'Con rối tha hương' - góc nhìn Đức thú vị về người Việt

Nhà văn Karin Kalisa.
Nhà văn Karin Kalisa.
TP - Tiểu thuyết đầu tay của nữ nhà văn Karin Kalisa viết về những người Việt tại Đức gây chú ý với độc giả và giới phê bình, đặc biệt ở khía cạnh góc nhìn thú vị, sự tinh tế khi phê bình người Việt.

Cuốn tiểu thuyết có tựa Cửa hàng của Sung, dịch giả Lê Quang chọn chuyển ngữ Con rối tha hương được nhiều người khen dũng cảm, dù có ý kiến băn khoăn từ tha hương gợi buồn. Bà Almuth Meyer Zollitsch, Giám đốc Viện Goethe kể bà gọi về Đức cho tác giả Kalinsa thông báo quyết định của dịch giả và NXB đổi tên, rằng Con rối tha hương mang nhiều yếu tố văn hóa, nữ tác giả nói “cảm động và bằng lòng”.

Con rối tha hương bắt đầu bằng câu chuyện của gia đình Sung, Việt kiều ba thế hệ sống tại Đức, cậu bé Minh phải mang đến một tiết mục văn hóa biểu diễn ở trường. Hai vợ chồng Sung và Mây bó tay, cầu viện bà nội. Bà Hiền đưa ra con rối đem theo từ ngày đầu sang Đức. Nhà văn hé lộ câu chuyện của gia đình bà Hiền và bức tranh người Việt ra đi từ chiến tranh, lao động trên đất Đức và thế hệ sau này.

Lê Quang, dịch giả tiếng Đức có nghề, được đánh giá chuyển tải được ngôn ngữ “duyên dáng, hóm hỉnh” của tác giả Karin Kalisa. Nữ nhà văn cũng là nhà khoa học, biên tập viên nhiều năm nghiên cứu ngôn ngữ, triết học và dân tộc, nhìn ra bi kịch giằng xé giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cộng đồng người Việt từ thời bức tường Berlin đến khi thống nhất. Tiếp đến là thế hệ sinh sau với sự mặc cảm, giằng xé giữa hội nhập và nguồn cội.

Không nhiều nhà văn châu Âu quan tâm đề tài người Việt, cho nên tác giả Con rối tha hương thực sự gây ấn tượng với cách khai thác và góc nhìn riêng. Không hiếm đoạn văn phê bình người Việt nhẹ nhàng, tinh tế. Kalisa thẳng thắn phê người Việt hay chửi đổng, mắng mỏ người khác. “Nhiều lúc tôi rất xấu hổ, khi ở Đức có lúc thấy người Việt vẫy tay mà không dám đến gần. Tôi sợ không biết họ có đang bán hàng lậu không, sợ cảnh sát ập tới. Kalisa có cái nhìn bao dung hơn tôi nhiều, hóa ra tôi học được điều ấy, nhìn sự vật bằng con mắt khác hẳn”, dịch giả nói trong buổi giới thiệu sách ở Viện Goethe, do Alpha Books tổ chức nhân Những ngày châu Âu ở Việt Nam.

Bên cạnh những thân phận người Việt tha hương, tác giả người Đức đề cập văn hóa Việt dần len lỏi vào cuộc sống trên nước Đức. Người đọc thú vị với những hình ảnh cầu khỉ bắc qua các khu nhà, rồi nón lá thấp thoáng trên đường phố, những buổi biểu diễn rối nước chật khán giả không chỉ đến từ phía Đông mà cả Tây Đức. Dù tác giả khẳng định hoàn toàn hư cấu các nhân vật và diễn biến, nhưng những người từng sống ở Đức như dịch giả Lê Quang cảm thấy đâu đó có con người, thân phận như thế.

MỚI - NÓNG