'Cô gái Đan Mạch', hoàn hảo quá hóa an toàn

“Cô gái Đan Mạch” không phải phim xuất sắc nhưng vẫn khiến khán giả hài lòng vì diễn xuất của hai diễn viên.
“Cô gái Đan Mạch” không phải phim xuất sắc nhưng vẫn khiến khán giả hài lòng vì diễn xuất của hai diễn viên.
TP - Phim về người phụ nữ chuyển giới đầu tiên trên thế giới được xem là tiếng nói ủng hộ cộng đồng LGBT, nhưng cũng khiến nhiều người hâm mộ hơi tiếc cho đạo diễn Oscar Tom Hooper.

gái Đan Mạch nói về Lili Elbe và hành trình khám phá con người thật của mình, là người chuyển giới nữ đầu tiên trên thế giới. Vốn là Einar Wegener, họa sỹ vẽ phong cảnh và chồng của nữ họa sỹ vẽ chân dung Gerda, một ngày vợ yêu cầu Einar ôm chiếc váy để hoàn thiện bức vẽ chân dung nữ diễn viên ballet. Kể từ giây phút này, Einar ngày càng cảm nhận rõ bên trong mình là một người phụ nữ. Lili chấp nhận hai cuộc phẫu thuật thời đó được xem là kỳ lạ, để tìm đúng con người thật.

“Được là chính mình”, slogan quen thuộc do một tổ chức ủng hộ người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) trong nước đưa ra vài năm gần đây, hẳn khiến khán giả thấm thía hơn khi soi chiếu trong Cô gái Đan Mạch. Tinh tế, sâu lắng-cảm xúc đọng lại của không ít người khi rời khỏi rạp. Giây phút Einar run rẩy lướt trên đôi tất, chiếc váy lụa để ngồi làm mẫu vẽ cho vợ, và chính thức đánh dấu sự chuyển biến tâm lý rõ rệt sang một người hoang mang về giới tính thực sự.

Đề cử Oscar cho Eddie Redmayne không cần bàn cãi. Anh mới thắng Oscar năm ngoái trong vai nhà vật lý Stephen Hawking. Những phút đầu phim khi còn là Einar, Eddie mang đến những nét thấp thoáng sự bất bình thường trong cử chỉ: Vừa chỉnh lại vết son cho vợ vừa nói “hoàn hảo”, cẩn thận gấp và thu dọn quần áo đến chỉn chu, đặc biệt ánh mắt nụ cười luôn có vẻ bất an, thiếu tự tin. Đến khi Lili bị đánh thức từ sâu thẳm tâm hồn, Eddie chuyển tải một cách uyển chuyển, tỉ mỉ từ dáng đi, ánh mắt, bên cạnh bề ngoài ngày càng nữ tính. Không chỉ giảm 7 cân để có thân hình mảnh khảnh, Eddie bỏ thời gian nghiên cứu chuyên sâu về LGBT.

Ngỡ phim chỉ nói về Lili Elbe, nhưng càng về cuối khán giả càng nhận ra hai cô gái Đan Mạch, thậm chí đôi chỗ cảm xúc nghiêng về Gerda. Nữ diễn viên Alicia Vikander mới mẻ, đầy nhựa sống không  bị lu mờ bên cạnh tài năng Eddie Redmayne. Alicia xứng đáng đề cử Oscar Nữ diễn viên phụ, bởi cô làm nổi bật người vợ yêu chồng phát cuồng đến mức sẵn sàng đồng lõa, chiều chuộng để chồng được ẩn mình trong dáng vẻ phụ nữ. Dẫu vậy, Gerda cũng là một người phụ nữ như bao người, đau xót khi từng ngày thấy chồng vuột khỏi tầm tay. Có lúc cô thốt lên với Einar khi được hóa trang thành Lili “Tôi muốn ôm chồng mình, hãy trả lại chồng cho tôi”.

Lựa chọn cặp diễn viên nam nữ và diễn xuất tuyệt vời của họ là thành công của đạo diễn Tom Hooper, dẫu vậy xét tổng thể phim của ông chưa tạo đồng thuận. Một trong những điều đáng tiếc là Tom Hooper không cho chạy dòng chữ “dựa trên câu chuyện có thật”. Lili Elbe được xem là người truyền cảm hứng cho cộng đồng LGBT khắp thế giới, tuy nhiên cuộc đời và con người thực chưa được khai thác sâu hơn trong phim, đôi khi đạo diễn quá chú trọng vào hành trình khám phá thể xác của Lili. Ngay cái tên Lily Elbe thực tế được vua Đan Mạch chấp thuận cũng không được đề cập trong phim.

Những mảng màu của Cô gái Đan Mạch thuộc phong cách Tom Hooper trong Diễn văn của nhà vua, Những người khốn khổ, khá hợp với bộ phim về hai con người nghệ thuật và giới nghệ sỹ đầu thế kỷ 20 ở châu Âu. Từng khuôn hình trau chuốt, ánh sáng được chăm sóc tỉ mỉ theo tâm trạng nhân vật đến hoàn hảo, thành ra tạo cảm giác kém chân thật. Khai thác nhân vật Einar ở dạng đa nhân cách-vẫn rất yêu vợ, nhưng không muốn ở trong thân xác đàn ông- đôi lúc khiến đạo diễn lúng túng. Sự dụng công quá mức cuối cùng không đưa Tom Hooper vào đề cử Oscar Đạo diễn xuất sắc. Phim chỉ nhận thêm hai đề cử Thiết kế trang phục, Hóa trang và làm tóc. 

MỚI - NÓNG