Tây Nguyên, những mảnh ghép (kỳ I):

Câu chuyện khác trong ly cà phê Ê đê

Anh Y Pốt chia sẻ về cách rang cà phê
Anh Y Pốt chia sẻ về cách rang cà phê
TP - Mảnh đất Tây Nguyên sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ với các nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc bản địa, nơi đây trở thành điểm đến của không ít du khách trong và ngoài nước. Nhiều bạn trẻ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, làm sống lại những gì đặc sắc nhất để phát triển kinh tế, xây dựng sản phẩm thương hiệu đặc thù. 

Cà phê là thức uống đã không còn xa lạ với hầu hết người dân, trở thành nét văn hóa độc đáo trong ẩm thực, giao tiếp. Cà phê Buôn Ma Thuột là một thương hiệu được nhiều người biết đến, nhưng một ly cà phê Êđê ở Đắk Lắk lại là câu chuyện khác.

Chữ tình trong hương vị cà phê

Trong ngôi nhà sàn ở buôn Kala (xã Dray Sap, huyện Krông Ana) anh Y Pốt Niê (SN 1988) bên ly cà phê đen nhỏ từng giọt tí tách chia sẻ: Nhâm nhi ly cà phê vào mỗi sáng đã trở thành thói quen của nhiều người Êđê ở Đắk Lắk. Bây giờ có nhiều loại cà phê và cách thức pha chế khác nhau nhưng người Êđê ở các buôn làng vẫn bảo lưu cách pha chế truyền thống (không gia vị) và uống theo cách của riêng mình. Ở buôn Kala gia đình nào cũng có vài sào cà phê trở lên được bà con tự trồng, chăm sóc và thu hoạch, mỗi thứ đều diễn ra thuận tự nhiên. Mỗi sớm chuẩn bị lên rẫy các gia đình ở buôn Kala lại tập trung uống cà phê. Một ly cà phê được chuyền qua tay nhiều người cùng uống thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Chính nét văn hóa ấy đã ngấm vào Y Pốt từ nhỏ.

Để có ly cà phê thơm ngon, đầu vụ thu hoạch, phụ nữ Êđê lựa hái những quả to, chín mọng về tách vỏ, phơi khô, cất giữ rồi rang xay. Mỗi sáng tinh mơ, sau khi khơi hồn bếp lửa đỏ rực để nếp nhà dài thức tỉnh, phụ nữ Êđê ở các buôn làng lại tự tay pha chế cà phê cho các thành viên trong gia đình trước khi bắt đầu công việc. Công thức pha chế cà phê của người Êđê cũng đơn giản, không huyền bí, huyễn hoặc như lời đồn thổi. Ly cà phê được chế biến theo phương thức truyền thống với phương châm “3 chín” (hái chín, rang chín, hãm chín), hương vị thơm ngon là nhờ được hãm bằng nước lấy ở bến nước giữa đại ngàn.

Cuộc sống của người trồng cà phê ở buôn làng quanh năm vất vả mà giá cả lại thất thường. Ở các thành phố trong nước sản phẩm cà phê bột được bán với giá cao. Anh Y Pốt nghĩ, tại sao đã làm ra hạt cà phê rồi mà không biến chúng thành sản phẩm cà phê bột để đưa tới tay người tiêu dùng. Anh nhận thấy dù cuộc sống hiện đại nhưng đa số người Êđê vẫn giữ được nét riêng từ xưa trong cách pha chế. Anh tự tìm hiểu để đem dòng cà phê sạch thu hái thủ công “3 chín” nguyên chất, đậm nét buôn làng đến với người tiêu dùng.

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng y tế Đà Nẵng, anh công tác tại một số bệnh viện ở TPHCM và Đắk Lắk. Một lần anh mang biếu người bạn thân gói cà phê bột do nhà anh tự rang xay, được bạn khen hết lời và giới thiệu cho người khác. Sau đó Y Pốt nhận được nhiều cuộc gọi đặt hàng từ nhiều khách hàng lạ. Đầu năm 2019, những hạt cà phê từ rẫy của gia đình anh cho ra đời mẻ cà phê bột đầu tiên, rồi lắng nghe phản hồi của khách hàng để hoàn thiện sản phẩm phù hợp với khẩu vị người uống.

