Cao và thấp

Cao và thấp
TP - Ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, người đẹp, người mẫu xứ ta thường bị cho là người cao nhưng đầu không tương xứng.

Rồi bị miệt thị ngực khủng, ngực giả, cao thế làm sao thông minh được, mình không cao nhưng người khác phải ngước (cúi) nhìn. Ngôn ngữ kỳ thị giăng như khói đốt đồng trên đại lộ Thăng Long! Đúng – sai; hay - dở lẫn lộn.

Giờ đang lình xình vụ Chế Linh. Sở có quyền bác đơn xin phép của ông bầu, nhưng Cục nghệ thuật biểu diễn lại cấp. Cao thấp chưa phân định, ai hơn ai chưa hiểu. Nhưng nghe nói, sau Cục còn có cấp cao hơn? Mập mập mờ mờ, chuyến tàu hoàng hôn về quê hương của Chế Linh sao mà gian truân.

Một nhà sử học có lần trao đổi với nhà báo: “VN không có tầng lớp elite (tinh hoa, thượng lưu). Anh đừng viết là tôi nói điều này, nếu không lại có một cuộc tranh cãi thấp cao và nhận xằng nhận bậy”. Sao thế nhỉ?

Nhìn sang các lĩnh vực khác, cao - thấp ngày càng “trừu tượng” dần. Chung cư cao tầng, tiêu chuẩn không cao, mà trình độ quản lý lại thấp. Diện tích vườn hoa công cộng ở đây ít ỏi, vì thế chung cư là nơi nén nhiều dân nhất. Chẳng biết có nên tự hào?

Chung cư cũ còn tệ hơn. Chủ tịch thành phố Hà Nội nói: “Cải tạo chung cư cũ như húc đầu vào tường”. Ông cho biết: “Người dân không muốn di chuyển đi xa vì thương hiệu hộ khẩu ở trung tâm, việc thuyết phục rất vất vả, mấy năm nay chưa giải quyết được”.

Thương hiệu ư? Ở trung tâm mà chui rúc ngõ nhỏ phố nhỏ, chục hộ “quản” một nhà vệ sinh, khói than tổ ong bay um cả khu tập thể, cả ngày không thấy mặt trời. Ở trung tâm mà không nghề nghiệp, bám lấy vỉa hè để bán trà đá, đĩa lậu, giày Trung Quốc. Thương hiệu kiểu gì?

Có đại biểu Quốc hội phản đối xây dựng Luật Biểu tình bằng lập luận: Dân trí thấp và điều kiện kinh tế chưa thuận lợi. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa trả lời báo chí: “Nói dân trí thấp là xúc phạm nền dân trí VN”. Dân biểu còn chưa thống nhất dân trí VN cao hay thấp, huống gì dân đen mơ hồ.

Không phân biệt được cao thấp, không rành rẽ được thang mức giá trị, không thừa nhận nhau đang là tình hình chung cho thấy phần nào trật tự xã hội. Và đằng sau nó, là vấn đề văn hóa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.