Con anh, con tôi - Trích tiểu thuyết "Thổ địa"

Con anh, con tôi - Trích tiểu thuyết "Thổ địa"
LTS: Sau tiểu thuyết “Xuyên Cẩm” được tặng thưởng đặc biệt Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Du, được dư luận hoan nghênh, bạn đọc đón nhận, nhà văn Dương Kỳ Anh sắp cho ra mắt tiểu thuyết mới “Thổ địa”.
Con anh, con tôi - Trích tiểu thuyết "Thổ địa" ảnh 1

Ảnh minh họa

Xoay quanh nhân vật Thạch Văn Lài, một chàng chọc tiết lợn thuê vừa trở thành trọc phú do môi giới đất đai cùng hàng trăm nhân vật đã tạo nên một câu chuyện ngụ ngôn mới, đặc sắc, độc đáo, hấp dẫn.

TPO xin trích đăng chương 14 với tựa đề “Con anh, con tôi” nói về câu chuyện tình lạ lùng của nhân vật Thạch Văn Lài.

Chương 14: Con anh, con tôi

Ngày cô Thuận bỏ ra khỏi nhà, Thạch Văn Lài mang con dao phay của bố đặt lên bàn thờ. Lài thắp hương, bày lên một cút rượu… một cái khấu đuôi lợn, năm quả xoài xanh, một bát gạo, một đĩa muối và 13 quả trứng gà.

Trong lúc cậu bé Thạch Văn Lài bước sang tuổi mười ba đang quỳ dưới đất rì rầm khấn “Bố có linh thiêng, bố về mà an tọa, an ngự, an hưởng… Bố phù hộ cho mẹ con  khỏi bệnh, phù hộ cho con đi chọc tiết lợn thuê được chân cứng, tay cứng, chọc đúng cổ lợn, cạo lông lông đứt, làm dồi dồi thơm, tiết canh con làm xắn ra như bánh đúc, bong bóng lợn con thổi  căng như da trống, bóng như vải lụa dòn dựa cà muối… thì bà mẹ Lài ôm cột nhà nhe răng ra cười.

Bài khấn của Lài, thực ra không phải do Lài nghĩ ra, một người hàng xóm, không biết thực lòng hay xỏ xiên đã bày cho Lài, cả bài khấn lẫn các thứ mua về bày lên bàn thờ.

Tuy Lài chưa đến tuổi làm người lớn, nhưng dân làng Sài vẫn mướn Lài chọc tiết, làm dồi như trước đây họ vẫn mướn bố Lài. Người ta bảo Lài còn thạo hơn bố, dễ bảo hơn bố.

Lài chọc tiết làm dồi và được trả công bằng thịt lợn. Lài mang ra chợ bán. Chợ Sài tháng có chín phiên nhưng ngày nào hàng thịt lợn của mẹ con cô Thuận cũng mở cửa.

Những ngày bố mới chết, Lài rất căm cô Thuận. Hàng thịt của mẹ con cô mua hời nhất, đông khách nhất nhưng Lài không bán. Lài bán cho cửa hàng khác, cách chỗ mẹ con cô Thuận không xa.

Bán xong thịt, Lài cầm con dao phay sáng loáng đi qua hàng cô Thuận dứ dứ vào mặt người mẹ kế. Buổi đầu cô Thuận sợ, mặt tái xanh. Sau, quen dần.

Rồi có một ngày, Lài đi qua, múa con dao phay và hát “bọp bẹp, bọp bẹp”. Trong lúc cô Thuận cười cười, chào Lai, có một đứa bé gái chín mười tuổi gì đó chạy ra đứng nhìn Lài trân trân. Đôi mắt con bé to tròn, đen láy.

Lài giơ con dao phay vào tận mặt, con bé vẫn đứng yên, không chớp mắt. Lài thấy lạ. Lạ lắm! Con bé không biết sợ là gì. Nó còn nhìn mình đến lạ! Lài nghĩ. Gương mặt con bé ám ảnh Lài…

Cô Thuận sợ có việc gì đó không hay xảy ra, nên bảo con gái mỗi lần thấy “thằng ấy đến, con vào trong lều mà ngồi”. Con bé không nghe. Nó có vẻ thích thú khi nhìn  thấy Lài. Rồi nó cười với Lài với con dao phay và câu hát “bop bẹp, bọp bẹp”.

Cuộc sống cứ trôi đi theo nhịp của nó và con người cũng lớn lên. Lài trở thành một thanh niên khỏe mạnh, với con dao phay như người bạn đồng hành. Con gái cô Thuận, được mẹ đặt tên là Hoà cũng đã trở thành một thiếu nữ phổng phao.

Cô Thuận cũng quen dần với hoàn cảnh rổ rá cạp lại. Người chồng dăm mười họa mới ghé làng Sài. Một lần nhá nhem tối, anh ta đến, đứng ngoài ngõ, gọi Thuận ra và bảo “Nó biết rồi! Nó thuê người về đây! Nó định cắt cổ tao! Cắt cổ mày nữa!”.

Anh ta đưa bàn tay làm một động tác cưa ngay cổ mình “Tao và mày gặp nhau ở chỗ khác. Tao không ở đây được đâu! Nó cắt cổ!” “Thế con gái anh thì sao?”. “Mày gả chồng cho nó. Tao không đến dự đâu. Tao đi đây”.

Anh ta biến vào bóng tối còn Thuận đứng như trời trồng. Hoà nghe được câu chuyện và trong trái tim non nớt của cô bé mười bảy tuổi đã bắt đầu ứa lệ!

Nhiều buổi, Thuận giao quầy bán thịt lợn cho cô con gái và tìm lên một nơi kín đáo trên phố  huyện, qua đêm với người chồng. Thường những lúc mẹ vắng nhà, Hoà để ý đến Lài nhiều hơn. Lài cũng vậy, anh ta thường dừng lại ở cửa hàng của Hoà lâu hơn.

Có lần, Lài mang theo một cút rượu, Hoà luộc cái khấu đuôi, cắt thành lát nhỏ đặt vào mảnh lá chuối với ít muối tiêu rồi mang vào để trên cái chõng tre.

Lài uống rượu một mình. Hoà vừa bán thịt, vừa chạy vào rót rượu cho Lài.

Lài dứ dứ miếng khấu đuôi lợn vào miệng Hoà. Hoà đớp một miếng, tợp một ngụm rượu rồi chạy ra cười như nắc nẻ.

Buổi tối ấy, cô Thuận không về nhà. Căn nhà ngói thấp lè tè Thuận mua vốn là nhà một người thợ sơn tràng.  Người thợ này cũng là dân tứ chiếng, dựng ngôi nhà để làm chỗ đi về. Rồi người ta phát hiện ra trong nhà có hàng cấm.

Người thợ sơn tràng bị bắt, căn nhà bị chính quyền tịch thu bán sung công. Vì là nhà của người có án tù nên không ai mua. Người ta sợ bị xui xẻo. Dù bà mẹ can ngăn nhưng Thuận thấy quá rẻ, lại ở ngay góc chợ, rất thuận tiện cho việc buôn bán nên đã lên xã nộp tiền xin mua ngôi nhà.

Mấy tháng đầu, Thuận không ở. Cô ở nhờ nhà mẹ, còn ngôi nhà, cô cho những người buôn bán thuê  làm chỗ để hàng qua đêm. Khi người chồng trở chứng, Thuận thấy ở nhà mẹ không tiện, nhỡ xẩy ra việc gì nên đã mời một thầy cúng về lập đàn cầu an, cúng tế thần linh, lập bàn thờ gia tiên và thần thổ địa. Ngôi nhà được quét ve, sửa sang lại…

Đêm. Chợ Sài vắng lặng. Tiếng dế ri ri. Tiếng mọt nghiến kèo tre, cột gỗ… Những chiếc lán trống hoang trống hoắc. Trong bóng tối đen ngòm, thoảng hoặc một vài cánh dơi bay vút lên…

Đêm ấy, Lài ở lại nhà Hòa. Họ trải chiếu xuống nền đất ăn uống với nhau rất tự nhiên. Thấy Lài nhìn tấm ri đô mầu hoa cà ngăn một góc nhà trong đó kê một cái giường đôi, Hòa đỏ mặt bảo:

“Mẹ em thường ngủ trong đó”

“Hòa ngủ với mẹ à”

“Vâng”.

“Lớn tướng rồi còn ngủ chung với mẹ”

“Dạo này em ngủ một mình chỗ kia kìa”

“Ở đó gần cửa sổ mát nhỉ”

“Vâng”

“Ngủ một mình sướng nhỉ”

“Sướng gì mà sướng”

“Mấy giờ đêm thì mẹ về”

“Gà gáy sáng mới về”

“Sướng nhỉ”

“Ngủ một mình em sợ lắm”

“Cho người ta ngủ với”

“Ứ”

“Không làm gì đâu… mà sợ”

“Ứ !”

“Hay ta làm…”

“Ứ”

Trong lúc Hòa dọn dẹp thức ăn thừa, cất mâm, rửa bát, Lài đứng tựa cửa nhìn ra cái khoảng tối đen ngòm của chợ Sài với những lều quán méo mó kỳ dị trong đêm. Cái chợ ban ngày đông đúc ồn ào là vậy mà ban đêm vắng lặng đến rợn người. Lài nghĩ đến Hòa. Nó ngủ một mình trong cái nhà vắng lặng này chắc là sợ lắm!

Hòa tắm xong, ra đứng chải tóc và giục Lài đi tắm. Cái buồng tắm sạch sẽ ra phết – Lài nghĩ – lại có mùi thơm. Mùi thơm dầu gội đầu. Lài tắm xong, theo thói quen như ở nhà, cứ tồng ngồng đi ra khỏi buồng tắm. Hòa ngoái lại nhìn, kêu “Xấu hổ chưa kìa”. Lài chạy vụt trở vào lấy cái khăn quấn quanh người đi mặc quần áo.

Họ ngồi trên cái giường một, cạnh cửa sổ, nơi Hòa vẫn ngủ. Cửa sổ cũng nhìn ra một góc chợ Sài, tối như bưng.

