Chủ đầu tư nói gì về bản quyền chương trình 'Tinh hoa Bắc Bộ'?

Tinh hoa Bắc Bộ đang hấp dẫn đông đảo người xem.
Tinh hoa Bắc Bộ đang hấp dẫn đông đảo người xem.
TP - Vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” đang công diễn tại Khu du lịch Tuần Châu Chùa Thày Hà Nội, được dư luận báo chí và người xem đánh giá cao về quy mô, tính hấp dẫn, về nghệ thuật dàn dựng…

Tuy nhiên, trên một số tờ báo, mạng xã hội, một vài cá nhân đang gây ra những thông tin qua lại về bản quyền chương trình. Chủ đầu tư của chương trình thực cảnh lần đầu tiên chính thức được nghiệm thu, công diễn tại Việt Nam nói gì về những thông tin này?

Thông cáo báo chí chính thức của Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội, chủ đầu tư chương trình cho biết: Ngay trước ngày 01/11/2017, khi Chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” lần đầu tiên chính thức ra mắt tại Baara Land - Tổ hợp vui chơi và văn hoá toạ lạc tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, từ ngày 31/10/2017 đến 02/11/2017, ông Nguyễn Việt Tú đã có những phát ngôn trên các báo về chương trình.

Từ các phát ngôn này của ông Nguyễn Việt Tú, đã gây ra rất nhiều thông tin tranh luận trái chiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Để rộng đường dư luận, “CTCP Tuần Châu Hà Nội” (Công ty TCHN) trân trọng gửi tới các cơ quan báo chí, cơ quan có thẩm quyền, những thông tin liên quan như sau:

Với ý tưởng Biểu diễn thực cảnh của lãnh đạo Tập đoàn Tuần Châu, từ năm 2007, Công ty TCHN đã triển khai dự án đầu tư “Khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội”, trong đó có hạng mục “biểu diễn rối nước, biểu diễn thực cảnh” với diện tích 2.118 m2, nằm trong khu 3.500 m2 mặt nước thuộc dự án (với tổng diện tích hơn 200 ha) tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội (được UBND Thành phố Hà Nội công nhận theo quyết định số 1668/QĐ-UBND). Ý tưởng này xuất phát từ tâm huyết của chủ đầu tư mong muốn tạo ra được một sản phẩm văn hoá - du lịch, chuyển tải những hình ảnh đầy tự hào về văn hoá, phong tục tập quán, vốn nhân văn, đặc sắc, với bề dày truyền thống hàng nghìn năm của con người Việt Nam nói chung và Bắc Bộ nói riêng đến với công chúng trong nước và quốc tế.

Để triển khai ý tưởng này, ngày 16/11/2015, “Công ty TCHN” và “Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS”(Công ty DS), do ông Nguyễn Việt Tú làm Tổng giám đốc, đã ký hợp đồng nguyên tắc số 0111/2015/HĐNT/DS với nội dung “Công ty DS” nhận tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình dự án trình diễn thực cảnh “Ngày xưa” (được tạm hiểu là “Thuở ấy. Xứ Đoài” - thực ra đó là tên của sân khấu thực cảnh, không phải tên vở diễn) cho “Công ty TCHN”.

Trong quá trình triển khai,“Công ty TCHN” đã chi phí nhiều chục tỷ đồng cho chương trình này. Đồng thời, cũng đã thanh toán đầy đủ thù lao theo hợp đồng cùng các chi phí phát sinh khác đã được hai bên thống nhất cho “Công ty DS”.

Về bản chất, đây là hoạt động sáng tác tác phẩm sân khấu dựa trên ý tưởng và theo yêu cầu của chủ đầu tư - “Công ty TCHN”. Do đó, “Công ty TCHN” là chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm sân khấu này, theo quy định tại khoản 2 điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ.

Trong quá trình thực hiện, chương trình đã đưa ra biểu diễn thử nghiệm, nhưng chưa đạt được kỳ vọng của “Công ty TCHN”, cũng như công chúng thưởng thức nghệ thuật trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trong thời gian đó, cá nhân ông Nguyễn Việt Tú đã đăng ký bản quyền chủ sở hữu chương trình “Ngày xưa” (đang được hiểu là “Thuở ấy. Xứ Đoài”) cho cá nhân ông Tú trên nền tảng đầu tư của “Công ty TCHN”. Đồng thời, “Công ty DS” cùng cá nhân ông Việt Tú đã đơn phương tiến hành công bố tác phẩm mà không xin ý kiến của “Công ty TCHN”. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền tài sản của “Công ty TCHN”.

Để đáp ứng được các yêu cầu và mục tiêu của dự án, thỏa mãn thị hiếu của công chúng yêu nghệ thuật, “Công ty TCHN” đã hợp tác với đạo diễn Hoàng Hữu Nhật Nam, sáng tạo ra tác phẩm “Tinh hoa Bắc Bộ”. Tác phẩm “Tinh hoa Bắc Bộ” là một sản phẩm trí tuệ, sáng tạo của đạo diễn Hoàng Hữu Nhật Nam thực hiện theo hợp đồng “đặt hàng” từ “Công ty TCHN”.

