Cô gái Trung Quốc 'trót' nghe đàn bầu

Cô gái Trung Quốc 'trót' nghe đàn bầu
TP - “Đàn bầu ai gẩy nấy nghe/ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Lẽ ra giờ đây Tôn Tiến phải đứng trên bục giảng trường đại học quê nhà chứ không phải lang thang ở Hà Nội như thế này, bởi đã “trót” bị tiếng đàn mê hoặc.

Tôn Tiến bước vào thế giới âm nhạc từ khi lên 8. Cây đàn Tiến học là accordeon. Cô chọn nó vì thấy đẹp, âm thanh rất hay và quan trọng hơn, đó là mong muốn của mẹ cô, người chơi cây đàn này.

Càng học càng say, học một cách nghiêm túc cho tới khi hết phổ thông thì vào Học viện Nghệ thuật Quảng Tây. Tốt nghiệp cô trở thành giảng viên accordeon ở Đại học Dân tộc Quảng Tây. Cô nghĩ mình sẽ gắn bó chỉ duy nhất với accordeon.

Mọi sự thay đổi vào năm 2004, trong một lần đưa sinh viên đi thực tế tại khu vực đồng bào dân tộc Kinh ở Quảng Tây, bất chợt cô nghe thấy tiếng đàn rất lạ không giống bất cứ tiếng đàn nào ở Trung Quốc.

“Không sao có thể giải thích được, chỉ nghe một lần thôi nhưng nó cứ văng vẳng mãi. Cảm giác đầu tiên là tưởng như đang nghe một lời tâm sự từ tận sâu trong tâm hồn của một người con gái. Câu chuyện đó đượm buồn nhưng tràn đầy yêu thương”- Tôn Tiến tâm sự.

Vậy là cô gái dân tộc Hán quyết định trở lại vùng đất của đồng bào dân tộc Kinh để tìm hiểu thêm về cây đàn, trở về Nam Ninh (thủ phủ Quảng Tây) qua sự giới thiệu, Tôn Tiến tìm được một thầy dạy đàn bầu.

Nhưng thầy cũng chỉ mới học chưa biết gì nhiều, mong muốn khám phá thật đầy đủ đã khiến cô sang tận Việt Nam - quê hương của cây đàn. Cha mẹ rất vui, ủng hộ quyết định của con gái.

Tuyệt vời hơn, việc đưa cây đàn bầu và văn hóa Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á vào chương trình giảng dạy đang nằm trong chiến lược phát triển giáo dục của trường.

Những năm gần đây giữa Nhạc viện Quốc gia Hà Nội với trường đại học của Tôn Tiến có mối quan hệ thân thiết, vì vậy khi cô bày tỏ ý định sang Việt Nam học cao học về đàn bầu, nhà trường nhất trí ngay.

Quyết trở thành sứ giả đàn bầu ở Trung Quốc

Trọn một năm đầu, học viên nước ngoài thường chỉ tập trung vào ngoại ngữ. Tôn Tiến trau dồi tiếng Việt tại trường Đại học KH XH &NV thuộc ĐHQG Hà Nội, được nửa năm khi đã có thể giao tiếp, bèn tìm tới NSND Thanh Tâm  để học đàn.

“Không ngờ đàn bầu lại thể hiện được nhiều trạng thái tình cảm đến vậy” - Tôn Tiến cho biết thêm, ở Trung Quốc thường đánh đàn bầu rất chậm nên nghe có cảm giác buồn, nhưng sang Việt Nam, được cô Tâm chỉ bảo mới thấy đàn bầu còn có nhiều kỹ thuật rất khó. Bên cạnh việc học đàn, giờ đây cô còn quan tâm đến nền nghệ thuật và văn hoá truyền thống Việt Nam.

Sang chưa lâu, Tôn Tiến đã 3 lần tìm đến sân khấu “Hà Nội 36 phố phường” ở phố chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân. Cô được PGS.TS Nguyễn Phúc Linh tặng tài liệu, sách báo nói về hát văn, hát xẩm, hát chèo, quan họ... “Thật độc đáo, nhất là hát văn có cây đàn nguyệt thể hiện rất nhiều kỹ thuật hay, rất khác so với cây đàn này ở Trung Quốc” – cô nhận xét. 

Biết người Việt thường ví tiếng đàn bầu “cung thanh là tiếng mẹ cung trầm là giọng cha”, Tôn Tiến càng trân trọng cây đàn, cô mong ngày chính thức đưa đàn bầu về quê giảng dạy, tràn trề hy vọng nó sẽ phát triển ở Quảng Tây.

Cô hồ hởi tiết lộ, ngày càng nhiều người Trung Quốc biết đến cây đàn bầu, truyền hình đã có vài lần giới thiệu cây đàn này, một số bạn trẻ Quảng Tây đã sang Hà Nội học đàn bầu trong thời gian ngắn.

 “Khi trở về tôi sẽ giảng dạy về âm nhạc Việt Nam và cây đàn bầu nhưng chỉ 3 năm học chắc chắn không đủ, tôi sẽ liên tục học tập”.

Hỏi có biết câu “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu?”, cô đáp: “Có biết, nhưng sang Việt Nam rồi mới biết anh ạ!” Rồi tiếp: “Nhưng bây giờ thì chẳng dứt được nữa bởi vì càng học, càng nghe càng đắm đuối...”

MỚI - NÓNG