Chuyện người dạy Thu Phương hát Xẩm

Quang Long (bìa phải) và nhóm Xẩm Hà Thành biểu diễn cho các học giả Việt và Đức tại tư gia GS Thái Kim Lan, Munich tháng 2/2015 Ảnh: NVCC
Quang Long (bìa phải) và nhóm Xẩm Hà Thành biểu diễn cho các học giả Việt và Đức tại tư gia GS Thái Kim Lan, Munich tháng 2/2015 Ảnh: NVCC
TP - Sau khi người đại diện cuối cùng - nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời - xẩm có nguy cơ tàn lụi. Tuy nhiên một thế hệ trẻ đã bất ngờ xuất hiện. 

Xuất phát từ những người được đào tạo tại Nhạc viện, họ phục dựng và phát triển xẩm qua cả con đường truyền dạy và nghiên cứu làm nên nhóm Xẩm Hà Thành. Nguyễn Quang Long là một trong số đó. Sau 15 năm lăn lộn với xẩm, anh vừa cho ra mắt một album và MV kết hợp văn hóa quan họ với xẩm.

Gãi đúng chuyện môi trường

Từng học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, khi hát xẩm, anh phải thay đổi thế nào để phù hợp với màu sắc dân gian?

Kỹ thuật thanh nhạc bổ trợ tương đối tốt cho nghệ thuật hát dân gian nếu mình biết vận dụng. Hai nguyên tắc khác nhau nhưng về cơ bản vận dụng hơi thở và xử lý sắc thái tình cảm là một. Từ bé tôi đã là một cây văn nghệ của tỉnh Hà Bắc xưa. Tôi cũng được nghe quan họ từ bé. Bạn bè của bố tôi (ca sĩ không chuyên Mạnh Tưởng- PV) là những nghệ sĩ danh tiếng về quan họ như Thanh Hiếu, Hai Tráng, Tự Lẫm, Xuân Trường… vẫn đến nhà chơi. Tôi hay nghe các cô chú ở các buổi biểu diễn rồi học trực tiếp nghệ sĩ Thanh Hiếu, nghệ sĩ Khánh Hạ. Thế nên ngấm được chất dân gian.

Anh có dịp học trực tiếp nghệ nhân Hà Thị Cầu?

Có chứ, suốt từ năm 2005 tôi về nhiều lần lắm, về để chơi với bà, đánh nhịp đánh phách cho bà hát. Rồi hát vui vui để bà nghe và nhận xét để mình rút kinh nghiệm. Còn về đặc trưng cơ bản, tôi cũng không xác định phải theo phom của bà Cầu. Vì bà là giọng nữ và bà rất dí dỏm, đậm đặc chất thôn quê. Tôi muốn phát huy chất trữ tình sở trường trong giọng hát của mình. Rất may có những băng thu âm của nghệ nhân hát xẩm Hải Phòng, của cụ Nguyễn Văn Nguyên là trùm xẩm Hà Nội ở khu vực Khâm Thiên rất phù hợp với màu giọng của tôi, nên tôi tự tin có thể khai thác và phát huy phong cách đó.

Giờ đây anh có thể dạy xẩm cho người chưa biết gì về nghệ thuật này?

Có chứ, ví dụ ca sĩ Thu Phương trước khi làm liveshow 30 năm ca hát gần một năm đã nhắn tôi qua Facebook bày tỏ mong muốn được tham gia đồng hành cùng xẩm. Thu Phương không biết hát xẩm như thế nào, tôi bảo cứ yên tâm. Dòng xẩm tàu điện rất gần gũi, chị hoàn toàn có thể hát được. Này nhé: “Sáng giăng chia nửa vườn chè/Một gian nhà nhỏ đi về có nhau”. Rồi “Hôm qua tôi đến nhà em/Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn”. Nó chính là xẩm tàu điện nhưng cụ Phạm Duy đã ngắt hết những luyến láy những hư từ i a đi thì thành bài Cây đàn bỏ quên mà mình cứ tưởng là… nhạc Pháp.

Sau đấy Thu Phương rất tự tin, và tôi đã nghiên cứu sáng tác riêng cho chị bài Phố thu theo điệu xẩm tàu điện, mà vẫn khai thác được yếu tố nhạc nhẹ của giọng hát Thu Phương. Một người mới hoàn toàn có thể hát được xẩm nhưng phải quyết tâm. Xẩm khác ca mới ở những điểm nhấn, vuốt rất đặc trưng.

Hiện giờ anh sống được bằng xẩm?

Tôi từng làm truyền hình, dạy chuyên đề báo chí với âm nhạc ở ĐH Văn hóa, nhưng đúng là đi diễn xẩm là thu nhập chính, chiếm khoảng 1/3 tổng thu nhập. Nhưng nếu không theo hát xẩm, có thời gian làm cái khác là có thể mua được ô tô đấy. (cười)

Chuyện người dạy Thu Phương hát Xẩm ảnh 1 Quang Long (giữa)
Trở thành nghệ sĩ xẩm không phải chủ định của anh?

