Chơi hội khoái trá tả tơi

Đánh đu hội Lim (Bắc Ninh)
Đánh đu hội Lim (Bắc Ninh)
TP - Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, chẳng có nơi nào mà con người lại chỉ làm mà không chơi. Vì thế, ở nền văn hóa nào con người cũng đều không ngừng sáng tạo ra các trò chơi như là một thành tố của nền văn hóa ấy.

Mặc dầu cuộc sống ngày nay đã xuất hiện thêm nhiều trò chơi hiện đại (như trò chơi điện tử, bắn súng hơi…) nhưng trò chơi dân gian vẫn có sức sống mãnh liệt. Từ 1997, tôi đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu, sưu tầm các trò chơi dân gian ở VN, tôi đã nhận thấy, dù là trò chơi của con trẻ hay người lớn, dành cho nam hay nữ, dù trò chơi trong đời sống hàng ngày hay trong lễ hội thì chúng đều có một đặc điểm chung là luôn kích thích người chơi nỗ lực để  vượt lên trình độ, năng lực vốn có của mình (tập trung cao độ trí tuệ hoặc sức lực hoặc sự khéo léo) và sự nỗ lực càng cao bao nhiêu thì khoái trá mà trò chơi mang lại càng cao bấy nhiêu.

Cứ phải khoái trá tối ưu

Có một vài trò chơi dân gian vốn là những thực hành nghi lễ phồn thực không còn thích nghi được với con người hiện đại nữa. Ví dụ: Cách đây 15 năm, khi đi quay phim về việc phục dựng lại hai trò chơi rất nổi tiếng là “bắt trạch trong chum” và “leo cầu bóp vú” ở lễ hội thị trấn Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, tôi nhận thấy những người diễn lại trò chơi này là những người đã tuổi trung niên, là cán bộ văn nghệ của huyện nhưng trên thực tế thì sự phục dựng trò chơi này đã thất bại bởi rất ít người dân tham dự lễ hội dám thực hành trò chơi này (họ ngại và ngượng khi va chạm vào nhau ở những phần “nhạy cảm” của thân thể nam- nữ).

Chơi hội khoái trá tả tơi ảnh 1

Bắt vịt Cự Khối Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Lê Bích

Về căn bản, trừ những trò chơi có quy tắc đã được chế định chặt chẽ như cờ tướng, tổ tôm, tài bàn…đại đa số các trò chơi dân gian của chúng ta cũng đã biến đổi theo sự biến đổi của đời sống xã hội và theo cách hiện đại hóa nhưng vẫn giữ được cái cốt lõi của trò chơi xưa, ví như trò đan dây của trẻ em. Dây được dùng chơi là dây cao su thay cho dây thừng, dây đay. Do đặc tính co giãn, dễ điều khiển của dây cao su mà bố cục các đường đan dây cũng phức tạp hơn, dẫn đến quy tắc chơi cũng phức tạp hơn. Sự biến hóa phức tạp của các đường đan dây tạo nên sự kỳ ảo của trò chơi này. Một người bạn tôi, nghệ nhân rối nước Đào Minh Tuân (Hải Phòng) trong một lần tham dự ngày hội trò chơi dân gian các nước Đông Nam Á ỏ Brunei đã dùng những sợi chun để biểu diễn trò này cho khán giả xem và được hoan nghênh nhiệt liệt.

Sở dĩ nói rằng, trong xã hội đương đại trò chơi dân gian vẫn có sức sống mãnh liệt là bởi nó có những thế mạnh mà có thể cạnh tranh với các trò chơi hiện đại, đặc biệt là trong môi trường lễ hội.

Dù hay và hấp dẫn đến mấy thì khi chơi các trò chơi hiện đại người chơi luôn phải trả tiền và không ai có thể chi tiền để chơi các trò hiện đại ấy cho đến lúc mệt phờ cả, trong khi nếu chơi trò chơi dân gian, người chơi không những không phải trả tiền mà nếu may mắn lại có được giải thưởng (bằng tiền hoặc hiện vật) và điều quan trọng là chỉ có như thế thì trong một lễ hội hay một dịp vui nào đó, họ mới được trải nghiệm chơi hết trò này sang trò khác để cuối cùng đạt được cái độ “tả tơi” của sự chơi. Trong nhiều dịp phục dựng các lễ hội truyền thống, tôi đã đưa vào  nhiều trò chơi dân gian, đầu tư thì ít nhưng lại đạt được hiệu quả  khoái trá tối ưu. Ví dụ với trò “xoay vòng lấy giải”, người ta chỉ cần vài bao thuốc lá hay vài gói kẹo để làm giải ngoài ra không cần đầu tư cái gì khác. Người chơi cúi mình xuống, lấy tay trái bắt lên tai phải, xoay quanh mình 15 vòng rồi tiến về cái đích đã đặt bao thuốc lá (hay gói kẹo) để lấy giải. Thông thường, người chơi sau khi đã quay từng đó vòng, chóng mặt, chỉ đi được vài bước là đâm đầu vào đám đông, tạo nên sự vui thú của trò chơi. Cứ thế, ai cũng muốn thử và ganh đua với nhau, điều đó làm nên sự hứng thú bất tận.

