Câu chuyện từ khu cách ly nổi tiếng bất đắc dĩ nhờ Vũ Khắc Tiệp

TPO - "Mình tích cực kêu gọi mọi người đừng ra khỏi nhà, đừng đi vào một đám đông nào đó. Bạn sẽ không biết khi nào bạn sẽ thành F1 và gây rối loạn tâm lý cho những người xung quanh" - chị Trần Ly Na, nhà sáng lập của một công ty start-up về lĩnh vực truyền thông, chia sẻ với Tiền Phong về khoảng thời gian cách ly tập trung đáng nhớ tại phường Cát Lái, Q.2, TPHCM, nơi nổi tiếng bất đắc dĩ nhờ Vũ Khắc Tiệp.
Câu chuyện từ khu cách ly nổi tiếng bất đắc dĩ nhờ Vũ Khắc Tiệp ảnh 1 Chị Trần Ly Na - Nữ start up trẻ của một công ty truyền thông tại TPHCM

Trước đó, nữ start-up trẻ vô tình có mặt ở một nơi có người mắc COVID-19. Và ngay trong buổi sáng hôm đó, khi biết tin thành phố kêu gọi những ai có mặt phải báo cáo ngay cho y tế địa phương, chị đã tự nguyện khai báo và được các cơ quan chức năng hướng dẫn quy trình cách ly tập trung. 

Câu chuyện từ khu cách ly nổi tiếng bất đắc dĩ nhờ Vũ Khắc Tiệp ảnh 2 Chị Trần Ly Na quyết định không thông báo với gia đình, người thân và bạn bè vì không muốn họ lo lắng. 

Cách ly tại nơi từng nổi tiếng nhờ Vũ Khắc Tiệp

"Trung tâm nơi mình cách ly điều kiện tốt hơn nhiều so với một vài chỗ mà mình biết. Mình có một giường riêng trong căn phòng rộng lớn. Vì nơi đây được trực tiếp quản lý bởi Bệnh viện, Trưởng Trung tâm cách ly (là bác sĩ) từ chối nhận thêm người vì lý do an toàn. Không có cảnh tụ tập đánh bài, không có chuyện chia nhau đồ ăn, không trò chuyện, không tụ tập. Mỗi ngày, mình được 3 bữa ăn uống ngon lành, có siêu thị 0 đồng với đủ cafe, nước ngọt, có người lau sàn, thay ga giường, giặt quần áo, đo nhiệt độ mỗi buổi sáng chiều…"- Trần Ly Na viết.

Câu chuyện từ khu cách ly nổi tiếng bất đắc dĩ nhờ Vũ Khắc Tiệp ảnh 3 Siêu thị 0 đồng với đủ cafe, nước ngọt, bánh kẹo (Ảnh: Trần Ly Na)

Tuy nhiên, theo cô có điều không thoải mái là nó nằm ngay ngã ba vào cảng Cát Lái, xe container ra vào suốt 24 tiếng nên rất ồn. "Đây là nơi nổi tiếng bất đắc dĩ nhờ anh Tiệp. Ảnh càm ràm chỗ này “nóng nực, ồn ào, ngột ngạt” sau đó phải lên tiếng xin lỗi trước truyền thông"- Ly Na chia sẻ.

Câu chuyện từ khu cách ly nổi tiếng bất đắc dĩ nhờ Vũ Khắc Tiệp ảnh 4 Khu cách ly tập trung tại phường Cát Lái - Quân 2 (Tp.HCM).
Một đứa cứng cỏi như mình đã rơi nước mắt

Đêm đầu tiên về nhà từ Trung tâm cách ly, Ly Na nhận được bảng khảo sát: Bạn thấy thế nào trong thời gian cách ly tập trung? Sợ hãi? Cô độc? Buồn chán? Thất vọng? Lo âu? Mất ngủ? Thấy tội lỗi? Cảm giác hoang mang?. Sau đó, cô cho biết đã chọn câu trả lời cho tất cả là “Thường xuyên”.

Có người nói rằng, dư chấn của cuộc khủng hoảng này không phải chỉ là kinh tế, nó sẽ để lại hậu quả nặng nề về mặt tâm lý cho những ai yếu bóng vía. Nó có thể gây ám ảnh suốt đời. Tuy nhiên, với nữ start-up trẻ, dù là người cứng cỏi cũng đã rơi nước mắt. Cuộc khủng hoảng đã gây ra những ảnh hưởng dây chuyền.

Công việc kinh doanh của cô đình trệ đã hơn 2 tháng. Khách hàng không thể trả tiền đúng hạn, buộc cô phải khất nợ nhà cung cấp. Các dự án đều bị huỷ hoặc hoãn vô thời hạn. Các mạnh thường quân tiềm năng từ chối giải cứu vì bản thân họ cũng te tua. Nhân viên hoang mang không biết rõ tương lai.

Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn

Trước khi phải đi cách ly tập trung, Ly Na còn rất nhiều toan tính để không phải mất quá nhiều. Công ty sẽ duy trì thế này. Tài sản sẽ còn thế nọ, thế kia v.v… Cho đến khi được lấy mẫu xét nghiệm lần đầu, trong đầu cô chỉ nghĩ một thứ: Mong sao không mắc bệnh. "Mình không muốn lây cho những người đã tiếp xúc gần, không muốn vì mình mà ai phải đi cách ly tập trung. Nghĩ về những người nhà có trẻ em và người già có thành viên tiếp xúc với mình, dù biết mình có rất ít nguy cơ, mình cũng gần như hoảng loạn"- Trần Ly Na nói.

Theo Ly Na chỉ cần khoẻ mạnh và ra khỏi nơi này và mình sẽ dần dần vực dậy những thứ đang gãy đổ. Chỉ cần khoẻ mạnh và ra khỏi nơi này, sẽ không còn gì làm khó được bản thân.

Khi có kết quả âm tính lần 1, cô đã không đi đứng bình thường mà nhảy chân sáo. Theo Ly Na, nói đùa: "mình thích chỗ này rồi. Mình đã bắt đầu quen thuộc với nơi đây". "Tính ra cảnh tượng buổi chiều cũng vô cùng lãng mạn. Nhìn bên phải có thể thấy Bitexco và mặt trời đang lặn. Nhìn xuống sân thấy các bạn nhân viên y tế áo xanh đang đánh cầu lông. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Theo cách nó cần phải diễn ra"- cô gái trẻ nói.

Câu chuyện từ khu cách ly nổi tiếng bất đắc dĩ nhờ Vũ Khắc Tiệp ảnh 5  Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. theo cách nó cần phải diễn ra. Ảnh: Trần Ly Na

Rồi ngay trước ngày được về nhà, Thành phố đưa ra yêu cầu phải xét nghiệm lần 2. Thay vì ở đây tối đa 7 ngày, Ly Na phải ở thêm vài hôm nữa. Ban đầu tưởng kết quả sẽ đến trong 24 tiếng, sau đó là 48 tiếng, cuối cùng là 72 tiếng trôi qua. "“Đội quân” F1 của mình lại căng mình vì chờ đợi. Gần 10 con người tới ngày “xả trại” thấp thỏm mấy đêm. Trong nhóm này có một bạn người Anh bị trầm cảm rối loạn lo âu. Bạn âm tính lần 1 vào ngày 22/3 và tưởng là sẽ được về nhà nhưng phải thay đổi cách cách ly và xét nghiệm. 10 ngày sau bạn vẫn ở đây, và chẳng biết đến khi nào mới được về nhà. Trung bình 1 tiếng bạn lại nhắn tin cho mình hối thúc: Có kết quả chưa? Bác sĩ nói gì rồi?"- cô kể lại. 

Câu chuyện từ khu cách ly nổi tiếng bất đắc dĩ nhờ Vũ Khắc Tiệp ảnh 6 Trước ngày được về nhà, Thành phố đưa ra yêu cầu các ca nghi nhiễm phải xét nghiệm lần 2 - Ảnh: Trần Ly Na

Có rất nhiều người không may mắn như mình

Ly Na tự nguyện không ra đường trong 14 ngày tới sau khi về nhà từ khu cách ly, dù theo cô không nhất thiết phải chôn chân ở nhà, chỉ cần theo dõi sức khoẻ thường xuyên. "Mình không càm ràm vì không còn được ra ngoài, không còn lo âu vì công việc, không cảm thấy bất công, không còn lo lắng về tương lai phía trước…"- Ly Na cho hay.

Bởi theo cô, giờ đây bản thân đã khoẻ mạnh, và được ở nhà. "Cuộc khủng hoảng này đã đẩy mình quay về với những nhu cầu cơ bản nhất: Được khoẻ mạnh, được ở nhà. Vì trong 12 ngày ở khu cách ly, mình đã biết những điều mà có thể rất nhiều năm mình mới biết. Rằng có rất nhiều người không may mắn như mình"- nữ start-up trẻ chia sẻ.

Cô dẫn chứng, hiện đội ngũ y bác sĩ ở trung tâm Cát Lái không biết ngày nào mới được về nhà. Họ ở đó trong điều kiện sống không khá hơn mình. Nhiều y tế, điều dưỡng phải kiêm luôn công người lau dọn, vì người lau dọn bình thường không dám ra vào trung tâm cách ly vì sợ bệnh. Trưởng Trung tâm cách ly nói đùa “anh sắp bị vợ bỏ tới nơi rồi”. Đội ngũ bảo vệ, công an phải trực canh cổng 24/7…

Câu chuyện từ khu cách ly nổi tiếng bất đắc dĩ nhờ Vũ Khắc Tiệp ảnh 7 Cuộc sống ở khu cách ly - Ảnh: Trần Ly Na

Cô cho biết: "Nhìn những người ngày đêm làm ở khu cách ly vì dịch COVID-19 thì những vấn đề tôi đang gặp phải, nó nhỏ xíu mà thôi. Bạn bè tôi bày tỏ nỗi lo âu, tôi nói rằng cùng lắm là chúng mình không giàu hơn lúc trước, chứ chúng ta không mắc bệnh và không còn gì để sống mỗi ngày."

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.