Đúng, hoàn toàn bất ngờ, không chủ động. Khoảng 2008, tôi tham gia chiếu xẩm đầu tiên tại chợ Đồng Xuân, trong vai trò dàn dựng, truyền thông. Nếu chỉ có mình bà Cầu, thêm các nghệ sĩ Xuân Hoạch, Thanh Ngoan, Mai Tuyết Hoa, Văn Ty… vẫn chưa đủ. Chưa kể chị Ngoan quá mạnh về chèo, anh Ty mạnh về hát văn. Lực lượng mỏng thì mình nhảy vào.

Một số em trẻ hiện nay cũng rất yêu mến, đam mê, say xẩm. Thậm chí các em có quan điểm hơi cực đoan nhưng rất đáng yêu: hát nhại giống y bà Cầu và cho rằng đấy mới là xẩm. Tôi lại càng thấy mình phải làm một cái gì đấy để mọi người có cái nhìn đúng hơn, rộng hơn, gần hơn bản chất của xẩm, không chỉ có một phong cách, không chỉ có những bài như thế.

Nhiều lần xuất ngoại cùng xẩm, anh có kỷ niệm gì đáng nhớ?

Hai lần tôi được mời đi Mỹ nhưng đều hụt vì lý do cá nhân. Tôi từng giới thiệu về xẩm tại Pháp, Đức, Áo. Trước khán giả nước ngoài, nếu nghệ sĩ không có năng lực thật thì không diễn được. Âm thanh không phải để “mông má” cho giọng hát mà chỉ là khuếch đại để 200-300 người nghe được. Nên là hát rất mệt vì phải hát thật. Bù lại, họ lắng nghe yên lặng một cách tuyệt đối và thưởng cho những tràng pháo tay nồng hậu cảm giác từ trong trái tim.

Khán giả Việt ở Pháp sau khi nghe Quang Long và Mai Tuyết Hoa hát Tiễu trừ cướp biển, các bà lớn tuổi khóc; các em sinh viên ở hội chợ Tết từ không biết “xẩm” là gì cứ đi theo chúng tôi hát đế “ấy ấy là tai ách, ấy là tai ách”, rồi hỏi hết cái nọ đến cái kia, vui ơi là vui. Đấy là một nguồn động viên để tôi tiếp tục sáng tác. Đến nay nhóm xẩm Hà Thành tiếp tục trình làng khoảng 30 bài xẩm lời mới trong đó 1/3 do tôi tự viết, còn lại dùng lời của các nhà thơ.

Vừa qua nhóm Xẩm Hà Thành tham gia cùng tỉnh Ninh Bình tổ chức liên hoan hát xẩm toàn quốc lần đầu tiên và tới đây là hội thảo quốc tế về xẩm. Anh nghĩ sao về khả năng làm hồ sơ xẩm trình UNESCO công nhận di sản?

Ninh Bình cũng rất mong muốn làm hồ sơ. Hội thảo vào tháng 5 tới cũng là một trong những bước tiền đề. Nhưng để thiết lập được hồ sơ còn rất gian nan. Hiện tại tôi nghĩ xẩm chưa đạt được những tiêu chí hồ sơ di sản thế giới vì chúng ta không có nơi thờ tự, không có làng nghề truyền thống, các nghệ nhân cũng gần như thất truyền…

Bởi thế mới xuất hiện những Mai Tuyết Hoa, Quang Long, Văn Ty, Thanh Ngoan… chuyển qua hát xẩm. Xẩm “thân phận” như thế thì trách nhiệm mình phải như vậy. Bởi xẩm càng nghe càng thấy hay, vừa đời vừa dí dỏm. Các cụ ngày xưa ứng tác trực tiếp, cứ nhìn thái độ hoặc trò chuyện với khán giả là ra bài xẩm, thậm chí ra được làn điệu mới. Mình giờ không làm được điều đấy.

Chuyện người dạy Thu Phương hát Xẩm ảnh 2

Quang Long và nhóm Xẩm Hà Thành tích cực phát huy và quảng bá hát xẩm những năm gần đây Ảnh: N.M.Hà

Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long: Hát xẩm chẳng có một lực lượng, một đời sống rộng khắp như các nghệ thuật truyền thống khác. Cách đây khoảng 20 năm, chỉ nổi lên đúng nghệ nhân Hà Thị Cầu. Chúng tôi muốn góp sức vào việc phục hồi và đặc biệt đưa dòng xẩm Hà Nội sống lại. Nhưng nếu chỉ phục dựng các bài bản cũ, xẩm vẫn chưa có đời sống thực sự của ngày hôm nay. Do đó tôi bàn với Mai Tuyết Hoa và sau đó tự sáng tác lời mới cho xẩm. Năm 2015, nhóm Xẩm Hà Thành có tác phẩm mới đầu tiên là Tiễu trừ cướp biển, rồi Đường lưỡi bò, Tứ vị Hà thành...

MỚI - NÓNG