Chuyện một người Nga làm sử và... làm tiền

Chuyện một người Nga làm sử và... làm tiền
TP- Ở Liên doanh dầu khí Việt Xô tại thành phố “Bacu Vũng Tầu” gặp được Volodia không dễ... Volodia hay Vôva theo cách gọi thân mật của người Nga thì liên doanh tới cả trăm người.

Nhưng gọi đầy đủ họ tên của Tiến sĩ Vladimir Ivanovitch Antoshchenko là trợ lý Phó Tổng Giám đốc thứ nhất thì chỉ có một người.

Ngồi mà ngó sơ qua thái độ cung cách của những nhân viên lúc thì Nga lúc Việt mỗi khi tiếp xúc với viên trợ lý, thấy anh này cũng thuộc loại có máu mặt ở một Tập đoàn kinh tế danh tiếng  luôn nườm nượp các yếu nhân kinh tế của xứ phương Nam lui tới!

... Mười ba năm trước, có việc đến Viện Hán Nôm, tôi chú ý đến một chàng trai người Âu dáng cao ráo, tiếng Việt lau láu đang trao đổi với một cán bộ của Viện vốn là bạn học cũ của tôi.

Tôi thoắt giật mình khi nghe chàng trai này đang than phiền về tấm bia để ở sân Phủ Trịnh ở Vĩnh Lộc Thanh Hóa đọc không ra chữ có thể là bị xóa vào thời nào đó hoặc nguyên một phiến đá dựng lên thì không có lý?

Giật mình bởi anh này đang nhắc đến cái làng Biện Thượng Xứ Thanh quê tôi, nơi phát tích chúa Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm cũng như 11 đời chúa sau này. Khi đã ngồi được với nhau, tôi biết thêm chàng trai đó là Phó tiến sĩ sử học người Nga đang làm việc ở Viện Hán Nôm Vladimir Ivanovitch Antoshchenko.

Cho dù mãi những năm sau khi đã có hàm Phó Giáo sư Tiến sĩ, cái tên Volodia vẫn được đồng nghiệp Việt (và cả tôi nữa) dùng thân mật trong những lần gặp gỡ chuyện trò...

Tôi nhớ có lần hỏi vui, Volodia có thể chia hộ xem ở thì tương lai xa, những hậu duệ tít tắp sau này của người Việt thờ gì?

Anh cười mà rằng truyền thống ơn nghĩa của người Việt hình như phù hợp một cách dai dẳng với những giá trị muôn thuở truyền thống ấy!

Đận gặp ở Viện Hán Nôm ấy, Volodia đã làm luận án PTS đề tài Chế độ quan chế Việt Nam thời hậu Lê được 4 năm.

Chúng tôi trở nên mặn chuyện bởi thêm chút tò mò là Volodia mới vừa đi thực địa điền dã ở làng tôi ra... Volodia đã ngủ lại ở một nhà dân gần Phủ Trịnh Biện Thượng hai đêm.

Hồi ấy,  Phủ Trịnh chưa được công nhận di tích lịch sử quốc gia. Đường sá chưa phải thênh thanh như bây chừ. Thêm nữa, quan điểm lẫn cách nhìn về một giai đoạn lịch sử đặc biệt kéo dài tới 249 năm chế độ chúa Trịnh bên cạnh vua Lê chưa phải khách quan và tạm rốt ráo như hiện nay...

Vì vậy tôi đã ngạc nhiên khi Volodia dường như đắm đuối chứ không phải say mê nữa vì đã bỏ ra bao công sức bươn chải lúc đi đi về về Thanh Hóa lúc ngồi lỳ ở các Viện Hán Nôm, ở UBKHXH, ở Trường Tổng hợp... để say mê lẫn thích thú phát hiện ra chế độ lưỡng đầu chế rất đặc biệt thời kỳ Lê Trịnh.

