Cây đàn rồng ở trời Âu

Cây đàn rồng ở trời Âu
TP - Cùng ở Đức, mà ba năm trôi qua, tôi mới gặp Đặng Ngọc Long, lại ở ngay Hà Nội. Thời gian bóng ngựa! Mới hôm nào, chúng tôi còn rất trẻ. Thế mà thấm thoát đã ba thập kỉ, chàng sinh viên trẻ Đặng Ngọc Long ngày ấy, giờ đây đã là giáo sư âm nhạc của trường đại học, nghệ sĩ Guitar nổi tiếng trên thế giới.

Nhìn vẻ ngoài, Đặng Ngọc Long dáng đậm, trông anh không hanh hao, thanh mảnh, tóc dài buộc túm... như nhiều nghệ sĩ Guitar tài tử ở Hà Nội. Đôi khi ở bộ cánh comlê, tóc chải gọn ghẽ, Long nom giống một đại gia hơn là một nghệ sĩ. Song đôi mắt, luôn óng sáng, tinh anh.

Chỉ khi anh cầm lấy cây đàn, những ngón tay mềm dẻo lướt trên phím và múa trên dây, cái đầu lắc lư và cả người dường như rung chuyển theo tiết tấu, mới thấy con người nghệ sĩ Đặng Ngọc Long bừng sáng, sự sáng tỏa từ đâu trong thăm thẳm, vượt qua cái vẻ ngoài chất phác, giản dị của anh.

Đặng Ngọc Long sinh ra ở Nghệ Tĩnh, trong một gia đình bố mẹ đều rất yêu âm nhạc. Theo anh kể, một lần hồi nhỏ, tình cờ theo cha tới nhà một người bạn, thấy cây Guitar cũ kĩ treo trên tường, cậu bé Long cứ ngắm và sờ mó, gại gại lên dây.

Một âm thanh với âm sắc lạ vang rung lên... làm ngơ ngẩn cậu trai xứ Nghệ, để rồi bắt đầu từ khi ấy, duyên phận của đất trời gắn chặt Long với nó.

Suốt cả quãng đời niên thiếu ấy, Long đã say mê với âm nhạc, tự chế các loại nhạc cụ đơn giản của dân gian và học ở mọi nơi, mọi lúc để lớn lên trúng tuyển vào trường âm nhạc Hà Nội, hệ Trung cấp dành cho nhạc công Guitar.

Đặng Ngọc Long tốt nghiệp, không dừng lại ở tư cách nhạc công, tiếp tục nghiên cứu học hỏi, bắt đầu viết những bản nhạc cho Guitar. Những bản nhạc thủa ban đầu ấy  phát triển từ những giai điệu dân ca Việt.

Nhắc lại một kỉ niệm, thời kì ở Hà Nội những năm 82, 83, ngày mới ra trường Long kể: “Năm ấy tôi đọc bài thơ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn của Trần Đăng Khoa. Bài thơ đầy xúc động. Đọc nó, tôi cứ thương mãi các chiến sĩ ngoài đảo.

"Thế là mấy đêm cứ trằn trọc, và trên cơ sở một bản nhạc của nhạc sỹ Nguyễn Thịnh, tôi hạ bút viết lại cho Guitar, lấy tựa là Đợi mưa trên đảo. Trong bản nhạc này, tôi đã cố gắng diễn tả rất nhiều tầng mưa khác nhau, láy đi láy lại, nhằm diễn đạt cái kì khổ của các chiến sĩ ngoài hải đảo“.

Vậy là, hai nghệ sĩ của đời sống văn học, nghệ thuật đương đại Việt Nam, thi sĩ Trần Đăng Khoa và nghệ sĩ Đặng Ngọc Long gặp nhau từ độ ấy khi chung một tấm lòng với người chiến sĩ canh giữ biên cương!

(Cho tới hôm nay Trần Đăng Khoa vẫn chưa biết chuyện này. Vậy mà cái bản nhạc tựa từ bài thơ của Khoa đã nhiều lần vang lên trên các sàn diễn, từ Đức tới Tây Ban Nha, Czech, từ Ba Lan tới Frankreich...).

Năm 1985, Đặng Ngọc Long lên đường sang Cộng hoà Dân chủ Đức (DDR)  tiếp thu nền âm nhạc hiện đại tại Đại học nhạc viện «Hanns Eisler» Berlin - C.H.D.C Đức và tiếp tục tu nghiệp tại đó tới 1993, lấy học vị thạc sĩ.

Đây là giai đoạn hết sức quan trọng của Đặng Ngọc Long, trong việc nhận thức, tiếp thu nền âm nhạc hiện đại của thế giới. Và cũng là giai đoạn nhìn ra thế giới âm nhạc, suy ngẫm về dòng nhạc dân tộc, anh cố gắng giải đáp  câu hỏi ta là ai và ta đang ở đâu.

San sẻ với tôi, Long tâm sự: “Ở châu Âu, nhạc dân gian mỗi sắc tộc, muốn có một vị thế trong giới âm nhạc và, có thể giới thiệu một cách hữu hiệu văn hóa dân tộc, âm nhạc dân ca sắc tộc, phải biết phát triển cái tinh túy đã có, hồn cốt của dân tộc mình, trên cơ sở đó kết hợp nhuần nhuyễn nó với dòng âm nhạc hiện đại của thế giới“. Suy ngẫm tiếp về điều này với cây đàn Guitar, anh tâm sự thêm:

- Thế giới nhạc cụ Piano thực sang trọng, nổi tiếng, rất giầu chất liệu, biểu hiện được nhiều cung bậc phức hợp của âm nhạc. Nhưng khi người nghệ sĩ chơi Piano, bàn tay không có sự giao cảm trực tiếp với thanh âm. Ngón tay gõ phím phải qua cả hệ thống truyền chuyển động mới tới các thanh kim loại mà phát ra âm thanh.

Đàn dây và đặc biệt là cây Guitar tuy nhỏ bé, giản dị, nhưng khi mình chơi nó, da thịt ngón tay người đụng vào dây đàn, cảm giác máu thịt liên hệ trực tiếp với đàn. Tình cảm của người chơi giao cảm trực tiếp với dây đàn. Sự giao cảm kì lạ ấy, tạo nên sự hoà điệu giữa cây đàn và tâm hồn, tình cảm của người.

Vì thế ở Guitar, có cái lợi thế mà ngay cả Piano cũng không có được. Hơn nữa, khi người nghệ sĩ dùng các kĩ năng như luyến, láy, nhấn, búng... cây Guitar biểu cảm rất hợp, rất nhạy cảm, dễ dàng, đầy đủ các giai điệu, sắc tố của nhạc dân tộc Việt.

Sống ở châu Âu nhiều năm, tôi hiểu anh. Trên thực tế ở Đức, và rộng hơn là châu Âu, đã có nhiều nghệ sĩ tài tử khắp các nước đến, mang dân ca xứ sở của họ tới nơi đầy những đôi tai thẩm âm khắt khe, tâm điểm của giới âm nhạc bác học.

Có cố gắng bền bỉ bao nhiêu, nếu chỉ dừng lại ở sự tinh tuý của từng sắc tộc, họ cũng chỉ thu hút được công chúng ở những sàn diễn bình dân, hay trên các ngả đường đông người qua lại, rơi vào tình trạng nghệ sĩ hát rong, như nhiều tốp âm nhạc các sắc tộc khác nhau đang nhan nhản ở Đức và châu Âu.

Dù được đào tạo ở giữa châu Âu, trong môi trường âm nhạc phương Tây nhiều năm, Long vẫn tiếp tục đi theo con đường của mình, đưa chất liệu dân tộc vào những bản nhạc hiện đại phổ cho Guitar và thực sự anh đã mang tới đời sống âm nhạc nơi bản địa phương Tây một không khí mới, không giống ai trên các sàn diễn khắt khe của giới thưởng thức âm nhạc bác học.

Những bản nhạc ấy cộng với khả năng biểu diễn Guitar điêu luyện, anh đã thu phục được công chúng khó tính, cho thế giới âm nhạc lắng nghe tiếng đàn Guitar ăm ắp Việt tính nơi tay anh.

Những âm thanh diệu kì của dân tộc Việt vang lên, khi đã được nâng lên ở tầng nấc mới, cao hơn, bắt nhịp được với tinh hoa thế giới âm nhạc đương đại, biến nhiều đêm trình diễn của Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long thành những đêm huyền kì khó quên.

Nhiều nhạc phẩm của Đặng Ngọc Long soạn cho Guitar đã được Hội đồng thi âm nhạc thế giới quyết định chọn làm các bài thi bắt buộc.

Có lẽ chính vì thế tại, cuộc thi Guitar quốc tế ở Hung năm 1987, Đặng Ngọc Long là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải đặc biệt dành cho nghệ sĩ biểu diễn Guitar với chính với các bản nhạc của anh biên soạn. Giáo sư - Nghệ sĩ Inge Wilcrok (Nhạc viện Berlin) nói về âm nhạc Đặng Ngọc Long, những bản nhạc mà anh sáng tác cho Guitar, đã nhận xét:

“Âm nhạc của Đặng Ngọc Long mang hơi thở của sự sống, truyền cảm được những gì anh đã trải qua, anh sống ở châu Âu nhưng tâm hồn anh luôn được nuôi dưỡng bằng dòng máu Việt...“.

