Cõi đi về của nhà văn Kim Lân

Nhà văn Kim Lân lúc sinh thời và bức chân dung do họa sĩ Nguyễn Thị Hiền thể hiện. Ảnh họa sĩ cung cấp
Nhà văn Kim Lân lúc sinh thời và bức chân dung do họa sĩ Nguyễn Thị Hiền thể hiện. Ảnh họa sĩ cung cấp
TP - Những ngày tháng này, hoạ sỹ Nguyễn Thị Hiền thường “vội vã trở về vội vã ra đi” chặng TPHCM - Hà Nội để lo việc mà chị đau đáu lâu nay: Làm nhà lưu niệm bố mình - nhà văn Kim Lân.
Nhà văn Kim Lân lúc sinh thời và bức chân dung do họa sĩ Nguyễn Thị Hiền thể hiện. Ảnh họa sĩ cung cấp
Nhà văn Kim Lân lúc sinh thời và bức chân dung do họa sĩ Nguyễn Thị Hiền thể hiện. Ảnh họa sĩ cung cấp.
 

Nỗi niềm của nữ họa sĩ

Ngôi nhà nằm khép mình bên ngõ nhỏ phố Trần Khát Chân - nơi chị dành hai tầng thượng để tưởng nhớ nhà văn Kim Lân - ngổn ngang kỷ vật. Lòng chị cũng ngổn ngang những nỗi niềm.

Ngày nào, khi nhà văn Kim Lân còn sống trong ngôi nhà phố Hạ Hồi, mỗi lần ra Hà Nội chị lại chạy ùa về nơi mình gắn bó từ thuở ấu thơ, ngồi ăn với bố bữa cơm, nói dăm ba câu chuyện... Ngắn ngủi thôi nhưng có cảm giác được trở về. Bây giờ mỗi lần ra thủ đô, chị có cảm giác bơ vơ. Bố không còn, ngôi nhà ở Hạ Hồi dự định làm nhà lưu niệm bố cũng bán mất rồi.

Chị đã viết một bức thư dài gửi các em mình (những họa sỹ tên tuổi như Thành Chương, Nguyễn Mạnh Đức, Nguyễn Từ Ninh...) nói về cảm giác bơ vơ ấy và chia sẻ dự định làm nhà lưu niệm bố - việc tưởng như thuận lợi mà hoá ra trắc trở: “Cha mẹ đã mất. Chẳng còn một nơi chung để tất cả chúng ta cùng về. Như xưa kia mỗi lần ra Hà Nội - ngày nào cũng chạy về Hạ Hồi một tý gặp cha mẹ, các em, ăn chung bữa cơm, hàn huyên giãi bày đôi điều, khóc cười, hờn giận, yêu thương, trách móc, tự hào với những thành công của mình ở đấy, và than thở những thất bại của mình cũng ở đấy.

Chị là người con xa gia đình, nên chị cảm nhận một cách máu thịt hơn nhiều sự thiếu vắng của nó khi ra Hà Nội - nằm ở khách sạn - xong việc là về Sài Gòn. Và may lắm gặp em này một tý, em kia một tý - nếu có ăn chung thì đi ra nhà hàng. Cái chung và riêng tư của toàn bộ gia đình đã đành tan rã. Bây giờ, thầy mất rồi, con cái phải có trách nhiệm giữ gìn thành quả của cha để lại.

Thầy mẹ mất đi không giống nhiều cha mẹ khác giàu có mà để lại cho con nhà này nhà nọ, tiền nọ tiền kia. Cái mà thầy để lại lớn nhất là những thành quả làm việc của thầy, nhân cách và lối sống của thầy, những tài hoa mà thầy có truyền trong máu tất cả chúng ta. Tác phẩm của thầy không nhiều, nhưng chứa đựng đầy đủ phẩm cách để chúng ta tự hào. Đó là tài sản vô giá của thầy để lại cho các con, vì thế con cái phải gìn giữ, bảo toàn và phát triển...”.

