Chọn yêu hay sợ

Tôi rất thích câu hát “I see friends shaking hands/ Saying how do you do/ They’re really saying I love you” (tạm dịch: Tôi thấy những người bạn bắt tay nhau chào hỏi, mà thực ra họ đang nói yêu nhau) trong bản jazz kinh điển “What a wonderful world”. Bắt tay, chào hỏi là những cử chỉ thể hiện lịch sự, quan tâm và tất nhiên có tình yêu trong đó.

Nhưng từ Tết đến giờ, tôi đã trắng trợn từ chối bắt tay vài người. Còn trường hợp nào bất khả kháng, vẫn không tránh khỏi cảm giác gợn gợn. Đi ăn phở mà ai bắc ghế ngồi đối diện mình, bỗng thấy... bất an. Nhất là màn ăn xong xì mũi (tất nhiên là vào khăn giấy). Ấy thế nhưng vẫn cắn răng đi xem phim mấy lần. Dù sao trong rạp người ta cũng không nói thốc vào mặt mình nên đỡ hơn. Bệnh, chết, bị cách ly, thậm chí bỏ rơi… ai mà chả sợ. Còn giao lưu, hội hè, nhảy múa, ăn chơi… nói chung ai chả thích.

Tùy theo mối tương quan giữa nỗi sợ và tình yêu trong mỗi người, sẽ dẫn đến chính sách hành xử của mỗi cá thể. Dịp này nhiều người ru rú ở nhà, chả gặp ai. Nhưng mới đây (12/2) lại có người đàn ông 59 tuổi ở Trùng Khánh, Trung Quốc chỉ vì bị nhà chức trách ngăn cản tổ chức tiệc sinh nhật 10 mâm tại căn hộ chung cư, theo lệnh cấm tụ tập đông người, mà ông này đã cuốn pháo quanh bụng, đổ xăng lên ngực, cầm bật lửa dọa tự thiêu. Tất nhiên, là sau đó ông vẫn sống (đến bữa tiệc còn tiếc nói chi mạng sống) và nghe đâu bị cáo buộc hình sự.

Nếu chúng ta đang rùng mình khi nhìn thấy con dơi vì nghe nói nó mang virus tương tự chủng corona mới đang hoành hành khắp thế giới thì ở Indonesia, người dân vẫn vui vẻ ăn cà ri dơi, tất nhiên là bằng tay theo truyền thống. Một người phụ nữ ở Sulawesi nói với máy quay phim bên đĩa thịt dơi đang chén dở: “Chúa mới là người quyết định chúng ta có bị nhiễm bệnh hay không!”. Lượng tiêu thụ thịt dơi ở chợ địa phương do đó không thay đổi.

Và Indonesia thông báo vẫn chưa tìm thấy người nhiễm Covid-19. Trong khi các nước kề cận như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines… đều có cả. Chính sự an toàn đến vô lý này lại khiến người dân đâm lo ngại về khả năng ngành y còn hạn chế, không phát hiện được bệnh.

Ở Việt Nam, trong khi nhiều lễ hội và các sự kiện nghệ thuật lớn nhỏ (đến tận 8/3 mới diễn ra) đều đã bị hoãn hủy, một đêm nhạc thu hút gần 4.000 khán giả tại Hà Nội vẫn diễn ra tối 9/2. Tất nhiên, với sự cẩn trọng khác thường. Được biết, một bệnh viện đa khoa chịu trách nhiệm khử trùng khán phòng mà trước đó 3 ngày liền để điều hòa 26 độ C. Vì theo vài nghiên cứu sơ bộ nào đó, virus corona sẽ suy yếu ở nhiệt độ trên 25.

Tất cả khản giả được đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào khán phòng. Ai không có khẩu trang được phát và yêu cầu đeo luôn.

Trong quá trình xem hát, rất ít người dám bỏ khẩu trang. Ca sĩ tất nhiên không thể đeo khẩu trang khi hát, nhưng một nam ca sĩ cũng thử đeo và hát một đoạn, nghe vẫn ổn. Tuy nhiên, sau đó anh lại vứt luôn cái khẩu trang vừa đeo xuống sân khấu. Hành động này có thể không thực sự nguy hiểm nhưng rõ ràng sẽ trở nên phản cảm với khán giả.

Trước mắt, vui nhất trong việc đêm nhạc diễn ra trót lọt là ban tổ chức. Họ không bị mất hàng tỉ cho đến hàng chục tỉ như một số nhà tổ chức khác cùng thời điểm. Làm sự kiện giải trí lúc này tôi nghĩ chắc sẽ vẫn ăn, thậm chí rất ăn là khác. Vì từ khán giả cho đến truyền thông đều đang đói sự kiện. Số người sẵn sàng để tình yêu (nghệ thuật) lấn át nỗi sợ chắc vẫn nhiều.

Nhưng dù sao tôi vẫn trân trọng hơn những người tự nguyện và sẵn sàng chịu thiệt để tạm ngưng tổ chức sự kiện hội họp đông người trong thời điểm phải nói là đầy nguy cơ này. Mọi dịch bệnh dù có là toàn cầu thì cũng đều chỉ xuất phát ban đầu từ một người bệnh mà thôi. Nếu có vấn đề gì thì uy tín của nhà tổ chức chắc chắn bị vạ lây.

Xem một bài phát biểu cách đây độ 5 năm của Bill Gates thấy thêm tầm nhìn của nhân vật này. Y như thể ông thông báo về đại dịch đang diễn ra, đưa luôn các giải pháp phòng tránh. Nhưng thực tế dường như vẫn không có gì thay đổi. Nhân loại vẫn dồn tiền của trí não vào việc phát triển vũ khí (bao gồm hạt nhân) kèm theo các biện pháp nhằm vô hiệu hóa, trốn chạy chính đống vũ khí đó, thay vì đầu tư sẵn sàng phòng tránh dịch bệnh toàn cầu. Mà trong tương lai, đây mới là nguy cơ chính tàn sát nhân loại.

Những người đứng ở vị trí dẫn dắt vẫn hành xử theo quán tính của nỗi sợ hơn tình yêu? Hoặc dưới sự cộng hưởng của số đông vẫn bị vũ khí, bạo lực làm cho mê muội? Bạn để ý mà xem, rất nhiều người dù sống trong thời bình, lành lặn, khỏe mạnh, nhưng hằng ngày vẫn đắm chìm vào các trò chơi điện tử bắn giết đấy thôi.

MỚI - NÓNG