'Đặc sản' sơn mài ra mắt xứ kim chi

Giám tuyển Trần Quốc Hùng giới thiệu về các bức sơn mài sẽ được mang sang Hàn Quốc. Ảnh: N.M.Hà.
Giám tuyển Trần Quốc Hùng giới thiệu về các bức sơn mài sẽ được mang sang Hàn Quốc. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Một thoáng sơn mài Việt Nam do phòng tranh Art Tunnel tổ chức tại Hàn Quốc với sự tài trợ của quỹ HansaeYes24. Đây là lần đầu tiên một đơn vị tư nhân đem một dòng tranh tiêu biểu của Việt Nam ra giới thiệu ở nước ngoài một cách bài bản.

Triển lãm Một thoáng sơn mài Việt Nam diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Ganainsa, Seul, Hàn Quốc từ 15 đến 20/7. Ba họa sĩ Trần Phi Trường, Đỗ Khải, Nguyễn Hải Nam và giám tuyển Trần Quốc Hùng được mời tham dự khai mạc và giới thiệu tranh tại triển lãm.

Tổng giám đốc Art Tunnel- ông Nguyễn Sơn Trường khẳng định: “Với xuất phát điểm là nghệ thuật, mục tiêu đầu tiên của triển lãm là giao lưu văn hóa. Xưa nay, các triển lãm tranh Việt Nam quy mô tại nước ngoài đều được thực hiện qua kênh Nhà nước do cục, hội đứng ra tổ chức. Chúng tôi tự hào vì đã góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài”. Ông Trường thông báo Hansae tài trợ cho triển lãm hoàn toàn trên tinh thần phi lợi nhuận. Trong quá trình triển lãm, nếu tranh có người mua thì toàn bộ thu nhập thuộc về họa sĩ và Art Tunnel.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh khen cách tổ chức của Art Tunnel chuyên nghiệp, có cả họp báo trước triển lãm - điều mà các triển lãm Nhà nước không làm được (hoặc không cho là cần thiết). Sơn mài Việt Nam hai năm gần đây cũng được giới thiệu ở Anh, Ý… qua kênh Nhà nước.

Tranh sơn mài là đặc sản riêng có của Việt Nam (các nước khác chỉ dùng sơn mài làm hàng mỹ nghệ), tuy nhiên còn ít được thế giới biết tới, một phần do khó khăn trong vận chuyển và bảo quản. Một thoáng sơn mài Việt Nam đưa 42 tác phẩm sơn mài của 14 họa sĩ Việt Nam sang Hàn Quốc đợt này. Trong đó 12 bức mang phong cách tạo hình truyền thống (tả thực) của Hà Anh Tuấn, Nguyễn Đức Việt, Nguyễn Nghĩa Dậu, Nguyễn Tấn Cường, Nguyễn Hiệp Anh, Đức Hùng. Các bức còn lại phá cách với lối vẽ hiện đại của Nguyễn Trường Linh (giải Vàng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010), Trần Phi Trường, Nguyễn Hải Nam, Đỗ Khải, Phạm Thăng  Long, Hoàng Hữu Vân, Ngô Hải Yến và Đặng Hiền.

Khi được hỏi về tiêu chí chọn tranh cho triển lãm, ông Nguyễn Sơn Trường nói: “Việc lựa chọn dựa trên quá trình làm việc lâu dài của tác giả với gallery và theo tiêu chí riêng của gallery.” Một số họa sĩ được chọn là những tên tuổi nổi bật, sở hữu vài triển lãm riêng. Phần lớn là thành viên của nhóm Sơn Ta - chuyên dùng sơn tự nhiên để làm tranh. Việc chọn tranh cho triển lãm có sự tham gia của một giám tuyển người Hàn Quốc thuộc Trung tâm Ganainsa. Thành lập năm 1983, đây là nơi diễn ra triển lãm của những tên tuổi lớn trong nghệ thuật hiện đại thế giới như Antoni Tapies, Sam Francis, Jasper John, Roy Lichtenstein, Joan Miro, Wilfredo Lam.

Không chỉ treo tranh, nhà tổ chức Một thoáng sơn mài còn lập niên biểu về sơn mài Việt Nam và làm một phim tài liệu ngắn giới thiệu khá cặn kẽ về lịch sử của tranh sơn mài cũng như quy trình làm tranh sơn mài. Theo những tư liệu mà họ công bố thì sơn mài đã manh nha ở Việt Nam cách đây 2.500 năm với sự phát lộ của mộ thuyền Việt Khê vào năm 1961 tại Thủy Nguyên, Hải Phòng. Trong ngôi mộ cổ này, các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều công cụ bằng sơn và được phủ sơn như mái chèo, cán dáo, hộp chữ nhật, mảnh da…

Quỹ HansaeYes24 thuộc tập đoàn may mặc Hansae thành lập năm 2014 nhằm tăng cường kết nối kinh tế, văn hóa… giữa Hàn Quốc với các nước có quan hệ ngoại giao. Ngoài cấp học bổng cho sinh viên, học giả học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc, quỹ còn tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ, nhà văn, nhà làm phim, nhiếp ảnh gia… nước ngoài giới thiệu tác phẩm của họ tại Hàn Quốc. 

MỚI - NÓNG