Chuyện của "Hương đất"

Chuyện của "Hương đất"
Bộ phim đang trở nên cuốn hút, ngày càng "nhuyễn" đối với các khán giả xem Văn nghệ Chủ nhật trên truyền hình. Tất nhiên, hậu chuyện làm phim "Hương đất" cũng được chú ý.
Chuyện của "Hương đất" ảnh 1
Một cảnh trong phim Hương đất

1. Đạo diễn Quốc Trọng dường như có tình cảm đặc biệt với đề tài nông thôn. Sau 25 tập Đường đời là 18 tập Hương đất. Đây là đề tài mà anh hay nghĩ ngợi nhiều nhất. Quốc Trọng đã trải qua thời gian khá dài ở nông thôn Việt Nam, trong thời gian đi sơ tán, cả thời học diễn viên trường Sân khấu điện ảnh nữa.

Cũng phải học làm ruộng, cấy lúa, sàng sảy gạo như một anh trai làng thực thụ, bởi thế, những cảnh đặc sệt chất nông thôn: diễn viên Thu Hà sàng gạo, diễn viên Mai Hoa băm bèo, đạp xe, đi lại tất tả... đều có sự thị phạm của anh đạo diễn người thành phố này.

2. Ơn người Bắc Giang, nhất là với bà con thôn Nội Hoàng, xã Yên Dũng là điều mà đoàn làm phim ai cũng nhắc tới. Hoạ sĩ và đoạ diễn đã lang thang 4 tỉnh trung du, định chọn Phú Thọ cho ra chất đồi cọ, vùng chè - nhưng cuối cùng, đoàn "hạ trại" tại Bắc Giang, nơi có những dãy nhà trên sườn đồi lớp trên lớp dưới, tạo hình rất đẹp.

Xã Yên Dũng mới có điện 2 năm trước nên đời sống của bà con khá vất vả, hợp với bối cảnh trong phim. Cảnh ngôi nhà vách đất sơ sài của các nhân vật trong phim thế nào, ngoài đời y hết thế.

Còn diễn viên thì toàn cán bộ xã và chi đoàn thanh niên tham gia. Tính sơ sơ có tới 6-7 ôngtrưởng thôn đóng phim.

Những bối cảnh họp bầu trưởng thôn huy động tới gần 400 quần chúng góp mặt. Thù lao ít ỏi, chỉ khoảng 10.000 - 15.000 đồng/người - trong khi bà con có hôm ngồi từ tối tới 2-3 giờ sáng khiến đoàn làm phim hết sức cảm động.

3. Nếu bị chất vấn về điểm không hài lòng về bộ phim, câu trả lời của đạo diễn sẽ là "nhiều". Do kinh phí eo hẹp, nhiều khi đoàn phim chấp nhận dừng lại ở chuyển tải ý tưởng chứ chưa thể ưng ý về nghệ thuật.

Chẳng hạn như lễ ra quân chôn cột điện lẽ ra phải là hoành tráng, phải có hàng trăm dân chúng xắn tay vào dựng hàng trăm cột điện... nhưng cuối cùng, đoàn làm phim chỉ năn nỉ được các anh bên điện lực chuyển vài ba cái cột điện để quay mà thôi.

4. Phần kết của phim khác hẳn với kịch bản trên giấy in. Lẽ ra phải có một cái chợ mới tinh trong niềm hân hoan của người dân quê, nhưng với hầu bao của đoàn làm phim truyền hình đó là điều bất khả kháng. Mọi người đau đầu suy nghĩ.

Bỗng nhiên, đạo diễn đổi ý: Kết phim không dừng lại ở nhân vật chính mà khoanh lại ở 2 nhân vật quần chúng. Hai mẹ con nhà nọ thấp thỏm chờ điện nhà mình sáng xem nó lạ như thế nào.

Hình ảnh ấy còn mang một hàm ý sâu xa: đó là đời sống mới đem lại niềm vui cho người dân quê nghèo.

5. Để có được những hình ảnh nên thơ trên generic cuối phim là chủ tâm của đoàn phim. Mọi người muốn có những cảnh đẹp về đời sống làng quê bình dị: hoa mướp, giàn trầu , chùm nho xanh, ánh trời chiều, đàn vịt bơi... nên vừa làm phim vừa săn tìm.

Bạn xem trên ti vi hẳn rất ấn tượng với những hình ảnh thân thương đó, còn đạo diễn? Anh còn giữ hẳn một băng tư liệu nhiều cảnh đắt để dùng dần.

6. Thế là Quốc Trọng lại vào vai ông giáo Phan trong Hương đất, Vì công việc đạo diễn phức tạp, Quốc Trọng không muốn bận rộn thêm, song khi có những vai nhỏ, lại phải xuất hiện ở nhiều bối cảnh cách xa nhau, ít diễn viên nào muốn nhận thì anh lại vào cuộc (Mùa lá rụng, Đường đời...).

Đạo diễn cho biết hiện Hương đất đã có kịch bản phần II.

Theo VTV

MỚI - NÓNG