Hình như trong nghiên cứu KH, có những mảng thường hạp duyên với ai đó? Với Volodia, cái chớp mắt của lịch sử nhưng là công việc lê thê và gian nan đối với người làm sử khi nghiên cứu thời Lê Trịnh đã cuốn hút anh. Bắt đầu từ khi nào vậy? 

Có thể từ thời điểm anh sang Việt Nam năm 1984 bổ túc thêm tiếng Việt cùng chữ Hán Nôm. Mà có thể trước đó nhiều năm, tại khoa phương Đông học Đại học Matxcơva, anh bắt đầu chú tâm đến đề tài này, một mảng đặc thù nhưng còn u u minh minh kể cả khi tiếp cận những kiến giải trong một số công trình của các học giả Việt về thời Lê Trịnh.

Có lẽ các nhà khoa học từng lưu tâm đến  đề này đã khá thú vị khi  có dịp tiếp cận với những công trình của Vladimir Ivanovitch Antoshchenko?...

Một lần qua Văn Miếu, tôi ngạc nhiên bởi Volodia bất ngờ gợi ra một chi tiết. Ấy là năm 1755 (thời chúa Trịnh Doanh) khi đến thăm Văn Miếu, sứ Tàu từng rất ngạc nhiên thấy Khổng Tử mang sắc áo khác hẳn lần viên sứ thần thấy trước đó? Hình như người ta thay áo cho Khổng Tử?

Volodia rất thích thú trước chi tiết trong sử này! Đành một nhẽ, thờ cúng linh hồn những người quá cố là cơ sở của tất cả các tôn giáo. Thế nhưng Nho giáo là một học thuyết triết học tôn giáo cổ kính nhất trong khu vực Á Đông phân biệt rõ hai nhóm linh hồn thần thánh mà ma quỷ.

Khổng Tử là bực Thánh Nho. Nho giáo cho rằng linh hồn tổ tiên là phúc thần luôn luôn phù hộ cho dòng họ trong công việc hằng ngày. Như vậy việc thay áo cho ngài Khổng Khâu (mà Volodia tâm đắc cho rằng đó là sự sáng tạo rất độc đáo trong việc thờ cúng của người Việt) há chẳng phải là làm sinh sắc thêm câu nói bất hủ của ngài Sự tử nhi sự sinh (hãy thờ người chết như người sống) đó sao?

Tôi nhớ có lần hỏi vui, Volodia có thể chia hộ xem ở thì tương lai xa,  những hậu duệ  tít tắp sau này của người Việt thờ gì? Anh cười mà rằng truyền thống ơn nghĩa của người Việt hình như phù hợp một cách dai dẳng với những giá trị muôn thuở truyền thống ấy!

Những ngày miệt mài làm quen thêm với thứ văn tự hóc búa Hán Nôm mà Volodia nói vui khi mượn lại câu của Nguyễn Khuyến văn dai như chão chữ vuông như hòm những năm mà đời sống ở Việt Nam còn khó khăn cũng chính là thời gian đầy ắp kỷ niệm.

Ở khoa tiếng Việt Đại học Bách khoa, có một nữ sinh người Cezch duyên dáng có cái tên đến là hay, Eva. Còn Eva thì cũng để ý đến anh chàng người Nga có cái cằm lẹm.

Cả hai từng đánh vật với thứ tiếng Việt hóc búa dần dà hội nhập sâu hơn với đời sống văn hóa Việt. Những lần đi điền dã các đình chùa Hà Nội hay ngoại ô. Những ngày miệt mài ở các thư viện...

Volodia thích thú khi thấy Eva say mê với một số tác giả văn chương giai đoạn 1939-1945 và quyết tâm đầu tư thời gian và công sức cho một luận án khoa học ngay tại Việt Nam. Eva cũng bất ngờ những tưởng anh chàng đẹp trai người Nga này chỉ kết với mảng văn học cổ nhưng hóa ra kiến văn của Volodia khá rộng.

