Ngẫm sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris. Kỳ 2:

Chuyện tình tu sỹ

Tỷ phú Francois-Henri Pinault tài trợ hơn 100 triệu USD để tái thiết Notre Dame. Nguồn: AFP/Getty Images
Tỷ phú Francois-Henri Pinault tài trợ hơn 100 triệu USD để tái thiết Notre Dame. Nguồn: AFP/Getty Images
TP - Có một mối tình đưa một thanh niên rẽ nhánh thành nhà thần học nổi tiếng của Pháp trước khi khởi công Nhà thờ Đức Bà Paris (năm 1160). Nó được truyền tụng như một hệ chuẩn về quan niệm tình yêu, bổn phận làm trọn nguyện ước, của Cơ đốc giáo.

Vết thương không dễ lành

Lâu nay ở Pháp, lệ quyên tư nhân luôn được phân đều cho các nhánh. Chẳng hạn, văn hóa và di sản được 25% tài trợ và còn lại dành cho phúc lợi. Cụ thể, ngành y tế nhận 11%, giáo dục 23% và, cao nhất là, lĩnh vực xã hội hấp thụ 28%. Lấy ví dụ năm 2017, khoản từ thiện hai tỷ euro không chỉ chi cho các công trình văn hóa mà còn bảo trợ cho nghiên cứu khoa học, các hiệp hội dạy nghề và liên đới xã hội, cũng như cho cả các quán ăn tình thương (resto du coeur).

Trong một nước Pháp biết khoan dung hơn ở thời hiện tại, 49% doanh nghiệp chỉ yêu cầu giảm thuế một phần thậm chí không đòi hỏi bất cứ quyền gì khi họ mở hầu bao cái gì đó, theo Hiệp hội vì Phát triển Hoạt động Bảo trợ Công nghiệp & Thương mại (Admical). Hơn nữa, ưu đãi thuế họ được khấu trừ cũng chỉ kịch trần 14% cho phép.

Vậy mà vết thương bài xích tôn giáo vẫn chưa cầm máu hẳn sau 230 năm. Người Pháp lại chứng kiến cảnh “tấn công các nhà tài trợ vào thời điểm lòng hảo tâm bùng phát một cách tự nhiên để tái thiết một công trình thiết yếu của văn minh văn hóa Pháp” (diễn ngôn trên một tờ báo Pháp) trong vụ biểu tình của phong trào Áo Vàng ngày 20/4, nối dài tuần thứ 23 liên tiếp.

Anh quốc láng giềng cũng trả giá đến tận bây giờ bởi ảnh hưởng của bài xích tôn giáo. Luật Hình sự nước này ban hành thế kỷ 18 hạn chế Công giáo một cách khắc nghiệt đã dẫn đến Nạn đói Khoai Tây năm 1845-1852. Vụ đói bảy năm ấy làm 1,5 triệu người Ireland chết. Một cuộc nổi dậy đầu tiên xảy ra ngày 24/4/1916 sau hàng thế kỷ người Ireland chấp nhận sống hòa bình trong sự cai trị của đế quốc Anh.

Nổi dậy mang tên Phục Sinh (Easter Rebellion) bị dập tắt sau bốn ngày với 14 thủ lĩnh bị tử hình. Họ được phong thánh tử vì đạo và trở thành cảm hứng định mệnh cho hàng loạt biến cố tiếp theo đòi giải phóng dân tộc Ireland. Ngày nay Ireland bị chia cắt thành Cộng hòa Ireland độc lập và Bắc Ireland vẫn thuộc Anh. Đây chính là bế tắc không thể tháo gỡ của kế hoạch Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mang tên Brexit.

Nhiều chục năm sau cách mạng 1789-1794, toàn bộ tín ngưỡng Công giáo ở Pháp bị tẩy chay như các ngày Chúa Nhật (chủ nhật), các ngày linh thiêng, ngày các thánh, cầu nguyện, nghi lễ và các giáo lễ. Phong trào tẩy chay Công giáo (dechristianise) không những không đạt kết quả như kỳ vọng mà còn làm dấy lên làn sóng phản kháng từ người ngoại đạo chứ không phải tín đồ Công giáo. Chí ít, họ tiếc nuối hoạt động từ thiện hơn ngàn năm của Công giáo.

Đã thành truyền thống, các nữ tu thường chăm sóc toàn diện cho người nghèo tại điền trang của các quý tộc sùng đạo rải khắp đất nước. Họ không những làm việc của y tá mà còn kiêm vai trò bác sỹ, thậm chí cả phẫu thuật và bào chế thuốc. Dưới chính quyền cách mạng tư sản, hầu hết các dòng nữ tu đều bị cấm hoạt động trong khi không có bất cứ dịch vụ chăm sóc nào được thay thế. Nhu cầu chăm sóc miễn phí làm gia tăng nỗi bất mãn.

Chuyện tình tu sỹ ảnh 1 Vết thương bài xích tôn giáo vẫn chưa cầm máu sau 230 năm. Ảnh: một cảnh sát Pháp chĩa súng vào biểu tình Áo Vàng
 Nguồn: theprojectswworld.com

“Em chỉ muốn”

Nhận thức nguy cơ bất ổn, Napoleon Bonaparte (1769-1821) đang ở đỉnh cao quyền lực cách mạng phải ký một giao ước nới lỏng bóp nghẹt Công giáo. Nhờ đó, sau năm 1800, các nữ tu được phép tái xuất tại các bệnh viện cũng như các điền trang của các tín đồ sùng đạo giàu có ở nông thôn. Họ được các quan chức địa phương nương tay bởi sự sùng kính rộng rãi của công chúng. Họ còn trở thành cầu nối giữa các bác sỹ giỏi vốn chỉ dành cho quan chức với dân nghèo.

Có một sự thực là các tín đồ Công giáo nói riêng luôn được giáo dục lòng khoan dung và lấy tình yêu chân chính làm động lực của cuộc đời. Có được nó, họ có thể vượt qua mọi đau khổ trần tục mà không oán trách. Chuyện của nhà thần học Pierre Abelard (1079-1142), sống ở thời đại đêm trước khởi công xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris, là một trong vô số tấm gương cho các thế hệ sau chiêm nghiệm.

Là thành viên sáng lập đại học Paris, Abelard thể nghiệm một cuộc đời đầy thử thách và mãnh liệt. Chuyện tình gần nghìn năm trước với nàng Héloise kết thúc bi đát với việc đôi uyên ương chia lìa không phải vì ích kỷ mà vì người khác như họ luôn được dạy. Nó có ích cho thời nay đến mức trở thành cảm hứng cho nhiều luận án tâm lý hiện đại cắt nghĩa về đức hy sinh bất vị lợi.

Nhật báo New York Times (NYT) danh tiếng toàn cầu, cách đây 14 năm, cũng thuật lại nó từ các nguồn sử liệu mới. Theo NYT, đó là chuyện tình thiêu đốt của một thầy giáo với một học trò trong nhà bếp của tu viện và phòng riêng của ông bác cực kỳ khuôn phép. Cho đến khi hàng trăm thư tình và một hài nhi kết quả của cuộc yêu bị lộ, người bác quyền lực đã sai hộ vệ thiến thầy giáo. Héloise đi tu đón nhận lời dạy của Chúa để trọn đời dành cho Abelard, người sau này ở trở thành triết gia nổi tiếng. Đề nghị được chôn chung mộ với thầy tu Abelard, di chúc của nàng còn có đoạn: “Chúa chứng giám. Em không bao giờ tìm kiếm cái gì ngoài bản thân chàng. Em chỉ muốn mình chàng chứ không phải những gì thuộc về chàng. Em không cần đám cưới, không cần quà. Em chỉ muốn chàng vui lòng chứ không cần làm em vui”.

Kết thúc trung cổ hơn nghìn năm, nhiều người ca ngợi thời kỳ Phục Hưng và Khai Sáng đã đưa châu Âu thoát khỏi ngu muội. Song ít ai biết mặt trái của tấm huân chương chối bỏ Cơ đốc mà Soren Kierkegaad (1813-1855) mô tả: “Thời nay là thời của thực tế và không có lòng thương cảm. Khuynh hướng chung hiện nay được định hướng bằng các đẳng thức toán học đến nỗi giai tầng xã hội nào cũng có quá nhiều người nom giống như vừa ra từ một khuôn đúc”. Nhà tư tưởng Đan Mạch tiếc Chúa nguyên khởi không còn tể trị bầu trời châu Âu mà là lý tính. Ông cảnh báo lý tính đang hủy diệt nhân cách và triệt tiêu trách nhiệm cá nhân. Ông mơ một xã hội nhân tính lấy người trung tâm để đưa mọi người trở về với chính mình, để họ tự quyết số phận của mình qua các trải nghiệm tâm linh cá nhân. Theo GS Hồ Sỹ Quý, thực ra tư tưởng lấy người làm trung tâm của Cơ đốc giáo rất gần với quan niệm của Liên Hợp Quốc khi đưa ra Chỉ số Phát triển Người (HDI) từ cuối những năm 1990 mà Việt Nam giờ đây cũng áp dụng.  

(còn nữa)

 Ðón đọc Kỳ 3 “Tiết chế và khát vọng quyền lực”: Thử cắt nghĩa câu hỏi “Quyền lực thực chất bắt đầu từ đâu?” và “Làm thế nào kiểm soát quyền lực hiệu quả?” từ một góc độ khác

Đằng sau Notre Dame de Paris hữu hình cháy trụi một phần ngày 15/4, người Pháp và cả thế giới nói chung muốn cứu vãn cái vô hình mà giá trị lớn hơn thế nhiều.

MỚI - NÓNG