Chuyện nhỏ giữa các tiến sỹ

Minh họa: Minh Thu
Minh họa: Minh Thu
TP - Nếu nhìn đừng quá khắt khe thì ông Hửng cũng đẹp giai. Bà vợ luôn miệng nói không cần cái mẽ ngoài, chỉ quan tâm thu nhập bao nhiêu. 

Vậy mà đôi khi so sánh này nọ khiến ông vừa tự hào về kiến thức mình vừa bực dọc về sự khó tính của vợ. Nhưng chuyện đó khoan hãy nói. Lúc này ông đang sốt ruột phải giải quyết dứt điểm với một tiến sĩ là thủ phạm đạo nhiều chương trong luận án tiến sĩ của ông. Nhưng… ông tự biết mình cũng có chút lằng nhằng ân oán với công trình của gã. Gã đó hẹn sẽ đến quán cà phê sát nách cơ quan ông thỏa thuận. Cả hai trước đó cãi vã nhau hơi bị nhiều. Chứng trào ngược dịch vị dạ dày làm ông ớn lạnh. Nhưng chuyện giải quyết đúng sai quan trọng hơn nên ông phải kìm nén mệt mỏi đau đớn.

Ông Hửng rổn rảng lưỡng lự mãi không dám vượt lên hai chiếc xe máy trước mặt. Họ dừng trước đèn đỏ, nhưng lại “đuối” hơn vạch vôi cỡ chừng hai mét sáu nhăm. Là ông áng chừng thế, nhưng trong đầu nghĩ lúc nào cũng phải rạch ròi khoa học. Công việc nghiên cứu bắt ông lúc nào cũng phải chuẩn trăm phần trăm (trừ việc đôi ba lần đạo ý tưởng và bê nguyên vài chương của người khác).

Hơi rướn xe máy lên, lập tức có xe máy nữa chặn làm ông không thể tiến tới vạch dừng. Liếc trộm sang hai người đàn ông, thấy đầu họ chẳng nhiều tóc cho lắm, nhưng lấm tấm trắng khiến tiến sĩ hơi rùng mình. Rất có thể hai ông này cũng là tiến sĩ, và may mắn hơn có thể đã được thăng giáo sư. Nghĩ vậy nên tim ông đập hơi bị loạn nhịp. Khói xe làm mũi ông tức thở. Từ trước đến nay, mỗi khi ra đường ông chỉ sợ va phải giáo sư hay tiến sĩ. Cánh cùng cơ quan lúc nào cũng lấy bằng cấp học vị học hàm ra đong đếm cân đo độ thông minh giỏi giang. Mệt lắm. Thành thử, với chức quyền trưởng phòng của ông ở viện, trách nhiệm nhiều nhưng khi cấp trên cao hơn về ban phát lời tung hô thì vinh dự không đến lượt. Nếu có sai sót thì cái mặt lại bị trưng ra. Thành thử ông luôn muốn trốn khỏi cảnh so bì não nề đó. Thú thực ông không phải là người tài năng nhưng ăm ắp ước mơ. Ngay như một số môn thời đại học ông thừa nhận mình rất yếu và phải nhễ nhại “đi thầy” mới qua. Hôm bảo vệ luận án, à không, từ trước đó, ông đã luôn nghĩ mình là một hạt thóc bé nhỏ còn hội đồng chính là những con gà.

Ngoài xã hội, kể cả trong hội đồng, người ta luôn thích được cung phụng, nhận lộc từ người khác nhưng vẫn tự cho là mình hào hiệp ban phát. Tiến sĩ oai thật. Về gặp họ hàng anh rể chị họ một điều tiến sĩ hai điều tiến sĩ. Không ai biết thằng em bao năm thuê nhà nhộn nhạo liên tục chuyển chỗ vì giá leo thang. Giá cả đã xua đuổi rất nhiều cô cậu thuê trọ đi tìm những căn phòng dễ thở hơn, đồng nghĩa với xa xôi và xập xệ chật chội.

Mải nghĩ ông Hửng quên mất tuần sau vào thứ ba, đúng ba giờ mười lăm phút chiều phải cùng cấp trên thảo luận cái hợp đồng nghiên cứu văn hóa vùng miền. Ông Hửng bấm bụng lát nữa giải quyết xong với gã tố cáo mình ăn cắp sẽ về cơ quan ghi ngay vào lịch công tác. Thực ra ông cũng là người kỹ càng nên đã phát hiện cuốn sách “Thập diện mai phục thời hiện đại” của gã tiến sĩ Hoàng Lường đó đã “cầm nhầm” ba chương của mình. Vậy là có cái để phản pháo.

