Châu Long

Minh họa: Phương Hoa.
Minh họa: Phương Hoa.
TP - Sông Hồng mùa nước lên đục ngầu như một chén tiêu tương hòa máu. Chẳng có hai người vợ nào khóc vua Thuấn cũng chẳng có cây trúc nào để mà vảy nước mắt. Tất cả đều chìm nghỉm dưới lòng sông. Quần thảo nước, trũng xuống những vỉa rong rêu xanh lè.

Khi tôi mười tuổi đã được cha cho đọc sách và cho vào ngồi chiếu chèo, khi tôi mười bảy thì cha chết nên tôi bơ vơ. Cha nói nếu có lấy chồng hãy đến nhà họ Dương, ta đã có hẹn với họ về hôn sự của con rồi. Tôi tìm đến thì chàng Dương đã có hai vợ. Một người lo tính toán, một người lo nội trợ. Tôi thành vợ ba, người lo việc tầm tang. Mỗi năm ba vụ tằm, bảy tám lứa, nương dâu nhà chàng Dương xanh ngắt như một dòng chảy màu ngọc bích hòa vào thứ màu ưu tư của nước sông. Chàng là người nho nhã hơn nữa lại là quan lớn triều đình, chưa từng nặng lời với tôi. Chàng thường khen tôi xinh đẹp nhưng không quá yêu chiều. Chàng san sẻ tình yêu cho cả ba người. Tôi cũng chưa bao giờ hát cho chàng nghe và cũng không bao giờ đọc sách trước mặt chàng. Cuộc sống giữa chúng tôi diễn ra yên ổn.

Nương dâu ấy như một tấm lụa xanh phủ lên dải đất ven sông Hồng. Khi người ăn kẻ ở đã về hết, chỉ còn tôi đơn độc đứng giữa đất trời, nghe tiếng sóng dưới mạn thuyền vỗ về đáy nước, lúc ấy tôi mới thấy lòng mình gợn lên một nỗi buồn lạnh lùng như thể từ lâu đã đóng băng lại, gói gém trong tâm tư non dại của tôi. Khi cha còn sống tôi vẫn hay hát, vẫn cười nói. Đã lâu rồi hàm tôi như cứng lại vì im lặng. Nếu tôi đâm một nhát vào tim mình thì trái tim tôi có còn máu chảy không nhỉ - đôi khi tôi tự hỏi.

Khi trời về chiều, có một chiếc thuyền buồm nâu xuất hiện nơi bến sông. Bến sông này đã lâu không có thuyền cập bến, trở nên quạnh hiu. Mặt người đứng trên bờ cũng hiu quạnh. Trong ráng chiều đỏ ửng, người đàn ông tiều tụy võ vàng càng trở nên yếu ớt hơn. Chiếc thuyền đẩy anh ta xuống rồi lại giong buồm. Tôi nói: Nều cần hãy nghỉ ngơi đi. Anh ta chỉ cười rồi nằm ệch xuống dưới một trảng cỏ. Tôi ngượng ngùng nép mặt vào lá dâu non. 

Dưới những ngón tay mảnh dẻ của anh ta là một vết chai do cầm bút. Lòng tôi chợt gợn nên nỗi niềm chua xót. Tôi nhớ đến cha tôi, người đàn ông thư sinh nhiều bệnh tật. Đem tôi về từ một người đàn bà xướng ca, cha tôi nuôi tôi khôn lớn chỉ bằng bản năng và những bài học ít ganh đua mà ông học được từ cha của mình. Khi cha chết, vẫn chưa kịp may cho tôi một tấm áo nâu sồng và chưa kịp thấy tôi đóng Súy Vân nơi sân đình vào ngày làng trẩy hội.

Luyện năm cung đấy à? Môi tôi lẩm bẩm như say bóng nước thì đã nghe thấy tiếng hỏi nhỏ.

Tôi không trả lời mà tự nhiên cầm nón quay đi. Đôi mắt của người ấy như in vào gáy tôi. Một đôi mắt phượng sắc lẹm.

Trống chèo đã gióng lên thì rồi sẽ không thể tắt ngay được. Tôi và người đàn ông nọ hóa ra lại có duyên. Bên chén trà sen thơm lừng, chàng Dương nói với tôi rằng: Bác Lưu nay là bạn của ta, có ơn với ta. Ta muốn em đi nuôi bác ba năm để bác yên tâm thi cử.

Tôi gật đầu.

Trước cổng lớn nơi người ở sỉ nhục chàng Lưu, tôi nhặt nốt chiếc lá dâu rơi vãi trao lại tay chị Cả, hai chị có vẻ thương tâm nhưng tôi vẫn ngửi thấy mùi lá dâu hăng hăng bốc lên từ tay chị. Từ bây giờ nhà chỉ còn hai bà vợ và sẽ rộng rãi hơn. Chàng Dương đứng từ xa mỉm cười. Sống lưng tôi gai gai cảm giác nóng bỏng nhưng hai bàn tay lạnh ngắt thờ ơ buông thõng. Chào phu quân, thiếp đi.

Nơi bến thuyền cuối nương dâu, chàng Lưu đang đợi. Cô là ai, cô sẽ theo ta ư? Chàng không có vẻ hồ nghi. Đúng vậy. Anh có đồng ý không?

Ta chẳng có gì cho cô, cô vẫn đồng ý theo ta ư?

Cùng trông xa mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai…

Đó là nỗi lòng khi ly biệt, cô không phải vì ta mà vĩnh biệt ai.

Tôi không vì anh, tôi vì bản thân mình.

