Cây nhãn dại

Minh họa: Đỗ Hiệp
Minh họa: Đỗ Hiệp
TP - Tôi không biết cái tên phổ biến để gọi cho cây nhãn ở quê mình, chỉ biết lớn lên, chúng tôi gọi nó là cây nhãn. Vậy nên khi nghe ai nói “mắt hạt nhãn”, tôi nào có biết đó là kiểu mắt tròn, đen, chỉ nghĩ là kiểu mắt lá răm vì hột nhãn ở quê tôi nó bầu một đầu, dài một đầu, khác hẳn trái nhãn lồng của miền Nam hay miền Bắc.

Tôi tìm trên mạng được vài cái hình của một bạn nào đó, hình như cũng là người miền Trung, hiếm hoi được vài cái hình cây nhãn. Có lẽ không mấy người còn nhớ cây nhãn dại khi đã xa quê như tôi. Cây nhãn dại mọc hoang từ thời má tôi, cậu tôi mới sinh ra đời, sống sót qua chiến tranh để sống tiếp đến đời tụi tôi. Hầu như nhà ai cũng có vài cây nhãn dại mọc gần. Nó là loại cây thân gỗ, lá to gần bằng bàn tay, mặt nhám. Cứ độ tháng 3 tháng 4 là nhãn ra bông.

Phía trước nhà tôi có một cây nhãn hàng chú bác và một cây nhãn tuổi thanh niên, nó mọc trên đất nhà ông Hai Đình nhưng lại chìa cành qua phía nhà tôi. Đi ra ngõ đồng thì gặp thêm một cây nhãn nữa cũng mọc trên đất nhà ông Hai Đình, rồi một cây khác mọc ở trong vườn nhà ông nội là đến đồng.

Tháng Tư, nhãn bắt đầu đậu trái xanh. Tôi vừa đi giữ bò vừa ngóng chừng coi chừng nào nhãn già, nhãn chín thì tranh thủ đi hái. Tất nhiên, chùm nhãn nào tôi thấy thì đứa khác cũng thấy, cho nên rốt cục, đứa chiến thắng là đứa đến sớm nhất.

Chuyện hái nhãn mới là chuyện nhiêu khê. Cây nhãn thuộc tầm tuổi thanh niên thì còn dễ, chứ cây nhãn thuộc hàng chú bác, cụ kỵlà phải có cây cù quèo hoặc là phải biết trèo. Mà đâu phải cây nhãn nào cũng của nhà mình đâu mà thủng thỉnh, chờ nó chín để quèo chứ. Hái nhãn phải hái liền tay, chớ để lâu ngày tụi nó xực ngay. Vậy là phải hái nhãn lúc nó mới già, vừa chớm đỏ hoặc chín bói vài trái. Mà trái nhãn phải chín đen, trái mọng mới ngon, trái già thì chát lắm.

Từ đó, tụi tôi có cái công nghệ: dú nhãn. Dú nhãn hay giấu nhãn, hay ủ nhãn là cả một quy trình hết sức chuyên nghiệp. Phải chọn chùm nhãn ngon, già chắc trái rồi mới hái, để nguyên cành đem về. Sau đó đào hục cát sâu chừng ba đến bốn tấc, chôn nhãn xuống. Sau khi chôn, tụi tôi thường đánh dấu bằng cách bỏ một nhúm cỏ, cắm một cái cây, hoặc trò gì đó để nhớ. Nếu không, bữa sau lại quên mất hoặc đào lộn hố, tìm hoài không thấy nhãn đâu vì đất cát miền Trung, chỗ nào cũng giống chỗ nào. Còn đánh dấu lộ liễu quá, đứa khác nó đào mất.

Để tránh bị đào trộm nhãn, tụi tôi còn đẻ ra một trò khác, đó là chặt gai lưỡi long (1) đè lên trên. Đứa nào đào trộm nhãn, gai chích vô tay, còn mình đào thì mình biết trước, lấy cây sắt, móc nó lên. Có khi dú nhãn rồi, quên đào mất, đến mùa trồng khoai, ba cuốc đất lên thấy một đống hột nhãn, đạp gai vô chân, ba xạc cho một trận suốt bữa ăn tối.

Ba cấm đứa nào dú nhãn nữa. Ba nói rứa thôi, chứ cả năm sau mới đến mùa nhãn thì ba quên mất rồi! Nhưng không phải lúc nào dú nhãn cũng thành công. Nhãn hái còn sống quá, ủ chừng hai ba ngày mới chín. Nếu gặp lúc trời mát thì không sao, trời nắng là coi như đi củi vì cát nóng quá, đào lên là nhãn rục hết. Mà ác một nỗi, cứ mùa nhãn chín là tháng năm, mùa nắng gắt nhất ở miền trung nên ủ nhãn bị rục là chuyện thường.

