Chơi hội 'Háng Pỉnh'

Hội “Háng Pỉnh” đậm đà bản sắc dân tộc xứ Lạng. Ảnh: Duy Chiến.
Hội “Háng Pỉnh” đậm đà bản sắc dân tộc xứ Lạng. Ảnh: Duy Chiến.
TP - Dịp trăng tròn tháng 8 âm lịch, khi trẻ thơ nô nức với đèn ông sao, mâm quả thì các bà, các mế ở Lạng Sơn rộn ràng rủ nhau trẩy hội Háng Pỉnh (hội bánh nướng). Họ không chỉ đến để ăn bánh mà tới để hát Sli, Lượn đối đáp, giao duyên.

Hội vui nhất là ở khu chợ Kỳ Lừa (phường Hoàng Văn Thụ) và tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ (phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn). Năm nay có tới trên 5.000 người tham dự, đa phần đều là người Tày, Nùng với sắc áo chàm xanh, đen độc đáo.

Đi hát, được chồng

Dưới các cây dã hương cổ thụ, từng tốp người tranh thủ kẻ lông mày, thoa ít phấn lên môi, tranh thủ đánh mắt tìm kiếm bạn tình. Bà Mã Thị Kheo (56 tuổi, dân tộc Nùng) từ thôn Tổng Han, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc cho biết: Bắt đầu từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 8 âm lịch, mọi người thay phiên nhau đổ về thành phố Lạng Sơn tham dự hội Háng Pỉnh. Năm nào bà cũng đến dự ngày lễ trọng này. Bà học hát từ thuở nhỏ từ người mẹ mình là nghệ nhân dân gian. “Điệu Sli phải học, nhưng nội dung thì mình tự nghĩ ra, đối đáp từ thực tế. Đối phương có tài khéo léo, mình cần phải nhanh trí đưa ra ý kiến sắc sảo. Như vậy, cuộc hát kéo dài đến khuya mà không biết chán”, bà Kheo cho biết. Theo bà nhờ có các cuộc hát giao duyên mà bà đã “tán” được một chàng trai tuấn tú ở làng bên và bây giờ là người chồng của bà.

Bà Kheo dẫn tôi đến một tốp trung niên đang đứng ở góc tượng đài Hoàng Văn Thụ rồi giới thiệu: “Đây là Hoàng Văn Sơn, hơn tôi một tuổi. Năm nào, vợ chồng tôi cũng đi hát. Nhưng tôi lại đi “chọi” với người khác thôi, bây giờ không hát cùng chồng nữa”.

Cùng tâm trạng háo hức, bà Hoàng Thị Lải (77 tuổi, dân tộc Tày, trú tại thôn Suối Trà, xã Hà Sơn, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) đi cùng bạn người hàng xóm tên là Vi Thị Pí (76 tuổi) vượt qua hơn 100 km từ nhà lên thành phố. Hai bà yêu thích bài Sli “Nhớ ơn Bác Hồ”. Tuổi cao, nhưng giọng hát của hai bà vẫn còn trong sáng, lanh lảnh không kém gì con trẻ. Nhiều người thấy vậy, cũng tìm bạn tình qua câu hát giao duyên.

Bà Lải cho biết thêm, chồng bà cũng là người hát Sli, lượn thuộc loại khá ở địa phương. Nhưng năm nay, do có cháu nội nên ở nhà trông trẻ để bà đi hát. “Chồng tôi không ghen đâu. Ông ấy bảo, sau khi tôi đi hội về vui vẻ là được”, bà Lải kể.

Giữ gìn truyền thống

Anh Chu Văn Minh, dân tộc Nùng, cán bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hội Háng Pỉnh xưa diễn ra ở  khu  chợ Kỳ Lừa, có để hát giao duyên. Một phần không thể thiếu với người đi hội là thưởng thức những món ẩm thực độc đáo của địa phương, đặc biệt là bánh nướng. Họ hào phóng chiêu đãi bạn hát và không quên mua bánh về làm quà cho các em nhỏ nhân tết Trung thu. Từ khi xây dựng khu tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ, người dân thường kéo đến đây để Sli, Lượn. Nơi đây thoáng đãng, gần sông Kỳ Cùng thơ mộng, các cô, các bà có thể soi bóng, chải tóc, làm đẹp trước khi đến nơi hẹn hò.

MỚI - NÓNG