Danh xưng Thanh Hóa qua hai lát cắt sưu tầm

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại gian trưng bày của Hoàng Tuấn Liêm (bên trái) Ảnh Phan Hùng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại gian trưng bày của Hoàng Tuấn Liêm (bên trái) Ảnh Phan Hùng
TP - Gần 10 ngàn hiện vật, tư liệu hình ảnh trong đó có nhiều thứ lần đầu được phát lộ về hội tụ tại Triển lãm nhân kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029-2019). 

Một tập đại thành về Thanh Hóa thời tiền sử - sơ sử; thời kỳ phong kiến và thuộc địa nửa phong kiến; thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1945 - 1975) Thanh Hóa trong thời kỳ đổi mới. Níu chân bắt mắt người xem nhiều nhất có lẽ là hai điểm nhấn - gian trưng bày của hai bảo tàng tư nhân xứ Thanh.

Gian… bác học

 Hẵng tạm gọi thế về gian trưng bày tại bảo tàng của họa sĩ Hoàng Tuấn Liêm. Không biết gọi ông này là gì? Họa sĩ, điêu khắc gia, nhà khảo cổ hay sưu tầm đều… phải cả? Nhưng có lẽ nổi trội cái hồi Tuấn Liêm chủ trì việc phục sức phục chế công trình Điện Lam Kinh Thanh Hóa được giới khảo cổ và di sản dẫu khó tính vẫn hào phóng ban cho cụm từ là hợp lý đến từng xăng ti mét! Hiện giờ Tuấn Liêm đang được chọn mặt gửi công trình xây dựng phục chế Di tích Phủ Trịnh ở làng Biện Thượng Vĩnh Lộc Thanh Hóa mà như Tuấn Liêm nói là một thử thách, một chướng ngại lớn bởi những đòi hỏi ngặt nghèo khắt khe về quy mô, chất lượng mỹ thuật.

 Tuấn Liêm là thứ nhà nòi. Là con trưởng cụ Hoàng Tuấn Phổ, nhà nghiên cứu về cổ sử mà cái tầm lẫn cái tâm của cụ từ lẩu lâu đã vượt khỏi địa hạt của xứ Thanh. Nội ý kiến với sức nặng về tầm học thuật của cụ đã góp phần quyết định điểm chốt qua nhiều lần giới chuyên môn tổ chức hội thảo với nội dung nên lấy thời điểm nào về sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa qua các mốc niên đại năm 1010, 1029, 1061, 1076, 1082, 1111? Và cái mốc năm 1029 được ghi chép trong "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" trong bộ quốc sử thời Nguyễn đã được chọn là năm xuất hiện sớm nhất của Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc trung ương.

 Cũng không thể không kể ra người em trai của Liêm, con út cụ Phổ là cán bộ ở Sở NN&PTNT Thanh Hóa. Viên công chức trẻ tuổi này năm ngoái đã làm kinh động giới học thuật với tác phẩm phản biện cuốn từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân.

Danh xưng Thanh Hóa qua hai lát cắt sưu tầm ảnh 1 Nguyễn Hữu Ngôn (bìa phải) thuyết trình với Thủ tướng

 Đã có quá nhiều chuyện gần như giai thoại về cá tính ương, gàn của Tuấn Liêm và cả cái tính xung khắc cả với… bố! Nhưng có lẽ nếu cụ Hoàng Tuấn Phổ có chống gậy đáo qua gian trưng bày của Tuấn Liêm tại Triển lãm này có lẽ cụ cũng tạm thể tất cho anh con trai gàn bướng khó bảo nhưng lắm khi được việc này. Cung cách chọn lựa cùng  thể thức bày biện tại gian của Hoàng Tuấn Liêm phải nói là tầm thạo ngành bảo tàng lẫn cổ sử thì mới mần được.

Trích đoạn nào, hiện vật gì tiêu biểu đặc trưng trong dằng dặc gần ngàn năm của Thanh Hóa trong lịch sử Đại Việt? Dùng phiên bản hay hiện vật gốc? Năm xa ấy tôi đã lạc vào cái kho sử bằng hiện vật của Tuấn Liêm. May mắn được ông bạn tiến sĩ cổ sử lẫn hiếu cổ đi cùng vỡ vạc cho đâu là chân với ngụy trong hàng ngàn món giăng bầy đến rối và tối mắt kia. Tạm yên lòng khi cuối cuộc gặp thấy cái bắt tay với chủ nhân rằng cũng được!  

