Chuyện sách ảnh Đại tướng bằng sáu thứ tiếng

Đại tướng với lớp học tình thương của NSND Tường Vi tại khuôn viên 30 Hoàng Diệu. Ảnh: Trần Hồng
Đại tướng với lớp học tình thương của NSND Tường Vi tại khuôn viên 30 Hoàng Diệu. Ảnh: Trần Hồng
TP - Không phải cuốn sách ảnh đầu tiên nhưng là cuốn trọn vẹn đầu tiên của “người chụp ảnh Đại tướng”- đại tá nhà báo Trần Hồng. Ông chia sẻ về cuốn sách in bằng sáu ngôn ngữ, sắp phát hành trên thế giới.

Có rất nhiều sách viết, sách ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất bản gần đây, cuốn của ông có gì đặc biệt?

Tôi từng in chung trong Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp năm 2010, tháng 6 vừa rồi mới tái bản, bổ sung một số ảnh về tang lễ. Từ lâu, tôi ước ao có một cuốn sách riêng chứ ảnh in chung thì nhiều lắm.

Sách phát hành toàn thế giới, trong đó tiếng Tây Ban Nha, phát hành sang châu Mỹ La-tinh là rất thích. Tôi cứ nghĩ sách ra đúng kỷ niệm 60 năm Điện Biên Phủ nên bức bối gọi sang NXB, có nặng lời. Mới đây họ thông báo hoàn tất, chỉ chờ bà Lady Borton xem lại phần tiếng Anh. Một số người làm xuất bản chắc nói cho đẹp lòng tôi, rằng chưa cuốn nào làm chu đáo như thế, bằng nhiều ngôn ngữ, và đây là sách ảnh về Võ Nguyên Giáp đầy đặn nhất.

Được biết có những chú thích dài cả trang. Ông không để ảnh tự nó nói tất cả?

Ảnh Đại tướng đánh đàn, đồng nghiệp thường chú thích đơn giản là “thư giãn”, “sự yêu thích của Đại tướng”. Tôi không thế. Trước hoặc sau khi đánh đàn, đặc biệt là nguyên cớ đánh đàn thì mình phải tìm hiểu tận gốc. Chú thích của tôi thường mang tính báo chí.

Đúng là ảnh phải tự nó nói lên. Không có chú thích là chuẩn nhất, có chú thích ngắn là rất tốt, nhưng cái đó rất khó, trừ những ảnh độc lắm mà cả đời cầm máy may ra có vài tấm. Trong sách ảnh, người ta rất cần những thông tin góc khuất. Vì là người làm báo, nên tôi có thói quen lấy tư liệu rất kỹ, muốn giãi bày thông tin mình có, và cả sự kém cỏi của mình. Đó là thế mạnh của ảnh báo chí.

Quan tâm số một của tôi là ảnh để nhiều người thích thú. Đẹp là cái không thể thiếu, và thông tin trong ảnh là quyết định. Ví như có những bức ảnh về bố cục, ánh sáng chưa đạt nhưng lại chứa đựng thông tin tuyệt vời, đó là bức thầy tôi - Nguyễn Đình Ưu chụp người lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên.

Hai mươi năm chụp ảnh Đại tướng, sao phải chờ tới thời điểm này ông mới có một cuốn sách của riêng mình?

Năm ông 90 tuổi, tôi làm cuốn Đại tướng, những lần tôi được gặp, xong xuôi hết cả. Theo thói quen mang vào xin ý kiến. Ông nói “Em đừng in”. Tôi nằn nì mãi, đến lúc ông khùng lên “Ra cuốn sách này, em cũng khổ mà anh cũng khổ”. Sau này ông Nguyễn Huyên thư ký của Đại tướng nói “Em dốt lắm, lần sau cứ làm đi rồi bảo đã báo cáo văn phòng, sách ra coi như sự đã rồi”. Nhưng tôi không dám, vì tôn trọng anh Văn, tôn trọng bản thân.

Ngoài những bức quen thuộc, cuốn sách có những tấm ảnh lần đầu công bố không?

Có một số ảnh độc, chưa từng công bố khi ông còn sống. Bản thảo tôi gửi từ trước khi Đại tướng mất, nên sau có bổ sung thêm hai chiếc. Đó là ảnh máy bay đưa Đại tướng về Quảng Bình, phía sau là ga sân bay Đồng Hới, đằng trước là nghi thức đưa linh cữu ông lên xe. Một cái khác là ông nằm trong viện. Dư luận cho rằng khi ông vào viện sống thực vật, nhưng bức ảnh này có thể khẳng định ông hoàn toàn tỉnh táo.

Trong suốt 1.559 ngày nằm viện, ngày nào ông cũng yêu cầu thư ký Nguyễn Huyên đọc báo. Khoảng tháng 10/2012, tôi còn chụp được khoảnh khắc Đại tướng đang đọc tờ Tiền Phong đấy.

Ông từng chia sẻ, chụp Đại tướng ở giai đoạn sau này chỉ để làm tư liệu. Ông có ý định một ngày nào đó sẽ công bố?

Có lần, một cựu chiến binh đến xem triển lãm của tôi mắng té tát, rằng sao để hình Đại tướng nhăn nheo thế. Thế đấy, đại tướng Võ Nguyên Giáp là hình tượng quá lớn. Ảnh tôi không bao giờ can thiệp thô bạo. Có thể nhìn thô ráp một chút, nhưng đó là sự thật, làm mất điều đó không còn là nhiếp ảnh nữa, chỉ có thể là chơi ảnh. Tuyên ngôn của tôi sau bìa sách cũng nói rõ điều đó.

Sau này, có nhiều khi tôi chụp ông mà cảm thấy không phải, nhiều ảnh tự thấy đau khổ quá. Tôi chọn góc dễ ưa nhất để chụp con người trăm tuổi, nhưng tôi chỉ để làm tư liệu, không muốn và không nên công bố.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những khoảnh khắc bình dị, cuốn sách được lấy theo tên triển lãm ảnh trước đây của đại tá - nhà báo Trần Hồng, in bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung, Tây Ban Nha, gồm 117 bức ảnh. Ông nói đầy tự hào: “Kể ra sách ra mà tôi được zero đồng nhuận bút, chỉ cần là cuốn sách thật chuẩn thì tôi cũng lãi rồi”.

MỚI - NÓNG