Chuyện mưu sinh của họa sĩ Hà thành

Họa sĩ Lê Anh Quân và tác phẩm lấy cảm hứng từ con gái. Ảnh: N.M.Hà.
Họa sĩ Lê Anh Quân và tác phẩm lấy cảm hứng từ con gái. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Triển lãm có tên đơn giản No 5, tập trung 5 tác giả đang diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ), đến 21/9; gồm 23 sáng tác trên đa dạng chất liệu tổng hợp, sơn mài, gốm, sơn dầu được Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khuyến khích và tài trợ.

Những họa sĩ tham gia triển lãm đều có những con đường đi riêng, không phải ai cũng được thị trường ưu ái. Vì thế mà một số vẫn có những cách để sống với nghề. Lê Anh Quân từng được biết tới với vai trò chủ gallery Trẻ cách đây hơn chục năm. Khác với các phòng tranh thương mại, gallery của Quân chơi với nghề, tập trung giới thiệu các gương mặt họa sĩ nổi bật. Chính vì thế mà không bán được, nên Trẻ (vận hành bằng tiền túi của Quân) phải đóng cửa sau một năm hoạt động. Cũng phải chục năm nay, Quân mới công bố tác phẩm với nhiều mảng màu tối, thách thức.

Thời gian qua, anh đã kịp trở thành một nghệ nhân trong lĩnh vực tái chế đồ thủy tinh. Tỷ như bóp bẹp một vỏ chai rượu và biến nó thành một chiếc đồng hồ được bán với giá chỉ trên trăm nghìn. Anh còn có một quán bar dùng những đồ mỹ nghệ tái chế của mình để trang trí. Quân không có ý định biến chúng thành nghệ thuật sắp đặt, vì vẫn khoái giá vẽ. Để sống, Quân còn làm nhiều nghề khác, kể cả thiết kế nhà. “Họa sĩ vẽ nhà bay hơn KTS, không bị mono-tone, công thức. Tất nhiên đối tượng khách hàng của mình chắt lọc hơn. Người nào thực sự thích thì mới giao cho mình làm. Mà đã giao cho mình làm coi như họ không biết gì nữa. Mình cứ thế mình làm thôi”, Quân nói.

Họa sĩ Trần Công Dũng đem đến triển lãm những tác phẩm tâm đắc mới nhất của anh. Anh tái hiện bằng sơn mài những ô cửa nhà cũ của Hà Nội với các loại hoa văn không cái nào giống cái nào. Có cả những phiên bản nhỏ của tác phẩm thực hiện bằng hình thức đốt gỗ phục vụ khách đại trà. Anh từng ôm mộng làm cả một cuốn sách tranh sơn mài lưu giữ những ô cửa cổ Hà Nội nhưng không kiếm được tài trợ. Về sau người khác làm mất nhưng chỉ là sách ảnh. Thời gian Quân mở gallery, Dũng nổi tiếng như ông trùm đồ lưu niệm, chuyên thiết kế các loại vòng đeo tay, móc chìa khóa, bưu thiếp… bán cho Tây ở phố cổ. Sau đó bị nhái nhiều nên anh thôi.

Dũng mua nhà và xưởng ở làng sơn mài Hạ Thái từ nhiều năm trước. Và hiện nay nó trở thành điểm du lịch. Một công ty du lịch chuyên đưa khách Pháp vào Việt Nam đã phát hiện ra nhà anh giữa làng nghề độc đáo của Hà Nội và biến nó thành điểm nhấn của tour. Tức là sau khi khách đi khắp làng để chứng kiến từng công đoạn của nghề sơn mài sẽ quay về nhà Dũng để tự tay làm một bức sơn mài đơn giản, có thành phẩm mang về luôn, sau chỉ chừng nửa tiếng. Việc của Dũng là trích xuất từ quy trình sơn mài ra một công đoạn nhỏ, đơn giản để bất cứ ai cũng làm được. Anh cho hay tháng đều đều cũng có khoảng chục đoàn khách đến làng, có hôm dồn dập 2-3 đoàn.

Tranh của Hoàng Hải Anh dễ nhìn nhất triển lãm vì tả thực các loại hoa với sắc độ tươi sáng. Anh còn một dòng tranh tự họa đầy ẩn ức khác chưa bày ở đây. Hải Anh cho hay anh hoàn toàn sống được bằng bán tranh. Tuy nhiên hồi sinh viên, anh cũng làm thêm bằng nghề lũa- là nghề do bố truyền lại. Nghe qua có vẻ đơn giản, chỉ cần moi các gốc cây chôn vùi dưới đất bị mối xông lên đánh rửa sạch sẽ là bán có tiền. Nhưng muốn có nguồn hàng, Hải Anh phải xông pha lên miền núi vào sâu trong rừng khai thác. Tất nhiên anh không phải động chân tay nhưng đôi khi lại không bảo được đồng sự. Tức là những người Mường giúp anh khai thác gỗ rất vô tư. Kể cả nhận tiền của anh rồi họ vẫn sẵn sàng bán lại cho chủ hàng khác khi có điều kiện. Bị chục lần như vậy, Hải Anh quyết định “nói chuyện” nhưng họ không nghe. Tự thấy mình gày gò không biết đánh nhau, anh bỏ đi học võ rồi quay lại giá vẽ.

Họa sĩ Trịnh Vũ Hiếu, người khởi xướng và tổ chức sự kiện Vietnam Photo Fair hai năm qua, mang đến triển lãm những bình gốm - áp dụng kỹ thuật thếp vàng của sơn mài. Anh vừa hoàn thiện không gian đặc biệt dành cho gốm bên bờ sông Đuống thể hiện sự đầu tư nghiêm túc cho việc tìm hiểu đến tận cùng khả năng biểu cảm của gốm.

Trong phần giới thiệu, nhà tổ chức cho biết: “Cũng với bút pháp hiện thực, mảng tranh phong cảnh của Hoàng Đức Dũng bàng bạc khói sương, mịt mờ nhân ảnh, khiến người xem bối rối. Nửa thực nửa hư, những êm đềm thơ mộng trong tranh Hoàng Đức Dũng có giúp cân bằng lại tâm trạng bất an của người phố thị hôm nay hay không? Rất khó nói. Nhưng chắc chắn phía sau những khung cảnh thiên nhiên dường như tĩnh lặng kia là những trăn trở triền miên về kiếp người”.

Triển lãm No 5 nhận được sự tài trợ của một quỹ văn hóa Hàn Quốc thông qua UNESCO. Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, cho hay: “Mong muốn của chúng tôi là mang lại cơ hội để các nghệ sĩ có thể thử nghiệm những thực hành mới, những sáng tạo cá nhân trên nền tảng các chất liệu đa dạng khác nhau, đặc biệt là chất liệu truyền thống. Cuối năm nay chúng tôi cũng dự kiến hỗ trợ một dự án nghệ thuật khác trong đó các nghệ sĩ thử nghiệm với các sáng tạo trên nền tảng kỹ thuật số”.

MỚI - NÓNG