Chọn bạn nhảy khó hơn tìm người yêu

Chọn bạn nhảy khó hơn tìm người yêu
TP - Những câu chuyện bếp núc nghề nghiệp được các ngôi sao khiêu vũ thể thao chia sẻ nhân dịp Liên hoan Các ngôi sao khiêu vũ thể thao Việt Nam lần đầu tiên tại nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, Hà Nội, sẽ diễn ra tối 14-1.
Khánh Thi và bạn nhảy vốn là học trò của cô Minh Trường -
Khánh Thi và bạn nhảy vốn là học trò của cô Minh Trường - . Ảnh: BTC cung cấp

Liên hoan thu hút 10 cặp vận động viên hàng đầu, trong đó không thể thiếu nhà vô địch Khánh Thi (hai lần huy chương vàng châu Á), Chí Anh- (bạc và đồng châu Á, cùng Minh Trường, Nhã Khanh, Hồng Việt, Thu Trang, Minh Đức, Vân Diễm, Hoàng Hải, Khánh Chi… Họ không vô địch cũng á quân quốc gia, tối thiểu cũng top 3.

Giá vé từ 50.000 - 100.000 đồng được xem là bèo so với hoạt động thể thao- nghệ thuật có tiếng xa xỉ này. Trưởng Ban tổ chức Hồng Việt, cũng là một vũ công, dự định tổ chức liên hoan này hằng năm.

Anh nhận định: “Trước nay mọi người chưa được thưởng thức trọn vẹn cái đẹp của khiêu vũ thể thao. Trong giải đấu thì vận động viên thường căng thẳng. Những chương trình như Bước nhảy hoàn vũ lại không lột tả được tính chất quyết liệt, máu lửa của môn này”.

Trong khi các nước như Thái Lan, Philippines, Nhật… có bề dày 20 năm khiêu vũ thể thao thì môn này mới vào Việt Nam 5 năm. Tuy vậy, khiêu vũ thể thao Việt Nam đã có mặt trong top 10 châu Á, top 13 châu Á- Thái Bình Dương. Nhưng hầu hết các vận động viên đỉnh cao vẫn không chuyên, vì họ phải làm công việc khác để nuôi sống sự nghiệp thi đấu.

So với hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam, khiêu vũ thể thao quả là xa xỉ. Trước khi được gọi vào đội tuyển, các vận động viên trải qua 3-4 năm tự đầu tư. Khi đã là người của tuyển quốc gia hoặc thành phố, mỗi người được trả lương 70.000đồng/ngày. Nếu thuê sàn cho hai buổi tập trong một ngày thì coi như lỗ.

Bộ môn đặc thù này yêu cầu mỗi đôi nhảy phải có riêng một HLV. Giờ học với HLV trong nước hiện nay dao động 500 nghìn - 1 triệu đồng/buổi, không thấm tháp gì so với học phí mà các vận động viên đỉnh cao phải trả khi đi huấn luyện ở châu Âu, khoảng 90 euro/45 phút.

Như Hồng Việt và Thu Trang theo thầy người Ý, một năm ít nhất một lần sang “thăm” thầy, thêm vài lần đi các nước trong khu vực, những khi thầy ghé qua dạy các trò ở châu Á. Riêng năm vừa qua, họ xuất ngoại 11 lần. Tất cả đều bỏ tiền túi.

Khánh Thi không chỉ thiết kế, kinh doanh trang phục diễn, mà còn đóng phim. Đa tài, năng động, dễ thích nghi với hoàn cảnh là những từ mà các nữ đồng nghiệp nói về Khánh Thi.

Khánh Chi thì cho hay: “Các vũ công thể thao đều là nghệ sĩ. Những người đạt đến đỉnh cao đều có tài năng, gu thẩm mỹ để áp dụng trong các lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật.” Thu Trang tự thiết kế trang phục diễn. Khánh Chi tự may đồ diễn dù chưa hề theo lớp học may nào.

Cùng đam mê, ở bên nhau hàng ngày, cùng vượt qua gian khổ trong tập luyện cũng như những giây phút thăng hoa trên sàn diễn, vậy nên việc các cặp vũ công yêu nhau là chuyện dễ hiểu. Trong các đôi nhảy tham gia liên hoan lần này, ít nhất 3 đôi công khai tình cảm (trong đó có Thu Trang và Hồng Việt), một đôi vừa kết hôn.

Khánh Chi nói: “Có những người sau một thời gian tập luyện trở thành bạn đời, nhưng cũng có người xác định chỉ nắm tay nhau trên sàn diễn, bỏ tay nhau ra là mỗi người sống cuộc sống riêng. Nếu xác định khiêu vũ thể thao như một đam mê thì nên như vậy. Theo kinh nghiệm của tôi, nhiều cặp khi tình cảm ngoài đời không hòa hợp thì cũng mất luôn cả sự gắn kết trên sàn diễn. Mà chọn bạn nhảy ưng ý còn khó hơn tìm người yêu ấy chứ!”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG