Chuyện ít biết về 'quái kiệt' đưa làng quê Việt ra thế giới

Chuyện ít biết về 'quái kiệt' đưa làng quê Việt ra thế giới
TP - Hơn 40 năm theo đuổi nghệ thuật tranh gỗ chìm, nghệ thuật đỉnh cao trong chế tác gỗ, nghệ nhân đa tài Nguyễn Trung Kỳ đã đưa không biết bao nhiêu sản phẩm giới thiệu về làng quê Việt Nam ra thế giới bằng chính môn nghệ thuật du nhập từ châu Âu.


Đam mê và thử thách
Nhắc đến nghệ thuật tranh gỗ chìm hay còn gọi là nghệ thuật Marquetry, ở Việt Nam ai cũng biết đến nghệ nhân Nguyễn Trung Kỳ (64 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM). Bởi có lẽ ông là người đầu tiên đưa môn nghệ thuật này từ châu Âu về Việt Nam và cũng chính ông đã tự tay chế tác ra những sản phẩm nhập vào các thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Ông cũng nhận được không ít bằng khen cao nhất về môn nghệ thuật này từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Một ngày đầu tháng 4/2019, chúng tôi tìm đến căn nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM. Mới nhìn ai cũng nghĩ đó là một xưởng gỗ bởi bên trong là những cỗ máy cưa, máy khắc laser và những tấm ván mỏng dính nằm la liệt trên nền nhà. Bên trong, người đàn ông tuổi ngoài 60 đang cặm cụi phác họa những bức tranh làng quê Việt Nam để làm tranh ghép gỗ chìm.
Đưa tay phủi lớp bụi gỗ bám dày trên bức tranh để nhiều ngày trong xưởng, ông Kỳ bồi hồi nghĩ về những ngày đầu theo đuổi môn nghệ thuật đỉnh cao trong chế tác gỗ. Ông Kỳ kể, vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi đó ông cùng một nhóm nghệ nhân khác nghiên cứu về tranh gỗ nổi được ghép từ những mảnh gỗ có màu sắc khác nhau để thành bức tranh về cô gái hay nhân vật nào đó. Tuy nhiên, môn nghệ thuật này thời đó đang khá sơ khai và đơn điệu vì hạn chế về màu sắc gỗ.
Một thời gian sau, ông Kỳ vô tình biết đến nghệ thuật tranh gỗ chìm, hay còn gọi là nghệ thuật Marquetry có nguồn gốc từ các nước châu Âu với những hình ảnh độc đáo đầy tính nghệ thuật và chỉ sử dụng màu tự nhiên của gỗ. 
Theo ông Kỳ, để làm được một bức tranh đơn giản bằng nghệ thuật Marquetry ít cũng mất vài ba ngày, nhiều có thể vài tháng đến vài ba năm mới xong. Với Marquetry, bước đầu tiên là nghệ nhân phải mường tượng ra mình muốn tạo bức tranh như thế nào, sau đó vẽ phác họa ra giấy trắng. Khi bức tranh phác họa xong trên giấy thì phải lựa chọn các vân cây, màu sắc gỗ phù hợp với bức tranh. Sau đó, bắt đầu cắt ghép các mảnh gỗ “mỏng như lá lúa” để dán vào cho phù hợp với bản vẽ. “Công việc này đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy của người nghệ sĩ và kiên trì theo đuổi. Cái làm cho sản phẩm đẹp là tầm nhìn của người thợ, biết phân biệt màu sắc cho hợp lý nếu không nó sẽ bị trùng lắp. Có những sản phẩm tôi phải mất hơn 3 năm mới hoàn thành được và khi làm xong thì nghĩ mình không thể làm được sản phẩm thứ hai nên quyết định không bán mà giữ lại làm kỷ niệm”, ông Kỳ nói.

Đưa làng quê Việt ra thế giới
Với tâm huyết và sự kiên trì của mình, sau gần 10 năm tìm tòi học hỏi, ông Kỳ đã cho ra đời hàng loạt bức tranh khắc gỗ chìm và nhận được sự chú ý của các công ty nước ngoài. Những lô hàng đầu tiên của nghệ nhân với chữ ký “Việt Nam” được xuất sang Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. 
Nhớ lại những ngày “đỉnh cao” của mình về nghệ thuật Marquetry, ông Kỳ cho hay, vào khoảng năm 1994, Công ty Alexander của Mỹ vào Việt Nam đầu tư và biết đến ông Kỳ qua những bức tranh ghép gỗ chìm bán trên phố. Sau đó, công ty này liên lạc và đề nghị ông hợp tác gia công cho các sản phẩm của họ. Chính thời gian này cũng giúp ông học thêm được nhiều điều chưa biết về Marquetry. 
Trong những năm đầu xuất khẩu sản phẩm từ nghệ thuật Marquetry, ông Kỳ chủ yếu làm gia công với những sản phẩm được đặt hàng trước của công ty nước ngoài như giường tủ, bàn ghế và được trao mẫu để làm theo. Tuy nhiên, điều làm ông trăn trở là dù làm theo mẫu có sẵn, đơn giản hơn, kiếm được nhiều tiền hơn nhưng đó không phải là sản phẩm sáng tạo của mình và không quảng bá được nhiều về đất nước của mình.
Chính vì vậy, ông Kỳ bắt đầu chuyển sang làm tranh phong cảnh, đặc biệt là phong cảnh làng quê Việt Nam với những đồng lúa bạt ngàn, đàn trâu hay những cô gái với tà áo dài thướt tha. Cuối những bức tranh đều được ông viết chữ “Việt Nam”. “Hình ảnh làng quê Việt Nam đẹp lắm, thơ mộng lắm, tôi muốn cả thế giới biết đến quê hương mình và để lưu giữ lại những hình ảnh này cho đời sau. Tất cả tranh xuất đi nước ngoài tôi đều ghi chữ Việt Nam để thế giới biết rằng, bức tranh đó được làm từ quê hương tôi chứ không phải một nước nào ở châu Âu”, ông Kỳ tâm sự.
Là người hoà đồng, vui vẻ trong cuộc sống thường ngày. Thế nhưng, khi vào với công việc, với nghệ thuật thì ông Kỳ là người kỹ tính, không chấp nhận bất cứ sai sót nào. Một bức tranh chỉ cần có lỗi nhỏ cũng bị ông bỏ vào sọt rác. Vì vậy, sau hơn 40 năm theo đuổi đam mê, dù thành công với con đường theo đuổi nghệ thuật Marquetry nhưng ông Kỳ vẫn luôn đau đáu một nỗi buồn vì chưa tìm ra được truyền nhân để truyền lại môn nghệ thuật này.

Hơn 40 năm theo nghệ thuật tranh ghép gỗ chìm, ông Kỳ nhận được nhiều bằng khen của nhà nước, nhiều huy chương vàng tại các hội thi triển lãm tiểu thủ công mỹ nghệ và là người Việt đầu tiên xuất khẩu loại tranh này ra thế giới.

Chuyện ít biết về 'quái kiệt' đưa làng quê Việt ra thế giới ảnh 1 Chân dung nghệ sĩ Trịnh Công Sơn được ông Kỳ khắc họa bằng tranh gỗ chìm
MỚI - NÓNG