Chương trình là sự chắt lọc những tinh hoa của vùng quê Bắc Bộ dựa trên chất liệu văn hóa dân gian, những loại hình nghệ thuật, phong tục tập quán được lưu truyền qua bao thế hệ cha ông được thể hiện trong các lĩnh vực nghệ thuật Thi - Ca - Nhạc - Họa, các tác phẩm điêu khắc, kiến trúc nhằm tái hiện các hoạt động vui chơi giải trí, lao động sản xuất, văn hóa tín ngưỡng, trí thức… của người dân Bắc Bộ xưa. Đây là tác phẩm hoàn toàn độc lập không có bất kỳ sự ảnh hưởng, sao chép nào từ tác phẩm “Ngày xưa”(Được tạm hiểu là“Thưở ấy. Xứ Đoài”) của ông Nguyễn Việt Tú. Điều này được chứng minh bằng việc Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp giấy chứng nhận quyền tác giả số 3642/2017/QTG ngày 31/07/2017 đối với kịch bản chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Vào ngày 25/8/2017 “Công ty DS” đã có văn bản yêu cầu Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa hủy giấy chứng nhận, tuy nhiên cơ quan này sau khi mời hai cơ quan lên làm việc, đọc, nghe tường trình, đã khẳng định “Không có căn cứ để hủy giấy chứng nhận” theo yêu cầu của “Công ty DS”.

Trong thời gian qua, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cá nhân ông Nguyễn Việt Tú đã có nhiều ý kiến không phù hợp với “Công ty TCHN”, đặc biệt đối với “Tập đoàn Tuần Châu” và cá nhân ông Đào Hồng Tuyển.

Đây là mối quan hệ hợp tác giữa hai pháp nhân: “Công ty TCHN” và “Công ty DS”, không phải là quan hệ cá nhân ông Đào Hồng Tuyển và ông Nguyễn Việt Tú,vì vậy, “Công ty TCHN” yêu cầu cá nhân ông Nguyễn Việt Tú, “Công ty DS” chấm dứt hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tác phẩm, xâm phạm uy tín của “Công ty TCHN”, “Tập đoàn Tuần Châu” và danh dự nhân phẩm của ông Đào Hồng Tuyển.

Trong trường hợp, ông Việt Tú cũng như “Công ty DS”, không chấm dứt những hành vi trái pháp luật, chúng tôi sẽ tiến hành những biện pháp pháp lý thích hợp theo luật định, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi.

NSND Trần Bình: Tập đoàn Tuần Châu đầu tư làm thực cảnh từ 10 năm trước

Nghệ sỹ nhân dân, Đạo diễn Trần Bình cho biết: từ năm 2007, lãnh đạo Tập đoàn Tuần Châu đã mời ông cùng một ekíp biểu diễn đi Trung Quốc nhiều ngày thăm quan, xem các chương trình của Đạo diễn Trung Quốc lừng danh Trương Nghệ Mưu để nghiên cứu về dàn dựng trình diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam. Sang Trung Quốc, dù tối mới biểu diễn, đoàn nghiên cứu do Tuần Châu tổ chức vẫn xin vào khu biểu diễn thực cảnh từ 2 giờ chiều để quan sát được toàn bộ cảnh quan sân khấu, đạo cụ và quá trình chuẩn bị…

Khi về nước, đạo diễn Trần Bình và ekip cũng đã 2 lần lên khu dự án Tuần Châu Chùa Thày để bàn bạc với chủ đầu tư về dàn dựng thực cảnh tại đây, tuy nhiên, do năm đó tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, một số quy hoạch bị điều chỉnh nên dự án bị đình trệ, hơn nữa, NSND Trần Bình đang là Giám đốc Nhà hát nên không thể nhận lời bỏ Nhà hát, dành ra mấy tháng liền cùng Tuần Châu tiếp tục dàn dựng thực cảnh.

Còn ông Nguyễn Tiến Dũng -Tổng giám đốc Ngân hàng NCB, người đã cử trợ lý đưa một đoàn nghiên cứu, trong đó có đạo diễn Việt Tú đi Trung Quốc cũng thăm quan các chương trình thực cảnh của Trương Nghệ Mưu hơn 10 ngày để nghiên cứu về thực cảnh cho biết ngắn gọn: chi phí chuyến đi đó thực chất là tiền đầu tư của Tuần Châu.

Nhà văn, nhà thơ Trần Nhuận Minh  thì có những gắn bó cụ thể hơn với ý tưởng dàn dựng thực cảnh của Tập đoàn Tuần Châu.

Ông nhớ lại: “Năm 2008 lãnh đạo Tập đoàn Tuần Châu có đặt hàng tôi viết kịch bản cho sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam. Dự kiến sân khấu sẽ được đặt ở phía tây của đảo Tuần Châu (Quảng Ninh), rộng khoảng 3ha. Vì yêu cầu từ ông Mai Soái Nguyên (Trợ lý của đạo diễn Trương Nghệ Mưu) tôi đã xây dựng các kịch bản khác nhau để dịch ra tiếng Trung. Hiện dự án đang điều chỉnh tiếp tục hoàn thiện để tiếp tục. Tôi khẳng định, ông Đào Hồng Tuyển là người đầu tiên có ý tưởng muốn đưa sân khấu thực cảnh về Việt Nam. Ông đã mất rất nhiều năm và tiền của để nghiên cứu, học hỏi cũng như đưa nhiều chuyên gia sang tận Trung Quốc để học đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Cho dù đến thời điểm này, ai làm đạo diễn, ở sân khấu nào thì ý tưởng táo bạo đưa sân khấu thực cảnh về Việt Nam, công đầu vẫn nên thuộc về ông Tuyển”.

                                                                             Xuân Ân - Hoàng Dương

MỚI - NÓNG