Gần ba chục năm đã trôi qua, gian khổ trong tập luyện, rèn rũa ngón nghề và nghiên cứu, đi biểu diễn trên nhiều nước ở châu Âu và thế giới, Đặng Ngọc Long đã trở thành một giáo sư tầm cỡ quốc tế.

Đó là một con đường nhiều nấc thang chả hề giản đơn. 1991 anh bắt đầu làm giáo viên giảng dạy Guitar tại Trường âm nhạc Berlin và Bernau. Tới năm 2004 đã là Hiệu trưởng trường âm nhạc Berlin - Gesundbrunnen.

Và, năm 2009 anh được phong hàm Giáo sư và mời giảng dạy tại Đại học Quốc tế Kirgistan. Trước đó, năm 2006 người ta mời Đặng Ngọc Long giữ thêm cương vị Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan âm nhạc,  kiêm chủ tịch Giám khảo cuộc thi Guitar quốc tế tại Berlin

Đến “Long plays Long” - bắt đầu từ tình yêu

Giữa tháng 10 vừa qua, Nhà xuất bản âm nhạc Logiber tại Đức phát hành CD thứ Hai, Album Guitar mới của Giáo sư - nghệ sĩ Đặng Ngọc Long, mang tựa đề: “Long plays Long”.

Có thể hiểu sự chơi chữ của anh trong tựa đề CD nhẩn nháy từ long và rồng, một biểu tượng cần khắc nhớ trong các đền chùa thiêng liêng của quê hương, nguồn cội Con Rồng Cháu Tiên. Đêm ra mắt thành công mỹ mãn, với sự có mặt của rất nhiều giáo sư âm nhạc và nghệ sĩ nổi tiếng ở thế giới.

Những âm thanh cây đàn Guitar Long kì diệu, như con rồng bay lượn trên vòm nhà hát, ùa tới khán giả, để nhận lại, nhiều tràng vỗ tay liên miên, những lời ca tụng và, Long plays Long  trở thành hiện tượng, được khá nhiều báo giới uy tín tại Đức và các nước quanh Đức ghi nhận. Điều gì  đã làm nên sự thành công vang dội trong giới âm nhạc ở  châu Âu, khi Long biến cây đàn Guitar nhỏ bé của anh thành điều kì diệu?

Album Long plays Long gồm một loạt bản nhạc viết cho Guitar, vẫn gửi ở đó ăm ắp hơi thở của đời sống Việt, thông qua hồn khí vài làn điệu (điển hình) dân ca Việt Nam.

Bằng tình yêu của anh với âm nhạc đất nước, những làn điệu nước Việt đã vang lên đầy dư âm trong bộ cánh âm nhạc hiện đại (như Bèo dạt mây trôi, Bamboo-Ber- Cây tre Berlin, Chào ban mai, Núi rừng Tây Nguyên v.v...) Nó đã làm người ta, giới âm nhạc chuyên nghiệp quốc tế, phải tâm phục khẩu phục.

Christoph Herrmann, trên báo Bưu điện Berlin buổi sáng, hạ bút: “Khán giả hoan nghênh nhiệt liệt Nghệ sĩ Guitar Đặng Ngọc Long, qua các tác phẩm do chính anh biên soạn và sáng tác cho Guitar cổ điển. Nghe anh trình tấu, người ta cảm thấy như đang sống ở trên quê hương Việt Nam của anh“.

Tôi đã nhiều lần suy nghĩ qua sự thành công của Long, trong cả mấy chục năm theo sát, quen biết. Tôi cũng đã tìm thêm thấy một nét quý giá trong sự thành công ấy, khi nghe anh tâm sự gần đây:

Việt tính hòa vào với thế giới âm nhạc đương đại là con đường không thể khác, dẫn anh đi chung với giới âm nhạc bác học mà không mất đi bản sắc cá biệt của mình.

Đúng như thế, một lần nữa, âm nhạc Đặng Ngọc Long, dành cho Guitar, không chỉ làm giới âm nhạc khó tính dừng lại ở sự tò mò khám phá văn hoá các sắc tộc lạ.

Giáo sư âm nhạc, nhà soạn nhạc nổi tiếng Frank Bohme (một đồng nghiệp của Long dạy ở Đại học âm nhạc Hamburg) nhận xét: Nhạc của anh mang tính hiện đại, pha trộn trên chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam...  Và Frank Bohme thốt lên khi phân tích bản nhạc “Bamboo-Ber” trong Album:

Các quãng âm bậc hai tăng và bảy giảm chóe lên khi anh gây dựng cao trào trên nền hòa âm hiện đại, để đi đến một giải thoát cao trào trong quãng âm bậc 4 nối tiếp của giọng ca trù dân tộc mới lạ...

