Công trình sai phạm Panorama Mã Pì Lèng sẽ được sửa sai thế nào?

Công trình Panorama Mã Pì Lèng sẽ được chỉnh sửa thành điểm dừng chân
Công trình Panorama Mã Pì Lèng sẽ được chỉnh sửa thành điểm dừng chân
TPO - Sau nhiều tháng đình trệ, Hà Giang thúc đẩy quá trình cải tạo công trình vi phạm Panorama Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc). Tỉnh mở cuộc họp lấy ý kiến chuyên gia về phương án cải tạo công trình này.

Chủ đầu tư nói gì?
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chủ trì cuộc họp lấy ý kiến chuyên gia về cải tạo tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) xây dựng trái phép ngay trên hẻm vực Tu Sản, đoạn đèo Mã Pì Lèng. Cuộc họp có sự tham gia của chuyên gia của Hội Di sản văn hóa Việt Nam; Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Viện Bảo tồn di tích; Cục Di sản Văn hóa; Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam...

Bà Vũ Thị Ngọc Ánh, chủ đầu tư của công trình Panorama Mã Pì Lèng nhờ tới đơn vị tư vấn để đưa ra phương án cải tạo, chỉnh trang công trình thành điểm dừng chân ngắm cảnh.

Phương án sửa chữa kiến trúc: chủ đầu tư cho rằng công trình Panorama Mã Pì Lèng thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho du khách thì quy mô kiến trúc cần là thực thể phù hợp với cảnh quan, đồng điệu với kiến trúc truyền thống.

Theo đó, bà Ánh sẽ sử dụng các họa tiết, chi tiết dùng trang trí của các dân tộc địa phương vào công tác hoàn hiện công trình tạo cảnh quan gần gũi với môi trường xung quanh, đồng thời cũng là nơi giới thiệu văn hóa, các sản vật và đặc sản địa phương với du khách trong và ngoài nước.
Công trình sai phạm Panorama Mã Pì Lèng sẽ được sửa sai thế nào? ảnh 1 Panorama Mã Pì Lèng không bị đập bỏ hoàn toàn
“Về kết cấu, phần công trình trên cốt mặt đường nên giữ lại toàn bộ kết cấu, chỉ thay đổi vật liệu hoàn thiện cho phù hợp như tiêu chí của Bộ VHTTDL đã nêu. Lý do giữ lại vì phần nổi này chính là đối trọng neo giữ toàn bộ công trình, vì toàn bộ công trình nằm trên một triền dốc đứng, nếu ta đập bỏ chính là làm nhẹ phần đối trọng của toàn bộ công trình, có thể gây trượt, nguy hiểm cho toàn bộ công trình. Phần cuối phía dưới của công trình cũng vậy, nếu đập bỏ sẽ làm mất đối trọng phần chân công trình khi chịu lực bên trên dồn xuống. Phần này như chốt chặn để công trình được ổn định và giữ cân bằng vị trí. Toàn bộ kết cấu trên được liên kết chặt chẽ, tạo sự ổn định cho công trình”, chủ đầu tư nói.
Phương án cải tại thành điểm dừng chân Với mong muốn không đập bỏ công trình, chủ đầu tư nhờ đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc để trình bày các giải pháp. Theo đó, chủ đầu tư hứa hẹn tôn tạo và bổ sung cảnh quan xung quanh công trình, bằng việc trồng cây và hoa, đảm bảo cảnh quan công trình hài hòa với thiên nhiên xung quanh. Khối nhà hàng ăn uống và giải khát 2 tầng sẽ được thiết kế tường ốp vật liệu giả gỗ mô phỏng nhà truyền thống người dân tộc Mông, làm thêm ngói âm dương theo truyền thống nhà của người dân tộc Mông. Với khối nhà nghỉ ngơi 1 tầng với diện tích khoảng 207m2, tường và lan can sân trời được ốp vật liệu gỗ mô phỏng nhà truyền thống của người Mông. Các trụ cột sắt đỡ sân trời được bọc lại bằng vật liệu cây trúc. Bên dưới những lan can sân trời trồng cây rủ lá mô phỏng như thác nước chảy trên những vách đá. Bậc thang được ốp đá tự nhiên đan xen những khóm hoa…
Công trình sai phạm Panorama Mã Pì Lèng sẽ được sửa sai thế nào? ảnh 2 Các chuyên gia góp ý về phương án tổng thể và cải tạo kết cấu của tòa nhà này
“Hình thức xây dựng dạng những mảng gỗ này kết hợp với vật liệu trúc và cây xanh tạo cảm giác gần gũi, hài hòa với cảnh quan hơn”, đơn vị tư vấn khẳng định. Trong bốn phương án đưa ra, cả ba phương án đầu chỉ đưa giải pháp trồng thêm cây xanh che bớt công trình không nhận được sự đồng thuận của các nhà kiến trúc, bởi làm như thế là giả tạo và không phù hợp. Các kiến trúc sư tham dự nêu quan điểm về phương án chỉnh sửa tầng 1, dẫu vậy phương án kiến trúc chưa đạt yêu cầu. Các chuyên gia và Hà Giang thống nhất không phá dỡ toàn bộ công trình, nhưng biến Panorama thành điểm dừng chân và không có dịch vụ lưu trú qua đêm. Ba tiêu chí Hà Giang đặt ra với chủ đầu tư khi cải tạo: đảm bảo kiến trúc theo kiến trúc truyền thống văn hoá của đồng bào dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn. Thứ hai đảm bảo an toàn, thứ ba là về vệ sinh. Được biết, Hà Giang yêu cầu chu đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp tục được chỉnh sửa bản thiết kế, sau đó sẽ được gửi lên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trường ĐH Kiến trúc, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa để lấy ý kiến chuyên gia. Công trình chỉ có thể được chỉnh sửa sau khi có sự đồng thuận từ phía chuyên môn.

PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa nêu quan điểm về phương án cải tạo Panorama Mã Pì Lèng thành điểm dừng chân là đáp ứng nhu cầu tiếp cận di sản, tạo nguồn sinh kế mới cho đồng bào địa phương. Tuy nhiên ông cũng lưu ý về dự án cải tạo.

“Thứ nhất, cấu trúc của bản thuyết minh dự án còn thiếu hai nội dung quan trọng là: đánh giá tác động môi trường và giải pháp khắc phục những tác động xấu có thể xảy ra. Đặc biệt tôi quan tâm tới phương pháp xử lý chất thải (rắn và lỏng) trong quá trình vận hành công trình. Trong vùng lõi di sản, việc xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường cần được đặt ra 1 cách nghiêm túc. Để giải quyết toàn diện và triệt để những vấn đề liên quan tới dự án, tôi cho rằng nên bổ xung phần trình bày về mục tiêu và nhiệm vụ thiết kế cải tạo công trình đang tồn tại thì dự án sẽ có sức thuyết phục hơn”, PGS.TS. Đặng Văn Bài nói.


Ông cũng nhận xét các phương án cụ thể do nhóm thiết kế đưa ra lại chưa hoàn toàn tương thích hoặc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra. “Tôi đề nghị, về tổng thể dự án cải tạo kiến trúc điểm dừng chân nên đi theo hướng kiến trúc xanh hay kiến trúc sinh thái: Thiết lập lối sống gần gũi với thiên nhiên, tiết kiệm nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường trong lành, sạch đẹp theo tiêu chí phát triển bền vững”, PGS. Bài nêu.


Ngoài các phương án đã nêu, PGS.TS. Nguyễn Văn Bài cho rằng đơn vị tư vấn nên có thêm phương án mới tích hợp những ưu điểm đã có trong các phương án đã đề ra, để thể hiện rõ tính mới, tính sáng tạo, khác biệt hoặc đột phá trong tư duy về kiến trúc xanh để tạo nên công trình kiến trúc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, có bản sắc địa phương để tương lai nó sẽ được bảo vệ như là một “di sản”.

MỚI - NÓNG