Sợ nhất là hái trộm nhãn nhà ông Hai Đình. Nhà ổng nổi tiếng vì có bốn con chó dữ phát khiếp. Cứ vừa lò mặt lên cái bờ đất cao ngăn cách giữa hai nhà, vin cành nhãn vừa rung rung lá là đám chó sủa như điên, bỏ chạy thí mạng. Nhưng đó chưa phải là đối thủ đáng gờm, sợ nhất ở nhà ông Hai Đình là Dịu khùng. Ông Hai gần bằng tuổi ông ngoại tôi, và là người bà con bên họ, tôi gọi bằng ông ngoại.

Dịu khùng là con ông Hai, giờ đã hơn bốn chục tuổi. Lúc đó dù cậu Dịu đã hơn hai mươi, nhưng trong xóm ai cũng gọi thằng Dịu khùng, vậy là tụi tôi cũng kêu bằng thằng. Nhiều lần má la, nói như rứa không được, mất dạy… nhưng mà tụi tôi cứ kêu thằng Dịu khùng. Dịu khùng lúc nào cũng mặc quần đùi, có mặc cái áo thì cũng banh nút, hai tay dang ra khuỳnh khuỳnh và chạy phè phè, vừa chạy vừa nói đang chạy xe Honda.

Gặp tụi tôi hái nhãn trộm là Dịu khùng dí chạy mất dép, chạy không kịp thì bị ăn roi. Biết tụi tôi hay hái nhãn, Dịu khùng thường trốn đâu đó rồi bất thình lình chạy ra rượt. Cả đám vừa chạy, vừa la hét “Dịu khùng bay ơi! Chạy đi, chạy đi!” Dịu khùng từ phía sau đuổi theo, vừa đuổi vừa chửi cà lăm: “Đồ… đồ… đồ… ăn… ăn… ăn trộm nhãn. Bớ… bớ… bớ… bớ người ta. Con… con… con… nhà ông… ông… ông Cận hái nhãn nhà tui. Đồ… đồ… đồ… đồ mất dạy!” Cả đám được một phen hú hồn, tim đập thình thịch, đứng trong hiên nhà ngó ra.

Nhiều khi Dịu khùng còn hù thêm, dậm chân, dọa chạy qua nhà tôi khiến cả đám sợ quá, lủi vô nhà. Đuổi tụi tôi hoài cũng mệt, nhiều lúc Dịu khùng chơi chiêu độc hơn. Sáng sớm, Dịu khùng ra ị ngoài gốc nhãn, sau đó bứt chùm nhãn chín bói đậy lại. Tụi tôi thấy vắng bóng Dịu khùng, chạy ra bứt nhãn. Lượm chùm nhãn lên xong là bụm mũi bỏ chạy. Dịu khùng từ trong vườn cười ha hả đắc thắng.

Những lúc Dịu khùng truy sát căng quá, tụi tôi mở rộng phạm vi săn nhãn ra xa hơn. Mùa nhãn già, để đi coi nhãn chín nhiều hay ít, tụi tôi không đi ra đồng theo lối nhà ông nội mà đi vòng qua phía nhà cậu Chín, băng lên gò bà Tô rồi ra đồng. Gò bà Tô có khá nhiều nhãn dại, toàn những cây nhãn trẻ.

Nghe má nói khu vực đó hồi xưa bị bom đạn nhiều nên cây cối chết hết, mấy cây nhãn này mới mọc vào những năm cuối chiến tranh. Nhưng phía gò bà Tô nhiều đối thủ quá, phe Gò Lùm, phe đội Mười, vùng Hai đều túm tụm về săn nhãn suốt mùa hè, tụi tôi chẳng mấy khi hái được nhãn. Vậy là rút về phe nhà, vô nhà ngoại hái nhãn.

Nhà ngoại có hai cây nhãn sau vườn, một cây mọc bên bụi dúi, còn một cây mọc trên bở ngăn cách với nhà bà Năm Huệ. Phía dưới gốc nhãn, ông ngoại chặt tre chất thành đống để làm nhà, đóng giường, làm bừa làm bộng. Tụi tôi phải leo lên đống tre, đu lên cái chảng ba đầu tiên rồi mới leo lên được cây nhãn. Đứa leo lên hái, đứa ở dưới chộp. Mà nhãn chỉ ra trái ngoài mút cành nên phải leo ra tận cành nhỏ mới hái được.

Bà ngoại cứ đứng ở dưới la lên: “Thôi leo xuống, té gãy tay gãy chân là bay chết với tau (2). “Vừa bước xuống bà ngoại lại la tiếp: “Coi chừng lọt chưng (3) vô cái đống tre là bong gân chừ. Bong gân là bay chết với tau”. Tụi tôi cười hề hề, ôm nhãn ra về, để bà ngoại lại một mình lầm bầm: “Tau khô hơi rát cổ với bọn bay. Tau nói ổng chặt trớt cái cây nhãn đi cho rồi. Khổ quá đi!” Bà ngoại nói rứa thôi chứ có bao giờ ông ngoại chặt cây nhãn. Cây nhãn che bóng mát trưa trưa ông ngoại mắc võng nằm ngoài đó.

