Đại sứ mặc áo dài, làm phim quảng bá Việt Nam

Đại sứ Phạm Sanh Châu luôn mặc áo dài Việt Nam trong các dịp nghi lễ quan trọng. Ảnh: Đăng Luân
Đại sứ Phạm Sanh Châu luôn mặc áo dài Việt Nam trong các dịp nghi lễ quan trọng. Ảnh: Đăng Luân
TP - Mỗi đại sứ Việt Nam ra nước ngoài luôn có nhiều cách sáng tạo để quảng bá hình ảnh Việt Nam trong điều kiện kinh phí eo hẹp. Đại sứ Phạm Sanh Châu gây ấn tượng bằng việc mặc áo dài truyền thống, còn Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch chủ động mời các bạn trẻ Iran sang Việt Nam làm phim.

Đại sứ chịu khó mặc áo dài

Là đại sứ ngoại giao, nhưng dường như quảng bá văn hóa đã trở thành thế mạnh của Đại sứ Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO. Không chỉ trong phiên họp tại Ethiopia hồi tháng 12/2016, khi hồ sơ “Thực hành Tín ngưỡng đạo Mẫu của Việt Nam” được các thành viên UNESCO thông qua, Đại sứ Phạm Sanh Châu xuất hiện trong trang phục áo dài, khăn đóng rất Việt Nam, mà nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng, ông cũng rất hãnh diện khi khoác trên mình bộ trang phục rất truyền thống.

Đại sứ Châu chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng tạo sự khác biệt về hình ảnh Việt Nam, không phải cho tôi, mà cho đất nước tôi. Bởi vì sự khác biệt sẽ tạo được hiệu ứng truyền thông. Tôi nhớ hồi làm Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, tôi luôn được lên trang nhất các báo vì... mặc áo dài.  Nhà vua Bỉ đến bắt tay và nói chuyện với Đại sứ Việt Nam lâu hơn so với các đại sứ khác. Tôi cũng muốn thông qua việc mặc áo dài để giới thiệu với bạn bè quốc tế rằng, chúng ta có trang phục riêng dành cho nam giới. Tôi cũng muốn quảng bá lụa Việt Nam và mong ước một ngày nào đó áo dài và phương thức sản xuất lụa của Việt Nam cũng có thể được ghi nhận là di sản thế giới”.

Đại sứ Sanh Châu tiết lộ, ông có cả thảy 15 chiếc áo dài. Tất nhiên, ông không quá cầu kỳ về kiểu dáng và màu sắc. Tất cả áo dài của Đại sứ Sanh Châu đều do doanh nghiệp gấm Thái Tuấn thiết kế và tặng. Tính đến nay, đại sứ Phạm Sanh Châu đã có 17 năm gắn bó với ngoại giao văn hóa.

Tự làm phim quảng bá Việt Nam

Bộ phim “Thiên đường không xa” do các nhà làm phim trẻ Iran thực hiện theo “đặt hàng” của đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch đã thành công ngoài mong đợi. Đây là bộ phim quảng bá du lịch Việt Nam đầu tiên bằng tiếng Ba Tư, do chính người Iran thực hiện. Bộ phim dài 45 phút giới thiệu về các danh lam thắng cảnh Việt Nam như Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình, Hội An, TPHCM. Mỗi địa danh là một câu chuyện nhẹ nhàng, thú vị với những góc quay đẹp bằng fly-cam.

Trước đó, Đại sứ Thạch đã chủ động mời nhóm làm phim trẻ người Iran sang Việt Nam  quay phim. Họ háo hức đến mức khi đại sứ chưa kịp tìm đủ nguồn kinh phí làm phim, họ đã đặt vé bay sang Việt Nam vào ngày cuối năm 2015. Sau đó, ông cũng khá vất vả trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ khẩn cấp cho đoàn đi quay từ Bắc vào Nam. Các nhà làm phim Iran ngỡ ngàng trước cảnh đẹp của Việt Nam.

Đại sứ Thạch đã từng chia sẻ với  phóng viên Tiền Phong: “Khi sang Iran nhận nhiệm kỳ đại sứ vào năm 2014, tôi đã nhận ra tiềm năng du lịch rất lớn của Iran. Các bạn Iran còn ít biết đến mình thì mình phải làm dần dần thôi”.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm ra mắt, bộ phim “Thiên đường không xa” đã được trình chiếu 6 lần tại sân vườn của Đại sứ quán Việt Nam tại Iran. Cuối tháng 12/2016, bộ phim lại tiếp tục được trình chiếu ở 6 thành phố Tehran, Esfahan, Shiraz, Kish, Tabriz và Kashan của Iran cùng với biểu diễn nhạc dân tộc và triển lãm ảnh Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Iran.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.