Chẵn 580 năm giải phóng Thăng Long tha thẩn tìm...

Chẵn 580 năm giải phóng Thăng Long tha thẩn tìm...
TP - Trong lúc cứ tha thẩn tìm một địa danh đích xác của Hội thề Đông Quan lại cũng tha thẩn nghĩ thêm  về nhận định của học giả Hoàng Xuân Hãn.Chữ ĐỨC để khu biệt cuộc chiến chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm của dân tộc với công cuộc Giải phóng Đất nước có nội hàm gì vậy?  
Chẵn 580 năm giải phóng Thăng Long tha thẩn tìm... ảnh 1

Đình làng Mai Động Ảnh: Hồng Vĩnh

Cảm giác tha thẩn ấy đeo bám mãi từ cái hôm tới Đại học Bách khoa Paris, một ngôi trường có hơn 200 năm lừng danh! Cứ đến Paris hay nước Pháp nhắc đến trường X là người ta biết ngay École Polytechnique, trường Bách khoa - một trong những địa danh có truyền thống đào luyện những tài danh cho nước Pháp!

Xúc động chưa hẳn khi đứng dưới mái vòm nổi bật hàng chữ do chính Hoàng đế Napoléon Bonaparte đã đặt phương châm hành động đồng thời cũng là khẩu hiệu cho nhà trường là Pour la Patrie, les Sciences et la Gloire (Vì Quốc gia, Khoa học và Vinh quang).

Bâng khuâng chưa hẳn từ chiếc cổng vòm này, những học trò sau này là những phi hành gia vũ trụ, những nhà công nghiệp, các Tổng thống lẫn chính trị gia như Valéry Giscard d’Estaing (X1944), Tổng thống Pháp từ 1974 đến 1981 Sadi Carnot (X1857), cựu Tổng thống Pháp từ 1887 đến 1894 Francis Mer (X1959); Bộ trưởng Tài chính Jean-Baptiste Eugène Estienne (X1879): “Cha đẻ” của xe tăng, và cả René Cogny (X1925) - Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ 1953-1954, một trong những người có trách nhiệm trong thất bại của Pháp ở trận Điện Biên Phủ cũng đã được đào luyện ở trường này!

Ngoài ra còn có 4 vị thống chế chỉ huy quân đội Pháp trong Thế chiến thứ nhất xuất thân ở trường X. hàng loạt các nhà khoa học trong đó có Fulgence Bienvenue (X1870): Cha đẻ của hệ thống tàu điện ngầm Paris. Mà người tôi như nổi gai khi bắt đầu tha thẩn dò tìm thấy tên một người Việt: GS Hoàng Xuân Hãn từng học ở Bách khoa Paris (X.1930).

Và lại cũng nổi gai khi tại cơ quan sứ quán Việt Nam ở đường mang tên thi sĩ Boileau, tôi được tiếp cận với một bản sao bức thư của GS Hoàng Xuân Hãn.

Bức thư này tôi được biết qua người giữ nó rằng, gần Tết năm 1996, GS Hoàng Xuân Hãn đã trực tiếp mang đến Đại sứ quán Việt Nam. Trên đường trở về tư gia, GS không may bị ngã và mất sau đó không lâu!

Thư được gửi cho nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Về toàn văn nội dung bức thư, có lẽ chắc đến một thời điểm thích hợp nào đó sẽ được công bố. Nhưng tôi thử lẩy ra một đoạn khiến cứ đeo bám mình dài dài. Đoạn đó thế này:

Tôi đã có lúc biện-luận về điều khác biệt giữa sự thắng ngoại-xâm và sự giải-phóng đất nước. Nước ta chỉ có hai cuộc giải-phóng mà thôi: thời 1416-1427 với Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi, và thời 1945-1975 với Bác Hồ cùng các Anh.

Tự nhiên cả hai mặt phải nhờ gắn-bó giữa mưu-lược lãnh-đạo và kiên-cường nhân-dân. Khi ngoại-xâm thì nhân-dân ai cũng căm-tức và lo-sợ cho tương-lai; còn trong cuộc giải-phóng thì địch đã ở chung với nhân-dân lâu trong nước, rồi có thể dùng quyền-lợi để chia rẽ và giảm tinh-thần nhân-dân.

Vì vậy, cái cần-thiết nhất trong cuộc giải-phóng là cái ĐỨC của những người lãnh-đạo, cái Đức để cho địch không tìm cách mua-chuộc mình và làm gương cho nhân-dân giữ lòng yêu nước.

Bây giờ khi ngồi gõ những dòng này, thì ngoài đường kia, mặc cho thời buổi kinh tế thị trường lẫn đô thị hóa đang hàng ngày ngốn đi không ít diện tích trồng đào, nhưng những nhánh đào sớm nghênh xuân Mậu Tý vẫn cứ lác đác thoảng qua. Đào ấy, nhánh ấy là được trích ra từ những nguyên bản của đào thời Lý Trần rồi Lê của Đông Quan Đông Kinh.

