ. Với kết quả này, ban giám khảo khá cứng tuổi (có 2/13 vị tuổi U40, còn lại đều gần 50, 60, 70 tuổi) chứng tỏ được một điều là họ cũng khá “trẻ” khi xưng tụng một bộ phim về giới trẻ mê hip hop.

Chỉ sợ chính người trẻ lại không mặn nồng với bộ phim về họ. Đơn giản là vì nó không hay! Có người còn đặt nghi vấn về việc có tới bốn gương mặt của Hãng phim truyện VN ngồi ghế giám khảo, mà phim này do bổn Hãng thực hiện. Có nhẽ đâu thế.

Mấy cô bé cậu bé mê nhảy nhưng gia đình ngăn cấm, muốn con đầu tư vào việc học hành và thi đại học- mô-tip quen thuộc tự thuở nào. Ở ta, phim về giới bác sĩ chắc chắn đầy cảnh bệnh viện và blu trắng, phim về nghề báo sẽ có tòa soạn+ nhân vật vác máy ảnh, phim về hip hop ắt có nhảy nhót (tập tành rồi biểu diễn, lúc đầu qui mô nhỏ sau lớn hơn). Còn ngôn ngữ, cá tính, nội tâm của họ thì hơi khó thấy. Nếu có thì giới nào cũng giống giới nào.

Một nhà biên kịch nghe tin Vũ điệu đam mê đoạt giải, ngã ngửa: “Tôi tưởng phim đó được báo chí đưa vào ứng viên Mâm xôi mà”. Chả là hôm xem xong Vũ điệu đam mê Thiên sứ 99, có đạo diễn xui: “Báo chí nên có giải kiểu như Mâm xôi của Oscar, bên cạnh giải phim hay” và được đáp rằng có thể để năm sau, nếu Hội thấy cần.

Giải nam nữ diễn viên chính: May không lặp lại kịch bản năm ngoái

Chuyện khó tin xảy ra năm ngoái, đó là Minh Hương đoạt Nữ diễn viên chính xuất sắc (phim Đừng đốt), và diễn viên Việt kiều Trịnh Hội trở thành nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Thuở còn là chồng của Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Trịnh Hội làm MC còn khả dĩ, chứ diễn viên là nghề quá xa lạ và anh đã chứng minh điều đó trong 14 ngày phép.

Bộ phim anh đóng- thuộc loại dở nhất năm, đoạt giải Bạc duy nhất, cả giải kịch bản- trong khi Chơi vơi chỉ đoạt Khuyến khích. Một đồng nghiệp là cộng tác viên Tiền Phong đã phải giật tít: “Ngạc nhiên, thất vọng từ A đến Z” với kết quả Cánh Diều năm ngoái. Nay Vũ điệu đam mê ngoài giải Bạc khó tin còn đoạt giải quay phim.

Kết quả nam nữ diễn viên chính năm nay dành cho Vũ Đình Toàn (Khát vọng Thăng Long) và Lan Ngọc (Cánh đồng bất tận) hợp lý hơn. Dù diễn xuất của họ chưa phải hoàn hảo. Vừa hiện lên khuôn hình Cánh đồng bất tận, Lan Ngọc đã cho thấy sự hợp lý từ ngoại hình, ánh mắt.

Về cuối cô thiếu sự bứt phá dù hoàn toàn có đất diễn. Vũ Đình Toàn (Khát vọng Thăng Long) nổi lên trong các ứng viên dù đôi lúc bị “kịch” (anh vốn là diễn viên sân khấu) trong khi Quách Ngọc Ngoan lại không như vậy.

Phim truyện nhựa

Cánh diều Vàng: Long thành cầm giả ca. Cánh diều Bạc: Khát vọng Thăng Long, Cánh đồng bất tận, Vũ điệu đam mê. Bằng khen: Vượt qua bến Thượng Hải, Tây Sơn hào kiệt, Cô dâu đại chiến. Nam diễn viên chính: Vũ Đình Toàn. Nữ diễn viên chính: Lan Ngọc. Nam diễn viên phụ: Võ Thanh Hòa. Nữ diễn viên phụ: Cao Thùy Dương.

Đạo diễn xuất sắc: Lưu Trọng Ninh (Khát vọng Thăng Long).Quay phim: Hoàng Dũng (Vũ điệu đam mê). Biên kịch: Văn Lê (Long thành cầm giả ca). Nhạc sĩ: Quốc Trung (Cánh đồng bất tận). Họa sĩ: Nguyễn Trung Phan, Nguyễn Mạnh Đức (Long thành cầm giả ca). Âm thanh: Nguyễn Trung Hiếu (Cô dâu đại chiến).

Cánh diều Vàng thể loại khác

Phim truyện video: Bí thư tỉnh ủy. Giải cá nhân: Biên kịch Vân Thảo (Bí thư tỉnh ủy), đạo diễn Lê Cung Bắc (Vó ngựa trời Nam), nam diễn viên Huỳnh Đông (Vó ngựa trời Nam), nữ diễn viên Minh Châu (Bí thư tỉnh ủy).

Phim tài liệu video: Tội ác rừng xanh. Phim hoạt hình: Người con của rồng. Phim ngắn: Mẹ và con, Đường kiến (Cánh diều Bạc).

Tội ác rừng xanh - phim tài liệu đáng xem?

“Chúng tôi xem phim trong năm ngày, bốn ngày đầu không thấy gì nhưng ngày cuối lại có vài phim được, nổi lên là Tội ác rừng xanh, phim của tư nhân, nói về nạn bẫy thú rừng.

Phim quay rất giỏi, chẳng hạn bọn khỉ chỉ huy nhau như thế nào, tổ chức kỳ công ra sao để chống lại việc bị bẫy. Và kỳ công của đám người tìm đủ cách để bẫy khỉ. Có những chi tiết rùng rợn như bẫy rồi vặn răng khỉ khi nó đang khỏe mạnh”- Nhà thơ Trần Đăng Khoa, ban giám khảo phim tài liệu cho biết.

Hỏi thấy anh xuất hiện ở cuộc chiếu phim truyện, sao không chấm phim truyện, anh phát biểu: “Dù được mời tôi cũng không bao giờ nhận chấm vì tôi không tin ở phim truyện Việt Nam, giả nhệch ấy mà”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG