Đạo ảnh bị khai trừ, đạo sách ảnh không sao?

Cuốn sách của Đức (trái) và cuốn sách bị tố đạo văn, in lần đầu năm 1999 (chục năm sau NXB Sân Khấu tái bản). Ảnh: Trinh Nguyễn.
Cuốn sách của Đức (trái) và cuốn sách bị tố đạo văn, in lần đầu năm 1999 (chục năm sau NXB Sân Khấu tái bản). Ảnh: Trinh Nguyễn.
TP - Một hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam bức xúc về việc một cuốn sách đạo văn (sách về nhiếp ảnh) được trao giải lý luận phê bình của Hội. Sau 3 năm, giải thưởng không bị thu hồi, trong khi một người khác đạo ảnh thì bị khai trừ khỏi Hội.

Vừa qua, Ban chấp hành Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam quyết định khai trừ một hội viên vì tội đạo ảnh. Trong một cuộc họp giao ban, gặp gỡ đông đảo hội viên khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận tháng 3/2015 tại Trung tâm Lưu trữ Ảnh nghệ thuật Quốc gia, ông Vũ Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh đã thông báo về việc khai trừ này. Cựu chủ tịch Hội, ông Chu Chí Thành phát biểu: “Hoan nghênh sự nghiêm minh của Ban chấp hành với hành vi đạo ảnh. Thế còn đạo văn, đạo sách thì sao? Cần có một hội đồng xem xét việc này và Hội phải có kết luận. Không thể lẫn lộn trắng đen, úp mở mãi được”. Ý kiến của ông Chu Chí Thành thu hút sự chú ý đồng tình của đa số nghệ sĩ, vì vụ bê bối này xảy ra đã 4 năm, đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Số là vào năm 2012, giải thường niên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao giải B trị giá 8 triệu đồng cho công trình nghiên cứu lý luận phê bình năm 2011, cuốn sách Lịch sử nhiếp ảnh thế giới đề tên tác giả Trần Mạnh Thường- nguyên Phó Ban Lý luận Phê bình của Hội. (NXB Sân Khấu ấn hành). Trong lễ công bố giải thưởng ngày 13/1/2012, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Chu Chí Thành, cựu Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, từng du học ở Đức, chỉ ra: “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới được dịch từ cuốn Lịch sử nhiếp ảnh (Geschichte der photographie) của Beaumont Newhall, NXB Chirmer/Mosel (CHLB Đức) xuất bản”. Ông Thành khẳng định, cuốn sách của Trần Mạnh Thường chỉ là sách dịch chứ không phải công trình nghiên cứu! Nó có các chương sắp xếp giống nhau so với cuốn sách gốc, và cùng một nội dung, từ chương I: Sự ra đời của chiếc hộp tối, chương II: Phát minh, … đến chương cuối cùng XVI: Những bước phát triển mới. Ngay các bức ảnh minh họa cuốn sách của Trần Mạnh Thường cũng lấy từ cuốn tiếng Đức. Rồi ông Chu Chí Thành chất vấn ông Trần Mạnh Thường về điều này. Ông Thường chỉ ngồi im chịu trận.

“Việc không thu hồi giải thưởng cuốn “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới” cho thấy Ban chấp hành chưa nhận thức hết việc làm sai trái này”.

NSNA Đặng Đình An, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội

Trở lại cuộc họp thông báo khai trừ hội viên năm nay. Sau phát biểu của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Khánh đáp, như từng trả lời phỏng vấn của báo giới mấy năm trước: “Đây cũng là tác phẩm liên quan đến lý luận của nhiếp ảnh! Dù biên soạn từ những nguồn tư liệu khác thì công sức để soạn cuốn sách cũng không nhỏ... Số tiền giải thưởng 8 triệu không nhiều, vì thế Hội không đặt vấn đề thu lại”.

Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Đức Tân thẳng thắn: “Hội phải có quan điểm dứt khoát và trả lời rõ ràng trước công luận và hội viên!”.

NSNA Trần Đương, chuyên gia văn hóa Đức, nhà dịch thuật văn học, hiện là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt - Đức nêu ý kiến: “Nếu Hội NSNA lập hội đồng để xem xét chuyện đạo văn này thì tôi xin tham gia vì tôi biết tiếng Đức, có thể so sánh bản tiếng Việt và tiếng Đức để làm rõ. Vấn đề không phải là tiền thưởng nhiều hay ít mà ở chỗ có trung thực hay không”.

Đạo văn và đạo ảnh! Đều là đạo cả. Vậy mà đạo ảnh bị xử lý nặng còn đạo văn, đạo sách ảnh thì cho qua? Vẫn được công nhận giải thưởng, còn lãnh đạo Hội thì giải thích quanh co, khiến hội viên lấy làm khó hiểu, bức xúc.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.