Câu chuyện chiến tranh với tác giả 'Hồi ức lính'

Vũ Công Chiến ký tặng sách trong buổi ra mắt “Hồi ức lính” năm ngoái. Bên cạnh là vợ anh và nhà văn Ngô Thảo. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Vũ Công Chiến ký tặng sách trong buổi ra mắt “Hồi ức lính” năm ngoái. Bên cạnh là vợ anh và nhà văn Ngô Thảo. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
TP - Chiến tranh trong cuốn sách phi hư cấu 700 trang “Hồi ức lính” được viết hay đến nỗi không thể không gặp lại tác giả của nó- Vũ Công Chiến để trở lại đề tài này vào những ngày tháng Tư lịch sử.

Thời điểm này năm ngoái, người viết (DPV) không khỏi ngạc nhiên khi “Hồi ức lính” - một cuốn sách gai góc, không ngần ngại phơi bày bi kịch, tổn thất, sự thật nghiệt ngã của chiến tranh lại được xuất bản một cách hoàn chỉnh và không vấp phải phản ứng bất lợi nào. Cho đến tận bây giờ?

Một bạn đọc, ông Lưu Như Hải cũng nói với tôi: "Ngoài tác giả, cho tôi gửi lời cám ơn đến người biên tập và cả người kiểm duyệt". Là em ruột nhà văn Lưu Quang Thuận tức chú ruột Lưu Quang Vũ, hệ tư tưởng của ông Hải khác anh trai và gia đình phía Bắc của mình. Ông ra nước ngoài theo diện HO, trước đó đi cải tạo 8 năm dù trong chiến tranh chỉ là dân thường, dạy tiếng Anh cho một nhóm sĩ quan ở sứ quán Mỹ. 

Sách về chiến tranh như “Hồi ức lính” chắc chắn khiến nhiều nhà văn thầm ghen tị dù không nói ra. Anh có biết vì sao không?

Anh Bảo Ninh nói với tôi: “Muốn tìm hiểu chiến tranh thì đọc của Chiến chứ không phải cuốn nào khác. Nỗi buồn chiến tranh chỉ nói được một phần. Kể về chiến tranh, ông thì tô hồng ông thì viết đọc sợ. Nhưng thực chất thế nào? Chiến đã kể được chuyện người lính sống như thế, chiến đấu như thế, suy nghĩ như thế một cách chân thực”. 

Ðồng ngũ nhiều người cũng nói Hồi ức lính đáng đọc nhất trong tất cả sách về chiến tranh, và họ thấy mình trong đó. Có người vốn là lính quân đội Sài Gòn viết cho tôi rằng Hồi ức lính là cuốn hay nhất về chiến tranh và đặc biệt cả hai phe đều đọc được.

6 năm chiến trận của anh và đồng đội hiện lên trong trang sách cho thấy đời lính thật đáng sống vì nó quá phong phú, có thể bằng cả đời của người khác? Dù nói như đồng bào dân tộc trong “Hồi ức lính”: “Bộ đội quen chết rồi”? Quen chết và tận khổ, đôi khi vượt quá sức chịu đựng của con người?

Ðời lính gian khổ nhưng tôi luôn nhớ nó, bởi nó dạy cho mình tình yêu cuộc sống, yêu con người. Từ chiến trường trở về, tôi đã sống như thế bởi tôi nghĩ: Trong chiến tranh mình sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, kẻ thù khi đã buông súng không còn là kẻ thù, thì sao bây giờ không thể đối tốt với người thân, đối tốt với hàng xóm, nhân ái vị tha. Như thế bao năm đi chiến đấu, mang danh anh bộ đội Cụ Hồ mới có ý nghĩa.

Trở về đời thường, tôi không bị hội chứng chiến tranh nhưng nói thật là không dám cắt tiết gà. Tai nạn giao thông không dám nhìn. Trong nhà hay sang hàng xóm thấy con chó con mèo cũng thương.

