Chạm nhẹ trong “Cụng, đụng, chạm”

Buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhóm “tạo tiếng” và “tạo hình”. Ảnh: Vân Đỗ.
Buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhóm “tạo tiếng” và “tạo hình”. Ảnh: Vân Đỗ.
TP - Những người tổ chức “Cụng, đụng, chạm” mong đợi có thể tạo cơ hội kết hợp giữa các nhóm cố vấn nội dung (bao gồm những cộng đồng có đại diện tới từ nhóm “Tiên Phong vì tiếng nói của người dân tộc thiểu số”) và các nhóm sáng tác.

Nghệ sĩ sáng tác sẽ góp phần “tạo hình” cho tác phẩm nghệ thuật, trong khi các nhóm cố vấn nội dung sẽ góp phần “tạo tiếng”. Trong quá trình đồng sáng tác “tạo hình”và “tạo tiếng” sẽ cùng khám phá quá trình tương tác này, trưng bày các tác phẩm “đồng sáng tạo” tại cuối chương trình và cuối cùng có thể cùng nhau ghép tiếng, ghép hình để mở rộng khái niệm “văn hóa”.

Những “túi khôn” chạm nhau

Được hỏi “vì sao chương trình có cái tên mở gợi như vậy, anh Trương Minh Giang, điều phối viên dự án của iSEE giải thích “Cụng, đụng, chạm” là ba mức độ chạm khác nhau nhưng đều rất nhẹ. “Đây là những từ  gần nghĩa nhưng mô tả những trạng thái hơi khác nhau. Đó là cụm từ chỉ tiếng Việt mới có, không thể tìm được cụm từ tương đương trong tiếng Anh.

Sự cụng nhẹ giữa các nền văn hóa, giữa người thành thị và cộng đồng dân tộc thiểu số, giữa nghệ sĩ và người dân địa phương tạo cơ hội cho cả hai phía vốn tri thức, kiến thức, kỹ năng và quan trọng là các góc nhìn khác nhau về khung văn hóa khi chạm vào nhau.

Nhóm “Tiên Phong vì tiếng nói của người dân tộc thiểu số” bao gồm 25 thành viên đại diện đến từ 13 cộng đồng dân tộc từ 11 tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Trị, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Yên Bái).

Nhóm “tạo tiếng” chào đón các nghệ sĩ trẻ “tạo hình” với “túi khôn” của dân tộc mình. Chị Sằm Thị Xinh (người Mông Bắc Cạn), anh Ma Văn Hùng (người Tày Lạng Sơn),  cô Lý Thị Hồng Kiều (Khmer Sóc Trăng)... chia sẻ các câu chuyện về cuộc sống, lao động, và tín ngưỡng.

Chị Xinh kể về chuyện khi có một người nữ trong cộng đồng đang mang thai, người phụ nữ sẽ không phải động gì vào việc nhà, được hoàn toàn chăm sóc bởi người chồng hoặc toàn bộ gia đình chồng (nếu ở chung ) từ giặt giũ, nấu nướng, lau dọn nhà cửa. Anh Hùng chia sẻ về việc trồng trọt đa dạng nhiều cây nhiều con, đặc biệt có cả cây thuốc trong vườn.

Điều này không chỉ tốt vì sinh vật đa dạng, mà còn tốt vì không lo chuyện mất mùa trắng. Mất mùa cây này luôn có cây kia đỡ lại, mình không giàu sụ lên vì kinh tế hàng hóa nhưng không lo nghèo và không bao giờ lo chết đói. Chị Hạng Thị Sa (người Mông, Sa Pa) bày tỏ:?“Đối với tôi, là người Mông thì phải có bộ đồ sợi lanh để mặc lúc chết, phải đội mũ người Mông, biết hát bài hát giao duyên. Thế nhưng giờ chỉ có người già mới biết thôi, lũ trẻ không đứa nào biết cả. Con trai nhìn thấy bố làm cái cày, cái cuốc còn cười. Cả những bài thuốc dân gian cũng dần mất đi, tôi tiếc lắm”.