Cộng cảm và thăng hoa

Khi chơi các loại bài lá (tổ tôm, tam cúc) hay chơi cờ tướng chẳng hạn: Người chơi luôn phải tập trung năng lực nhiều mặt để quan sát (xem người ta ra quân gì), đoán định (ý đồ của bạn chơi), thăm dò (đánh ra quân bài của mình), tính xác suất (vận dụng kinh nghiệm chơi)…

Sở dĩ các trò chơi luôn có tính hấp dẫn là do một lý do khác nữa, đó là tính ngẫu nhiên, biến hóa và bất trắc trong diễn biến trò chơi. Hàng ngàn, thậm chí một triệu ván cờ hay ván tổ tôm cũng không bao giờ có diễn biến y hệt như nhau, dù người chơi có thể vẫn là người cũ. Cũng tương tự như thế ở các trò chơi của người lớn như bịt mắt đạp niêu, leo cột mỡ, thả vòng cổ chai, bắt vịt dưới nước… hay trò chơi của trẻ như bi, đáo, ô ăn quan v.v…

Chơi hội khoái trá tả tơi ảnh 2

Bịt mắt đập niêu hội Lim. Ảnh: Lê Bích

Tính hấp dẫn của trò chơi nhiều khi không chỉ nằm trong bản thân trò chơi mà còn nằm ở bình diện xã hội, ví dụ những trò chơi có tính sát phạt (xóc đĩa, cá ngựa) hấp dẫn người chơi bởi mong muốn “chuyển” tiền bạc, của cải của người khác về cho mình (đó là quan hệ kinh tế) hoặc các trò chơi như tung/ bắt còn, hát giao duyên, chơi đu thì lại hàm chứa sự hấp dẫn của bình diện xã hội khác, đó là mối quan hệ nam- nữ (làm quen, giao duyên, thể hiện giới tính). Ví như khi người ta chơi đu sòng, một nam, một nữ nhún nhảy, bay vút trên không trung thì khi ấy người nam thể hiện cái khỏe, cái hùng, còn người nữ thể hiện cái mềm mại, cái uyển chuyển và chính điều đó tạo nên sự thăng hoa, ngây ngất cho cả người chơi lẫn người xem.

Trong xã hội nông nghiệp cổ xưa, với những bất trắc về thiên tai, địch họa con người luôn tin vào sức mạnh vũ trụ của ông trời và có những nghi thức ma thuật để cầu xin sức mạnh siêu nhiên đó, đó là mong muốn “phong đăng hòa cốc”, “người đông vật thinh”, vì thế nhiều nhà nghiên cứu đã nhất trí với nhau rằng: Nhiều trò dân gian như  “pháo đất”, “kéo co”, “ném còn” hay “bắt trạch trong chum”, “leo cầu bóp vú” hay “cướp phết”… nguyên thủy đều là những thực hành ma thuật để cầu mưa, cầu mùa, cầu đinh.

Chơi hội khoái trá tả tơi ảnh 3

Thi thả diều trên biển Cửa Đại - Hội An. Ảnh: Trần Tuấn

Sự thăng hoa cộng cảm của cả một tập thể là một thứ cảm xúc hoàn toàn khác biệt với những cảm xúc cá nhân, đơn lẻ (khi chơi game online), điều đó giải thích sự “lên đồng” của hàng vạn fan hâm mộ trong một trận bóng đá, hay ở những trò chơi dân gian có tính tập thể mạnh như “kéo co”, “cướp phết”, “cướp cù”, “cướp cờ”, “đánh trận giả” v.v…

Có lần, tôi phục dựng lại trò vật cầu ở làng Diềm (Bắc Ninh), mặc dầu chuẩn bị kỹ, luyện tập rất công phu nhưng đến khi trận cầu diễn ra tôi biết rằng mình đã thất bại, bởi trận cầu ấy quá tẻ nhạt. Sở dĩ như vậy là do đã lâu truyền thống vật cầu của dân làng Diềm đã bị đứt đoạn, người chơi và người xem chưa bao giờ được trải nghiệm cái sự thăng hoa, cộng cảm của trò này, thêm nữa theo sự chỉ đạo của các cụ trong làng, hai đội chơi không được quần đả quyết liệt và chỉ diễn lại như là nghi thức. Điều đó giải thích  rõ hơn vì sao những trận vật cầu bùn ở làng Vân (Bắc Ninh), những trận cướp phết ở Hiền Quan (Phú Thọ) hay ở Bàn Giản (Vĩnh Phúc) trông có vẻ hỗn độn, quyết liệt và nguy hiểm, những người ngoài cuộc thậm chí còn cho rằng những trò như thế này là rất bạo lực, dã man (nhưng trên thực tế chưa bao giờ có người thiệt mạng vì những trận quần đả này) lại tạo được sự hưng phấn tột độ cho người chơi và người xem đến thế. 

PGS. TS Bùi Quang Thắng

(Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)

MỚI - NÓNG