Dạ cổ hoài lang - phim bi buồn cười

Một cảnh trong phim “Dạ cổ hoài lang”.
Một cảnh trong phim “Dạ cổ hoài lang”.
TP - Một vở kịch hoàn hảo chuyển thành bộ phim dở tệ. Nghe nói ê-kip bỏ mấy năm làm phim, nỗ lực lấy nước mắt của khán giả nhưng xem xong phim bi kiểu thế này thấy buồn cười là chính, và chán toàn tập.

PHỐT KHÔNG HIẾM NHƯNG NGỘ NGHĨNH

Chỉnh sửa ảnh vợ Tưởng Giới Thạch dùng làm ảnh thờ nhân vật vợ Tư Lành trong Dạ cổ hoài lang quả là chuyện cười trong năm của làng điện ảnh. Dân làm nghề cho biết “Sự ẩu tả thế này không hiếm ở phim Việt Nam”. Tuy nhiên nổi tiếng, được phát giác nhanh chóng bởi một khán giả ngoại đạo như vụ này thì mấy ai, phim nào bì được.

Xem xong phim, tự hỏi không hiểu họ định chỉnh sửa thế nào trong bối cảnh nhìn góc nào cũng thấy bức ảnh lù lù ở các cảnh nội của phim! Và đạo diễn có thể để Tư Lành bị người vợ quá cố ám ảnh nhưng nỡ nào bắt khán giả cũng thế.

Nhớ phim Ngôi nhà trong hẻm của đạo diễn Lê Văn Kiệt dăm năm trước, có cái quan tài chình ình giữa nhà choán gần hết chiều dài phim. Một đạo diễn nói nhỏ “Nó thâm đấy”. Thâm nho sâu sắc ở đâu không biết nhưng khán giả như tôi hồi đó nghĩ mình làm gì nên tội mà phải vào rạp ngắm mãi cái quan tài, quay đi đâu cũng không thoát!

HÀI TRẺ CON

Hoài Linh hé mở, hài trong phim ý nhị. Chắc anh muốn nói về đoạn hai ông già cù cưa điện thoại ở đầu phim? Hoặc đoạn Năm Triều thời trẻ đứng bụi cây nhòm trộm Tư Lành và Út Trong tự tình, bị kiến đốt nhảy tưng tưng? Màn giao đãi Hoài Linh- Chí Tài là món tủ của Paris By Night, lúc hay lúc dở, vào phim này thấy kiểu gây cười trẻ con, rặn ra mà cười đấy khó cù khán giả thời buổi này. Kịch bản đã kém mà diễn xuất lại mòn một lối “con đường xưa em đi”.

Hay đoạn Tư Lành và Năm Triều hồi trẻ ngồi cầu tiêu vừa hành sự vừa tâm sự đúng lúc cô gái mà cả hai cùng yêu tình cờ ngang qua khiến họ phải thụp xuống? Dù ê-kíp cố gắng trang trí cái cầu tiêu trông không đến nỗi dơ dáy (có khi còn định làm sao cho “nên thơ”?) nhưng cảnh này chỉ gây ấn tượng phô, thẩm mỹ kém, chả thấy hài hước hoặc ấm tình quê gì cả. Hoặc cũng buồn cười nhưng chắc không như đạo diễn dự liệu. Đến hài của Mít-tơ Bin còn bị khán giả khó tính nước Anh gọi “hài toa-let” nữa là...

LẠC HẬU

Trong bài Điện ảnh Việt vẫn hoang sơ và hồn nhiên, bài “Thần tượng” và bệnh phim Việt, tôi từng chỉ ra những căn bệnh thâm căn cố đế của điện ảnh nội: Giả, cũ, lạc hậu. Thiếu chuyên sâu chuyên biệt, đơn giản dễ dãi (hồn nhiên hoang sơ). Sáo, nhạt. Làm quá, nói quá. Có lớn không có khôn. Vân vân. Thì Dạ cổ hoài lang mắc cả.

Năm 1994 vở kịch Dạ cổ hoài lang ra mắt, chấn động sân khấu cả nước. Năm 1995 tôi đi xem ở Sài Gòn thấy thật sự hoàn hảo, đặc biệt là diễn xuất của Việt Anh, Thành Lộc.

Tuy nhiên, 23 năm sau, cho dù vẫn vở kịch đó với những diễn viên diễn xuất ổn định đó nhưng nếu xem lại chưa chắc giữ nguyên ấn tượng trước kia, bởi tâm thế người xem đã khác, thời cuộc đổi thay quá nhiều.

Thế mà Dạ cổ hoài lang phiên bản điện ảnh lại nệ cổ, lệ thuộc phần lớn vào kịch bản sân khấu. Không thoát thai nổi cả về kịch bản, dàn dựng, diễn xuất. Xem bộ phim màn ảnh rộng ở rạp mà cứ như đang ngồi nhà xem vở kịch truyền hình có điểm tí cảnh ngoại.

Biểu thị nỗi nhớ nhà của nhân vật, đạo diễn tạo ép-phê bằng cách cho ông Tư Lành ôm khư khư con vịt (không biết nhặt đâu ra), làm người khác phải xông vào bắt mang đi. Hoặc giăng giữa nhà bức tranh vải vẽ cảnh quê hương trong ngày giỗ vợ. 

Hai mấy năm trước kịch Dạ cổ hoài lang mà tung những chi tiết này còn chả xem nổi nữa là bây giờ. Kể cả hình ảnh thuyền nhân trong bão tố, rất sáo mòn.

Hiếm cú máy nào là điện ảnh trong Dạ cổ hoài lang. Chủ yếu hai ông cháu Tư Lành đứng trong căn phòng chật chội mà đôi co, còn các nhân vật khác đứng như phỗng bên cạnh. Hoặc màn giao đãi nhạt nhẽo của ông Tư ông Năm. Cách nhân vật đối thoại thì như căn bệnh chỉ ra trên kia: Làm quá, nói quá. Đã nhạt lại thích cường điệu.

Ví dụ cô cháu gái phản ứng ông nội thắp hương cho bà nội bằng bánh ga-tô mà cô dành tặng sinh nhật người yêu. Cô buông lời đá đeo xong giằng qua giằng lại chiếc bánh. Vứt toẹt hương khói vào chậu, dội nước lên. Sổ toẹt bức tranh to như cái chiếu vẽ quê hương mà ông giăng giữa nhà. Cường điệu lời nói, cường điệu hành động, thành ra giả khượt. Nỗi nhớ giả, xung đột và cao trào giả.

Nhân đây cũng nói, đạo diễn xây dựng cô cháu nội Mỹ Tâm, tên tiếng Anh là Tammy như thể ghét cô ấy lắm không bằng.

Cô đã có người yêu là một anh Mỹ da màu chứ nào phải bé mọn gì, nhưng từ đầu đến cuối hành xử kiểu đầu óc có vấn đề, chứ va đập văn hóa Đông-Tây thô thiển, sỗ sàng thế khiến khó tin. Hơi tí dọa “gọi pô-lít” (police, cảnh sát) để xử lý ông nội. Cô trang điểm nhôm nhoam, mặc chiếc váy chấm bi xấu xí và đi đôi tất dài trắng toát phản thời trang, khiến càng dễ ác cảm hơn. Từ đầu đến cuối một kiểu mặt, một kiểu diễn.

Cuối phim, đạo diễn để cô “cua rất gấp” trong màn sám hối. Bố cô đi làm về thấy ông nội cô đã bỏ đi, bèn ngồi xuống ghế giở cuốn nhật ký ngồi đọc thốc vào mặt cô. Chưa đọc dòng nào thấy mắt cô đã dâng lên đầy nước trong khi trước đó đằng đằng sát khí. Hoàn toàn là sự phát triển tâm lý chủ quan của đạo diễn, không phải tâm lý nhân vật. 

Đạo diễn kể, rất kỳ công mai phục tuyết rơi ở Canada để quay cảnh ngoại. Thế mà xem thấy không ăn nhập gì với nội dung. Hoài Linh cứ khoác cái chăn chiên đi ngoài đường giữa trời rét mướt, thấy hơi “tưng” hơn là đồng cảm. Hiếm hoi có một cảnh ngoại thì thường là chắp ghép, giả tạo. Kể cả cảnh ông con trai- Nguyễn đảo qua nhà dưỡng lão tìm bố.

Quê nhà hiện lên trong cảnh hai nhân vật chính hồi tưởng thời trẻ xem đỡ ngột ngạt hơn cảnh nội ở Mỹ, nhưng cũng na ná Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và một số phim khác. Cuối phim, Mỹ Tâm mặc áo dài trắng đi trên con đường làng quê hương. Giá trên nền đó vang lên giai điệu Chào Việt Nam của Phạm Quỳnh Anh chắc càng “hoàn chỉnh”.

Dạ cổ hoài lang ra rạp đã nửa tháng,  đạt doanh thu ban đầu. Tôi lẽ ra không viết bài này nếu không đọc một số bài báo viết rằng cần cổ động những phim như Dạ cổ hoài lang,  bởi tâm (đạo diễn) như thế, nỗ lực làm mới vở kịch ca ngợi tình cảm gia đình, tình yêu quê hương như thế.

Ai đó nói Dạ cổ hoài lang là phim bi lấy được nước mắt của khán giả còn tôi cho rằng muốn có được doanh thu cao cho những tác phẩm điện ảnh chân chính thì nhà sản xuất phải có giải pháp thức thời hơn. Bởi nếu như kịch Dạ cổ hoài lang xem tại thời điểm thập kỷ 90 thế kỉ trước khá hoàn hảo thì phiên bản điện ảnh thấy buồn cười nhiều hơn, nhất là khi liên tưởng lời một triết gia nói về việc lịch sử là sự lặp lại nhưng lần đầu là bi kịch thì lần sau có thể là hài kịch.

“Một bộ phim có bốn cái “chết”: Cảnh chết, nội dung chết, nhân vật chết, diễn xuất chết” 

Nhà biên kịch- phê bình Đoàn Tuấn, nói về phim “Dạ cổ hoài lang”

Xem phim của Nguyễn Quang Dũng hay phải ngả mũ chào người quen. Ví dụ Những nụ hôn rực rỡ là sự bắt chước trắng trợn High School Musical của Mỹ, còn xem Hồn Trương Ba da hàng thịt thấy bóng dáng một số phim giải trí hạng hai của Châu Tinh Trì. Dạ cổ hoài lang chỉ là sản phẩm mới nhất không cho thấy khả năng nắm bắt hiện thực đời sống cũng như tay nghề cứng cựa của đạo diễn này.

MỚI - NÓNG