Trong cuộc “chạm mặt” đầu tiên giữa hai nhóm tại Hà Nội, chị Đỗ Tường Linh - từ không gian nghệ thuật Six Space - giám tuyển, cố vấn nghệ thuật cho chương trình đề cập việc làm sao để khi dự án kết thúc, cộng đồng được trao quyền nhiều hơn, được vững chắc, mạnh hơn, thay vì trở thành một địa điểm du lịch đại trà.

Chạm nhẹ trong “Cụng, đụng, chạm” ảnh 1 Nhiếp ảnh gia Đào Thu Hà (bìa trái)  cùng chủ nhà Hạng Thị Xa (Sa Pa), tìm hiểu về cây thuốc quí. Ảnh: Giàng Chu.

Người trẻ hăng hái hơn người danh tiếng

Chọn toàn người trẻ vào nhóm “tạo hình’, giám tuyển nghệ thuật Đỗ Tường Linh cho biết các nghệ sĩ trẻ hăng hái tham gia dự án hơn những người dày kinh nghiệm và nổi tiếng. “Người trẻ mong muốn khám phá và thử sức, còn người thành danh rồi không thích làm dự án cộng đồng bởi nhiều lẽ, trong đó họ không được thoải mái thể hiện “cái tôi””. Chị hy vọng, “người trẻ lại có những phát hiện mà lứa tuổi khác chưa chắc đã nhìn ra”.

Hiện tại các nghệ sĩ đã tỏa đi các địa phương, bắt đầu hành trình “chạm nhẹ”. Đào Thu Hà từ dự án nhiếp ảnh Mắt Cá đang ở nhà chị Hạng Thị Xa tại bản Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) để tìm hiểu về nghề trồng thuốc nam. Nữ nhiếp ảnh gia kiêm nhà báo trẻ thấy thú vị  khi biết thêm về nhiều loại cây thuốc quí hiếm. Cô khá lạ vì “ đa số thầy cúng đều kiêm nghề thầy thuốc. Họ trồng cây thuốc, chữa bệnh không phải vì yêu thích công việc hay vì mục đích kiếm tiền mà đơn giản đây là nghề ông bà truyền lại cho”.

Nhóm của họa sĩ truyện tranh Linh Rap có mặt tại Mù Cang Chải (Yên Bái) để cùng bà con nơi đây kể chuyện cổ tích dân tộc mình trên giấy cuộn to.

Chạm nhẹ trong “Cụng, đụng, chạm” ảnh 2 Chuyện hay luôn bắt đầu từ bếp. Ảnh: Giàng Chu.

Nghệ sĩ trình diễn thể nghiệm Trang Linh sẽ mời đồng bào trong một buôn làng tại Đăk Nông múa chuyển động sinh hoạt kết nối nhóm. Họ cùng nhau tạo hình rối bóng và kể câu chuyện di cư của cộng đồng từ Bắc vào Nam.

Dự án đặc biệt chú ý tới việc các nhóm cộng đồng tại địa phương được trao quyền, được xem thành quả vì đây chính là tác phẩm “của cộng đồng”. Quá trình thực hiện tác phẩm sẽ được lưu giữ dưới dạng hình ảnh, video. Tất cả các tác phẩm trong dự án này, trước hoặc sau triển lãm chung tại Hà Nội, sẽ đều được gửi về địa phương, trình chiếu hoặc triển lãm, để cộng đồng được thưởng thức.

Điều hơi khác thường là “Cụng, đụng, chạm” không có thù lao cho bất kỳ nhóm nào. Các nhóm đều tham gia trên tinh thần tự nguyện.?

“Cụng, đụng, chạm” là chương trình lưu trú và đồng sáng tác 30 ngày trong tháng 5/ 2017,  được thực hiện bởi nhóm Tiên Phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số, Viện iSEE (Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường) nhân ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4. Dự kiến triển lãm vào tháng 6/2017.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.