Cháu nội vua Thành Thái lần đầu tiên được thăm lăng gia tộc

TPO - Sáng 24/3, lễ kỵ vua Thành Thái tại An Lăng (đường Duy Tân, TP Huế) diễn ra theo nghi thức cung đình Huế xưa. Đặc biệt, dịp kỵ vua lần này, gia đình ông Nguyễn Phước Bảo Tài (52 tuổi), cháu nội vua Thành Thái lần đầu tiên được về Huế dự lễ vua ông và thăm mộ cha...

Buổi lễ kỵ vua Thành Thái tại An Lăng- khu mộ chung của ba thế hệ vua nhà Nguyễn Dục Đức (cha), Thành Thái (con), Duy Tân (cháu) và con cháu nhà vua diễn ra theo đúng nghi thức cung đình xưa, lễ giỗ được cử hành dâng hương tại 2 lăng mộ vua Thành Thái  và điện Long An (trung tâm khu vực lăng tẩm), bên trong có ba án thờ bài vị các vua.Tại đây, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cùng đội nhạc lễ, hương, hoa dâng vua.

Đoàn làm lễ năm nay có sự xuất hiện đặc biệt của hoàng tôn Nguyễn Phúc Bảo Tài (52 tuổi, Cần Thơ), con trai út của hoàng tử Vĩnh Giu, tuy mất gần 10 năm nay được đem về An Lăng (Huế) chôn cất, song suốt thời gian qua ông chưa lần nào được trở về thăm mộ vì hoàn cảnh gia đình khốn khổ.

Theo ông Bảo Tài, vì cuộc sống túng quẫn  khi hai vợ chồng hằng ngày phải đi làm thuê ba cọc ba đồng, đứa con gái duy nhất dị tật bẩm sinh liệt thần kinh hệ số 9 nên ước muốn về Huế thăm mộ ông và cha không dám nghĩ đến.

“Lần đầu tiên, đứa cháu dâu như tôi đã rất hạnh phúc, vui mừng khi được tận tay dâng hương, viếng thăm mộ cha và ông nội. Tôi và gia đình mong muốn lần nữa tham dự lễ kỵ vua ông vào những dịp sau nữa”, chị Nguyễn Bích Thủy, vợ anh Bảo Tài (45 tuổi), nghẹn ngào.

Trước đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đã đón gia đình ông Bảo Tài từ TPHCM ra Huế, hỗ trợ vé máy bay và lo toàn bộ cho phí ăn uống và đi lại cho gia đình từ ngày 21-26/3.

“Biết được cuộc sống khốn khó của gia đình anh Bảo Tài đã 10 năm nay chưa có điều kiện về Huế thăm viếng nên Trung tâm đã hỗ trợ để phần nào thỏa ước nguyện của gia đình anh. Song, tôi cũng mong dòng tộc lập ra một quỹ hỗ trợ kêu gọi từ xã hội cho những con cháu, họ hàng vua có hoàn cảnh khó khăn để tạo điều kiện về thăm viếng mộ vua” - ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết.

Sắp tới, bé Thanh Tuyền, con gái ông Bảo Tài sẽ được giới thiệu khám bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và Bệnh viện Trung ương Huế để tìm cơ hội khám chữa bệnh.

Được biết, Vua Thành Thái (1879-1954) là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1889 đến 1907. Vua Thành Thái có tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân. Ngoài ra ông cũng có tên khác là Nguyễn Phúc Chiêu. Vua Thành Thái là con thứ 7 của vua Dục Đức với Từ Minh Hoàng hậu. Ông được đánh giá là người cầu tiến, yêu nước và chống Pháp. Do chống Pháp, ông cùng với các vua Hàm Nghi và Duy Tân, là 3 vị vua yêu nước trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc, bị đày tại ngoại quốc.

Ngày 12 tháng 9 năm 1907, vua Thành Thái bị đưa đi quản thúc ở vùng Cap Saint Jacques- chính là Vũng Tàu ngày nay. Đến năm 1916, ông bị thực dân Pháp đày ra đảo Resunion cùng với con trai là vua Duy Tân.  Năm 1947, sau hơn 31 năm bị lưu đày, vua và gia đình trở về cố hương nhưng gia đình rơi vào cảnh ly tán khắp nơi.

Hoàng tử Vĩnh Giu - người con thứ 19 của vua Thành Thái và thứ phi Chí Lạc, em ruột vua Duy Tân bị người Pháp đưa về Cần Thơ làm làm trong ngành cầu đường. Đến năm 1951, hoàng tử Vĩnh Giu kết hôn với bà Lý Ngọc Hóa, sinh được 7 người con, trong đó, hoàng tôn Bảo Tài là con út. 10 năm trước, hoàng tử Vĩnh Giu mất và được đưa về lăng gia tộc ở Huế an táng.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, An Lăng được xây dựng trong hoàn cảnh đất nước và vương triều Nguyễn có nhiều biến động. Nó mang quy cách kiến trúc chung của các lăng khác nhưng cũng có một số nét nghệ thuật cá biệt riêng ở lĩnh vực trang trí. Với giá trị lịch sử và nghệ thuật như vậy, An Lăng làm phong phú thêm cho sắc thái và chất lượng của quần thể kiến trúc lăng tẩm các vua nhà Nguyễn ở cố đô Huế.

“Lễ nghi kỵ vua Thành Thái được diễn ra hằng năm, đây cũng là dịp để tưởng nhớ công lao của vua đối với đất nước trong những ngày tháng chống giặc ngoại xâm. Ngày này, họ hàng dòng tộc tập trung về đây đông đủ, đặc biệt năm nay có sự tham gia của cháu nội vua Thành Thái”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nói.

Cháu nội vua Thành Thái lần đầu tiên được thăm lăng gia tộc ảnh 1
Cháu nội vua Thành Thái lần đầu tiên được thăm lăng gia tộc ảnh 2

Lễ kỵ vua Thành Thái trong không khí đậm chất cung đình Huế xưa với sự tham gia đông đủ họ hàng gia tộc Nguyễn.

Cháu nội vua Thành Thái lần đầu tiên được thăm lăng gia tộc ảnh 3
Cháu nội vua Thành Thái lần đầu tiên được thăm lăng gia tộc ảnh 4

Bé Thanh Tuyền khó nhọc từng bước song vợ chồng anh Bảo Tài vẫn gắng dìu dắt bé dự lễ viếng vua ông và cha.

Cháu nội vua Thành Thái lần đầu tiên được thăm lăng gia tộc ảnh 5
Cháu nội vua Thành Thái lần đầu tiên được thăm lăng gia tộc ảnh 6

Lễ kỵ vua Thành Thái năm nay còn có con trai trưởng vua Duy Tân,  ông Georges định cư ở Pháp trở về thăm viếng mộ.

Cháu nội vua Thành Thái lần đầu tiên được thăm lăng gia tộc ảnh 7

Hoàng tôn Bảo Tài trầm ngâm trong lễ viếng vua ông Thành Thái.

Cháu nội vua Thành Thái lần đầu tiên được thăm lăng gia tộc ảnh 8
Cháu nội vua Thành Thái lần đầu tiên được thăm lăng gia tộc ảnh 9

Họ hàng trong dòng tộc thăm viếng, dâng hương tại lăng mộ vua Thành Thái, Duy Tân và điện Long An.

Cháu nội vua Thành Thái lần đầu tiên được thăm lăng gia tộc ảnh 10
Cháu nội vua Thành Thái lần đầu tiên được thăm lăng gia tộc ảnh 11

Dịp kỵ vua Thành Thái năm nay, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến thăm hỏi, động viên gia đình anh Bảo Tài.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".