Một chiếc xe máy khác lạng lách va vào ông. Định gắt lên, đi kiểu gì thế hở, thì ông Hửng chợt sững lại. Không phải người quen nhưng ông vừa va vào mình hình như trán hơi bị hói và mắt hơi bị trũng có thâm quầng. Chắc là giáo sư, nếu không thì cũng tiến sĩ. Ông nghĩ thế và sợ mình lỗ mãng với người có học. Kìa ông ấy còn vít ga nữa, lạng lách vượt lên trên. Đúng bản lĩnh của một người có thái độ cầu tiến luôn muốn đi trước thời đại.

Tiến được chừng một quãng thì lại vướng đèn đỏ, cũng là chỗ các bậc phụ huynh thường phấp phỏng đưa con đi học và nhớn nhác đón con về. Một cổng trường như kiến vỡ tổ đầu buổi sáng thừa mứa khuôn mặt mệt mỏi. Lại phải dừng. Bây giờ thì xe của tiến sĩ húc vào đít xe của ông trán hơi bị hói và mắt hơi bị trũng. Tắc đường là thứ bệnh kinh niên của cái thành phố thừa thãi ô nhiễm này. Cũng thừa thãi người như ông, tiến sĩ mạnh dạn nghĩ. Có những người gom cả đống bằng mà cuối cùng lương tháng không thể đua nổi với giá bỉm và sữa của hai đứa con. Đột nhiên ông lại đâm lo. Nếu chẳng may ai đó ném hòn đá ra đường lúc này, chẳng trúng đầu giáo sư thì cũng tiến sĩ. Sẽ có đổ máu. Như vậy thì tổn thất nhân tài quá. Ông trán hói quay lại nhìn, chắc thấy mình không thể hói bằng ông Hửng nên ngại ngùng chẹp miệng quay đi. Trong khoảng chừng vài giây đồng hồ, dòng người có vẻ giãn ra. Bất thần bên mé trái một thanh niên mất phanh tông phải tiến sĩ. Cả xe và người bổ nhào, va sang cả một ông khác. Bánh trước xe gã thanh niên tông vào đùi và đùi đập mạnh vào thân xe. Tiến sĩ đau nhói, trầy tay và cạnh sườn thì đau nhói. Tiến sĩ thấy một ông đỡ mình dậy. Xung quanh có rất nhiều người chưa đến nỗi già. Tiến sĩ ngơ ngác nhìn. Mọi người cũng nhìn với thái độ bảo rằng ngã xe là chuyện thường như ở phường.

-Em xin cảm ơn giáo sư!

Tiến sĩ nhói đau nhưng vẫn thốt được câu ấy. Ông chỉ sợ thất thố làm mếch lòng vị khách đi ngang đường giúp mình nên đã nói vậy. Không biết người này có thật học hàm học vị cao đến cỡ đấy không, nhưng tôn trọng thì phải vậy. Và bởi vì ông thấy vị khách nhầu nhĩ hơn mình, ít nhất ở khuôn mặt nhiều nếp nhăn hơn và tóc trên đầu chắc chắn thưa thớt hơn. Vị cứu giúp hỏi lại:

- Sao anh lại bảo tôi là giáo sư? Tôi chỉ là người đi đường, làm sao anh biết. Thôi anh vào lề đường ngồi nghỉ tạm. Lát sau đỡ rồi đi. Xem tay chân có làm sao không.

- Em đoán bác hơn tuổi em nên xưng hô như vậy – ông Hửng nói.

- Hơn tuổi không có nghĩa cứ phải là giáo sư - người khách đi đường nói. Còn ông Hửng cũng không dám lộ ra mình là người có học.

Người khách đi đường khuất vào đám đông, trên vỉa hè vài người khác lại tiến tới hỏi. Ông cũng nghĩ họ phải có học hàm học vị cao lắm nên mới quan tâm đến người gặp nạn như thế.

***

Dời nhà lúc bẩy giờ sáng mà tám giờ hơn mới tới quán cà phê như đã hẹn. Ông Hửng phạc phờ ngồi vào một góc khuất, vừa tối vừa hôi. Hình như giới nghiên cứu thường ưa một cái gì đó kỳ dị. Đối phương vẫn chưa đến. Ông mệt mỏi dựa người vào ghế và nhăn nhó gọi cà phê phin. Nhiều sữa nhé. Cánh tay chảy máu hình như đã cầm. Nhâm nhi được một hồi thì gã kia đến, cũng bụi bặm và mệt phờ vì vừa trải qua những cung đường ngộp thở bụi khói. Gã có vẻ ít tuổi hơn. Bắt tay gã xưng em.

