Đại dự án tâm linh bí hiểm: Đoàn kiểm tra liên ngành nói gì?

TP - Bằng điều tra riêng, chúng tôi đã tiếp cận được nội dung thông tin được cho là nằm trong vòng  “bí mật” về cuộc kiểm tra của tỉnh Quảng Trị đối với dự án tâm linh do Công ty TNHH Thống Nhất triển khai ở địa bàn hai xã Cam Tuyền (Cam Lộ) và Hướng Hiệp (Đakrông).

Đây là đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập theo Quyết định số 279/QĐ-UBND ngày 20/2/2017, do ông Nguyễn Văn Hiệt, Phó giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Quảng Trị làm trưởng đoàn với các thành viên là đại diện các ban ngành liên quan. Nội dung kiểm tra các hoạt động của Công ty TNHH Thống Nhất thực hiện khu du lịch văn hóa tâm linh Tuyền Lâm ở xã Cam Tuyền và xã Hướng Hiệp.

Nhiều sai phạm

Đầu tháng 4/2017, đoàn đã có báo cáo kết quả kiểm tra gửi UBND tỉnh. Trong báo cáo này, đoàn kiểm tra đã có nhiều ý kiến quan trọng rất đáng chú ý. Cụ thể:

- Mặc dù UBND tỉnh Quảng Trị đã có chỉ đạo, tuy nhiên cho đến thời điểm kiểm tra Công ty Thống Nhất vẫn không lập phân khu chức năng du lịch văn hóa tâm linh, an dưỡng cao cấp và bảo tồn sinh thái trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt theo quy định; chưa chuyển mục đích sử dụng đất; không tiến hành các thủ tục cấp phép xây dựng một số hạng mục công trình là vi phạm pháp luật.

Đại dự án tâm linh bí hiểm: Đoàn kiểm tra liên ngành nói gì? ảnh 1 Bảng ghi nhận kỷ lục của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tại khu tâm linh Tuyền Lâm 

- Một số hạng mục công trình như: Nhà nghỉ cụ từ (người trông coi và hương khói ở khu tâm linh), đền thờ chính đã được cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên việc sử dụng đất, xây dựng công trình của công ty là không phù hợp với mục đích sử dụng đất đã giao, vì đây là đất được cấp phép sản xuất, kinh doanh.

- Các hạng mục công trình gồm: Nhà đặt tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, tháp chuông, tượng Phật Bà Quan Âm, am thờ các vị thần, đền thờ chính đã xây dựng nhưng qua quan sát bằng mắt thường cũng như dùng máy GPS cầm tay, đoàn kiểm tra nhận thấy các hạng mục này nằm ngoài ranh giới đất đã được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 1703/QĐ-UBND ngày 14/9/2010 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 01506 cấp ngày 28/2/2011 là có dấu hiệu phạm pháp.

Cũng theo đoàn kiểm tra, hai kỷ lục quốc gia là nhà đặt tượng Thích Ca Mâu Ni và tượng Phật Bà Quan Âm cùng với hạng mục công trình tháp chuông, hạng mục công trình am thờ các vị thần đều không có giấy phép xây dựng; còn đền thờ chính đã xây dựng không đúng vị trí được Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị cấp phép.

Qua kiểm tra, đoàn liên ngành đã có một số đề xuất kiến nghị với UBND tỉnh:

- Yêu cầu Công ty TNHH xây dựng Thống Nhất không được tiếp tục xây dựng các công trình mới liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo tại khu vực Lèn Ba (3); đối với các công trình đã xây dựng giữ nguyên hiện trạng, chờ các cơ quan chức năng xem xét, xử lý.

- Yêu cầu công ty khẩn trương lập quy hoạch phân khu chức năng Khu du lịch văn hóa tâm linh, an dưỡng cao cấp và bảo tồn sinh thái Tuyền Lâm trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định.

- Trước khi cấp phép cho công ty tiếp tục đầu tư thực hiện dự án, đề nghị các cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với Công ty Thống Nhất về các hành vi phạm pháp trong việc sử dụng đất đai và xây dựng.

- Giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Cam Lộ hướng dẫn Công ty Thống Nhất hoàn chỉnh các thủ tục về đất đai, xây dựng, đồng thời thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trong sử dụng đất, xây dựng tại khu vực Lèn Ba thuộc xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ.

- Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng rút kinh nghiệm trong việc xác nhận đất đai, cấp phép xây dựng không phù hợp với mục đích sử dụng đất đã được UBND tỉnh cấp phép.

“Giơ cao đánh khẽ”?

Đoàn kiểm tra liên ngành đã chỉ ra quá nhiều sai phạm nghiêm trọng của việc triển khai xây dựng dự án này. Từ việc chỉ được cấp đất sản xuất, kinh doanh, sau đó tỉnh mới đồng ý về mặt chủ trương cho phép mở khu du lịch văn hóa tâm linh (chưa phê duyệt chính thức), nhưng Công ty Thống Nhất đã cho xây dựng nhiều công trình tín ngưỡng khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ngay trên mảnh đất được cấp phép xây dựng cũng phạm pháp khi xây ngoài ranh giới cho phép, hai trong ba công trình được công nhận kỷ lục quốc gia Việt Nam cũng phạm pháp...

Tuy nhiên, đề xuất của đoàn kiểm tra cũng bộc lộ yếu tố “giơ cao đánh khẽ”, cụ thể theo hướng là “phạt rồi cho tồn tại”. Đơn cử như kiến nghị của đoàn kiểm tra: “Đối với công trình mà công ty đầu tư kinh phí xây dựng nêu trên (tức là vi phạm - PV): nhằm tránh lãng phí về nguồn lực xã hội, đề nghị không xử lý bằng hình thức tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ để trả lại mặt bằng; yêu cầu công ty bổ sung đưa vào quy hoạch "Phân khu chức năng Khu du lịch văn hóa tâm linh, an dưỡng cao cấp và bảo tồn sinh thái tự nhiên Tuyền Lâm” trình cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt theo quy định, đồng thời hoàn chỉnh các thủ tục về cấp phép xây dựng” (hết trích).

Ngoài ra, sự tắc trách của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị là thấy rõ. Như xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường vào tờ trình của Công ty Thống Nhất về việc xin cấp đất xung quanh núi C (Rốc Buy) là chưa cụ thể về mục đích sử dụng đất đã giao.

Còn Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng (số 272/GPXD ngày 21/6/2013) cho phép công ty này xây dựng công trình đền thờ Hùng Vương và các anh hùng liệt sĩ gắn liền với các nhân vật tín ngưỡng dân gian Quảng Trị ngay trên bãi tập kết, dự trữ đá nguyên liệu và chế biến đá, trái với Quyết định số 1703/QĐ-UBND ngày 14/9/2010 của UBND tỉnh. Việc đoàn kiểm tra chỉ đề nghị hai Sở này “rút kinh nghiệm” là không phù hợp.

Từ khi đoàn kiểm tra liên ngành kết luận và báo cáo UBND tỉnh đến nay, tình hình triển khai dự án tâm linh vẫn không thay đổi cho dù trên thực tế đã thực hiện 10 năm. Lãnh đạo các cơ quan như Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Trị, Sở Xây dựng từ chối thông tin hoặc thông tin chưa đầy đủ như Sở Tài nguyên và Môi trường. Các cơ quan này cũng chưa nhận rõ vai trò trách nhiệm của mình với dự án đã nêu, một dự án mà doanh nghiệp được ưu ái đến khó tin, đã tự tung tự tác trên một diện tích đất đai khổng lồ trên địa bàn từ trước đến nay.

Còn những sai phạm đã được chỉ rõ của  Công ty Thống Nhất vẫn chưa bị xử lý. Trong khi đó dư luận vẫn nóng theo chuyện hơn 1.000 ha rừng cho Công ty Lâm nghiệp Đường 9 gây thất thoát chưa được xử lý nghiêm minh và nhiều người dân Cam Lộ, Đakrông vẫn thiếu đất sản xuất trầm trọng. Theo ông Nguyễn Thành Công, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lộ, nhiều doanh nghiệp đang muốn đến đây đầu tư thì vướng phải khu vực đất quá rộng lớn và đắc địa chứa “công trình tâm linh” của Công ty Thống Nhất nên đành bó tay.     

Phóng viên đã liên hệ với ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị để tìm hiểu sự việc. Ông Hưng nhận lời và cho hay sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng báo cáo, sau đó ông lại cho biết đã giao cho ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị thông tin với phóng viên. Liên hệ công việc với ông Hà Sỹ Đồng,  ông thông tin sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan báo cáo về dự án Tuyền Lâm trong thời gian tới.

Đại dự án tâm linh bí hiểm: Đoàn kiểm tra liên ngành nói gì? ảnh 2

Đường lên một ngôi đền trong khu tâm Linh Tuyền Lâm Ảnh: PXD

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.