Chẵn 580 năm giải phóng Thăng Long tha thẩn tìm... ảnh 2
Đền vua Lê. Ảnh: Hồng Vĩnh

Cứ chiểu theo âm lịch mà suy, thì cái ngày 16-12-1427 dương lịch diễn ra Hội thề Đông Quan ấn định ngày 29-12-1427 đến ngày 3-1-1428 Vương Thông cùng bè lũ  xâm lược Minh phải rút về nước thì nhằm đúng bữa 12 tháng Chạp của Tết Đinh Mùi. Vừa chẵn 580 năm!

Chính sử chép, ngày 16 tháng 12 năm 1427, tại phía nam thành Đông Quan, bên bờ sông Nhị, một hội thề lịch sử đã diễn ra, gọi là hội thề Đông Quan. Đây là một hình thức định ước đình chỉ chiến sự giữa nghĩa quân Lam Sơn và quân đô hộ nhà Minh.

Lễ thề do chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn tổ chức, theo đó buộc quân Minh tuyên thệ rút hết về nước sau thất bại nặng ở trận Tốt Động-Chúc Động (ngày 5-7 tháng 11, 1426) và Chi Lăng - Xương Giang (11-1427).

Tại buổi lễ, trước đoàn nghĩa quân do Lê Lợi dẫn đầu, có các tướng: Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Phạm Vấn, Lê Ngân, Phan Văn Xảo, Bùi Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Nguyễn Lý, Phạm Bối, Lê Văn An, Bế Khắc Thiện, Ma Luân. Vương Thông tổng tư lệnh quân Minh cầm đầu cùng các tướng Sơn Thọ, Mã Kỳ, Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Trần Tuấn, Trần Hựu, Chu Kỳ Hân, Quách Vinh Thanh, Dực Khiêm, Lục Quảng Quảng Bình, Hồng Bỉnh Lương, Lục Trinh, Dương Thời Tập, Quách Đoan.

Tại Hội thề Đông Quan, Tổng tư lệnh Vương Thông  trước đoàn nghĩa quân do Lê Lợi dẫn đầu đã phải đọc Bài văn hội thề  với nội dung cam kết đình chỉ mọi hoạt động chiến sự, rút hết quân trong thời hạn 5 tháng; không cướp bóc sách nhiễu trên đường rút quân.

Tiếp sau đó quân Minh đã kéo đến dinh Bồ Đề, Tổng hành dinh của Bình Định Vương Lê Lợi trong cuộc kháng chiến để lạy tạ lãnh đạo nghĩa quân. Thực hiện cam kết, ngày 29/12/1427 (tức là ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi) đúng như cam kết trong Hội thề, Vương Thông đã rút quân về nước dù chưa nhận được lệnh bãi binh của Thiên triều.

Lê Lợi đã cung cấp cho quân Minh: Quân thủy được cấp 500 chiến thuyền do Phương Chính Mã, Kỳ quản lĩnh vượt biển về nước. Quân bộ do Sơn Thọ, Hoàng Phúc quản lĩnh, được cấp đủ lương thực theo đường bộ về nước.

Quân Minh trong các thành Tây Đô, Cổ Lộng cũng được giải vây và cấp đủ lương thực theo đường bộ rút về. Ngoài ra Lê Lợi còn trao trả cho nhà Minh hơn 20.000 tù binh cùng 20.000 ngựa chiến do tướng Mã Anh quản lĩnh.

Ngày 29 tháng 12 bắt đầu rút và đến ngày 3-1-1428 tức ngày Rằm Tháng Chạp năm Đinh Mùi, đội bộ binh cuối cùng của bại tướng Vương Thông cũng rời khỏi Mục Nam Quan.

Tổng cộng 10 vạn quân Minh đã được trở về quê hương an toàn. Hội thề Đông Quan 1427 thể hiện cách kết thúc chiến tranh sáng tạo, mềm dẻo, nhân đạo của nghĩa quân Lam Sơn.

Năm 1428, bằng sự kiện quân đội của Lê Lợi giải phóng đất nước thì Đông Quan được đổi tên thành Đông Kinh. Tên gọi này người châu Âu phiên âm thành Tonkin. Tonkin, một dấu ấn lẫn ám ảnh? Bởi năm 1831 vua Minh Mạng lập ra tỉnh Hà Nội (tỉnh nằm trong (nội) hai con sông (hà) là sông Hồng và sông Đáy).

Chẵn 580 năm giải phóng Thăng Long tha thẩn tìm... ảnh 3
Giếng làng Mai Động. Ảnh: Hồng Vĩnh

Khi Việt Nam tiếp xúc với phương Tây, tên Hán Việt của Hà Nội Đông Kinh, được viết thành Tonkin và được người châu Âu dùng phổ biến.

Về vị trí Hội thề Đông Quan. Trong chính sử (Đại Việt sử ký Toàn thư lẫn Cương mục) đều chỉ chép vắn tắt rằng ở phía Nam thành Đông Quan. Gần đây có nhà sử học công bố trên một tờ báo rằng vị trí đó có thể là khu vực Hỏa Lò. Khu ấy từ thời Lê sơ có tên là Nguyên Khánh (tin vui đầu năm).

Sở dĩ có tên là Nguyên Khánh do sự kiện ấy (Hội thề Đông Quan) mà ra chăng? Người viết bài này đã đến gặp nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Tiết Đại tuyết rét mướt hanh hao, tuổi cao sức yếu cộng thêm công việc bộn bề nhưng cụ vẫn vui lòng lẫn kiên nhẫn nghe cái người tự dưng đến quấy phiền cụ trình bày.

Những khoảng u u minh minh như sáng thêm, kiến văn dường như được rộng mở thêm khi cụ chậm rãi mà rằng, không thể gọi địa điểm của Hội thề thuở ấy là ở khu vực Hỏa Lò được!

Bởi thành Đông Quan thời quân Minh đô hộ không thể khuôn ở vị trí kinh thành Thăng Long mà Gia Long đã từng cố tình gọt cho hẹp bớt Thăng Long được. Đông Quan thuở ấy phải gồm một vòng của Đại La thành.

Riêng sĩ số của quân Minh khi đó đã non mươi vạn chưa kể sĩ số của dân thành Đông Quan nữa dĩ nhiên cũng gấp vài lần con số ấy thì bề kích kinh thành khiêm tốn như thế thì lấy chỗ nào mà chứa?

Thêm nữa, khi ấy Vương Thông chưa rút quân, Đông Quan còn đương đầy bóng giặc, Bình Định Vương Lê Lợi lẽ nào chọn một địa điểm giặc đang chiếm cứ mà làm chỗ Hội thề? Phải là khu vực đã được giải phóng hoặc có thể là một nơi giáp ranh. Chính Đông Quan trong phạm vi rộng lớn một vòng ôm Đại La thành cho phép ta nghĩ đến một địa điểm là khu vực Vĩnh Tuy Hoàng Mai cụ thể là Mai Động bây giờ.

Không phải ngẫu nhiên mà khu vực ấy hiện giờ vẫn có những địa danh như Gò thề, Gò cơm nắm? Như thế phù hợp hơn với chi tiết trong chính sử đã chép là phía Nam thành Đông Quan và bên bờ sông Nhị Hà.

Bên bờ Nhị Hà? Địa điểm đó liệu có phải là nơi sau này các vua Lê làm lễ thề vào dịp mồng 4 tháng  tư hằng năm? Toàn thư chép rằng Đền thờ thần núi Đồng Cổ còn có tên là núi Khả Lao, xã Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Tương truyền ngày xưa Vua Hùng đi đánh giặc trú quân dưới chân núi đêm mộng thấy sơn thần hiện lên xin cho đem trống đồng theo quân để trợ chiến. Khi lâm trận vua Hùng nghe có tiếng trống văng vẳng oai hùng từ không trung dội xuống.

Giặc nghe thấy thất kinh bỏ chạy cả. Thắng trận trở về Vua Hùng phong cho vị Sơn thần ấy là Đồng Cổ Đại Vương.

Khi Lý Thái Tổ băng hà, Thái tử Phật Mã chưa kịp lên ngôi thì xảy ra loạn Tam vương. Vương Vũ Đức, Đông Chính và Dực Thánh khởi loạn giành ngôi báu.

Âm mưu bại lộ. Thái tử được Lê Phụng Hiểu giúp sức dẹp yên. Phật Mã lên ngôi tức là vua Lý Thái Tông nhận rằng trước thời điểm xảy ra đảo chính (loạn) một hôm, chính thần núi Đồng Cổ báo mộng cho biết nên đã kịp thời phòng bị.

Nhân đó vua cho rước bài vị ở chân núi Đồng Cổ Thanh Hóa về Kinh Đô. Năm Canh Thân, Vua xuống chiếu giao cho quan hữu ty dựng đến thờ phía sau chùa Thánh Thọ (năm 1028) lấy ngày 25 tháng 3 dựng đàn thề.

Mỗi khi thề vua quan chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết. Các quan từ cửa đông đi vào, đến trước thần vị, cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường.

Sau vì tháng ba có ngày quốc kị, chuyển sang ngày mồng 4 tháng 4. Các vua triều Trần cũng giữ lễ như vậy đến thời Lê mới đổi nơi hội thề ở Bờ sông. Còn đền Đồng Cổ thì sai quan đến tế.

Cứ như nhận định của học giả Hoàng Xuân Hãn? Chúng ta đã có bao nhiêu cuộc chống và chiến thắng ngoại xâm? Và có bao nhiêu cuộc giải phóng đất nước?

Trong lúc cứ tha thẩn tìm một địa danh đích xác của Hội thề Đông Quan lại cũng tha thẩn nghĩ thêm  về nhận định của học giả Hoàng Xuân Hãn.Chữ ĐỨC để khu biệt cuộc chiến chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm của dân tộc với công cuộc Giải phóng Đất nước có nội hàm gì vậy?

Thiết tưởng cũng là nơi để mắt của các bậc thức giả cao minh cùng các nhà sử học nhân chẵn 480 năm Giải phóng Đông Quan trước thềm kỷ niệm ngàn năm Thăng Long ?

Đầu năm 2008

MỚI - NÓNG