Chút tiếc nuối về một quá vãng gần

Áp tải phi công Mỹ trong trại giam mang tên ĐỒN ĐIỀN
Áp tải phi công Mỹ trong trại giam mang tên ĐỒN ĐIỀN
TP - Con phố cổ mang tên danh nhân Phan Huy Ích cữ thu Hà thành chợt khiến những sải chân du khách đâm chùng chình.

 Có lẽ là ngôi đền thiêng đầu phố thờ vị vua nữ đầu tiên Lý Chiêu Hoàng của nước Việt? Có thể là ngôi biệt thự cổ mà Viện Goethe, Camera Work, Nhã Nam và Manzi đang mở cuộc triển lãm ảnh của nhiếp ảnh gia người Đông Đức Thomas Biihardt về Hà Nội giai đoạn 1967 - 1975.

Chút tiếc nuối về một quá vãng gần ảnh 1 Nhiếp ảnh gia Thomas Biihardt
Cả thảy 6 chuyến đi từ năm 1967 đến 1975 của Thomas Biihardt. Khoảng non trăm bức ảnh màu lẫn đen trắng được lựa ra giăng kín tầng một của nhà Manzi. Những khuôn mặt măng tơ của đám trẻ Hà Nội chào đời trong thời chiến. Những hố bom chằng chịt trên hè phố. Đôi trẻ bên suất phở quà sáng, cảnh trực chiến. Những toa tầu điện lướt trên phố vắng. Rồi độc đáo cảnh phi công Mỹ mặc áo ngủ trong trại giam vv…

Đó là khoảnh khắc không thể tái hiện. Là những hình ảnh chân thành và xác thực như một khuôn mặt đẹp trong thế giới xám xịt khiến ta phút chốc quên đi nỗi sợ chiến tranh và đem đến cho ta hy vọng vào trạng thái bình thường hòa bình.

Ông Wilfried, Viện trưởng Viện Goethe đã nhận xét như vậy về cuộc triển lãm.

Những năm Hà Nội và Việt Nam trong bom Mỹ, quý giá những bức ảnh của Thomas cùng với chuỗi hình của điện ảnh Roman Carmel (Liên Xô), của Joris Ivens (Hà Lan), của Gerald Guillaume (Pháp)… góp phần làm nên khúc tráng ca của cuộc chiến tranh Vệ quốc Việt do các tay máy nước ngoài xúm tay chung sức.

Giá trị nghệ thuật hòa quện với giá trị thông tấn có lẽ đã làm nên đặc thù những bức ảnh của Thomas. Màu cũng như đen trắng, tất nhiên khoản chọn góc máy cùng phối màu (khoản ảnh màu thời ấy hơi bị hiếm) và chẳng hay tác giả có chỉnh sửa gì không? Nhưng toát yếu lên âm hưởng của một tay máy có nghề! Rằng hay thì thật là hay! Đã đành một nhẽ, những bức hình của Thomas cứ như những lát cắt, những mảng miếng còn ròng ròng hôi hổi tính thời sự của Hà Nội những năm bời bời bom Mỹ! Nhưng càng ngó càng ngắm thấy tự nhiên dậy lên bao nỗi tiếc nuối.

Đầu tiên là tiếc cho những tay máy Việt!

Trùng với thời gian  nhiếp ảnh gia người Đông Đức Thomas Biihardt ấy đến Hà Nội qua 6 chuyến đi từ 1967 đến 1975, tôi nghĩ đến những Mai Nam, Vũ Huyến, Vũ Quang Huy, Đinh Công Thành… Và đâu rồi những tay máy lính Hoàng Như Thính, Vũ Đạt, Vũ Ba, Đoàn Công Tính… Tại sao cùng thời, hơn thế họ từng trực tiếp can dự lẫn oằn mình cùng đổ mồ hôi cùng sôi hạt máu (chữ Xuân Diệu) với cuộc chiến tranh! Mà họ lại không có những thứ na ná như Thomas Biihardt? Tất nhiên trong số các tay máy Việt, nhiều người đã có những thứ khác từng đạt Giải thưởng Quốc tế. Nhưng ở đây đang nói đến thứ ròng ròng như những lát cắt thời sự của Thomas kia!

Chút tiếc nuối về một quá vãng gần ảnh 2 Phút thư giãn của phi công mặc áo ngủ trong trại giam. 

Những năm giữa 70 ấy, đám lính mới tập tọe khoản ảnh ung như chúng tôi khi đi hành nghề đều phải cắn bút ngồi trước trang giấy mỗi khi nhận máy và phim. Phải kê khai rõ các việc. Đi đâu? Làm đề tài gì? Đối tượng chụp là những gì? Dự định bao nhiêu kiểu?... Máy ảnh thì Kieb, Zenit loại thông dụng của Liên Xô chứ đâu ra loại Pratika của Đông Đức. Phim thì Photo-65, Xvema loại đen trắng của Liên Xô độ mịn kém và đa phần chỉ được phát nửa cuộn (khoảng 16 kiểu) làm gì có loại sang như Orwo của Đức.

Lần ấy được ngồi với NSNA Mai Nam, nghe những phàn nàn quá chặt chẽ trong việc cấp phát vật tư hành nghề ảnh, ông chỉ cười… Câu chuyện hôm ấy với NSNA Mai Nam, thứ cộm cán trong nghề ảnh báo chí và nghệ thuật đã làm chúng tôi bừng tỉnh nhiều điều.

Không chỉ các tòa báo phải tuân thủ quy trình ấy mà hóa ra bên TTXVN các phóng viên ảnh cũng phải làm cái việc kê khai. Tuy chụp nhiều cuộn phim trong chuyến công tác nhưng họ phải tính toán rất chi ly sao cho sít sao gói gọn được đề tài. Tất cả phim chụp về có bộ phận quản lý in tráng bảo quản!

Mà quy trình ấy nghe đâu có từ hồi… hòa bình lập lại!

Lẩn thẩn nghĩ cái thiết chế hằng bao năm cứ răm rắp đều đặn và cứng nhắc như thế thì khó có cho những mầm sáng tạo nảy nòi?

Còn với NSNA Mai Nam, từng tất tả lẫn khốn khổ xây cho mình một thương hiệu riêng và từng giật những Giải thưởng quốc tế về ảnh thì là câu chuyện riêng sẽ kể vào dịp khác!

Và dằng dặc hàng bao năm vẫn một quy trình như thế! Hiếm, rất hiếm có phóng viên, tay máy nào dám vượt thoát khỏi sự kiếm sống vặt vãnh, những là sắm máy riêng, phim riêng, đi riêng và nghĩ… riêng với động cơ để yêu trọn vẹn cái nghề của mình trong thời bao cấp khốn khó ấy?

Nhiếp ảnh không nằm ngoài quỹ đạo phòng nhỏ của buồng chung. Bâng khuâng cùng chua chát nghĩ đến cánh tay của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dang rộng trong cuộc gặp với văn nghệ sĩ năm 1988.

Nào, có anh chị nào trong những năm qua có tác phẩm nào đã gặp những ngáng trở không thể xuất bản
thì hãy đưa ngay cho tôi.
Với tư cách Tổng Bí thư, tôi sẽ giải quyết ngay…

Không có ai giơ tay!

Lại trở về với những bức ảnh của tay máy, nhiếp ảnh gia người Đông Đức. Có thể Thomas Biihardt ấy đã gặp may? Là phóng viên của phe XHCN lại là người của Thông tấn xã Đông Đức AND được chiều được ưu tiên chả kém như người của TASS Thông tấn xã Liên Xô…

Cái may ấy là họ được phép chĩa ống kính vào nhiều sự kiện chiến tranh mà thời đó đang có lắm thứ hạn chế, thậm chí cấm kỵ đối với đám phóng viên nhà báo trong nước nói gì đến ký giả nước ngoài? Vậy nên coi ảnh của Thomas Biihardt, hơi bị ngạc nhiên khi thấy mảng phi công mặc áo ngủ hiện diện! Phi công mặc áo ngủ (Pilos in Pajamas) là thuật ngữ tạm gọi và dùng cho hàng trăm phi công Mỹ bị giam tại nhiều nơi ở miền Bắc mà trung tâm là Hanoi Hin-tơn - Hilton (trại giam Hỏa Lò).

