Đám cưới chuột đỏ xanh

Nhà văn Lê Đại Thanh - bên cạnh đ/c Đỗ Mười, trong dịp đại hội Hội Nhà văn Việt Nam
Nhà văn Lê Đại Thanh - bên cạnh đ/c Đỗ Mười, trong dịp đại hội Hội Nhà văn Việt Nam
TP - Hồi làm ở tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam đóng trong sân Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam ở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, tôi thường được gặp những văn nghệ sĩ lừng danh và cả những người gần như vô danh với quần chúng đông đảo mà lẽ ra phải rất nổi tiếng. Trong đó có tác giả bài thơ “Đám cưới chuột đỏ xanh”.

Những người nổi tiếng tôi hay thấy là các nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Tế Hanh, Anh Thơ, Nguyễn Xuân Sanh…; các nhà văn Kim Lân, Tô Hoài…; các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đình Phúc, Huy Du, Phạm Tuyên…; các đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, Đặng Nhật Minh…; các hoạ sĩ Vũ Giáng Hương, Trần Khánh Chương… Đó là chưa kể những tài danh lớp sau. Có một số người trước tôi chưa hề nghe tên, nhưng tiếp xúc mới thấy phát lộ ra những tài năng và phận đời rất thú vị. Một trong số họ là nhà thơ Lê Đại Thanh.
Đó là một ông già cao, người thanh, tóc bạc để khá dài bồng bềnh, dáng đi nhanh nhẹn như thanh niên, áo kẻ, quần bò, đóng phăng, đội mũ phớt, nhìn khá thời trang mặc dù tính tuổi thì hồi đó ông đã khoảng 85 tuổi (ông sinh năm1907). Tóm lại là một ông già đẹp (đẹp chứ không phải là đẹp lão). Tôi gặp nhiều nhà văn, nhà thơ và nhớ có hai người đẹp như vậy. Ngoài Lê Đại Thanh còn có Hữu Loan. Nhưng vẻ đẹp của hai ông khác nhau. Lê Đại Thanh là vẻ đẹp lãng tử còn Hữu Loan thì phong trần.
Lê Đại Thanh hay rẽ vào căn phòng của Tạp chí Diễn đàn uống nước, trò chuyện. Có thể nói tôi khá được ông thích vì còn trẻ mà chịu khó nghe chuyện, biết đưa đẩy tỏ ra là người chịu đọc. Thêm nữa tôi là người Thanh Hoá. Chả là Lê Đại Thanh cũng có gốc ở Xứ Thanh mặc dù ông sinh ở Hải Phòng. Khi nói chuyện, Lê Đại Thanh có cái nhìn chăm chú, vui tươi và… quái. Ông ưa nhận xét và góp ý. Chẳng hạn một hôm ông chỉ vào chén nước trước mặt ông mà hơi lâu rồi tôi chưa rót thêm trà nói: “Cậu phải chăm chút chén trà của khách. Để trà của khách nguội bị coi là khinh người”. Cho đến bây giờ, tiếp khách tôi vẫn luôn chú ý đến chén trà của họ.
Lê Đại Thanh cũng là người hóm hỉnh và tự trào. Năm 1995, tôi (lúc đó đã chuyển sang báo Tiền Phong) đi tường thuật Đại hội Nhà văn Việt Nam tại Hội trường Ba Đình, được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên kể chiều hôm trước trời mưa, nhà thơ Lê Đại Thanh bước từ hội trường xuống sân ngã oạch một cái vì trơn. Trong khi mọi người tái mặt vì lúc đó ông đã ngót nghét 90 xuân thì nhà thơ nhỏm dậy mặt tỉnh bơ hỏi: “Chứ vừa rồi tôi ngã có đau không?”
Lại nói hồi đó ở Diễn đàn trong sân 51, cứ nói chuyện rồi cả tôi và ông đều thú vị khi phát hiện ra tôi đã bay sang Nga cùng một chuyến với con trai ông là nghệ sĩ Lê Chức (nay là Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam). Hồi đó, năm 1981, anh Lê Chức là trưởng nhóm du học sinh trong đó có tôi bay sang Nga (anh nhiều tuổi hơn chúng tôi, có lẽ do là cán bộ đi thi đại học, đỗ cao được cử đi học nước ngoài). Rồi thì cả một nhóm hậu duệ đông đúc của ông đều tài năng và thành danh, trong đó có con trai – họa sĩ Lê Đại Chúc, con gái – nghệ sĩ ưu tú Lê Mai và đặc biệt là 3 cô cháu gái xinh đẹp, tài giỏi mà tôi thấy cũng thỉnh thoảng đảo qua sân 51: NSƯT Lê Vân, NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vi…
Sau này, tôi đọc thấy Lê Đại Thanh từng học trường Bưởi (khoảng giữa những năm 20), ngồi cùng bàn với người sau này trở thành danh hoạ - Nguyễn Gia Trí. Rồi Lê Đại Thanh từng dạy học ở Nam Định, quen biết Ngô Gia Tự và “gõ đầu” những Nam Cao, Nguyên Hồng ở đây. Rồi ông chuyển lên dạy ở Hoà Bình, tiếp nữa là Cao Bằng và trong số học trò có hai người đều dân tộc Tày, sau này đều lên đến trung tướng là Bằng Giang và Nam Long. Ông thuộc lớp nhà thơ, nhà viết kịch hiện đại đầu tiên, cùng với những tên tuổi như Thế Lữ, Vi Huyền Đắc và từng đoạt giải thưởng văn học của Tự Lực Văn Đoàn. Ông làm thơ, viết kịch, đóng kịch đủ cả. Ông là hội viên sáng lập của Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Ông từng “dính” Nhân văn giai phẩm và tác phẩm không được phổ biến một thời gian dài. Đó là lý do tôi không hề biết ông cùng tác phẩm trước khi gặp mặt. 
Cũng như nhiều văn nghệ sĩ cùng thời, ông từng tham gia các hoạt động yêu nước, cách mạng từ đầu những năm 40, đến kháng chiến chống Pháp thì gia nhập quân đội, như sau này ông viết lại trong bài thơ “Di chúc” (Ông viết năm 1965, hơn 30 năm trước cái chết của mình): Tôi bước vào đời đã ngả theo Cách mạng/ Như hoa hướng dương quay theo ánh mặt trời/ Đảng là đại dương/ tôi là con cá hồng bơi/ Đảng là núi/ tôi là con chim ngực đỏ/ Tôi đã nằm tù với tổ Việt Minh đất bể/ Kháng chiến thánh thần tôi ngủ rừng bưng/ Với anh em chiến binh trải lá làm giường/ Đơn vị pháo hành quân vào địch hậu/ Tôi cầm bút theo tổ xung phong chiến đấu… Về bài thơ này, có giai thoại rằng có người hỏi nhà thơ Tế Hanh đó có phải là thơ của thi hào người Ấn Độ Tagore hay không. Tế Hanh trả lời: “Tôi không chắc đó có phải là thơ của Tagore không nhưng tôi chắc đó là thơ của Lê Đại Thanh ở Hải Phòng” (Sở dĩ người nào đó băn khoăn có phải thơ Tagore không vì bài “Di chúc” có nhiều những câu thơ tầm cỡ chẳng hạn thế này: Khi tôi chết người thân đừng nhỏ lệ/ Mà ngâm với tôi một đoạn ngắn thơ tôi/ Chết là trở về tinh thể sao trời/ Trả trái đất những gì vay mượn trước/ Chào những bộ hành tuổi xanh xuôi ngược/ Tôi xuống ga đời gửi lại vé quê hương…).
Nhưng hồi ấy, Lê Đại Thanh không kể cho tôi nghe những chuyện đó mà kể mấy lần ông bị bắt. Lần hiến binh Nhật bắt thật khốn khó: Chúng đánh rất nặng tay, toàn giộng báng súng. “May tớ có võ mới sống được” – ông khoe. Rồi sau cách mạng tháng Tám, ông trở thành uỷ viên tuyên truyền trong Uỷ ban Kháng chiến lâm thời thành phố Hải Phòng. Tính mạng ông đã có lần như trứng để đầu đẳng khi bị đám Quốc dân Đảng bắt. Chúng định thủ tiêu ông nhưng rốt cuộc không dám và phải thả ông do áp lực đấu tranh của quần chúng cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Lê Đại Thanh đọc mấy bài thơ của ông cho tôi nghe. Tôi kinh ngạc và thuộc nhanh khi nghe những câu thơ: Tôi khổ như chàng trai tương tư/ Tìm em hò hẹn tự bao giờ/ Em là cô gái đi hài đỏ/ Rắc bướm hoa vào những giấc mơ/ Tôi bé nhưng tôi đã biết rồi/ Em là cô Tấm của đời tôi/ Bụt về cả những đêm tôi khóc/ Đám hội làng bên chẳng được mời… (Tôi yêu chuyện cổ tích nước tôi). Hay: Tôi nhớ ngày xưa mẹ già đón Tết/ Phiên chợ cuối năm mua tờ tranh đám cưới chuột/ Chuột lớn/ Chuột con/ Chuột đỏ/ Chuột xanh/ Đánh trống, thổi kèn, râu ngửa vênh vênh/ Chuột chú rể ngồi trên lưng ngựa trắng/ Cầm roi liễu/ Mắt nhìn cao lơ lẳng/ Chuột cô dâu che quạt tím theo sau/ Khênh kiệu son có bốn chuột khênh hầu/ Âm nhạc: sáo, tiêu, nhị, hồ, trống bỏi/ Đàn chuột đi vui như ngày trẩy hội… (Đám cưới chuột đỏ xanh).

Đám cưới chuột đỏ xanh ảnh 1 Nhà văn Lê Đại Thanh bên bức chân dung chính mình
“Đám cưới chuột đỏ xanh” tuy tít là về đám cưới chuột nhưng trong bài mở rộng ra cả thế giới tranh Đông Hồ và câu thơ - hình ảnh Lê Đại Thanh thích nhất chính là “Vợ chồng nhà ỉn kiễng chân/ Xoắn tít cái đuôi đinh ốc”. Ông cười tít khi đọc câu “Xoắn tít cái đuôi đinh ốc”, tay làm động tác xoáy xoáy mô tả cái đuôi của con lợn xoay tròn khi gặp chuyện sướng (khá giống với động tác tay của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát khi ông nói với tôi về khúc nhạc ông tả đôi rồng uốn lượn trên mái đình).    Thấy tôi thích, Lê Đại Thanh cao hứng chép hai bài thơ “Tôi yêu chuyện cổ tích nước tôi” và “Đám cưới chuột đỏ xanh” vào hai tờ giấy bằng thứ chữ bay bổng, phóng khoáng và ký tên hẳn hoi. Tôi rất tiếc là tuy vẫn có ý thức giữ các kỷ vật này qua mấy lần chuyển nhà nhưng khi viết bài này thì tôi không tìm thấy các bản chép tay ấy nữa! Lê Đại Thanh từ giã cõi đã lâu (1996). Một lần gặp anh Lê Chức, tôi nhắc những chuyện với cụ Lê Đại Thanh và nói muốn đến nhà anh để tìm hiểu thêm để viết cặn kẽ về ông cụ. Anh Lê Chức rất sẵn lòng nhưng công việc quản lý tờ báo bận rộn khiến tôi chưa thực hiện được ý định. Hôm nay, trước thềm năm con chuột, chợt nhớ đến Lê Đại Thanh cùng bài thơ “Đám cưới chuột đỏ xanh” của ông nên viết mấy dòng này. Và trân trọng giới thiệu lại với bạn đọc bài thơ được viết cách đây hơn 60 năm trước ấy. 
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.