Chơi xe và chơi phim

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh
Đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh
TP - Người đam mê dịch chuyển. Người yêu thích làm phim. Người muốn thử sức những điều chưa ai làm. Tất cả họ gặp nhau trong bộ phim “Bay trên cát bụi”.

Dù vẫn đang trong giai đoạn hậu kỳ nhưng sau khi một đoạn phim ngắn của “Bay trên cát bụi”- bộ phim tài liệu đầu tiên về thú chơi xe máy ở Việt Nam được tung lên mạng, đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là giới chơi xe.

Cái khó của “lính tiên phong”

Chơi xe và đam mê dịch chuyển, chàng trai 9x Nguyễn Quốc Hoàng Anh đã quyết định cùng những người bạn của mình làm một bộ phim về xe máy. “Trong quá trình rong ruổi với những chuyến đi, tôi được gặp các bác, các anh chơi xe lâu năm, thậm chí từ thời chiến tranh. Lắng nghe những câu chuyện của họ, tôi ngạc nhiên tại sao chưa có bộ phim nào nói về văn hóa chơi xe ở Việt Nam. Và tôi quyết định làm một phim về những con người này”- Hoàng Anh chia sẻ.

Tự mò mẫm tìm đọc tài liệu và để hoàn toàn trở thành “người trong cuộc”, Hoàng Anh và một số người bạn trong ê-kip đã theo chân các nhân vật tham gia bộ phim đi phượt khắp tỉnh thành Việt Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, thành thị đến nông thôn, cả những vùng hẻo lánh, ít người dám đặt chân đến. “Tôi muốn mang đến cho khán giả một góc nhìn đầy đủ và thú vị về văn hóa chơi xe”- đạo diễn trẻ cho biết thêm. 

Khó khăn lớn nhất của đoàn làm phim là kinh phí. Ngày đầu tiên đi quay, cả đoàn chỉ có đúng 1 camera và 2 cái đèn đi mượn, thêm một bộ lens bỏ tiền túi đi thuê. Hoàng Anh cũng phải dồn hết thu nhập đi làm ở công ty truyền thông để nuôi phim. Bạn bè trong nhóm, mỗi người góp thêm vài ba triệu.

“Tôi từng có 3 chiếc xe: một xe mink, một cào cào và một uran ba bánh. Thời điểm bí tiền nhất, tôi đã phải bán đi 2 cái, chỉ cố giữ được con uran. Rồi có lúc trong túi chỉ còn 15 nghìn đồng, cũng nản lắm nhưng mấy anh em lại động viên nhau cố gắng. Nhóm cũng từng đi xin tài trợ nhưng họ đều đòi hỏi phải quảng cáo, chèn logo trong suốt bộ phim”- “Cha đẻ” của “Bay trên cát bụi” nói về lý do từ chối một số nguồn tài trợ. Tự túc về kinh phí cũng là lý do khiến bộ phim kéo dài suốt 3 năm nay.

Một thử thách không kém là thuyết phục nhân vật tham gia phim. Năm 2015, khi biết một cặp vợ chồng người Argentina du lịch vòng quanh thế giới bằng xe máy đến Việt Nam để thực hiện hành trình xuyên Việt, Hoàng Anh đã tìm cách tiếp cận và mời tham gia phim nhưng bị từ chối thẳng thừng. Sau 3 lần theo chân cặp vợ chồng này để thuyết phục vẫn không thành, Hoàng Anh quyết tâm lần tìm đến khách sạn nơi 2 người nghỉ chân.

“Lúc đó, họ vừa trở về từ Hà Giang, chưa kịp tắm rửa. Tôi nói rằng đây là bộ phim để các bạn chia sẻ câu chuyện của mình. Nó sẽ lưu giữ tuổi trẻ của bạn. Mai này bạn già đi, thậm chí chết đi nhưng câu chuyện, giọng nói, cảm xúc của bạn sẽ không bao giờ chết. Giờ thì chọn đi, hoặc lên phòng đi tắm hoặc ngồi đây trò chuyện. Thế là cả 2 vợ chồng ngồi lại”. Hay một lần khác, Hoàng Anh phải bay vào TPHCM rất nhiều lần để thuyết phục một “dân chơi” từng bán hết đồ đạc trong nhà để ra Hà Nội mua 3 container xe máy… về chơi. 

