'Đánh nhau chia gạo, mời nhau ăn cơm'

'Đánh nhau chia gạo, mời nhau ăn cơm'
TP - Ngày xưa, thời HTX  làm chung ăn chung cũng vậy, mỗi lần chia gạo hay thịt, cá đều rất ầm ĩ vì phần này hơn phần kia. Thế nhưng đến bữa ăn thì lại khác hoàn toàn.

Buổi trưa, toán thợ xây của anh Tuyên nhận chuyển vật liệu xây dựng lên tầng 4 của một ngôi nhà đang xây được trả công 200 nghìn đồng cho 6 người.

Long nhận tiền rồi chia cho mỗi người 30 nghìn đồng, còn 20 nghìn đồng, bảo định đưa cho anh Tuyên- trưởng nhóm nhưng Hùng tỏ vẻ không đồng ý. Long khích bác cho rằng Hùng nhỏ mọn, chơi không đẹp. “Không phải chuyện đẹp hay không đẹp, cái gì cũng thế, cứ phải công bằng!

Anh Tuyên là trưởng nhóm nhưng đây là tiền anh em làm thêm ngoài giờ, mọi người đều làm việc như nhau nên phải chia cho đều!”. Hùng cự lại. Hai người cãi nhau và nếu không ngăn kịp thời sẽ dẫn đến chuyện “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”.

Ngày xưa, thời HTX  làm chung ăn chung cũng vậy, mỗi lần chia gạo hay thịt, cá đều rất ầm ĩ vì phần này hơn phần kia. Thế nhưng đến bữa ăn thì lại khác hoàn toàn. Người Việt chúng ta quan niệm về miếng ăn thật đặc biệt.

Ngoài quan niệm “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, “ăn trông nồi ngồi trông hướng”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”… thì “miếng ăn miếng uống” là câu cửa miệng để nhắc nhở cần chú ý, trân trọng khi làm thức ăn cũng như khi dùng bữa.

Khi đến bữa ăn, người Việt cũng rất chú trọng đến chuyện mời chào bất kể đó là khách quen hay người lạ: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Trời đánh tránh miếng ăn”… Thế nên dù đó là người hàng xóm vừa cãi nhau vì chia gạo hôm qua ngoài sân kho của làng sang chơi thì cũng rất vồn vã mời ăn cơm cùng.

Nét văn hoá này không chỉ được thể hiện khi khách đến nhà mà cả ở những nơi khác. Gặp lúc người bán hàng ăn cơm ngoài chợ vào buổi trưa hay người nông dân ăn cơm ngoài đồng, ai cũng sẽ được mời ăn. Lời mời có thể coi là xã giao nhưng nếu bạn đói và muốn ăn thực sự thì sẽ được chia phần. Có lẽ hiểu rõ điều này nên rất nhiều người ăn xin nhằm vào lúc dọn cơm để đến nhà trình bày hoàn cảnh.

Tôi được biết có nhiều người nước ngoài rất ngạc nhiên khi thấy người Việt rộng rãi trong việc mời khách, đãi khách. “Nhà có khách”- là câu thông báo nhiều khi như một tiếng còi báo động của ông chồng đối với vợ. Nghe được hiệu lệnh ấy, dù nhà chẳng có xu nào đong gạo cũng phải te tái đi chợ, sang nhà hàng xóm vay mượn với tốc độ cao để đến bữa vẫn có miếng đậm miếng nhạt.

Câu nói “Giàu vì bạn, sang vì vợ” có phần nói đến chuyện này.  Đó thực sự là một nét văn hoá đẹp thể hiện lòng mến khách, hiếu khách. Tuy nhiên, nhiều khi tâm lý này được đẩy quá lên một mức dẫn đến sự vung tay quá trán theo kiểu “làm một tháng, ăn một bữa”. Cũng vì điều này mà trong bữa ăn của người Việt thường thấy thức ăn luôn dư thừa, lãng phí. Đây là một thói xấu cần được điều chỉnh.

MỚI - NÓNG