Sau khi bán nhà ở phố Hạ Hồi, kỷ vật của nhà văn Kim Lân được chuyển lên phủ Thành Chương với dự định làm nhà lưu niệm Kim Lân ở đây. Nhưng sau một thời gian, hoạ sỹ Nguyễn Thị Hiền cùng các em trai: Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức, họa sỹ Nguyễn Từ Ninh, họa sỹ Nguyễn Việt Tuấn nhận thấy không ổn.

Họa sỹ Thành Chương- con trai trưởng của nhà văn Kim Lân có phủ mang tên mình rất nổi tiếng ở huyện Sóc Sơn, nhưng sao lại không làm nhà lưu niệm ở đây?

Vì sao không làm nhà lưu niệm Kim Lân ở phủ Thành Chương?

Họa sỹ Nguyễn Thị Hiền lý giải: “Không ổn vì mấy nhẽ. Bố tôi là nhà văn của những người nghèo khổ, của làng quê cả đời sống nghèo khổ, không muốn lúc chết lên phủ nghênh ngang ở trên đó làm gì - bố tôi bảo phủ và vinh dự của thằng Chương chứ không phải của thầy, thầy cám ơn ý định của Chương nhưng thầy dứt khoát không muốn lên phủ, không hợp với tính cách của thầy, điều này tất cả các con đều biết rõ.

Bố tôi lại là người thanh bạch, quá khái tính với tất cả những gì liên quan tiền bạc, danh phận, không bon chen, thà chấp nhận thiệt thòi để giữ gìn phẩm giá, vì thế nhà lưu niệm của bố làm trên phủ của Chương chắc chắn sẽ rất đẹp, khang trang và nhiều người đến tham quan phát triển cho tên tuổi của bố và của phủ- nhưng tác hại không lường trước được mà Chương đã báo trước là liên quan tiền bán vé vào phủ”.

Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ có một mong muốn là làm theo tâm nguyện của bố tôi. Vì thế không thể làm nhà lưu niệm Kim Lân ở phủ Thành Chương”.

Họa sỹ Nguyễn Từ Ninh bày tỏ: “Đúng ra phải làm nhà lưu niệm bố tôi ở quê Bắc Ninh, nhưng chưa đủ điều kiện nên chị em tôi thống nhất làm một không gian tưởng niệm bố yên tĩnh giản dị ở nhà chị Hiền. Giữa cái đồ sộ và cái bình dị chưa biết cái nào hơn. Tiền không làm nên sự sang trọng. Nhà lưu niệm Nguyên Hồng ở ấp Cầu Đen không to đẹp gì mà bao nhiêu người tìm đến đấy thôi”.

Trước khi làm nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân, họa sỹ Nguyễn Thị Hiền tìm gặp các nhà văn Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Bằng Việt, Đỗ Chu, Trung Trung Đỉnh, đạo diễn Vương Đức, NSND Đào Trọng Khánh… Họ đều ủng hộ làm nhà lưu niệm Kim Lân nhưng không nên ở phủ Thành Chương - nơi người dân muốn vào thì phải mua vé.

Nguyễn Thị Hiền dẫn tôi lên tầng thượng ngôi nhà ở Trần Khát Chân, không gian riêng của nhà văn Kim Lân được sắp đặt giản dị, mộc mạc đúng với phong cách tác giả Vợ nhặt, Làng... Cảm giác bơ vơ khi ra Hà Nội khiến chị mua ngôi nhà này, giờ đây nó thành cõi đi về giữa Sài Gòn Hà Nội và là cõi riêng của Kim Lân.

Trên tầng thượng sẽ là ngôi nhà sàn do họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức thiết kế, có mặt nước cây xanh, và nhiều hoa hồng bạch - loài hoa nhà văn Kim Lân sinh thời rất thích. Những kỷ vật giản dị của nhà văn như tẩu, kính, bút, các lọ gốm, cái phản, giá sách cũ kỹ sẽ được trưng bày. Tháng 12 tới đây, không gian này sẽ rộng mở đón bạn đọc yêu mến sáng tác và phẩm cách của ông. Dĩ nhiên vào đây không phải mua vé.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG