Chuyên nghiệp festival văn học nước ngoài

Chuyên nghiệp festival văn học nước ngoài
TP - LTS: Cuối năm 2012, nhà văn Di Li được mời đi dự festival văn học do Hội Nhà văn châu Á – Thái Bình Dương (APWA) tổ chức thường niên ở Thái Lan. Đây là một tổ chức tham gia tự nguyện và không nhiều người ở Việt Nam biết đến, nhưng cách tổ chức hội thảo, trao giải của họ có nhiều điều đáng suy nghĩ, học hỏi.

> Truyện ngắn của Di Li được dịch ra tiếng Anh
> Di Li: người đẹp viết đẹp

Nhà văn Di Li (trái) trước khu ở của các đại văn hào
Nhà văn Di Li (trái) trước khu ở của các đại văn hào.

Theo phiên thì cuối năm 2012, festival văn học được tổ chức ở Thái Lan. Tôi được mời đến Bangkok dự hội nghị mang tên “Reaching the world” (Vươn ra thế giới). Các cuộc hội thảo phần lớn diễn ra tại Chulalongkorn, trường đại học có khuôn viên đẹp nhất Thái Lan.

Chủ tịch APWA là nữ nhà văn Jane Camens (người Australia). Trước khi sang Bangkok dự hội nghị, tôi chỉ biết liên hệ với Jane. Chị gửi thư mời, nói rằng rất lấy làm tiếc khi hồi năm ngoái tôi đã không thể tham dự hội nghị ở Perth, Australia, năm nay nhất định tôi nên có mặt.

Mới đầu vì cả nể, vì… tinh thần trách nhiệm của hội viên, tôi đành nhận lời bay sang Bangkok, bụng nghĩ hội nghị nào chẳng giống hội nghị nào, cũng ngần ấy thông tin, đọc tài liệu là xong.

Nhưng sau tham dự mới thấy rằng, sao chỉ có vài người trong ban tổ chức mà người ta làm việc hiệu quả và chuyên nghiệp chừng ấy.

Mỗi năm hội nghị lại di chuyển đến một quốc gia khác nhau mà hầu như không có sai sót. Jane gửi trước chương trình cho các hội viên, chi tiết từng ngày từng giờ, giúp tôi liên hệ khách sạn và xe đưa đón tại sân bay, gửi thêm cả bản đồ trường đại học Chulalongkorn để tiện tìm đường.

Tôi đi thẳng từ sân bay ra phòng họp. Với mọi thông tin chỉ dẫn cụ thể đến vậy thì cũng khó mà lạc đường. Các chủ đề hội thảo như “Giá trị của các giải thưởng văn học”, Giải thưởng văn học và vốn văn hoá”, “Văn học ra toàn cầu bằng con đường dịch thuật”… đều được thảo luận bằng tiếng Anh. Tất cả các hội viên có mặt, dù có mang quốc tịch nào, cũng đều sử dụng Anh ngữ tốt và đều có sách in bằng tiếng Anh.

Bán sách ở Hội nghị

Trước khi sang Bangkok, APWA cũng sắp xếp cho một đại lý sách tại Thái Lan hỗ trợ các hội viên bán sách tại hội nghị.

Các nhà văn muốn bán sách có thể chuyển phát nhanh tác phẩm đến Bangkok trước 15 ngày để đặt chỗ trong quầy. Thế nên vừa đến đã thấy ngay cửa vào có một bàn trưng bày và bán sách ký gửi của hội viên.

Giá bán đắt đến phát ốm, và chẳng thấy ai mua mấy. Sách phần lớn in giấy xấu, bìa cũng không đẹp, mỏng mảnh chưa đầy trăm trang, nhưng giá tới 20USD.

Tôi hỏi người bán rằng mình muốn ký gửi cuốn “The Black Diamond” thì có được hay không. Người phụ trách đồng ý nhưng nói rằng tôi bán 4USD một cuốn thì rẻ quá, ở đây chẳng ai bán sách rẻ thế, chị đề nghị tôi tăng giá thành 10USD.

Tôi tự nghĩ đắt, trong nước còn chẳng có cuốn nào đắt thế ngoài lịch vạn niên. Cuối cùng tôi thỏa thuận giá bán 8USD/cuốn cho khỏi… phá giá thị trường. Từ lúc ký gửi sách lại nảy sinh tâm lý chốc chốc… ra ngó xem đã bán được cuốn nào chưa. Cuối cùng tôi ký gửi… 3 cuốn thì bán hết.

Nhà văn nước ngoài trọng trải nghiệm

Không thể không nhắc đến Chulalongkorn, nơi chúng tôi được khoa Nghệ thuật tài trợ để tổ chức hội thảo. Đây là trường đại học cổ nhất và danh tiếng nhất ở Thái Lan, được quốc vương Rama VI thành lập năm 1917 với diện tích 456 héc ta và lưu lượng 39.000 sinh viên mỗi năm (ở thời điểm hiện tại).

Chula được bình chọn là một trong 10 điểm yên tĩnh và thư giãn nhất Bangkok, quả không sai với một không gian rộng lớn và xinh đẹp như công viên sinh thái.

Đêm thơ quốc tế
Đêm thơ quốc tế.

Ngay tối hôm đầu tiên, festival thơ quốc tế được tổ chức tại một gallery nghệ thuật lớn. Các chương trình lên kế hoạch từ trước đều chính xác đến từng phút và không thay đổi. Chỉ duy có đêm thơ này là thực khủng khiếp, dự tính 30 phút nhưng bị quá thành một tiếng rưỡi. Vì các nhà thơ đều thích đọc thơ, và đọc rất dài như trường ca, đọc nhiều bài một lúc. Chẳng khác gì nhà thơ Việt!

Lúc bấy giờ tôi mới gặp lại Jan Cornall – người giới thiệu tôi vào Hội. Bà vừa bay từ Sydney sang lúc chiều. Đã 62 tuổi nhưng Jan vẫn thon thả, trẻ trung và năng động. Bà chuyên tổ chức những chuyến đi thực tế cho các nhà văn.

Trong hội nghị, Jan phát cho hội viên các tờ rơi màu vàng in sẵn chương trình thực tế sắp tới ở Maroc, New Zealand, Miến Điện, Lào… Tôi biết từ trước khi sang Bangkok rằng rời hội nghị này, Jan sẽ bay luôn sang Lào để chủ trì tour thực tế sông Mekong. Các nhà văn nước ngoài rất coi trọng trải nghiệm.

Lần này tôi cũng được gặp giáo sư văn học Catherine Cole (Australia). Tôi biết, Catherine khi viết một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh Việt Nam phải đáp máy bay sang Hà Nội rồi sống 6 tháng trời trong một khách sạn trên đường Lý Thường Kiệt để lấy thực tế và tạo cảm hứng.

Trước đó có nhà văn trẻ Emily Maguire (Australia) cũng sang Hà Nội một tháng để làm một việc tương tự cho cuốn tiểu thuyết của cô.

Jan hỏi tôi có tham dự được tour thực tế ở Maroc 14 ngày vào tháng Giêng này hay không. Nếu tham gia, chúng tôi sẽ tập kết ở Casablanca rồi đi xe caravan xuyên qua các sa mạc tới Marrakech, ngủ trong lều và sống vài ngày với thổ dân. Tổng chi phí ước chừng 7.000USD.

Khách sạn các văn hào và sự trọng thị của công chúa

Một số chương trình nghị sự và cuộc họp riêng của hội viên Hội nhà văn Châu Á – Thái Bình Dương để bầu ban chấp hành mới cũng như bàn về kế hoạch tổ chức hội nghị những năm sau diễn ra ở Mandarin Oriental, một khách sạn năm sao ở trung tâm Bangkok.

Là khách sạn đầu tiên ở Thái Lan, được xây dựng năm 1879 (tiền thân là The Oriental), Mandarin trở thành nơi lưu trú quen thuộc của các đại văn hào trên thế giới khi họ ghé qua Bangkok. Có người ở lại đến vài tháng để viết văn.

Năm 2009, tôi tình cờ gặp nữ nhà văn người Australia, Jan Cornall, tại Hà Nội. Bà là người hoạt động tích cực trong việc thúc đẩy giao lưu văn học tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Jan giới thiệu tôi trở thành hội viên Hội Nhà văn Châu Á – Thái Bình Dương (APWA). Hội chỉ có hơn 200 thành viên,mỗi năm một lần tổ chức hội nghị ở một nước khác nhau, từ Ấn Độ, Australia, Hồng Kông, đến Philippin và Thái Lan. Mỗi lần có chừng hơn 100 thành viên là nhà văn, nhà thơ, dịch giả từ hơn 20 nước đến tham dự.

Trong số đó có Lev Tolstoi, Maxim Gorky, Somerset Maugham, Arthur Conan Doyle, Georges Simenon… Vì thế Mandarin có hẳn một khu riêng gọi là Authors’ Suite (Khu ở của các tác gia), đồng thời là công trình duy nhất trong quần thể khách sạn còn giữ lại kiến trúc nguyên bản của The Oriental hồi thế kỷ 19.

Khu này còn có một phòng triển lãm lưu giữ các di vật, chữ ký và hình ảnh của các khách lưu trú đặc biệt là những đại văn hào.

Danh sách các nhà văn tại phòng triển lãm của Mandarin dài dễ đến vài chục. Giờ những phòng suite room cũng được đặt tên các nhà văn như James Michener, Nol Coward, Joseph Conrad, Somerset Maugham... Sau hơn một thế kỷ, Authors’suite vẫn duy trì một quán cà phê nằm dưới giếng trời, thiết kế thuộc địa xưa cũ với những bức tường màu trắng.

Một nhạc công ghi ta đang dạo những bản tình ca trên bao lơn đầy hoa. Không gian đẹp và lãng mạn đến ngẩn ngơ đến nỗi tôi nghĩ ở đây sẽ rất khó viết văn.

Buổi tối cuối cùng, chúng tôi dự tiệc tối do công chúa chủ trì tại khách sạn Mandarin, nhân lễ trao giải văn học Đông Nam Á (S.E.A. Write Award).

Đây là giải thưởng thường niên được trao cho các tác giả có tác phẩm điển hình về thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch... S.E.A. Write Award được thành lập năm 1979 bởi khách sạn Mandarin Oriental, một đơn vị doanh nghiệp rất quan tâm đến văn học, nhưng cũng phải đến năm 1995 mới có đầy đủ 10 nước Đông Nam Á tham gia, trong đó có Việt Nam.

Giải thưởng này nước nào tự chấm của nước ấy rồi cử người đến Bangkok nhận giải. Các lễ trao giải được tổ chức dưới sự chủ trì của một thành viên hoàng gia Thái Lan.

Lần này, giải thưởng được công chúa Sirivannavari Nariratana, con gái duy nhất của thái tử Maha Vajiralongkorn (người sẽ thừa kế ngai vàng) đại diện cho cha trao. Công chúa từng được tạp chí Forbes xếp thứ 16 trong danh sách 20 thành viên hoàng gia trẻ tuổi hot nhất thế giới.

Chúng tôi đến dự tiệc muộn, vì vô số lý do riêng của phụ nữ. Thêm vào đó chẳng có taxi nào chịu nhận chở vì Bangkok giờ tan tầm tắc đường khủng khiếp. Cuối cùng đành đi tuk tuk dự tiệc ở khách sạn năm sao. Một loại phương tiện xập xệ, ầm ĩ và lạng lách theo lối tài xế tử thần.

Công chúa ngồi sau chiếc bàn dài, trao tặng thưởng cho từng tác giả. Các trợ lý nữ, ngày xưa gọi là các tỳ nữ, mỗi lần tiến đến gần công chúa, thường phải đi nhịp nhịp vài bước rồi dừng lại, hành tung kỳ lạ kiểu chỉ còn tồn tại trong phim cổ trang.

Tôi để ý lúc các nhà văn quốc tế lần lượt tiến đến trước mặt công chúa để nhận giải thưởng, nàng cúi nhẹ đầu chào, còn khi đại diện các nhà tài trợ gồm tập toàn Italthai, hãng Hàng không Thái Lan, ngân hàng Bangkok và khách sạn Mandarin bước lại chỗ nàng ngồi để nhận thẻ danh dự, nàng chỉ vươn dài tay trao thẻ chứ không cúi chào. Đó là sự phân biệt duy nhất giữa các doanh nhân và văn giới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.