Chuyện gì xảy ra tại Thánh Duyên 'quốc tự'?

Nhìn những bức tượng Phật mặc áo mưa tiện lợi chỉ còn lộ mỗi phần mặt, đặt ở nơi tăm tối của ngôi nhà tăng dột nát, nhiều người không khỏi xót lòng.
Nhìn những bức tượng Phật mặc áo mưa tiện lợi chỉ còn lộ mỗi phần mặt, đặt ở nơi tăm tối của ngôi nhà tăng dột nát, nhiều người không khỏi xót lòng.
TP - Tượng Phật mang áo mưa chống dột, khu nhà tăng thuộc khuôn viên cổ tự có từ thế kỷ XVII bị tháo dỡ mái ngói toang hoác rồi bỏ mặc cho mưa nắng giày vò hỏng nát, cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc… là những gì xảy ra thời gian gần đây tại ngôi “quốc tự” Thánh Duyên tọa trên núi Túy Vân (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) một thời nức tiếng.

Tháng 10 năm ngoái, vùng quê Vinh Hiền yên bình bên phá Tam Giang - Cầu Hai bỗng “dậy sóng” trước việc hai cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm trên chùa Thánh Duyên thuộc ngọn núi danh thắng Túy Vân gắn bó như máu thịt với dân địa phương bỗng nhiên bị sư tri sự (giám tự) cho đốn hạ, cưa thành gỗ súc. Trong đó, có một cây mít nài cổ thụ mà giới chơi gỗ hiếm hết sức ưa chuộng.

Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng huyện Phú Lộc sau đó vào cuộc, kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu người của chùa dừng ngay việc chặt hạ cổ thụ trong khuôn viên cổ tự, thuộc khu vực 1 khoanh vùng bảo vệ di tích cấp quốc gia theo Luật Di sản Văn hóa.

Sư giám tự giải thích, do cây có nguy cơ đổ vào ngôi chánh điện của chùa nên buộc phải chặt hạ. Trước đó, cán bộ UBND xã Vinh Hiền từng khuyến cáo vị sư này không được tự ý chặt cây cổ thụ, mà phải giữ nguyên hiện trạng, chờ xin ý kiến xử lý của cơ quan chức năng, do chùa là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận vào năm 1996. Đây còn là di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp vào hạng đặc biệt cấp quốc gia.

Chưa hết, cũng trong tháng 10/2015, người của chùa còn tự ý cho tháo dỡ ngôi nhà tăng nằm sát chánh điện, nhằm mục đích sửa chữa, lợp lại phần mái ngói âm dương mà không lập hồ sơ, thủ tục tôn tạo công trình trong di tích theo quy định pháp luật, cũng như thông qua tư vấn chuyên môn trùng tu của cấp có thẩm quyền. Đến nay, phần mái nhà tăng bị tháo dỡ tan hoang một năm trước chưa được lợp lại. Ngôi nhà tăng này được tôn tạo, sửa chữa từ đóng góp của phật tử, đạo hữu cách đó 11 năm.

Theo UBND huyện Phú Lộc, thời điểm nhận báo cáo xin sửa chữa nhà tăng từ phía chùa, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện toàn bộ phần mái phía sau lợp bằng ngói âm dương (cũ) đã bị tháo dỡ, trơ lại rui, lách, đòn tay. Tại một số vị trí, nhà chùa đã cho thay mới rui lách và ngói tráng men Prime. Theo hồ sơ mặt bằng tổng thể, nhà tăng giáp chánh điện chùa Thánh Duyên, thuộc khu vực 1 khoanh vùng bảo vệ di tích, cần được bảo vệ nguyên trạng theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.

Cơ quan chức năng ở đâu?

Sau khi việc tháo dỡ nhà tăng xảy ra và bị đình chỉ, UBND huyện Phú Lộc đã nhiều lần gửi tờ trình, công văn đến nhiều cơ quan chức năng của tỉnh yêu cầu hỗ trợ chuyên môn, tư vấn lập thủ tục pháp lý, kỹ thuật sửa chữa nhà tăng cho huyện cũng như phía nhà chùa. UBND huyện Phú Lộc cho rằng, họ không có chuyên môn về trùng tu di tích, nên phải “cậy” đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hơn một năm trôi qua kể từ ngày ngôi nhà tăng bị tháo dỡ tan hoang, việc lập thủ tục sửa chữa, khôi phục công trình trong khuôn viên di tích đặc biệt cấp quốc gia vẫn chưa được triển khai.

Cũng ngần ấy thời gian, phần kết cấu gỗ và các hiện vật, bàn ghế, tài sản, chuông, khánh, bên trong ngôi nhà cứ phơi trong nắng mưa. Phía nhà chùa cũng không thiết tha che chắn bảo vệ khung mái, tài sản bên trong công trình kiến trúc. Nếu không có ngôi chánh điện bên cạnh, nhiều người khi đặt chân vào đây cứ ngỡ là một ngôi “nhà ma” bởi sự âm u, thấm dột, lạnh lẽo, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của con người. Bên trong nhà tăng, bụi bặm phủ đầy, mạng nhện giăng mắc khắp nơi. Khi phóng viên hỏi sư giám tự vì sao tháo dỡ nhà tăng, vị này cho biết do công trình bị xuống cấp (?).

Điều đáng nói, ngoài việc bỏ mặc ngôi nhà tăng “trơ gan cùng tuế nguyệt” sau khi tháo dỡ dang dở, bên trong công trình vốn có chức năng dùng để tiếp khách, lễ tân, mà không dành làm nơi thờ tự này, thời gian gần đây lại có sự xuất hiện của ba bức tượng Phật nghe đâu là cổ vật được đưa về từ một gian gác cổ của chùa ở phía sau núi. Nhìn ba bức tượng Phật trùm kín trong áo mưa tiện lợi, chỉ còn chừa phần mặt tượng lộ ra ngoài, được thỉnh đặt giữa không gian tăm tối, u ám, nhiều khách vãn cảnh chùa, đạo hữu, phật tử quanh vùng… không khỏi xót xa.

Sư giám tự cho biết, ba bức tượng Phật được chuyển từ gác Đại Từ trên núi xuống khu nhà tăng dột nát, lạnh lẽo, phủ đầy mạng nhện, bụi bặm, thiếu tính tôn nghiêm của nơi thờ tự, là do lo ngại kẻ xấu lấy trộm. Nhiều người nghi ngờ về dụng ý của ai đó đã đặt ba pho tượng Phật vào một nơi dột nát, âm u như vậy. Bởi, cả một công trình kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia đồ sộ như chùa Thánh Duyên, chả nhẽ lại không tìm được một nơi nào khác tôn nghiêm, khô ráo, sáng sủa và an toàn hơn để bảo quản, thỉnh đặt tạm ba bức tượng Phật này.

Khi chúng tôi trao đổi thực trạng đáng buồn trên với lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Lộc và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (hai đơn vị cùng quản lý di tích chùa Thánh Duyên), họ hết sức bất ngờ. Ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Lộc, cho biết: hơn một tháng trước, do quá sốt ruột về việc nhà tăng chùa Thánh Duyên bị dột nát, xuống cấp ở mức nghiêm trọng, đơn vị đã trực tiếp làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, yêu cầu hỗ trợ chuyên môn trùng tu, sửa chữa.

Phía trung tâm cũng đã giới thiệu đơn vị tư vấn hỗ trợ huyện Phú Lộc và nhà chùa về chuyên môn sửa chữa. “Tuy nhiên, phía đơn vị tư vấn chỉ liên lạc, trao đổi với huyện có một lần, rồi sau đó lặn mất tăm”, ông Phạm Hữu Chung cho biết.

Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: rất cảm ơn thông tin từ báo Tiền Phong và sẽ cử ngay cán bộ, nhân viên có chuyên môn về kiểm tra hiện trạng và cho xúc tiến thủ tục sửa chữa nhà tăng trong thời gian sớm nhất.

Được biết, mặc dù được UBND tỉnh phân công phối hợp quản lý chùa Thánh Duyên từ 10 năm trước, nhưng đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vẫn chưa nhận được bàn giao hồ sơ di tích từ phía Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh (đơn vị quản lý di tích trước đây). Đây cũng là một chuyện lạ về quản lý di tích của xứ Huế.

Theo Dư địa chí TT-Huế, chùa Thánh Duyên được xây dựng trên núi Túy Vân, gần cửa biển Tư Hiền, thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc. Chùa xây dựng vào nửa sau thế kỷ XVII, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, với quy mô nhỏ. Đến năm Nhâm Thân (1692) chúa Nguyễn Phúc Chu cho tu sửa lại chùa. Năm 1825, vua Minh Mạng cho xây dựng lại trên nền cũ đặt tên là chùa Thuý Ba. Năm 1836, vua Minh Mạng cho sửa lại, xây thêm Đại Từ các và tháp Điều Ngự, đặt tên là chùa Thánh Duyên.

Cùng với Linh Mụ và Diệu Đế, Thánh Duyên là một trong 3 ngôi quốc tự của xứ Thần kinh còn tồn tại cho đến ngày nay... Di tích được xếp hạng cấp quốc gia vào ngày 13/2/1996.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.