 Chưa hẳn hệ thống bài vị các triều Tiền Lê, Đinh Lý, Trần, Lê Trịnh, Nguyễn được thiết lập phục dựng một cách nghiêm ngắn trang trọng mà các hiện vật sẵn có trích xuất từ cái kho cổ sử phong phú kia ứng với thời kỳ nào đều có những món đặc trưng đặc thù như đồ sứ, đồng, điêu khắc gỗ… bầy bên cạnh như phụ họa, minh họa đã dần dà bắt mắt níu chân người coi.  Như cái đế tảng kê cột kia được điêu khắc mỹ thuật theo lối chìm nổi (âm dương) tròn trong vuông.

Khuôn tròn nổi hình cánh sen kép bao quanh phần kê chân cột xuất hiện ở thế kỷ thứ XI thuộc vương triều Lý được tìm thấy tại xã Văn Lộc huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) là ví dụ sinh động về dấu vết của nhà Lý ở xứ Thanh. Tuấn Liêm cũng nhanh nhẩu bê về một bức tượng bà vương phi nào đó được tạc rất nhã và duyên dáng. Bức tượng quý giá này Liêm có được từ một ông chuyên đi đào hang ếch đã may mắn tìm thấy ở sau di tích Nghè Vẹt nơi Tuấn Liêm đang trông coi công trình Phủ Trịnh. Bức tượng ấy có lẽ thuộc thời Lê Trịnh. Được biết, gian trưng bày của Tuấn Liêm tại Triển lãm này trích xuất hơn trăm món đồ từ cái kho năm ấy để làm cái việc minh họa.

 Ngó kiểu cung kính tự tin khi Tuấn Liêm trong phục sức cổ vòng tay thưa bẩm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông ghé gian trưng bày thấy đúng cái chất Tuấn Liêm. Cái lối ăn vận cầu kỳ pha chút diêm dúa chả phải tầm lễ trọng như thế này mà ngày thường cũng áo da mũ nón te tua không thể lẫn với ai khác. Dường như kiểu phục sức ấy là thứ chứng chỉ văn bằng và cả thương hiệu nữa để Tuấn Liêm minh chứng cái sự hành nghề của mình là nghiêm cẩn là bảo đảm là chất lượng? Như lối xưng hô trong tuồng chèo như ta đây vậy?

Và gian… bình dân

Đối diện với gian Tuấn Liêm là gian trưng bày của nhà sưu tầm tư nhân Nguyễn Hữu Ngôn.

Dân tham quan ùn ùn ùn kéo vào gian này có lúc đông hơn cái gian bác học của Tuấn Liêm.

Trong đó Hữu Ngôn bày gì? Chao ôi, chật ních vướng víu những nơm giậm, cối xay lúa, quạt thóc, cày bừa, giần sàng và cơ man nào là các loại cối đá... Thứ gọn nhẹ hơn là bát đĩa cổ, bình lọ, sắc phong, gia phả...

Hiện vật đa phần là những vật dụng thân thương một thuở một thời. Có điều lâu quá không dùng không gặp nên mắt đâm lạ đi đó thôi?  Khá bắt mắt khi tỉ mẩn lướt qua hàng trăm hiện vật. Hỏi thêm chủ nhân thì riêng một loại đĩa thôi, Ngôn đã tròm trèm 500 cái. Cối xay bằng đá đã hơn 300...

Hữu Ngôn hiện là Phó GĐ Nhà xuất bản Thanh Hóa. Tôi quen Ngôn từ thời anh là cán bộ Ban tuyên giáo tỉnh. Ngôn rất có máu viết lách. Đã có vài tập sách về văn hóa, phong tục chuyện cũ xứ Thanh đọc khá bắt mắt. Rồi Ngôn chuyển việc. Nay là Phó GĐ Nhà xuất bản Thanh Hóa kiêm Tổng Biên tập NXB.

Gần 10 năm trước, Ngôn đã bắt đầu cái thú sưu tầm. Ngôi nhà 3 tầng của Ngôn ở phố huyện Hoằng Hóa từ tầng trệt giăng lên chót thượng la liệt cùng lển nghển những món đồ kể trên  đang bầy ở gian triển lãm này!

 Đầu tiên là thích cái đã! Xin hoặc người ta cho cũng kha khá. Nhưng thứ mua mới là đáng kể. Bởi xin mãi, nguồn cũng cạn và cũng chai mặt.

Công việc cơ quan không cho phép Ngôn có điều kiện lang thang đây đó. Qua những thông tín viên, người ta đánh tiếng cho Ngôn theo phương thức thuận mua vừa bán.

Có lẽ Ngôn không thuộc loại tháo vát, năng động trong việc kiếm tiền?  Chỉ trần sì lương cơ quan. Vậy nên rinh về nhà mấy ngàn hiện vật, Ngôn phải bỏ tiền túi ra. May mà Ngôn có người vợ hiền ngoan. Ngoan bởi lâu rồi, vợ không ỏ ê chi đến lương của đức ông chồng. Hỏi việc sưu tầm tích cóp ấy để dựng một bảo tàng tư nhân? Nhưng Hữu Ngôn bộc bạch rằng hơn thế nữa, anh muốn nhắm đến cái đích lớn hơn nhiều. Đó là việc xây dựng một bảo tàng nông nghiệp (BTNN) Việt Nam!

Tại sao không? Tóc xõa, cặp mắt vẫn nét cười nhưng thoáng ánh lên những tia quyết liệt...

Ngôn thẳng tưng, qua tìm hiểu Việt Nam có tới 138 bảo tàng, 70% là nông dân, cớ sao lại không có BTNN?

BTNN Việt Nam là thứ bảo tàng tổng hợp: bảo tàng lịch sử nông nghiệp Việt Nam, bảo tàng văn hóa và bảo tàng nhân học.

Ngôn rành rẽ như một chuyên gia thực thụ. Đơn cử một vài việc: Đó là hệ thống các công cụ sản xuất bao gồm: Công cụ làm đất (mảnh tước, rìu đá, rìu đồng, cày, bừa, cuốc, mai, vồ...), công cụ làm cỏ (các loại cào, nạo, dao phạt, liềm...), công cụ thủy lợi (gầu giai, gầu sòng, kênh mương, cọn nước, đê điều...), công cụ chế biến sản phẩm nông nghiệp (các loại cối xay, cối giã, các loại nồi, chõ, niếng...), công cụ lưu giữ, bảo quản lương thực, thực phẩm (đồ sành, gốm, sứ như vò, âu, ang, vại, chum, xồm, kiệu...), sản phẩm của các ngành nghề, các làng nghề (sản phẩm đan lát, nghề đúc, nghề mộc, nề...). Phải có không gian, môi trường thực cho hiện vật phô diễn hết ngôn ngữ cùng giá trị của nó... Tóm lại phải làm một cách khoa học nghiêm túc cẩn trọng.

Chưa hết... BTNN VN ở giác độ này cần một cách thể hiện sinh động qua các tác phẩm viết về nông nghiệp, các cách trình diễn, sân khấu hóa, điện ảnh hóa, số hóa... trình chiếu trên phương tiện thông tin, phương tiện nghe nhìn. Các hiện vật phải được giới thiệu ở cả hai chiều: Chiều không gian và chiều thời gian của đời sống vật chất.

Được biết từ năm 2012, Ngôn đã tâm huyết bộc bạch mọi thứ trong đơn đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc xây dựng BTNN VN. Gửi cho cả Bộ văn hóa. Sau đó cả hai Bộ đã có thư cảm ơn và ghi nhận sự quan tâm…

Bẵng từ bấy đến nay chả thấy tín hiệu hay hồi âm gì. Hữu Ngôn cứ âm thầm làm cái việc tích góp sưu tầm.

Thôi thì hai Bộ có thể chưa biết hết và cũng chưa chứng kiến công sức của Nguyễn Hữu Ngôn thì bữa nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu lại gian hàng của Ngôn và được chủ nhân bộc bạch nhiều điều…

Nghĩ cũng ngồ ngộ. Hai gian trưng bày bảo tàng. Gian bác học, gian bình dân như hai mảng miếng lát cắt của sử về gần ngàn năm cái tên Thanh Hóa trong sử Việt. Mà tính khí của hai ông chủ này hình như cũng là lát cắt đặc trưng của tính cách xứ Thanh vậy?

MỚI - NÓNG