Như vậy, khao khát bấy lâu của Đặng Ngọc Long, đứa con của dân tộc Việt, muốn truyền bá âm nhạc của quê hương ra thế giới, một lần nữa đã được thế giới âm nhạc phương Tây khẳng định.

Nhớ lại câu chuyện cây đàn treo trên tường, tới hàng trăm bài viết bấy nay của các báo giới Đức, châu Âu, với việc nhiều nhạc phẩm của Đặng Ngọc Long soạn cho Guitar đã được Hội đồng thi âm nhạc thế giới quyết định chọn làm các bài thi bắt buộc, càng không phải là điều ngẫu nhiên, giản đơn.

Cũng lại chính vì vậy, âm nhạc dân gian Việt, với những tinh hoa của nó, được những người như Trần Văn Khê ở Pháp, Đặng Ngọc Long ở Đức chắp cánh bay lên, lan tỏa trên thế giới.

Đặng Ngọc Long, cho tới nay, có nhiều học trò ở nhiều quốc gia trên thế giới đoạt giải trong nhiều cuộc thi Guitar. Và, mọi thi sinh muốn biểu diễn các bản nhạc thành công, do anh soạn, tất nhiên phải quay lại nghiên cứu sâu và kỹ âm nhạc gốc của Việt Nam.

Vô hình trung, anh -  giáo sư Đặng Ngọc Long đã đóng vai trò, có công rất lớn giới thiệu văn hóa Việt cho thế giới Hội nhập.

Thay lời kết

Từ ngày Đặng Ngọc Long rời nước ra đi tới nay, thấm thoát đã ngót nghét 30 năm. Sau Hội nghị Việt kiều tháng 11 vừa qua, không nghỉ ngơi ở Hà Nội nhiều cám dỗ, Long lại tất tả trở về quê hương Nghệ An của anh, để biểu diễn phục vụ ngay ba buổi cho công chúng, rồi tất tả trở lại Hà Nội trong đêm, để sớm sau bay đi Đức, cho kịp chuyến bay sang Đức kịp ngày giảng dạy.

Phút chia tay, trước yêu cầu của người bạn gái tôi, một nhà báo mến mộ anh từ Sài Gòn vừa ra, Long thanh thản ngồi xuống lấy cây đàn và bàn tay diệu kì của anh làm căn phòng nhỏ ven sông Hồng tràn ngập những âm thanh như vạn vạn giọt ngọc rơi xuống tan vào không gian đêm Hà Nội...

Bao nhiêu năm vẫn giữ sự đam mê trước công chúng, với người nghe, như đêm nào tại Berlin, khi đường phố tràn ngập tuyết trắng, để ủng hộ buổi thành lập Hội sinh viên học sinh tại Đức, các cháu thanh niên học sinh nghèo, Đặng Ngọc Long riêng mình làm một đêm diễn miễn phí.

Ở nơi ấy, dầu xa lắm, anh vẫn là đứa con đất Việt, như nhiều lần anh cùng chúng tôi, đám văn nghệ sĩ tha hương, làm những đêm văn hóa cho đồng bào mình, mong họ vợi đi nỗi nhớ xa đầy...

Ba mươi năm, hôm nào hành trang chỉ với vài nét trong giai điệu dân tộc viết cho Guitar, anh chỉ mới là cái bóng mờ nhạt ở Berlin, thế mà từ cội gốc ấy, như ngọn lửa yêu âm thầm ử trong tro trấu luôn ấp ủ ở trái tim mỗi con dân Việt xa xứ, cùng với cây đàn Guitar, Đặng Ngọc Long giờ đây đã bay lên...

Đặng Ngọc Long đã đi tới đích, cái đích của tình yêu âm nhạc, tấm lòng đối với Việt Nam, điểm xuất phát chính từ những thanh âm của lòng mẹ...

1991 Đặng Ngọc Long bắt đầu làm giáo viên giảng dạy Guitar tại Trường âm nhạc Berlin và Bernau. Tới năm 2004 đã là Hiệu trưởng trường âm nhạc Berlin - Gesundbrunnen. Và, năm 2009 anh được phong hàm Giáo sư và mời giảng dạy tại Đại học Quốc tế Kirgistan. Trước đó, năm 2006 người ta mời Đặng Ngọc Long giữ thêm cương vị Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan âm nhạc,  kiêm chủ tịch Giám khảo cuộc thi Guitar quốc tế tại Berlin.
MỚI - NÓNG