Cũng dưới cây nhãn này, năm 88, cậu Chín đứng đóng xe bò với ba. Mấy tháng nữa là cậu Chín lấy vợ nên mọi người ai nấy cũng ghẹo cậu Chín vì mợ có bầu trước. Bữa đó, ngay cái đống tre, chỗ mấy cây gai lưỡi long đã mòn vì mọi người đi tắt qua nhà bà năm Huệ, cô Phượng, người yêu của cậu Chín, dừng xe đạp ở đó. Cô Phượng tần ngần, dựa cái xe đạp vào người ở phía đường nhà bà Năm, nhìn sang đám đàn ông đang đóng xe bò và đám con nít lố nhố như tôi đang nghịch dăm bào.

Ba thúc tay cậu Chín: “Con Phượng tìm mi kìa!” Cậu Chín cười quê quê với mọi người. Cô Phượng đưa cho cậu Chín bức thư, nói em gửi cái ni cho anh, rồi cô Phượng quay xe đi liền. Gốc nhãn đó, bao nhiêu mùa đám giỗ, Tết nhứt, dì Năm dì Tám ra chiên chả hột vịt, nấu bánh chưng. Nhưng giờ, cậu Chín đã ra ở riêng, con cậu Chín đã học xong Trung cấp rồi, cô Phượng cũng lấy chồng tận ngoài Điện Bàn, còn cây nhãn cũng đã chết từ lâu. Cậu Mười làm nhà ngay cái gốc nhãn, chốn lãng mạn sau cùng của mối tình cậu Chín giờ là cái mé chuồng heo nhà cậu Mười.

Tôi ra Đại học từ năm 99, không còn được đi hái nhãn, dú nhãn nữa. Mùa hè đến, tụi tôi cắm cúi đi làm thêm, đi dạy kèm. Còn rảnh rỗi chăng là trước ngày nhập học, về ở với mẹ được dăm bữa rồi lại đi. Xong đại học tôi lại vào Sài Gòn kiếm sống, có cái Tết về, có lúc không. Vậy là 12 năm không còn nếm vị nhãn dại. Hôm tháng năm vừa rồi, tôi ở nhà người bạn có bãi cỏ trước nhà. Đêm đó, tôi nằm mơ mình ngủ trên cỏ. Nắng buổi sáng chiếu xéo góc nhà và gió Nam (4) thổi về. Cảm giác nằm nướng như thời còn quét sân xi măng trước nhà, ngủ chòng queo lúc 8g sáng đón gió Nam sau khi đi hái nhãn.

Tôi ngước lên nhìn, vừa nheo mắt tránh nắng, vừa ngắm cây nhãn dại. Cây nhãn dại lúc lỉu trái, trái to bằng ngón tay và chín mọng. Tôi thèm ngủ quá, tính ngủ ráng chút nữa rồi đi hái nhãn. Tỉnh giấc giữa Sài Gòn, tôi nằm nghĩ về cây nhãn dại, nghĩ về những ngày làm cù quèo đi hái nhãn, những lúc hét lên vì Dịu khùng dí chạy, về gốc nhãn và mối tình cậu Chín.

Đêm qua, tôi lại mơ thấy cây nhãn dại được trồng khắp mấy vỉa hè Sài Gòn thay cho bằng lăng, hoa sữa, cây sao. Tôi với chị Liễu đi hái nhãn, nhãn xanh còn sống, nhãn đen chín từng chùm, trái chen chúc trái. Sáng nay tôi gọi cho má, hỏi mùa nhãn năm nay có còn không?

(1): một loại xương rồng dẹt, mọc đầy gai xung quanh, thường mọc ở những trảng cát miền Trung.

(2): tao, phương ngữ Quảng Nam.

(3): chân, phương ngữ Quảng Nam.

(4): gió Lào, không hiểu sao ở chỗ tôi, người ta gọi gió Lào là gió Nam.

Tùy bút của Phan Lan Phương

Hai tản văn dưới đây của Phan Lan Phương, như là những hồi ức - nhật ký. Trong đó, mang nặng ưu tư không chỉ về những nỗi niềm của bản thân, hay người thân trong gia đình, mà còn là những trăn trở về thân phận người nghèo, hay về những cuộc xâm lăng của đô thị với nông thôn mà phần thua thuộc về những gì dường như là căn cốt của một xứ sở.

Tốt nghiệp đại học ngành ngoại thương, Phan Lan Phương đã trải qua nhiều nghề, trước khi làm biên kịch phim như hiện nay. Ngoài làm phim, cô còn làm nghệ thuật trình diễn (performance art) với những nghệ sĩ tự do phóng khoáng tại một không gian nghệ thuật phá cách có cái tên là lạ “Khoan cắt bê tông” tại TP HCM.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.