Cũng có người hỏi tôi có day dứt chuyện từng giết người? Tôi nói chiến cuộc lúc ấy nó thế, không thể khác. Những người không may ngã xuống, trước đó cũng coi chiến tranh phải vậy.

Câu chuyện chiến tranh với tác giả 'Hồi ức lính' ảnh 1

Vẫn nói về cái chết. Sách của anh mô tả vô cùng nhiều cái chết, muôn kiểu chết. Rất chân thực cũng rất điện ảnh, văn chương. Dân gian vẫn đùa: “Bộ đội thế là thường”, ý nói bất kỳ điều gì xảy đến cũng không lạ. Các anh thực sự coi cái chết nhẹ tựa lông hồng?

Hồi đó nói thật là chúng tôi ra đi ít nghĩ ngày về. Nhìn đồng đội bị thương, hy sinh, càng thấy không thể lui. Nhiều khi bảo nhau, chết không sợ nhưng gian khổ quá thì có khi phải tính song khi ra đến tuyến trước, không ai có ý rút lui, sợ sệt cả. Ai bỏ ngũ thì đã bỏ từ đầu. Chỉ giao hẹn rằng nếu bị thương mà cụt một trong bốn chi thì cứu nhau nhưng cụt nhiều quá, hai chi trở lên thì thôi đừng cứu nữa, cứ để thân xác đấy chặn địch đến viên đạn cuối cùng, vì có sống về cũng chả làm gì. Tất nhiên nói vậy thôi nhưng nhiều người trở về với hai tay đều cụt hoặc hai chân.

Chứng kiến cái chết của đồng đội không làm người lính nhụt chí mà lại hăng lên. Không hẳn vì căm thù mà lúc ấy thành bản năng rồi. Ðặc biệt hễ súng đã nổ thì mọi chuyện trở nên rất bình tĩnh.

Anh nói về bản năng. Khi “Nỗi buồn chiến tranh” mới ra mắt, nhà phê bình Vương Trí Nhàn không hiểu thật hay chơi, đã nhận định rằng: “Lần đầu tiên có một cuốn sách gọi đúng bản chất của người lính, là giết người và mê gái”?

Không. Khẳng định bản chất của người lính không phải thế !

Yêu người, khao khát cái đẹp là có. Ðến đóng quân ở nhà dân có phụ nữ thì thích, cư xử mềm mại hẳn đi. Lúc ấy mệt đến mấy, lính tráng đang cáu nhau bỗng dịu hẳn. Ngắm trộm thì có nhưng không phải là mê gái theo kiểu phải cố được một cái gì đó hoặc làm càn.

Bộ đội ra trận có nhiệm vụ chiến đấu vì Tổ quốc, đánh địch, diệt địch. Cấp trên cũng dặn: Mình chần chừ không bắn nó thì nó bắn mình. Bản năng tôi nói ở trên kia, là theo cái nghĩa đã xung trận, nổ súng là phải diệt địch. Nhưng khi tiếng súng im, phía bên kia đã hàng, bị bắt, thì khác. Suy nghĩ như vậy khiến có lúc bị nâng quan điểm: Ðồng đội ngã xuống có thương không mà lại thương bọn nó? Nhưng thực sự thấy thương tất cả. Lúc họ bắn thẳng vào mình thì phải diệt bằng được không tha, nhưng im tiếng súng thì khác.

Người lính ở trận tiền phải chiến đấu, tiêu diệt địch. Ðấy là nhiệm vụ chứ không phải bản chất.

Câu chuyện chiến tranh với tác giả 'Hồi ức lính' ảnh 2 Tác giả “Hồi ức lính” Vũ Công Chiến.

Anh viết về đối phương rất hay, rất chân thực. Anh nghĩ gì về sự hòa giải khi mà 42 năm đã trôi qua?

