Cười vang

Cười vang
TP - Đúng là phải phá lên cười, hoặc là cười thật to, khi đọc bản dịch tiểu thuyết Thành phố với những người quen xa lạ, Thanh Thủy dịch, 2016. Nói cho công bằng, cuốn sách là một thành tựu đáng nể của văn học Hàn Quốc, và hầu hết cuốn sách đã được dịch tương đối tốt, chỉ trừ… những chỗ chưa tốt.

1. Như thế này:

Phá lên cười thật to (trang 101).

Phá lên cười là tiếng cười không hề nhỏ, nó phá vỡ cả không gian, nó bật ra rất mạnh. Vậy thì không thể là phá lên cười nho nhỏ được, phải không, thưa người dịch?

Cũng thế là câu này: Mọi người đã lớn tiếng cười vang (trang 66). Chỉ có thể là lớn tiếng cười (tức là cười to), hoặc là cười vang. Chắc chắn không thể nào lớn tiếng cười tủm tỉm hoặc là khe khẽ cười vang.

(Ngoài lề một tí: vẫn chuyện cường độ âm thanh, có ngay một dịch giả khác có thể chia sẻ bằng ví dụ sau: Hai cô gái... cười khúc khích lớn tiếng khi tôi đi qua họ. Đấy là câu ở trang 486, trong cuốn Chim cổ đỏ, Nguyễn Quang Huy dịch, Nhã Nam và NXB Hà Nội, 2015. Hai cô này đã làm được một việc mà mọi người không thể làm nổi: vừa khúc khích [tức là âm thanh không to] lại vừa lớn tiếng).

2. Trong bản dịch Thành phố với những người quen xa lạ cũng có những chỗ dùng từ lai ghép Hán Việt không thuận:

Đại đa phần (trang 95): vốn dĩ người ta hay dùng “đại đa số”. Cái chữ đa phần là do nhiều người dùng quen nên đành chịu, thực ra nghe rất trái khoáy. Để diễn đạt cùng nghĩa, có những chữ có thể thuận hơn: đa số, phần lớn, phần nhiều...

Phản biện lại (trang 127): thừa chữ “lại”, cũng thừa như trong những cụm từ: tái bản lại, khôi phục lại, phản ánh lại, hoàn trả lại...

Những người có tuổi tầm trung niên trở lên (trang 146): niên có nghĩa là tuổi. Chỉ cần nói: “Những người tầm trung niên trở lên” hoặc “Những người độ trung niên trở lên”. Cũng vì không hiểu chữ niên và chữ vị mà có nhiều người viết: Em học sinh này chưa đến tuổi vị thành niên (vị thành niên đã có nghĩa là chưa đến tuổi trưởng thành).

Các cô gái cùng đồng thanh cất tiếng cười (trang 191): đồng thanh là cùng cất tiếng, cùng tạo ra âm thanh. Cùng đồng thanh là thừa chữ, giống như cái chữ thừa đã thành mốt hiện nay: cùng đồng hành.

3. Người dịch cũng để thừa chữ:

K đỗ xe ngay sát cạnh cái cây (trang 346): chỉ cần viết “ngay sát cái cây” hoặc “ngay cạnh cái cây”. Sát cạnh thì chữ nghĩa hơi rườm rà.

4. Dịch chưa thoát vì diễn đạt tiếng Việt không xuôi:

Theo sự kéo đi của MS, K đã tiến vào bên trong tiệm giặt là (trang 350): “để cho MS kéo đi” hoặc “bị MS kéo đi”, thế mà được diễn đạt thành câu trên thì có lẽ phải gọi nó là kiểu câu có cấu trúc pha trộn, Tây và An Nam giao duyên.

Thêm một câu này:

K ngồi dậy nửa người (trang 6 và 172, hai lần).

Ha ha ha, trước khi kết thúc bài này, ta lại phải “phá lên cười thật to”. Phải tự đoán rằng nhân vật K đã nhổm dậy ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Hay là còn tư thế nào khác mà trí tưởng tượng của người đọc chưa hình dung được?

MỚI - NÓNG