Chơi đâu, xem gì dịp 2/9?

Đa dạng hoạt động vui chơi giải trí dịp 2/9
Đa dạng hoạt động vui chơi giải trí dịp 2/9
TP - Chuỗi chương trình vui chơi giải trí, một số điểm tham quan hút khách có thể lấp đầy ba ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh 2/9.

Ba điểm bắn pháo hoa ở TPHCM. Hai điểm bắn pháo hoa tầm cao là đầu đường hầm sông Sài Gòn và tòa nhà Landmark. Pháo hoa tầm thấp tại công viên văn hóa Đầm Sen. Thời gian bắn pháo hoa từ 21h đến 21h15 tối 2/9.

Nóng tour quốc tế. Một số doanh nghiệp lữ hành lớn cho hay, dịp 2/9 dù chỉ nghỉ chính thức ba ngày nhưng rất nhiều khách lựa chọn du lịch xa như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia và đông khách nhất là tuyến châu Âu. Sở dĩ châu Âu hút khách do tiết trời vào thu khá dễ chịu, phong cảnh cũng vào mùa đặc sắc.

Du lịch trong nước dịp 2/9 giá phòng lưu trú không tăng nhiều, chủ yếu tăng do dịch vụ đi kèm. Những khu nghỉ dưỡng khoảng cách dưới 200km so với Hà Nội được săn đón như Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Quảng Ninh, Sầm Sơn, Ninh Bình.

Vui Tết độc lập không thể bỏ qua những điểm đến ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc. Bà con vùng cao trang trí nhà cửa, mở nhiều hoạt động hội hè náo nhiệt đón Tết độc lập. Mùa lúa chín ở Mù Căng Chải, Sa Pa hay Y Tý vào dịp nghỉ lễ này cũng là lựa chọn không tồi cho những người yêu văn hóa vùng cao.

Lễ hội Lân sư rồng quốc tế Đà Nẵng (30/8-2/9), thu hút 30 đội lân sư rồng từ Trung Quốc (bao gồm Đài Loan), Malaysia, Singapore, Indonesia, Australia và 24 đội nước nhà. Đây cũng là lần đầu nội dung thi “mai hoa thung trên nước” biểu diễn tại Việt Nam. Đêm gala 2/9 ngoài các màn trình diễn của đội xuất sắc, còn có sự góp mặt của các ca sĩ như Đan Trường, Isaac, Jack và K-ICM.

Vó ngựa trên mây là giải đua ngựa tổ chức tại lối vào Ga đi cáp treo lên Fansipan, diễn ra hai tiếng sáng các ngày từ 31/8 tới hết 2/9. Ngoài 16 chú ngựa xuất sắc từ giải đua ngựa Bắc Hà trước đó, BTC còn giới thiệu sáu tuấn mã nổi danh nhất vùng Tây Bắc. Hai tối 31/8 và 1/9 khách có thể xem trình diễn pháo hoa tầm thấp tại thị trấn Sa Pa. Dịp này Lễ hội ẩm thực Tây Bắc lần hai trở lại, đãi khách đặc sản vùng cao hấp dẫn.

Phim Việt đại chiến phim ngoại ở rạp. Hai phim Việt cạnh tranh với bốn phim ngoại cùng ra mắt ngày 30/8. Bốn phim ngoại chủ yếu thể loại hoạt hình phục vụ nhu cầu xem phim gia đình: Boboiboy 2: Cuộc chiến ngân hà, Đứa con của thời tiết, GG Bond: Xứ sở kẹo mút. Phim kinh dị duy nhất là Seeda: Oan hồn nhà hát. Phim kinh dị Thái Lan lâu nay thường khiến khán giả yếu tim dựng tóc gáy, hứa hẹn gây sốt dịp nghỉ lễ.

Anh thầy ngôi sao của đạo diễn Đỗ Đức Thịnh lấy cảm hứng từ kịch bản Hàn Quốc, xoay quanh chàng trai tên Hoàng tạm gác ước mơ thành ca sĩ để ra đảo dạy cho năm đứa trẻ đặc biệt. Phim Anh thầy ngôi sao dành cho mọi khán giả, thì Ngôi nhà bươm bướm lại dán nhãn C18. Một bộ phim tình cảm, hài về đôi trẻ ở hai miền Nam-Bắc nguy cơ phá sản đám cưới do những khác biệt về gia cảnh, đặc biệt mỗi bên đều có những bí mật giấu kín.