Có lần tôi gửi truyện ngắn Chuyện tình của Bảo cho một trang mạng của người Việt ở Mỹ. Một người cáu sườn trả lời rằng ông viết hay đấy nhưng ông là Việt cộng, kẻ xâm lược. Tôi nói, xưa tôi với anh cùng là lính, có một góc nào đấy giống nhau nhưng thuộc hai chế độ khác nhau. Ðúng sai thôi không bàn nữa và khi chiến cuộc qua rồi thì ta cùng là người Việt, giả sử lúc nào tôi sang Mỹ qua cửa nhà anh xin chén nước anh có cho không. Anh ta trả lời: Anh có thể quên nhưng tôi không, tôi người Huế nên rất nhớ Mậu Thân. Nếu có đi qua nhà tôi anh nên đi thẳng, sẽ không mời anh nước đâu. Tôi nói tôi lại khác, gặp anh tôi sẽ mời nước.

Tôi vẫn nghĩ nếu được trở lại ngày tháng đó, có lẽ chúng ta nhẹ nhàng trong đối xử thì hơn. Có quan điểm rằng ngay lính mình giải ngũ, chính sách còn lôm nhôm kể cả chính sách cho thương binh thì lấy đâu ra mà có chính sách cho bên kia. Nhưng quyền sống quyền làm việc của mỗi người đều đáng tôn trọng, không nên nặng nề chuyện lý lịch quá. Giam giữ cải tạo nếu có cũng không cần thiết quá lâu, dễ gây hận thù.

Sự nhớ dai hận lâu này có lúc không chỉ ở một phía. Vừa qua vụ việc tạm dừng phát hành những ca khúc như “Con đường xưa em đi”, nghe nói một phần do có những cựu binh kiến nghị rằng đó là âm nhạc của chế độ cũ, những bản nhạc tâm lý chiến một thời?

Tôi tin những người đề ra chính sách cực đoan là những người không cầm súng. Chứ nhạc vàng có lỗi gì đâu, lính mình rất thích nghe nhạc vàng.

Nhạc đỏ oai hùng thật nhưng tình cảm, buồn thấm thía phải là nhạc vàng. Nhạc vàng trừ một số bài nói những câu căm thù, phân tuyến còn thì đa số ca từ chung chung đấy chứ. Bọn tôi hồi ấy còn nói Nó hát về lính là cả lính mình đấy. Bây giờ đi mít tinh nghe nhạc đỏ nhưng ở nhà mở băng đĩa, tôi thích nhạc vàng dù hát được rất nhiều bài nhạc đỏ.

Hòa bình lập lại, nhiều người có ý tiếc nuối “hòn vàng thì mất hòn đất thì còn”, và tiếc cái giá phải trả cho hòa bình quá đắt. Cũng như cho rằng cuộc sống hôm nay chưa xứng với sự hy sinh của người lính?

Câu “hòn vàng thì mất hòn đất thì còn” tôi nghe lần đầu từ những người lính Quảng Trị. Vì ngay đợt lính đầu tiên vào Quảng Trị 6/9/1971 đã thực sự chất lượng, có thể nói là tinh hoa. Sau còn vài đợt nữa. Và hy sinh rất nhiều.

Trở về từ chiến trường, nhiều người khiêm tốn nói thực ra bọn mình về được do may mắn, bọn mình thường thôi còn những thằng giỏi hy sinh hết rồi. Thằng ấy thằng kia giỏi lắm, nó mà còn sống thì... Ðấy là cách nói tôn trọng, trân trọng đồng đội nhưng không có nghĩa nó chính xác về nghĩa đen. Trong số người trở về nhiều người rất giỏi rất hay chứ. Câu hòn vàng thì mất hòn đất thì còn có nghĩa bóng thôi.

Giá của hòa bình đương nhiên quá đắt. Cuộc sống hôm nay có xứng đáng không tôi chưa dám nói nhưng nhất định phải có hòa bình. Sự quyết liệt để có được ngày thống nhất là quyết định lớn và cực đúng của người lãnh đạo đất nước.

MỚI - NÓNG