-Trên đường em cứ hình dung anh cao tuổi lắm, nào ngờ trẻ quá ạ! - Gã cất lời trước rồi sau nụ cười tủm tỉm ý nhị của ông Hửng, gã bộc bạch thêm - em đi đường chỉ sợ người khác lao vào mình. Có lúc em nghĩ mình chỉ là một hạt thóc, mà người đi đường là những con gà háu đói.

Ông Hửng bấm bụng lo lắng. Sao gã lại có ý nghĩ giống mình thế. Phải chăng đó là đặc điểm chung của cánh trí thức?

- Thôi, ta vào việc chính đi. - Không bình luận thêm, ông Hửng cất lời.

- Em không thể ngờ… gã kia cất lời - Nếu bác nói với em một câu thì bác lấy đề tài của em thoải mái.

Ông Hửng lôi ra trong ca táp tập tài liệu mà ông đã dày công chuẩn bị để đối phó.

-Cậu hơi chủ quan đấy - ông nói - đây, cậu thuổng của tôi ba chương và mười mấy đoạn, tôi đã đánh dấu kỹ. Cuốn “Thập diện mai phục thời hiện đại” của cậu không biết còn lấy của những ai nữa.

Đối phương há hốc miệng.

Ông Hửng đưa ra tập sách của gã tân tiến sĩ, có gạch chân mực đỏ những đoạn lấy từ đề tài của mình. Ba chương lấy gần như trọn vẹn thì ông đánh dấu. Cuốn của tôi xuất bản cách đây bốn năm, đã đăng ký bản quyền. Sách cậu thì mới in đây thôi.

Gã kia bị choáng thật sự, máu dồn lên mặt nhiều. Gã tưởng ít nhất cũng nhận được một lời xin lỗi từ phía ông Hửng rồi sau đó có thể nhờ vả thêm. Vậy mà ông ta đã có chuẩn bị. Thật ra thì gã không nhớ mình đã bị ảnh hưởng từ bao nhiêu cuốn sách, chỉ biết đã phải chi gần ba mươi cuộc nhậu và hơn một trăm triệu đồng để có thể bồi đắp cho gần một trăm sáu mươi trang luận án khổ “a bốn”. Nhưng gã cũng đón lấy chứng cứ và mau chóng so với cuốn sách của ông Hửng. Gã bảo: “Nhưng cuốn mới của anh lấy tới năm chương của em”.

Ông Hửng cãi:

- Chỉ một vài ý thôi, còn là của tôi cả. Cậu đâu thể có cái nhìn xa như thế!

Gã kia tấn công:

- Anh là người lớn phải làm ăn đàng hoàng và làm gương sáng cho thế hệ sau. Nếu không có ý tưởng của em thì làm sao anh phát triển được.

Cự cãi mãi, cuối cùng cả hai đỏ mặt vì chủ quán tới nhắc nhở. Người xung quanh dò xét nhìn. Ông Hửng thấy không nhất thiết phải làm to chuyện, nên đấu dịu:

-Vậy cậu muốn gì?

Sau phút bình tâm gã tân tiến sĩ thấy giải quyết hòa là ổn. Cả hai đều có lỗi. Dĩ hòa vi quý rồi biết đâu sau này còn giúp được nhau. Cả hai thống nhất hòa. Bắt tay cười. Chữ Hòa rẻ mạt. Không tranh cãi nữa thì họ hỏi nhau về học thuật. Tân tiến sĩ hẹn mời ông Hửng chầu bia. Họ chia tay nhau rổn rảng như bạn thâm niên. Choảng nhau rồi mới nhận anh em. Thói đời mà. Ông Hửng tấp tểnh về cơ quan lòng có hơi nhẹ bớt. Ông giải quyết công việc một chút rồi vào toa-lét rửa mặt và vết thương. Cũng là thời điểm nghỉ trưa. Hai em nhân viên nữ ỏn ẻn gõ cửa vào mời ăn cơm trưa. Ông Hửng thấy đau ổ bụng. Hai em định nhờ gì à? Ông đoán ngay ra mục đích của lời mời. Đi với bọn em đi anh.

Ông hơi chạnh lòng. Cả hai đều mặt hoa da phấn ngực đẩy cao. Chúng em có nguyện vọng học lên cao học tiến tới thạc sĩ và cao hơn nữa. Mong anh dìu dắt chỉ bảo. Câu đó ông được hai cô nhắc mãi rồi. Nhưng phụ nữ đẹp mà cầu cạnh dễ được đàn ông chiều. Ừ thì đi. Ông chậc lưỡi đồng ý. Hai cái bình hoa di động.

Hai cô đồng nghiệp thật sự có nhan sắc nhưng kiến thức thì ngược lại. Nói chung tìm thầy tìm tài liệu và nhờ vả giúp các cô vô cùng vất vả. Hai cô rất quyết tâm theo đúng phong trào của viện là rất đáng khích lệ. Sau này mấy ông giáo sư bắn tin hai cô gái rất có năng khiếu chép trộm. Điều đó làm ông Hửng hồi tưởng thời hoành tráng của mình và nhận thấy căn bệnh ấy các thế hệ sau đều mắc. Ông xấu hổ vì một ông tóc bạc nhất phát ngôn: “Viện của anh có truyền thống ấy”. Ông Hửng nặng nề ấm ức, quay về bảo hai đồng nghiệp cẩn thận, đừng lộ quá. Phải biết biến kiến thức của người khác thành của mình chứ! Hai cô đồng nghiệp ưỡn ẹo tủm tỉm cười. Anh dạy phải ạ. Chúng em xin nghe.

Thực tình tiến sĩ Hửng biết đó là sự chế giễu. Hai cô gái nắm được thóp ông anh từng làm xôn xao giới học thuật về những đề tài ăn cắp. Chúng em chỉ là những con muỗi. Được rồi các cô muốn làm gì thì làm. Ông bực dọc quát.

Đến thời đến đoạn thì hai cô cũng lấy được cái bằng. Hai năm cho các cô quá nhiều mối quan hệ và chỉ cần dùng thật ít đến trí não. Ngày càng nhiều người đẹp có học hàm học vị làm sang. Hai đồng nghiệp qua mặt tiến sĩ Hửng. Một ngày kia ông phát hiện hai cô còn gặp cả tiến sĩ Hoàng Lường. Một cô chuyên mặc váy tím còn cặp bồ với hắn một thời gian. Trước mặt mọi người hai cô cứ một điều anh Lường, hai điều anh Lường hào phóng đẹp giai tài năng. Nhiều lúc ông Hửng cảm thấy dạ dày nhói lên. Cô áo tím ý nhị hơn vì cô khá giỏi chùi mép.

Sau một thời gian khá dài, tiến sĩ Hửng không còn thời gian quan tâm đến hai cô đồng nghiệp. Rồi bất ngờ có tin thanh tra vào cuộc, phát hiện nhiều đối tượng gian lận học thuật, trong đó có hai cô nói trên không đủ tiêu chuẩn bảo vệ luận án. Một chuyện chưa từng xảy ra ở các hội đồng. Hai cô còn copy rất nhiều trang từ sách của người đi trước. Tiến sĩ Hoàng Lường bỏ của chạy lấy người sau khi làm cô váy tím suýt nữa mang bầu. Nhưng hắn còn gửi tiến sĩ Hửng một bức thư, có đoạn: “Em mà kéo bác vào vụ này thì bác cũng… đi đời!”.

Tiến sĩ Hửng rủa thầm. Đúng là mõm chó vó ngựa. Một phản ứng rất bản năng của những người có học. Mặt tiến sĩ đỏ lựng. Rồi ông chợt cười lớn: “May mà ta không dính sâu với hai con bé”. Ông nhận ra mình rất có chừng mực và hành xử biết trước biết sau.

Chuyện nhỏ giữa các tiến sỹ ảnh 1

Hoạt kê. Phóng đại. Và giễu nhại. Nguyễn Văn Học kể một câu chuyện về đời sống của các vị mũ cao áo dài học hàm học vị, đầy những gian lận và thoả thuận kỳ quặc. Những câu chuyện mà dân gian vẫn ồn lên nhưng hình như chưa thấy “bắt tận tay, day tận trán” bao giờ. Quả cũng là một “tấn trò đời” phiên bản Việt.

Nguyễn Văn Học viết nhiều và nhanh. Anh chịu khó chạy theo những biến động thời cuộc mang tính báo chí, chắt lọc thành tiểu thuyết và các tập truyện ngắn (nghe bảo chồng lên cũng cao bằng người tác giả - như kiểu nói đại ngôn của một số nhà văn già. Tuy Nguyễn Văn Học thì còn trẻ)…            L.A.H

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.