Nhiều bận Volodia đưa ra những kiến giải bất ngờ về Thạch Lam và Nhất Linh mà Eva đang quan tâm... Khi Eva về Tiệp cũng như Volodia về Liên Xô, tao loạn thì chưa hẳn nhưng đời sống của hai người cũng xáo trộn qua biến động của thời cuộc...

Khi trở lại Việt Nam những năm chín mươi để tiếp tục những đề tài về giai đoạn lịch sử Lê Trịnh, Volodia bất ngờ gặp lại Eva cũng sang Việt Nam lần nữa để theo đuổi niềm say mê văn chương Việt một thuở một thời.

Cô cũng ngạc nhiên khi biết Volodia còn có thứ tài lẻ nữa là hồi nào đã làm quen được với vấn đề muôn thuở lẫn thời thượng là quản trị kinh doanh! Kinh phí chu cấp cho việc nghiên cứu khoa học không phải dễ dàng và hào phóng như thuở nào mà tất tật cá nhân phải tự lo tự bươn chải lấy nếu như Volodia tiếp tục đi tiếp đi sâu hơn những đề tài về lịch sử ở một quốc gia xa ngái như Việt Nam.

Đó là duyên do để mãi sau này, Volodia ngoài khoản thông thạo tiếng Việt, tâm lý Việt, có chút chi đó như người Việt nói là thông kim bác cổ, lại có chút kiến thức chuyên môn về quản trị kinh doanh...

Đấy là đích mà người ta ngắm lẫn chọn Volodia vào Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro, như Volodia vẫn nói là lấy ngắn nuôi dài để đầu tư cho mảng nghiên cứu sử học. Nhưng đó là chuyện sau này.

Có thể nói Volodia đã từng chia sẻ cùng Eva trong việc kiến giải khá nhiều ý tưởng độc đáo trong luận văn cao học của cô về đề tài chủ nghĩa ấn tượng trong văn xuôi Thạch Lam. 

Lần gặp Volodia mới nhất là anh từ Vũng Tàu bay ra Hà Nội để dự một cuộc hội thảo quốc tế về Nho giáo. Volodia là khách mời của Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam và Viện Havard - Yenching Hoa Kỳ.

Có lẽ lần ấy trong giờ giải lao, tôi mới được nghe Volodia nói ky kỹ một chút về đề tài cao học trong luận văn của vợ mình. Volodia cho rằng trước đến nay người ta chỉ nhấn mạnh đến phần nổi là chất lãng mạn trong văn xuôi của Thạch Lam và so sánh với điểm ấy trong sáng tác của Nhất Linh.

Nhưng cái mã ấn tượng của Thạch Lam thì chưa ai đề cập đến một cách rốt ráo. Tương tự như thế, chủ nghĩa ấn tượng lại thiếu vắng trong sáng tác của Nhất Linh. Phần còn lại của cuộc gặp, Volodia chỉ cho biết qua quýt rằng ở Vũng Tàu, Eva cùng cậu con trai kháu khỉnh vẫn yên lành.

Anh dường như đang hào hứng về việc làm ăn của Vietsovpetro sắp tới sẽ rất khả quan bởi không chỉ bó hẹp trong phạm vi thăm dò khai thác ở những mỏ dầu ở biển Đông Việt Nam.

Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cuối năm 2007,  cấp cao nhất và những cơ quan có trách nhiệm của cả Nga và Việt đã nhất trí làm cái việc nối dài thêm cánh tay cho Vietsovpetro trong việc khai thác thăm dò dầu khí ở trên  lãnh thổ của nước Nga và Việt Nam và những khu vực khác trên thế giới mà Vietsovpetro có đối tác liên doanh liên kết.

Khi Volodia quay vào hội trường rồi, tôi mới chợt nhớ chưa hỏi vợ anh, Eva có tiếp tục việc nối dài niềm say mê với văn chương Việt nữa không và cái chi tiết đám cưới của họ trước hay là sau thời điểm Eva thực hiện luận án cao học về văn xuôi Thạch Lam?

Xuân Ba
Cuối năm Hợi

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.