Không tiền lương, không catxe

Không phải là đạo diễn chuyên nghiệp, lại không có nhiều tiền, người ta ngạc nhiên không hiểu vì sao ê-kip lại có thể lôi kéo được nhiều người tham gia đến thế. Ban đầu chỉ có Hoàng Anh và người bạn thân- đạo diễn trẻ Tiến Anh, sau 1 năm, ê-kip lên đến 20-30 người, sau 3 năm thì số người tham gia đã lên tới 50-60 người, trong đó có hơn 20 quay phim trẻ đang làm việc tại các hãng phim, đài truyền hình, công ty truyền thông…

Cả đoàn chia làm 3-4 nhóm, mỗi một nhóm sẽ phụ trách một đoạn phim. Có người đi theo chỉ để cầm míc hay vác chân máy, thậm chí làm những việc nhỏ trong công tác hậu cần như đi mua nước, mua đồ ăn cho đoàn. Khi biết đoàn phim khó khăn về tài chính, mọi người quyết định tự nguyện tham gia mà không nhận bất cứ khoản tiền lương nào.

Chơi xe và chơi phim ảnh 1

Đoàn làm phim đang ráo riết thực hiện những cảnh quay cuối cùng để bước vào giai đoạn hậu kỳ, dự kiến ra mắt trong mùa phim Tết 2017

Hoàng Thanh Bình, tổ chức sản xuất của phim cho biết: “Ban đầu, chúng tôi chỉ định làm 2 phút nhưng sau khi mọi người xem đã khen ngợi, động viên rất nhiều nên chúng tôi quyết định làm một cái gì đó lớn hơn. Tôi đến với dự án này cũng vì mê làm phim, và sau 3 năm rong ruổi cùng đoàn thì giờ tôi đã mê cả chơi xe nữa. Chúng tôi trở thành một đội thân thiết cùng nhau, vừa yêu xe vừa yêu điện ảnh”.

Trong thời gian tham gia bộ phim “Bay trên cát bụi”, Đặng Tiến Anh (đạo diễn hình ảnh của phim ngắn “Cô gái trên tầng thượng” từng đạt giải Cánh Diều vàng 2014) cũng đồng thời được mời tham gia trong ê-kip đạo diễn hình ảnh của đoàn phim King Kong ở Ninh Bình. Để đảm bảo “vẹn cả đôi đường”, anh chàng phải di chuyển liên tục giữa hai nơi. “Đây là một dự án đặc biệt chưa từng có từ trước đến nay”- Tiến Anh chia sẻ.

Khoản tiền tài trợ lớn nhất mà ê-kip nhận được là 50 triệu đồng từ nhà thiết kế người Tây Ban Nha Diego Cortiza (chủ thương hiệu thời trang Chula ở Hà Nội), một người… chẳng liên quan gì đến xe máy, nhưng luôn ủng hộ những ước mơ của tuổi trẻ. “Bay trên cát bụi” là bộ phim tài liệu đầu tiên được thực hiện bằng hệ thống máy quay Sony F35, chiếc máy quay đã thực hiện những bộ phim nổi tiếng như “Captain America”, “Alice ở xứ sở thần tiên”… Tiền thuê chiếc máy quay này rất đắt, 20 triệu/ngày nhưng sau khi nghe ê-kip làm phim trình bày ý tưởng, đạo diễn Triệu Quang Huy của hãng phim NinjaProductions đã quyết định… cho mượn hoàn toàn.

Bộ phim cũng có số lượng nhân vật tham gia vào hàng “khủng”: Hơn 40 người, trong đó tuyến nhân vật chính có 10 người. Từ công an, nhà báo, đến doanh nhân, nghệ sĩ, và có cả anh đi xe ôm, bà bán thịt lợn… Họ tham gia bộ phim cũng bằng tình yêu ấy mà không hề đòi hỏi một khoản catxe nào.

“Là một người chơi xe, tôi rất vui và vinh dự khi được mời làm một trong những nhân vật của bộ phim. Đoàn làm phim còn rất trẻ nhưng đầy đam mê, nhiệt huyết. Tôi thích cái tinh thần ấy!”- anh Lê Công (thành viên Hội xe Xã hội chủ nghĩa) chia sẻ.

Dự kiến bộ phim dài gần 90 phút, sẽ ra mắt vào dịp Tết 2017. Sau khi hoàn thành bộ phim, ê-kip sẽ gửi dự thi các Liên hoan phim châu Âu, phim về motor, phim tài liệu độc lập ở Mỹ, Bỉ, Pháp, Đức và Nhật trước khi công chiếu ở trong nước. “Đó sẽ là lời chào của chúng tôi, thế hệ trẻ yêu xe và yêu điện ảnh Việt Nam muốn gửi ra thế giới. Riêng ở trong nước, mới đầu chúng tôi đã nhận được sự chào đón của hệ thống rạp CGV. Hy vọng, bộ phim sẽ mang đến món ăn tinh thần mới mẻ trong mùa phim Tết năm nay” – Hoàng Anh phấn chấn chia sẻ.

MỚI - NÓNG