Sân khấu phía Nam tưng bừng. Kịch Idecaf gắn với tên tuổi của NSƯT Thành Lộc có hẳn bốn đêm diễn Tiên Nga, vào 20h tối từ 30/8 đến 2/9. Nhạc kịch lấy cảm hứng từ truyện thơ Lục Vân Tiên, do Thành Lộc đạo diễn hút hàng nghìn khán giả từ khi ra mắt 2017. Sân khấu Hoàng Thái Thanh diễn hai vở Bông hồng cài áo (31/8) và Sài Gòn có một ngã tư (1/9). Kịch Hồng Vân diễn Người vợ ma, Căn phòng câm lặng, Suối linh hồn ở sân khấu Phú Nhuận, còn sân khấu Super Bowl có Xác hội, Liên khúc kinh dị, Nốt ruồi máu, Ngôi nhà trên thuyền.

Sân khấu phía Bắc trầm lắng hơn. Nhà hát Tuổi trẻ diễn Tin ở hoa hồng từ kịch bản của Lưu Quang Vũ tối 31/8. Vở Cậu Vanya là tác phẩm hợp tác giữa nghệ sĩ nhà hát với Nhà hát Không tường của Nhật Bản.

Show Thế giới bong bóng của huyền thoại Fan Yang. Huyền thoại bong bóng đưa nhiều tiết mục mới vào sân khấu cho thiếu nhi tại Times City. Dự kiến sân khấu cho thiếu nhi này sau này khi được hoàn thiện có nhiều hạng mục từ vui chơi giải trí, trải nghiệm tạo bong bóng cho đến khu vực dạy kỹ năng cho trẻ.

Chợ vùng cao “Về miền cao nguyên đá”, từ 30/8 đến 2/9 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Khoảng 300 đồng bào từ 15 dân tộc quy tụ về Làng tham gia hoạt động với chủ đề “Vui Tết độc lập”. Không gian chợ dân tộc Đông Bắc, cụ thể là chợ vùng cao Hà Giang từ mua bán, vui chơi dân ca dân vũ cho tới ẩm thực của các dân tộc như Mông, Dao, Thái, Lô Lô, Giáy, Tày. Trong số hoạt động văn hóa có hội “Vỗ mông” độc đáo của đồng bào Mông huyện Mèo Vạc, Hà Giang.

Hòa nhạc Ðiều Còn Mãi lần thứ 10

Hòa nhạc “Điều còn mãi” diễn ra dịp 2/9 hàng năm. Năm nay mở màn vào14h ngày 2/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội,trực tiếp trên VTV1. Chủ đề năm nay Bay lên Việt Nam tập trung vào tình yêu quê hương đất nước, phấn đấu xây dựng một Việt Nam hùng cường, hòa cùng không khí thời sự của đất nước cũng như khơi dậy tinh thần dân tộc vào ngày Quốc khánh. Điểm nhấn của phần khí nhạc là Bài ca chung thủy (Hoàng Dương) do nghệ sĩ violon Bùi Công Duy trình tấu cùng dàn nhạc. Kế đó là Biến tấu trên chủ đề Lý ngựa ô của Đỗ Kiên Cường và Rhapsody Việt Nam của Đỗ Hồng Quân.

Trong phần thanh nhạc dài tới 1 tiếng, có những bài hát mới toanh như Nhà em ở lưng đồi (Đức Trịnh). Tác phẩm Bay lên Việt Nam của nhạc sĩ Văn Ký cũng sẽ được dàn dựng lại công phu. Lần đầu tiên Điều Còn Mãi đưa một ca khúc rock vào trình diễn. Là người thể hiện Tâm hồn của đá, Tùng Dương chia sẻ: “Tôi nghĩ bài của Trần Lập xứng đáng được tôn vinh đứng ngang hàng với các tác phẩm của các cây đại thụ của nền âm nhạc Việt. Những tác phẩm của anh cũng như Bức Tường đã trở nên quen thuộc với rất nhiều thế hệ sinh viên. Họ thực sự đã đi vào huyền thoại”.

Chùm ca khúc thiếu nhi "kinh điển" của nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ được dàn dựng công phu và mới lạ với sự thể hiện của hợp xướng Cung Thiếu nhi Hà Nội. Ngoài những gương mặt quen thuộc như Đăng Dương, Trọng Tấn, Tùng Dương, Lê Anh Dũng, Đào Tố Loan, chương trình năm nay còn có sự trở lại của Phạm Khánh Ngọc, Đào Mác cùng những giọng hát lần đầu tham gia: Phạm Thùy Dung, Trần Hồng Nhung, Dương Hoàng Yến.

                                                                                                                              Mai Phạm

MỚI - NÓNG