Triển lãm không nhiều lắm những bức ảnh đen trắng lẫn màu về mảng phi công Mỹ mặc áo ngủ của Thomas Biihardt. Nhưng vẫn là một Thomas gặp hên. Ống kính của ông không biết bao lần gặp may khi đôi hồi, ngập ngừng hay tung hoành khoát hoạt ở Hỏa Lò? Nhưng hơn thế, Thomas hình như đã được phép đến Trại giam Sơn Tây hoặc Vĩnh Phú có cái tên là Đồn Điền. Đồn Điền là địa danh do phi công Mỹ (thuở ấy gọi là giặc lái) đặt ra. Đồn Điền, tên gọi cái trại giam thèo đảnh nhưng kín đáo nằm giữa vòng đồi núi hoặc một trường học được cải tạo lại như Trại giam Sơn Tây? Cụm từ Đồn Điền mà Thomas ghi trong chú thích ảnh gợi nhớ bao kỷ niệm về một quá vãng không riêng chi với phi công Mỹ và cả người Việt một thời?

Rồi người trong cuộc và cả ngoài cuộc thấy gợi lên ít nhiều tâm trạng khi đọc những dòng chú thích đậm chất thông tấn dưới bức ảnh.      

Thượng úy James Lindberg Hughes, Lái chiến đấu cơ F.105 bị bắn ha ngày 5/5/1967 sau 44 chuyến bay ở Bắc Việt Nam đang đọc lá thư của vợ gửi.

Thượng úy James Richard Shirley bị bắn hạ ngày 5/5/66 sau 67 lần oanh kích bầu trời Bắc Việt.

Hên và may quá đi chứ? Ngay cái địa danh được coi là tuyệt mật một thời như cơ sở Điện ảnh Quân đội ở phố Lý Nam Đế được dùng để giam phi công Mỹ mà cái ông Thomas này cũng được đặt chân đến để hành nghề. Đồ vật và chút ngoại cảnh đã nói lên địa điểm.

Cứ băn khoăn là hơi bị hiếm những bức ảnh phi công mặc áo ngủ với những cảnh thường nhật sinh hoạt trong trại giam được xuất hiện? Vậy nên những bức hình của Thomas về phi công mặc áo ngủ bây giờ phát lộ đâm hút mắt người coi? Có lẽ những bức ảnh của Thomas chỉ là công đoạn nào đó vô tình lặp lại trong trường đoạn của việc lưu giữ và lưu trữ của Nhà nước cũng như của cơ quan có trách nhiệm?

Cuộc chiến đã qua đi nhiều năm. Liệu những lưu giữ cùng lưu trữ ấy đã được giải mật chưa nhỉ? Đã được phép công bố chưa? Nói dại mồm, hay thời ấy chưa có ai nghĩ và chưa có động thái kịp làm như ông nhiếp ảnh gia người Đông Đức Thomas ấy? Cứ lẩn thẩn thêm, thời ấy (chưa nói đến chuyện rộng lòng thả phóng) mà chỉ ở mức ưu tiên một chút thôi cho những tay máy, những phóng viên ảnh quân đội (ngoài thời gian đi các chiến trường) cỡ Hoàng Như Thính, Đoàn Công Tính, Vũ Ba… để họ chớp chỉ vài cuộn phim về mảng về đề tài phi công mặc áo ngủ thì có lẽ sẽ xôm tụ lẫn sinh động biết nhường nào cho bộ sưu tập dành cho hậu thế Việt?

Con phố Phan Huy Ích với ngôi đền Lý Chiêu Hoàng ghi dấu tích bi thương sử Việt. Mà tên phố cũng nhắc nhớ một người Việt tài năng chính trị, văn chương. Người ấy từng đi sứ Tàu tháp tùng vua giả Quang Trung. Người từng bị Gia Long đánh đòn ở sân Miếu Văn. Thoát chết về dịch Chinh Phụ Ngâm… Nay phát lộ một triển lãm cũng ít nhiều bi hùng về một quá vãng gần sử Việt 1967-1975 của một nhiếp ảnh gia Thomas. Mừng cho nước Việt sau 1975, những người chép sử cỡ như Thomas xuất hiện không hiếm.

Một số bức ảnh của Nhiếp ảnh gia Thomas Biihardt:

Chút tiếc nuối về một quá vãng gần ảnh 3  
Chút tiếc nuối về một quá vãng gần ảnh 4  
Chút tiếc nuối về một quá vãng gần ảnh 5  
Chút tiếc nuối về một quá vãng gần ảnh 6     
Chút tiếc nuối về một quá vãng gần ảnh 7  
Chút tiếc nuối về một quá vãng gần ảnh 8   
Chút tiếc nuối về một quá vãng gần ảnh 9    
Chút tiếc nuối về một quá vãng gần ảnh 10  
Chút tiếc nuối về một quá vãng gần ảnh 11  
MỚI - NÓNG