Trời oi bức, ngột ngạt. Hòa cầm chiếc quạt nan quạt quạt cho mình rồi quạt sang Lài. Lài hít hít mùi thơm từ tóc Hòa.

- Cởi áo ra cho mát – Hòa bảo.

Lài cởi cái áo nâu mới may, ném xuống góc giường, rồi ôm lấy Hòa.

“Đừng đừng, anh Lài”

Lài chẳng nói chẳng rằng, đè Hòa xuống giường.

“Mẹ em biết thì chết”

“Chết thì chết, sợ gì”

“Anh Lài quen đè người ta thế này à”

“Đè thì đè, sợ gì”

“Để em cởi quần áo ra đã nào”

“Cởi… thì cởi nhanh lên…”

“Che bớt đèn đi… anh Lài”

“Che thì che… sợ gì”

Lài đã vài ba lần đè con người ta ra để làm tình. Đầu tiên là một đứa ở. Lài chọc tiết lợn thuê và quen con bé. Con bé đen như cột nhà cháy nhưng phốp pháp.

Lài đè ngửa ra ngay sau chái bếp hôm chủ nhà đi vắng. Con bé sợ hãi, giẫy giụa, kêu ú ớ… Lài cũng run lên như đang sốt. Rồi không hiểu sao nó ôm chặt lấy Lài.

Khi Lài thấy mình như hụt hơi, hai chân con bé quặp chặt lấy mông Lài, hai tay nó kéo gì cổ Lài xuống. Lài cảm thấy toàn thân rã rời, nghẹt thở…

Đó là lần đầu tiên Lài biết thế nào là mùi đời. Đàn bà con gái cứ đè xuống là xong.

Với Hòa, Lài cảm thấy khác. Hòa tự tay, cởi quần áo mình. Nhưng quyết không cho Lài đụng vào chỗ ấy… Lài càng nôn nóng, phát điên phát cuồng, Hòa càng cố giữ. Bị Hòa cắn vào bàn tay phải, Lài điên tiết. Cuộc vật lộn, giằng co khiến cả hai mệt nhoài. Lài không ngờ con bé khỏe thế, gan lì đến thế.

Cả hai nằm yên một lúc rồi cuộc vật lộn lại tiếp tục.

“Anh Lài, anh chỉ chơi bời chứ gì”

“Chơi thì chơi, sợ gì”

“Anh có thành tâm với em không? Có lấy em làm vợ không?”

“Lấy thì lấy, sợ gì”

“Anh nói thật không, anh Lài”

“Thật thì thật, sợ gì”

“Có trời đất chứng giám! Anh mà nói điêu, em giết anh”

“Giết thì giết, sợ gì”

“Anh không hận mẹ em nữa chứ?”

“Hận thì hận, sợ gì”

“Anh thề với em đi, thề đi”

“Thề thì thề, sợ gì!”…

… Gần hai giờ sáng, Lài mới ra khỏi nhà Hòa. áo vắt vai, dò dẫm đi trong bóng tối, người rũ ra như tàu lá héo.

Hòa vẫn trần truồng nằm trên giường, khóc nức nở.

Rồi Hòa ngủ thiếp đi. Gà gáy lần thứ nhất, Hòa choàng dậy, mặc quần áo, bật đèn, sợ hãi khi nhìn thấy vệt máu trên chiếu. Hòa tìm cái giẻ lau dấm nước. Lau, lau, vẫn không sạch.

Hoảng. Hòa chạy ra lại chạy vào. Mẹ biết thì chết. Hòa chợt nhớ có lần bị đứt tay, máu thấm vào cái áo trắng, mẹ bảo phải lấy nước giải… Hòa chạy vào nhà vệ sinh. Thấm nước giải vào khăn. Hòa bắt đầu kỳ cọ…

Chuyện  con anh con tôi đã bắt đầu xì xầm ở làng Sài.  Cô Thuận không tin. Cô cho là người làng độc mồm. Cái thằng Lài vẫn thường đi qua hàng nhà mình giơ con  dao phay ra dọa, mắt nó nhìn mình gườm gườm, sợ chết! Không thể có chuyện đó được.

Một hôm, từ chỗ người chồng vụng trộm, Thuận trở về nhà sớm hơn. Trên đường đi, ruột gan Thuận nóng như lửa đốt. Trời vẫn còn tối mịt, Thuận đứng trước cửa nhà mình, hoảng hồn vì cửa nhà hé mở.

Sao hôm nay đi ngủ con bé không chốt cửa nhỉ? Hay có việc gì với nó? Nó bỏ nhà đi đâu?… Thuận hấp tấp bước vào tìm cái đèn dầu để trên bậc cửa sổ. Bật diêm, thắp đèn rồi  giơ cao lên… Cái gì thế này? Thuận như không tin ở mắt mình nữa. Hai đứa trẻ trần truồng đang ôm nhau ngủ. Tay phải con bé còn nắm chặt cái vật ấy của thằng con trai…

Thuận đứng sững lại, kêu lên “Trời ơi, trời… Nghiệp chướng! Nghiệp chướng!”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.