Chàng Lưu nhìn tôi hồi lâu rồi đồng ý. Tôi đi sau chàng, lên thuyền xuống bến mấy lần mới đến nhà chàng. Nơi nghèo nàn nhưng vẫn phảng phất sự giàu sang xưa kia của gia chủ. Nhà ngói cây mít đã lìa xa, giờ chỉ còn một đống đổ vỡ trong lòng và những nhớp nhúa của cuộc đời nhuộm buồn đôi mắt của chàng. Chàng thường xem tôi ngồi rung nhịp phách trên chiếu chèo và mỉm cười. Trong mắt chàng không hề có sự than thở. Chàng luôn thanh thản hoặc là cố tỏ ra như vậy. Đêm khuya, chàng thường lấy chiếc khăn lụa điều lau tàu lá chuối rũ qua cửa sổ. Dưới bóng chong đèn, chàng thanh cao, siêu thực. Tôi không dám chạm vào cái bóng của chàng.

Tôi luôn nghĩ chàng đã biết thân phận của tôi, có lúc lại nghĩ chàng không biết. Đôi mắt chàng ít khi đặt vào tôi, dù một số lần tôi đã tự nhủ hãy cố gắng nhìn vào nó. Một chiếc đuôi mắt dài và sắc cứa trái tim tôi rướm máu. Nhiều đêm tôi nhầm chàng là mình rồi đi về phía ấy nhưng tỉnh giấc vì trái tim đau nhói những vết cứa chưa lành. Cuộc đời chàng và cuộc đời tôi in bóng trong nhau những mất mát, những khao khát khác với thói đời.

Một đêm rằm tháng giêng trăng lạnh, quạ kêu văng vẳng. Chàng vẽ một bức tranh rồi vừa uống rượu vừa ngắm nhìn. Hoa quỳnh không nở cũng chẳng có rượu hoàng hoa nhưng chàng vẫn nghẹn ngào nơi đáy mắt. Ánh trăng va vào đó như muốn rớt ra ngoài. Tôi cũng muốn uống rượu với chàng mà bỏ buông khung cửi. Chàng không phản đối, coi như xung quanh không có người. Tôi lén rót rượu cho chàng và chờ đợi. Chàng say gục xuống, tôi òa lên khóc.

Chàng đi thi áo gấm về làng, tôi đã trở về phủ họ Dương từ trước. Nương dâu vẫn xanh, nước sông vẫn đục ngầu như rượu tiêu tương hòa máu. Chàng Dương hồ hởi đón tôi về. Chị Hai làm tiệc, chị Cả tính toán công việc làm ăn cho tôi. Làng trên xóm dưới nói rằng tôi xứng đáng là người đàn bà tiết hạnh khả phong. Duy có chàng Lưu, năm lần bảy lượt không đến bái kiến quan trên. Ai cũng đoán rằng, chàng giận vì xưa kia bị đối xử tệ bạc. Chàng Dương sốt ruột cho người đến mời nhưng chàng Lưu chỉ đưa lại một bức tranh. Trong tranh là khuôn mặt nép vào lá dâu non năm nào. Chàng Dương ném bức tranh về phía tôi rồi tức giận bỏ đi. Không ai hiểu vì sao, chỉ mình tôi hiểu.

Chàng Lưu cuối cùng cũng đến, thờ ơ chào tôi bằng chị dâu, tay bắt mặt mừng cảm ơn người anh kết nghĩa đã cho vợ đi nuôi em ăn học. Tôi muốn uống cạn rượu trên bàn nhưng hai tay đã mải nắm lấy bức tranh của chàng. Hôm nay, nước sông lên ngập nương dâu. Bãi bể nương dâu nơi đâu để tôi nương nhờ lúc tâm hồn đầy những lời đau xót?! Cái bóng của tôi tan đi khi chính tôi đã không còn bên chàng và chàng cũng vậy, đẩy đưa tôi vào những hằn thù và tranh đấu thầm lặng của hai người họ. 

Ngày qua ngày, tôi không còn gặp chàng Lưu nữa, chàng cũng đã có hai vợ và chuẩn bị lấy người vợ thứ ba. Nhà họ Dương coi tôi như bảo vật để chứng tỏ sự gia phong nền nếp của họ. Tôi đã bỏ nương dâu cũng bỏ luôn cả đọc sách và nhịp phách chèo. Mỗi lần nhìn phu quân ngày càng già đi, những nếp nhăn quanh khóe miệng càng lúc càng mệt mỏi, trong họng tôi trào lên một cảm giác lợm giọng. Chàng Lưu chắc cũng không vẽ tranh nữa, giờ chàng có nhiều thú vui khác và có lẽ cũng đã già. Bức tranh ngày xưa tôi vẫn giữ và đóng khung treo nơi đầu giường. Chỉ có điều màu sắc đã phôi pha hết cả.

Khi gặp tôi cũng chẳng ai còn gọi tôi là Châu Long.

Châu Long ảnh 1Thân phận của nàng Châu Long nghe lệnh chồng đi chăm sóc cho bạn chồng luôn gợi hứng cho các nhà văn cả nam lẫn nữ. Có hai cách nhìn lớn: đàn ông thì ca tụng, cho đó là sự hy sinh cao cả, vv và vv… Phụ nữ thì xót xa khi người đàn bà bị rơi vào tình cảnh nô lệ kép. Phạm Phương cũng xót xa cho nàng Châu Long, nhưng chị còn chỉ ra sự bạc bẽo của đàn ông. Và sự đau đớn với những nỗi lòng rất đàn bà bị rơi vào vực thẳm vô tình vô nghĩa. 

Phạm Phương là cây bút giàu suy tưởng và bứt phá. Nhà văn nữ hiện đang sống và làm việc tại Nhật Bản. 

L.A.H

MỚI - NÓNG