Cắt tóc, che mặt phản đối buôn người

Phan Ý Ly dẫn dắt khán giả diễn xuất Ảnh: N.M.Hà
Phan Ý Ly dẫn dắt khán giả diễn xuất Ảnh: N.M.Hà
TP - Triển lãm nghệ thuật về đề tài chống buôn bán người thu hút hàng trăm khán giả đến với lễ khai mạc 20-5 tại tiền sảnh rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội). Triển lãm kéo dài 1 tuần.

> Nhạc jazz xuống đường cùng tranh 'người lớn'

Phan Ý Ly dựng những vở kịch tương tác nhan đề Trái tim duy nhất với diễn viên và người xem chính là khách xem triển lãm.

Qua việc nhập vai nạn nhân và thủ phạm, khán giả sẽ hiểu sâu hơn về sự nghiêm trọng, phi nhân của tệ nạn này và tích cực tham gia phòng chống.

Mở đầu, Ly cho từng đôi khán giả đóng vai mẹ/bố và con. Chỉ trong vài phút, các diễn viên sẽ cảm nhận được tình thương và công sức của bố mẹ nuôi con khôn lớn rồi già yếu đi.

Câu chuyện bắt đầu khi người bố (diễn viên xịn đóng) bị bệnh và người con nhận được lời gạ gẫm đi làm ở thành phố lớn với thu nhập không tưởng…

Điều thú vị là các diễn viên “bất đắc dĩ” trong màu áo xanh tình nguyện nhập vai khá dí dỏm, còn khán giả được hỏi ý kiến về cách xử lý tình huống mà kịch bản đặt ra.

Tò mò với “tóc” của Doãn Hoàng Kiên
Tò mò với “tóc” của Doãn Hoàng Kiên.

120 lọ thủy tinh chứa các món tóc được đậy kín. Nắp lọ dán mã vạch. Nhìn kỹ thì thay vào các con số thường thấy ở mã vạch là các chữ cái phối hợp lại thành tên của tác giả: Doãn Hoàng Kiên.

Tác giả nói: “Tóc như tín hiệu nói về thân phận người ta bây giờ được đóng gói trong lọ thủy tinh để xuất khẩu”.

Họa sĩ Kiên cho hay anh đã thuyết phục mọi người thuộc đủ các thành phần cho cắt tóc để làm tác phẩm. Thông điệp có thể đọc được ngay: Bất cứ ai cũng có thể trở thành món hàng, bị chiếm hữu.

Vì thế việc phòng chống tệ nạn buôn người là của mỗi người. Tuy nhiên, Kiên muốn đánh động chủ yếu vào sinh viên- những trí thức tương lai- để có thể cùng anh tuyên truyền về hiểm họa buôn người và cách phòng tránh. Vì thế, ngoài xin tóc ở quán nước, Kiên cùng CTV đi vào các trường ĐH xin tóc và thông tin.

Cũng sử dụng mã vạch làm tâm điểm cho tác phẩm nhưng các con số trên mã vạch của Na Sơn có ý nghĩa hẳn hoi. Đầu tiên, 893 là mã số hàng hóa của Việt Nam, 4 chữ số tiếp theo là năm sinh của nạn nhân. 6 chữ số cuối là ngày, tháng, năm họ bị bắt cóc hoặc bị bán.

Hầu hết nhân vật trong ảnh đều cầm bảng mã của chính mình che kín mặt. Một vài không thích che mặt (sợ xấu?) thì khi làm hậu kỳ, nhiếp ảnh gia cũng che mặt họ lại.

Theo Na Sơn, các nạn nhân không chỉ bị mua bán để làm lao động khổ sai, mại dâm mà nhiều khả năng còn bị lấy nội tạng. Rất may các nhân vật của anh chưa bị vì đã được cứu thoát kịp thời.

Dưới các bức ảnh đen trắng của bộ ảnh Mã vạch, là các chú thích kiểu: “Hầu Thị C. (sinh 1974) và con gái Vàng Thị G. (sinh 2010) ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang bị đối tượng Hầu Sào Sình ở xã Bạch Đích lừa bán sang Trung Quốc với giá 9000NDT vào khoảng tháng 10-2010”.

Na Sơn từng cùng nhà báo Thu Trang tìm hiểu về nạn buôn người ở Hà Giang từ 2007. Theo anh, nạn bắt cóc ở biên giới giảm đi nhưng lừa bán người có xu hướng tăng.

“Do kinh tế khó khăn, người ta bị thúc đẩy bởi lợi nhuận,” Na Sơn nói. “Dù sao nạn buôn người cũng giảm phần nào do sự tuyên truyền của Hội LH Phụ nữ. Các đồn biên phòng tập huấn cho dân về cách phối hợp khi xảy ra sự vụ nên bắt cóc không xảy ra nữa”.

Nạn nhân bắt cóc mới nhất trong ảnh của Na Sơn rất may chưa bị bắt. Cách đây mấy tháng, cô bé 14 tuổi đang đi lấy củi với bố thì bị quây. Hai bố con tri hô, những người gần đấy nghe thấy cũng hô lên và chạy đến. Bọn bắt cóc bỏ chạy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG