Có thể dạo chơi đêm ở Hoàng thành Thăng Long?

Các đơn vị thiết kế đi tham quan và khảo sát Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu
Các đơn vị thiết kế đi tham quan và khảo sát Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu
TP - Đó là đề bài mở cho các nhà thiết kế kiến trúc trong và ngoài nước, khi mới đây, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội phối hợp với Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (thuộc trường Đại học Xây dựng) tổ chức phát động “Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội”.

300 tỷ là thông số ước lượng ban đầu để thực hiện dự án này, tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Sơn- Giám đốc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và là đại diện chủ đầu tư cho biết, đó chỉ là con số tham khảo, còn để thực hiện được thì cần số tiền gấp nhiều hơn thế.

Quan trọng là từ nay đến ngày 10/4/2014, các đơn vị gửi được phương án thiết kế khả thi nhất, để đến đúng dịp 30/4 tới BTC có thể trưng bày để lấy ý kiến của cơ quan các cấp và nhân dân, sau đó mới định giá để triển khai thực hiện. 6 giải thưởng sẽ được trao, trong đó phương án thiết kế nhận được sự đồng thuận cao nhất được trao 300 triệu đồng.

Đây là dự án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị di sản lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học, do lần đầu tiên nên mới thông báo, BTC đã thu hút được 40 đơn vị gửi hồ sơ đăng ký, đây là điềm mừng.

Việc bảo vệ và phát huy giá trị các hiện vật khai quật tại Hoàng thành Thăng Long, mà cụ thể là khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu hơn 10 năm qua khiến các nhà nghiên cứu, sử học cũng như các cấp lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội đau đầu.

Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu theo Quyết định số 696/QĐ-TTg ngày 8/6/2012 nhằm đưa khu di tích này trở thành Công viên văn hóa lịch sử. Như lời ông Tín, việc lên phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản lần này tổ chức là việc làm mới.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, với việc thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản, nhất là các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận như Hoàng thành Thăng Long là cần thiết. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện rất hiệu quả. Họ đã khéo léo biến các di sản đó thành tâm điểm thu hút du khách như cung điện Na Ra (Nhật Bản), khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng (Trung Quốc)...

Với các nước phát triển, do được đầu tư kinh phí lớn, họ dễ dàng làm hơn. Còn với Việt Nam, làm bất cứ việc gì mới có liên quan đến di sản, chúng ta đều phải vừa làm vừa nghe ngóng.

Ông Sơn cho biết, như năm vừa qua, khu Hoàng thành Thăng Long thu hút hơn 1 triệu lượt khách tới tham quan, trong đó ước chừng khoảng 50% lượng khách “ghé” vào khu 18 Hoàng Diệu. Với con số này, các nhà quản lý khu Hoàng thành hy vọng, dự án thiết kế kiến trúc nếu làm tốt, hút khách, thu được kinh phí sẽ chi trở lại để tiếp tục đầu tư bảo tồn.

“Sẽ không có chuyện BTC gợi ý nọ kia. Chúng tôi để mọi người thỏa sức đưa ra phương án, ý tưởng. Dân Việt mình vốn nổi tiếng là “chém gió”, ông nào cũng bảo tài lắm, giỏi lắm, giờ mở ra thi, mọi người hãy làm xem sao”.

GS Tống Trung Tín

PGS Tống Trung Tín cho rằng, ông không hy vọng nhiều vào việc có tiền đầu tư ngược trở lại. Kể cả các nước trên thế giới như Nhật Bản hay Trung Quốc, Pháp…đã vận hành được các thiết kế kiến trúc để bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng chưa thu được lợi nhuận để tái đầu tư bảo tồn.

Do đó, ông Tín chỉ mong làm sao tìm được phương án tốt nhất, đảm bảo các nguyên tắc: Bảo tồn giá trị di sản của Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; đảm bảo sự hài hòa với các công trình kiến trúc liền kề và cảnh quan chung của khu vực, tiến tới xây dựng một công viên lịch sử - văn hóa Hoàng thành Thăng Long, tôn vinh giá trị khu di sản và giới thiệu rộng rãi tới công chúng.

Liên quan đến di sản đã được UNESCO công nhận, đặc biệt Hoàng thành lại có những vị trí hơi lắt léo, đòi hỏi các nhà thiết kế phải bám sát chủ đầu tư và các nhà khảo cổ, sử học, nên PGS Tống Trung Tín nói ông sẵn sàng giải đáp các thắc mắc vào các ngày thứ 7 và chủ nhật trong tuần kể từ khi phát động cho đến khi trưng bày các phương án.

Đây là cuộc thi mở, đón nhận các đơn vị thiết kế thi công của quốc tế. Mục đích tìm kiếm phương án khả thi, với hy vọng sau khi đưa dự án vào thực hiện, ngoài những khu vực di sản được bảo vệ và tham quan theo giờ, vẫn có khu vực đón du khách tham quan vào ban đêm, đi dạo như trong công viên mà vẫn đảm bảo an ninh tốt cho di sản.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.