Anh Y Pốt cho biết: Công đoạn rang quyết định hương vị của cà phê, suốt quá trình rang phải đều tay, lửa liu riu để giữ được mùi vị tự nhiên mà trái cà phê đã tiếp nhận tinh hoa của đất trời. Tùy khẩu vị từng độ tuổi mà cho ra sản phẩm với từng nhiệt độ khác nhau, có thể rang vừa đủ khi chuyển sang màu nâu sậm. Người thích vị đắng đậm thì phải rang thành màu nâu đen.

Anh Y Pốt ra Cục Sở hữu trí tuệ ở Hà Nội để đăng ký độc quyền nhãn hiệu kinh doanh dòng sản phẩm nông sản sạch mang nhãn hiệu “Êđê Café”. Trung bình mỗi tháng anh đưa đến tay người tiêu dùng khoảng 400 kg cà phê bột cho các tỉnh thành: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…

Khi mới làm ra sản phẩm, anh Y Pốt tự mình đến các cửa hàng trong và ngoài tỉnh để kết nối với khách hàng. Sau nhiều kiên trì cố gắng bây giờ anh đã có nhiều khách hàng tiềm năng, tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương trong việc sơ chế, rang xay.

Ngược dòng thời gian

Bước vào quán cà phê 1975 nằm trên đường Xuân Diệu (thành phố Buôn Ma Thuột) tất cả sự xô bồ, náo nhiệt của phố xá nhường chỗ cho một không gian hoài cổ gắn liền về thời bao cấp xưa như: máy may, xe đạp cũ, radio, ti vi đen trắng (cũ)…cùng với cách bài trí giản dị của bộ bàn ghế gỗ, bình hoa tươi đủ sắc, những thứ quà vặt tuổi thơ hơn chục năm về trước…khiến ta như được ngồi trên chuyến xe thời gian trở về tuổi thơ.

2 chàng chủ quán 9X Nguyễn Thế Cường, Phạm Thái Thạch tâm sự: Quán được nhiều bạn trẻ biết đến và yêu thích bởi món cà phê, ca cao nước cốt dừa cũng như không gian quán.

Sau thời gian làm việc ở TPHCM, 2 bạn trẻ muốn trở về quê hương thành phố Buôn Ma Thuột tìm hướng khởi nghiệp cho riêng mình. Nguyễn Thế Cường (SN 1998) chia sẻ: Thời gian làm việc ở Sài Gòn được thưởng thức món cà phê cốt dừa. Mình nghĩ ở xứ sở cà phê tại sao lại không làm món ẩm thực độc đáo từ cà phê. Và anh lên mạng tìm hiểu, tìm gặp các nhà pha chế để trao đổi, học hỏi. Sau nhiều lần thất bại pha chế… anh kiên trì nhẫn nại rồi dần hoàn thiện món cà phê, ca cao cốt dừa của mình. “Một ly cà phê cốt dừa đảm bảo chất lượng có vị hài hòa không ngọt, không đắng quá và có vị hơi béo đặc biệt phải chọn dừa, cà phê có chất lượng tốt. Để thức uống có vị ngậy hòa quyện với vị thơm cà phê đòi hỏi sự tinh tế khéo léo của người pha chế.

Quán 1975 với món cà phê cốt dừa ban đầu thu hút mọi người vì sự tò mò sau thì níu kéo khách bằng chính hương vị của món ẩm thực này. Bạn Nguyễn Thị Phương Trang (phường Ea Tam) chia sẻ: Thói quen đi cà phê là chuyện quen thuộc với các bạn trẻ hiện nay. Với trào lưu sống ảo thì quán cà phê là địa điểm check in khá thu hút. Mỗi quán phải tạo ra sự khác biệt độc đáo.  Cà phê nguyên chất sẽ làm cho những người lớn tuổi mê mẩn cuồng si, họ vẫn thường nói cà phê phải đen như địa ngục, đắng như tử thần, ngọt ngào tựa tình yêu. Nhưng với các bạn trẻ thì món cà phê cốt dừa có vị ngầy ngậy quyện cùng hương thơm cà phê tạo nên hương vị khác biệt là một trải nghiệm thú vị khi thưởng thức, cũng như tình yêu phải thêm một chút gia vị  cho mới mẻ. 

Cà phê là nguồn thu nhập chính cho mỗi gia đình, nhưng nó còn gắn bó hơn bởi uống cà phê trở thành một tập tục được tiếp nối từ đời này sang đời khác trong mỗi gia đình người Êđê

Câu chuyện khác trong ly cà phê Ê đê ảnh 1

ác bạn trẻ thưởng thức cà phê, ca cao cốt dừa ở quán 1975

         (Còn nữa)
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.