Chữ nghĩa thời thượng trớ trêu

Chữ nghĩa thời thượng trớ trêu
TP - Người dẫn chương trình truyền hình tại Hà Nội, chỉ vào một khách mời mà nói: Xin giới thiệu nghệ sĩ X, đến từ Hà Nội. Đang ở Hà Nội mà lại nói đến từ Hà Nội. 

Đấy là cách nói đã thành thói quen, bệ nguyên xi chữ from trong tiếng Anh. John from New Castle là anh chàng John người xứ New Castle. Ngữ pháp tiếng Anh from trong trường hợp này dịch sang tiếng Việt có nghĩa: John là người NC, John quê ở NC.

Người Mỹ rạch ròi ra thì quê quán gốc gác ở châu Âu, châu Phi, châu Á… Họ tự lý sự rằng cái thành phố Mỹ hoặc làng xóm mà họ sinh ra lớn lên không hẳn là quê.

Chữ from vì thế chỉ có nghĩa là nơi sinh ra hoặc nơi cư trú. Giữa một đám người đến từ tứ xứ, người thành phố bản địa vẫn nói: Anh A anh B chị C từ Cali đến, còn tôi thuộc về thành phố này. Thuộc về, chứ không phải là quê.

Họ không nói như một người đang đứng giữa Hà Nội mà rằng: Tôi đến từ Hà Nội.

Từ chỗ dịch nguyên xi danh từ số nhiều, người ta bây giờ cũng đã thành quen mà viết nhiều chục, nhiều triệu, trong khi nó vốn là hàng chục, hàng triệu: hàng chục người có mặt đều vui vẻ hưởng ứng. Tôi tất nhiên tránh viết rằng nhiều chục người có mặt đều vui vẻ hưởng ứng. Nếu là nhiều chục thì người viết bài này xin phép không vui vẻ, cũng chẳng hưởng ứng. 

Tiếng Anh có từ last vừa có nghĩa là cuối cùng, lại vừa có nghĩa là thời gian gần đây nhất. Nhiều người bối rối khi dịch, và dịch lẫn lộn. Chị gặp thằng bé lần cuối cùng là tháng trước. Cứ như thể sau đó thì thằng bé chết hoặc mất tích. Thực ra câu ấy chỉ có nghĩa là chị gặp thằng bé lần gần nhất là tháng trước.

Rồi khi mặc một bộ quần áo nào đó, thì được miêu tả theo kiểu ngoại quốc là trong bộ đồ, xanh chẳng hạn, trắng chẳng hạn, đen chẳng hạn: men in black. Đám đàn ông vận đồ đen, lũ đàn ông mặc đồ đen, mấy gã trang phục đen… Thiếu gì cách nói, mà phải trong bộ đồ.

Có ngay một ví dụ nữa: Bà Sylvia nghĩ về Carla trong cái quần đặt may và cái áo khoác vải lanh (Trốn chạy, Alice Munro, Trần Thị Hương Lan dịch, NXB Văn Học 2012, tr. 39). Viết rằng cô Carla mặc chiếc quần đặt may và áo khoác vải lanh, chắc người dịch cho là bình thường quá, không ấn tượng. Cũng có khi chỉ là một thói quen lười, dịch bám sát từ, cho nhanh.

Tiếng Việt có chữ con trâu là để chỉ con trâu. Thế rồi bỗng nhiên có người dùng từ con trâu nước, thì nó vẫn là con trâu ấy, nó đâu phải loại động vật chỉ sống dưới nước. Thì ra có mấy vị dịch thẳng nó từ chữ water buffalo của tiếng Anh. Nhiễu một cách không cần thiết. Mà chính xác ra, con trâu nước là từ người Việt hay dùng để chỉ con hà mã (hippopotamus).

Một cấu trúc ngữ pháp kiểu Anh: phần còn lại. Ông ta nói với phần còn lại của cơ quan. Tiếng Việt mà nói thế, nghe tưởng cả cơ quan bị sa thải gần hết, chỉ còn lại mấy người, và ông ta nói với phần còn lại ấy. Nhưng cách viết này trong tiếng Anh lại hàm nghĩa ông ta nói với cả cơ quan. Ông ta là chủ ngữ, là một vế. Vế bên kia là phần còn lại, tức là cả cơ quan. Hai vế hợp lại mới tạo thành một thực thể trọn vẹn, theo quan niệm ngữ pháp tiếng Anh.

Chữ nghĩa bỗng dưng cũng theo mốt, cũng là thời trang, thấy thinh thích hay hay thì dùng thành phong trào. Chữ văn hóa hay được dùng như một chữ làm sang. Văn hóa trồng trọt, văn hóa chăn nuôi. Có khi nó cũng có chút nghĩa văn hóa trong ấy thật, nhưng chữ culture còn có nghĩa là thói quen, tập quán. 

Rồi nói đến ngành nào cũng dùng một cụm từ: ngành công nghiệp. Dịch từ chữ industry sang. Nếu phải dịch chữ các bộ các ngành sang tiếng Anh, hẳn phần nhiều đều dịch được là ministries and industries (không phải là branches như một số người dịch không chính xác). Vậy chữ industry rất nhiều khi vào tiếng Việt chỉ có nghĩa là ngành, ngành điện ảnh, ngành nuôi cá nước ngọt. Nói là ngành công nghiệp điện ảnh không sai nhưng thừa, ngành điện ảnh hoặc công nghiệp điện ảnh là đủ. Ngành công nghiệp nuôi cá nước ngọt cũng thừa như vậy.

Chữ power vừa có nghĩa sức mạnh vừa có nghĩa quyền lực, thế lực. Nhưng người viết có xu hướng dùng từ quyền lực, nghe kêu hơn, chắc người dùng tự nghĩ rằng nghe cũng sang hơn.

Một thời quen dùng từ kỹ thuật, dịch từ chữ technology. Khoa học và kỹ thuật. Nhưng rồi dần dần chuyển sang dịch thành công nghệ từ lúc nào. Một chuyên viên công nghệ, chẳng biết nghe có sang hơn một chuyên viên kỹ thuật hay không nhỉ. Chưa nói là ý nghĩa nó cũng có phần khác.
Rồi chữ công trình. Tiếng Anh là project. Một công trình khoa học. Một công trình văn hóa, xã hội, kinh tế, thương mại… Nghe vẫn ổn đấy chứ. Bỗng nhiên đột ngột thình lình, một ngày tất cả chuyển sang gọi nó là dự án. Khắp nơi nói ra cửa miệng chữ dự án. Đến mức dự án đã xong rồi, đã kết thúc từ lâu rồi, một công trình xây dựng chẳng hạn, mà vẫn còn gọi nó là dự án: 

Cư dân chúng tôi sống trong dự án nhà ở này được gần mười năm rồi. Dự án này sắp tới sẽ phải sửa chữa.

Nghe thật trớ trêu. Nhưng cái trớ trêu được đồng thanh hô lên đã thành một sự đã rồi.

MỚI - NÓNG